SỰ CẦN THIẾT LẬP QHTTQG VÀO THỜI ĐIỂM HIỆN NAY

Về mặt pháp lý, Luật Quy hoạch ban hành năm 2017 yêu cầu lập QHTTQG, là quy hoạch ở cấp cao nhất, làm cơ sở để lập các quy hoạch khác, như: Quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Về mặt thực tiễn, sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế - xã hội nước ta đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn một số hạn chế, như: (1) Không gian phát triển đất nước bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng tuy đã được chú trọng nhưng vẫn chưa thực chất, hiệu quả; (2) Đầu tư phát triển vẫn còn dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ nét các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của đất nước; (3) Chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ và hiện đại, kết cấu hạ tầng giao thông chưa được hoàn thiện, hạ tầng năng lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển; một số công trình hạ tầng xã hội quan trọng chậm được đầu tư; (4) Hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, đô thị hóa chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tác động lan tỏa của khu vực đô thị còn hạn chế; (5) Chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch còn dàn trải, hiệu quả chưa cao…

PHẠM VI, MỤC TIÊU CỦA QHTTQG

QHTTQG xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng trên lãnh thổ đất nước. Những hoạt động thuộc phạm vi của một vùng, một địa phương sẽ được đưa vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Nội dung QHTTQG cũng tập trung vào các định hướng lớn, quan trọng, không đi sâu vào các nội dung cụ thể, chi tiết của các quy hoạch ngành quốc gia.

Để bảo đảm tính liên tục, ổn định, đồng bộ và thống nhất của hệ thống quy hoạch quốc gia; trong quá trình xây dựng QHTTQG đã kế thừa các quy hoạch đang còn hiệu lực và mới được phê duyệt, như: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch ngành giao thông vận tải, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long…; và cũng đã phối hợp chặt chẽ với việc lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh. Sự phối hợp thông qua việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng Khung định hướng QHTTQG (trong đó, xác định các quan điểm, mục tiêu, các ưu tiên phát triển) để cung cấp thông tin cho các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh lập; đồng thời, trong quá trình lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đều có trao đổi, xin ý kiến về các định hướng lớn liên quan đến vùng và địa phương.

Mục tiêu của QHTTQG là xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

THAM KHẢO KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ THAM VẤN/LẤY Ý KIẾN VỀ QHTTQG

Do lập QHTTQG lần đầu, chưa có kinh nghiệm, nên nhiều năm trước đây, trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thu thập rất nhiều quy hoạch cấp quốc gia của các nước, kể cả các nước phương Tây và các các nước trong khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á với các tên gọi khác nhau, như: quy hoạch tổng thể, quy hoạch không gian, quy hoạch vật thể, quy hoạch lãnh thổ. Đã tổ chức các đoàn công tác, khảo sát, làm việc trực tiếp trao đổi kinh nghiệm lập quy hoạch tại các nước phương Tây, như: Pháp, Anh, Canada; các quốc gia trong khu vực, như: Malaisia, Hàn Quốc, Nhật Bản là các nước có điều kiện khá tương đồng và có trình độ phát triển cao hơn nước ta.

Đồng thời, đã tổ chức rất nhiều các hội thảo, hội nghị, như: các hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; các hội thảo tham vấn các tổ chức quốc tế; các tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín, như: McKinsey, BCG, PwC… Đặc biệt là với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi làm việc, tham vấn cả trực tiếp và trực tuyến với các chuyên gia hàng đầu của thế giới để tư vấn về một số nội dung quan trọng của QHTTQG, như: việc xây dựng các hành lang kinh tế, vùng động lực, vùng đô thị lớn, dự báo tác động của bối cảnh quốc tế, khu vực đến QHTTQG.

NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI KỲ QUY HOẠCH

Trong khi các nguồn lực phát triển có hạn, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển. Trong thời kỳ quy hoạch, định hướng tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng gắn với bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, khai thác không gian phát triển mới. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thời kỳ quy hoạch bao gồm:

- Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị, hạ tầng số, bảo vệ môi trường, thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng văn hóa, xã hội.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và không gian phát triển, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

- Phát triển các vùng động lực[1], cực tăng trưởng[2] quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu lôi kéo sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

- Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế[3] theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG ĐỘNG LỰC, HÀNH LANG KINH TẾ

Các vùng động lực quốc gia

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm: Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Tứ giác TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng ven biển Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi và Tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang (bao gồm cả Phú Quốc) với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên. Trong giai đoạn sau năm 2030, nghiên cứu bổ sung địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Sóc Trăng vào các vùng động lực quốc gia khi có điều kiện phù hợp.

