Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chỉ rõ, tái cơ cấu nền kinh tế không thể không tái cơ cấu nguồn lực/ Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân

Luật Quy hoạch đóng vai trò là bộ quy tắc, kịch bản phát triển

Phát biểu tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Luật Quy hoạch với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế", ngày 17/10/2016, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chỉ rõ, tái cơ cấu nền kinh tế không thể không tái cơ cấu nguồn lực. Và, để bắt đầu việc đưa các nguồn lực vào nền kinh tế, việc công khai bản quy hoạch là điều quan trọng.

Theo Thứ trưởng, có hai vấn đề lớn trong Luật này góp phần tạo ra 2 thay đổi lớn trong việc làm quy hoạch so với trước đây, góp phần thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Thứ nhất, làm quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp. Trước kia, vẫn có những gạch nối giữa chiến lược và quy hoạch đấy, nhưng các gạch nối ngành, lĩnh vực không đi cùng các vector theo chiều ngang thuần túy, nó không gắn liền với nhau mà đè lấn, triệt tiêu nhau.

“Giờ đây, với cách làm tích hợp trong xây dựng bản quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển đất nước”, vị lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Nguyên tắc quan trọng nhất của quy hoạch là kế thừa những yếu tố hợp lý và bảo tồn những yếu tố đó vĩnh viễn như các di tích lịch sử ông cha để lại, các khu bảo tồn thiên nhiên như Sơn Đoòng, Vịnh Hạ Long.

Thứ hai, những kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu đã tồn tại, thì chúng ta phải ghi nhận.

“Chúng tôi nguồn phân tích là hệ thống giao thông đi về hướng nào là hiệu quả, vùng nào phát triển kinh tế công nghiệp sẽ hiệu quả nhất, chỗ nào nhu cầu dịch chuyển hàng hóa, con người nhiều hơn thì tập trung phát triển giao thông nhiều hơn... sẽ được tính toán, ưu tiên vào bảo đảm làm sao để nguồn lực có thể đáp ứng được”, Thứ trưởng Đông cho hay.

Còn theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), Luật Quy hoạch đóng vai trò là bộ quy tắc, kịch bản phát triển.

“Nếu anh có bộ quy tắc đúng thì anh sẽ xây dựng được kịch bản phát triển không theo chủ quan mà phải theo khách quan. Lúc đó ta sẽ thấy, từ kịch bản phát triển do bộ quy tắc mà Luật Quy hoạch quy định thì chúng ta mới tính ra được mô hình tăng trưởng nào là hợp lý, mô hình phát triển nào là hợp lý, lấy nguồn lực tài nguyên thiên nhiên là chủ đạo hay vốn đầu tư là chủ đạo hay nguồn nhân lực là chủ đạo cộng với công nghệ…”, ông Võ chỉ rõ.

Cần xử lý tốt mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch với luật chuyên ngành

Là luật rất quan trọng, Luật Quy hoạch có tác động đến hoạt động quản lý của tất cả các ngành, các lĩnh vực. Hiện nay, có đến 95 luật và pháp lệnh có những quy định về quy hoạch, tạo ra một cái gì đó khi chưa có luật quy hoạch không thống nhất và khó thực hiện.

“Nhận xét đâu đó còn chút cải lương, thỏa hiệp… Thực sự, chúng tôi còn bị coi là không tiếp thu, là cố chấp, là bảo thủ. Nhưng trong mọi luật khi làm chúng ta đều khó tránh khỏi”

-Thứ trưởng Đặng Huy Đông-

“Vậy khi Luật Quy hoạch ra đời thì chúng ta xử lý vấn đề này như thế nào? Phải chăng là chúng ta sẽ bỏ tất cả những quy định về quy hoạch trong các luật chuyên ngành?”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt câu hỏi.

Cho rằng, sau Luật Quy hoạch ra đời, chúng ta không phải cắt bỏ cơ học mà có những nội dung hợp lý phải được kế thừa và tích hợp để đưa vào trong các quy định trong Luật Quy hoạch, ông Tùng bày tỏ: “Quan điểm của chúng tôi là cần phải rà soát các luật chuyên ngành để xem được những nội dung nào còn phù hợp thì giữ lại và có chỉnh sửa phù hợp để tiếp tục thực hiện”.

Với tinh thần cần phải xác định rõ những nội dung gì trong Luật Quy hoạch là quy định cứng có tính nguyên tắc và các luật khác là phải tuân theo. Nhưng, cũng có những nội dung cần để quy định ở các luật chuyên ngành để phù hợp, thì sẽ khả thi và phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước nhất là chuyên ngành.

Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch cũng phải có bao quát tương đối thế nào đó để có những trường hợp mà trong 52 các đạo luật đề cập đến quy hoạch mà không quy định cụ thể thì những trường hợp như thế khi cần quy hoạch vẫn có thể áp dụng được quy hoạch để làm quy hoạch trong ngành, lĩnh vực đó.

“Luật vừa phải bao quát nhưng nó vừa để lại không gian cho các luật chuyên ngành khi cần họ vẫn có thể quy định ở mức độ nào đó chứ không trái với Luật Quy hoạch để bảo đảm yêu cầu quản lý trong lĩnh vực đó”, ông Tùng nhấn mạnh.

Về phía cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, tư tưởng lớn nhất phải là chiến lược phát triển quốc gia, phải từ Đại hội Đảng, từ Quốc hội ra Nghị quyết, từ Chính phủ triển khai thực hiện. Từ đó, tất cả các cơ quan liên quan phải ngồi với nhau, thực hiện bằng được kịch bản phát triển kinh tế như thế. Chứ không còn là câu chuyện ai dẫn dắt ai.

“Bây giờ làm quy hoạch nó phải có quy hoạch tổng thể. Điều ấy không có nghĩa Bộ Kế hoạch và Đầu tư là duy nhất làm về chiến lược phát triển kinh tế- xã hội. Đây là chiến lược chung của cả nước, và nhiều chuyên gia của các viện, các trường khác cũng tham gia vào. Nó là bản chất câu chuyện, tái cơ cấu không thể không thay đổi cách làm quy hoạch!”, Thứ trưởng mạnh mẽ./.