Các hành lang kinh tế

Các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030

(1) Hành lang kinh tế Bắc – Nam: Ưu tiên hình thành và phát triển Hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 1A; đường sắt Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao…). Đây là hành lang kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng, kết nối các vùng động lực, các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của dải ven biển và khu vực phía Tây đất nước. Hình thành liên kết giữa trung tâm các vùng để tạo mối quan hệ kinh tế liên vùng trên trục hành lang. Mở rộng phát triển đô thị và hệ thống khu, cụm công nghiệp, trung tâm dịch vụ, du lịch gắn với các đô thị trung tâm tỉnh và vùng. Xây dựng phương án, bố trí không gian phát triển các đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logistics… gắn với hành lang kinh tế Bắc - Nam trong các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để từng bước hình thành hành lang kinh tế.

(2) Các hành lang kinh tế Đông – Tây: Phát triển hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là trục kết nối chủ đạo của vùng động lực phía Bắc và kết nối vùng Trung du và miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển của cả nước; thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam và khu vực phía Tây Nam Trung Quốc. Phát triển Hành lang kinh tế Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu gắn với hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn

(1) Hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ để thúc đẩy phát triển, liên kết vùng, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh.

(2) Các hành lang kinh tế Đông - Tây: Hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội, kết nối tiểu vùng Tây Bắc với vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Tây Bắc; Hành lang kinh tế Cầu Treo - Vũng Áng kết nối các địa phương Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra cảng biển tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Bắc Trung Bộ; Hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng gắn với hành lang Kinh tế Đông - Tây thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), kết nối các địa phương phía Nam Myanma, miền Trung của Thái Lan và Lào ra cảng biển của miền Trung Việt Nam, thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch, đầu tư giữa các nước, phát triển các địa phương Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ; Hành lang kinh tế Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn, là cửa ngõ ra biển của khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, kết nối các tỉnh Bắc Tây Nguyên với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và cảng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; Hành lang kinh tế Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trục ngang trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với cảng biển phía ngoài khơi cửa Trần Đề phục vụ xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng trong tương lai, thúc đẩy phát triển khu vực này thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics liên quan đến nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Hành lang kinh tế Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau, kết nối với hành lang ven biển phía Nam của Tiểu vùng Mê Công mở rộng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển Tây và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch sẽ nghiên cứu bổ sung thêm và mở rộng phạm vi của một số một số hành lang kinh tế Đông - Tây.

ĐỊNH HƯỚNG SẮP XẾP KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

Đối với các ngành sản xuất, kinh doanh

Bố trí không gian công nghiệp theo hướng gắn với hệ thống đô thị, trung tâm dịch vụ để hình thành các hành lang kinh tế, các vùng động lực. Mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía Tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vùng trung du để giảm sức ép sử dụng quỹ đất tại vùng đồng bằng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến gắn với các vùng nguyên liệu, tài nguyên; mở rộng các cụm công nghiệp (chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp gia công, hỗ trợ...) gắn với các trung tâm phát triển ở khu vực nông thôn. Phân bố các khu, cụm công nghiệp với quy mô hợp lý, tập trung chuyên ngành, gắn kết sản xuất với dịch vụ công nghiệp; phát triển các tổ hợp công nghiệp chuyên sâu trong các lĩnh vực. Hình thành các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại; bảo đảm sự kết nối đồng bộ giữa khu công nghiệp với hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Xây dựng các trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng... mang tầm khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, gắn với phát triển các vùng động lực, các hành lang kinh tế. Hình thành các trung tâm logistics lớn gắn với các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế lớn. Hình thành và phát triển các khu vực động lực phát triển du lịch, các trung tâm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng với tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế để thúc đẩy, lan tỏa sự phát triển du lịch của vùng và cả nước.

Phát triển nền kinh tế nông nghiệp có sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới với các vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả, quy mô phù hợp dựa trên lợi thế vùng, miền, địa phương. Cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo một cách hợp lý. Vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, hữu cơ, nông nghiệp phục vụ đô thị, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng diện tích trồng cây ăn quả, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn vùng Tây Nguyên, vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đối với khu vực ven biển, phát triển nuôi trồng thủy sản ven bờ kết hợp trồng và bảo vệ rừng ngập mặn; giảm dần mức độ khai thác thủy sản vùng khơi, bố trí lại sinh kế của cộng đồng ngư dân sang phát triển nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, dịch vụ du lịch.

Đối với các ngành hạ tầng kỹ thuật

Tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng để hỗ trợ hình thành các hành lang kinh tế và sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực.

Hoàn thành xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, kết nối các cảng biển đặc biệt, sân bay quốc tế, các cửa khẩu quốc tế có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn; các tuyến cao tốc gắn với hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây. Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trước mắt triển khai đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang – TP. Hồ Chí Minh. Xây dựng đường sắt vùng, đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và cửa khẩu quốc tế quan trọng. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đầu mối, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nâng cấp, xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế tại các miền. Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; tập trung mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn đóng vai trò đầu mối: Nội Bài, Tân Sơn Nhất; mở rộng các cảng hàng không quốc tế gắn với các vùng động lực. Đầu tư, nâng cấp đồng bộ các tuyến sông chính để vận tải hàng hóa, container, hàng hóa chuyên dụng, khối lượng lớn trên các tuyến đường thủy nội địa tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tư và khai thác hiệu quả hành lang vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Phát triển hạ tầng năng lượng, chuyển đổi năng lượng theo hướng sử dụng nguồn nhiên liệu xanh, sạch; phát triển các nguồn điện gió, điện mặt trời, nhất là các nguồn có hệ thống lưu trữ năng lượng, điện sinh khối và các loại năng lượng tái tạo khác, nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới mạng lưới đường dây 500 KV truyền tải liên vùng đồng bộ với hình thành các trung tâm điện lực. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Phát triển công nghiệp khí; nghiên cứu đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ hiệu quả nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ và liên kết chặt chẽ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ số tiên tiến; bảo đảm an toàn thông tin mạng, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu khu vực. Hoàn thiện các nền tảng số quy mô quốc gia để vận hành thông suốt, đáp ứng được yêu cầu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Hoàn thành xây dựng và nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện các giải pháp làm sống lại các sông nội địa, bảo đảm các công trình thuỷ lợi có thể chủ động lấy nước trong mọi thời gian tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Xây dựng, củng cố hệ thống công trình phòng, chống lũ, chống ngập lụt bảo vệ các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn…

Đối với các ngành hạ tầng xã hội

Ưu tiên đầu tư các cơ sở hạ tầng xã hội chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, các vùng động lực. Quan tâm xây dựng hạ tầng xã hội tại các địa bàn khó khăn, bảo đảm hài hòa, cân đối giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội. Hình thành mạng lưới an sinh xã hội đồng bộ, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Nâng cấp một số đại học, trường đại học lớn và trường đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo chất lượng cao, có uy tín trong khu vực và thế giới. Phát triển một số khu đô thị đại học, các trung tâm đào tạo nghề, nhất là đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với phát triển các ngành nghề ưu tiên tại các trung tâm kinh tế lớn.

Xây dựng một số bệnh viện ngang tầm khu vực và quốc tế; hình thành, phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu hiện đại. Xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật quốc gia. Xây dựng một số cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin quốc gia. Phát triển các trung tâm kiểm nghiệm cấp vùng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế...

Xây dựng các cơ sở văn hóa quốc gia trở thành những thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước. Xây dựng mới, nâng cấp các bảo tàng quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đầu tư cải tạo, nâng cấp các thư viện cấp quốc gia, thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học… Tiếp tục đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở nghệ thuật biểu diễn quốc gia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế. Đầu tư phát triển, tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hóa, nhất là các di sản được UNESCO công nhận. Phát triển mạng lưới cơ sở thể dục thể thao quốc gia đồng bộ, hiện đại, có một số công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hình thành và phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh, thành phố có điều kiện. Hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo trên cơ sở liên kết các tổ chức khoa học và công nghệ với các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu. Đầu tư trọng điểm để phát triển một số tổ chức khoa học và công nghệ đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới./.

[1] Vùng động lực là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia hoặc của một vùng, hội tụ các điều kiện và yếu tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, trình độ phát triển cao, giữ vai trò dẫn dắt, đầu tàu thúc đẩy, lan tỏa phát triển chung của cả nước hoặc của một vùng.

[2] Cực tăng trưởng được quan niệm là đô thị lớn, trung tâm kinh tế, khu kinh tế hội tụ những lợi thế phát triển vượt trội, có hệ thống kinh tế - xã hội đang tiếp tục hình thành và phát triển, qua đó phát huy lợi thế vốn có, bổ sung lợi thế mới, có tác động lôi kéo, chi phối sự phát triển của một vùng.

[3] Hành lang kinh tế là một không gian phát triển kinh tế được hình thành trên cơ sở tuyến trục giao thông huyết mạch, bao gồm các đô thị, trung tâm kinh tế kết nối dọc theo tuyến trục giao thông, tạo động lực cho sự phát triển toàn tuyến, đồng thời lan tỏa và lôi kéo sự phát triển của các khu vực lân cận.

TS. Trần Hồng Quang

Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29, tháng 10/2022)