Đó là dự báo được nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố tại Hội thảo “Kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế gắn với hội nhập kinh tế: diễn biến năm 2016 và định hướng 2017”, ngày 18/01/2017.

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM): Kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm 2016 đầy biến động

Năm 2016 đầy biến động

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) đánh giá, kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm 2016 đầy biến động.

“Khởi đầu với nhiều kỳ vọng về sự phục hồi và tín hiệu cải cách, song nền kinh tế đã phải đương đầu với không ít bất lợi. Bất định gia tăng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực được kỳ vọng sẽ là lực kéo quan trọng, song không có tiến triển trong các tháng cuối năm”, ông Dương lý giải cho nhận định của nhóm nghiên cứu.

Một số ngành kinh tế và doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh trong các tháng đầu năm. Nguồn lực trong dân cư chậm được khơi thông.

Trong bối cảnh ấy, kinh tế Việt Nam cũng có một số điểm sáng trong năm 2016. Tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu tương đối cao so với mặt bằng khu vực và thế giới.

Đà cải cách thể chế được khơi dậy mạnh mẽ, đi kèm với những nỗ lực kịp thời, thực chất của Chính phủ để tháo gỡ các vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh, hệ lụy môi trường – xã hội của các dự án đầu tư...

Năm qua, tư duy điều hành đã hướng nhiều hơn đến đến nền tảng tăng trưởng. Chính phủ đã tập trung: (i) giải quyết những vấn đề bức xúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; (ii) đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, quản lýđiều hành bằng pháp luật, cơ chế chính sách, công cụ kinh tế; (iii) hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính; (iv) nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm thực thi, phấn đấu tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách và hành động.

Tương tác giữa Chính phủ với doanh nghiệp được cải thiện, không chỉ ở trong quá trình thực hiện mà còn cả xây dựng, giải trình, và giám sát chính sách. Nhờ đó, nền kinh tế phục hồi dần qua các quý, góp phần vào việc thực hiện đạt và vượt 11/13 chỉ tiêu kế hoạch năm 2016.

GDP tăng 6,76% trong Quý IV/2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm 2011-2013, nhưng thấp hơn giai đoạn 2015-2016. Tính chung cả năm 2016, tốc độ tăng GDP đạt 6,21%, thấp hơn cả mục tiêu định hướng (từ 6,3-6,5%).

“Đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động không thuận và khó đoán định, giá cả và thương mại toàn cầu giảm và khó khăn kinh tế trong nước, kết quả tăng trưởng năm 2016 của Việt Nam ít nhiều đáng khích lệ”, thay mặt nhóm nghiên cứu ông Dương đánh giá.

Một điểm sáng trong năm 2016, đó là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015; tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1%; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2015. Năm 2016 có 26.689 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,1% so với năm trước.

Điều này cho thấy những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nới lỏng điều kiện kinh doanh và định hướng tái cơ cấu kinh tế bước đầu đã tạo dựng được cơ hội, khơi dậy tinh thần kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo

Song vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác điều hành

Mặc dù có nhiều điểm tích cực, nhưng theo nhóm nghiên cứu của CIEM, công tác điều hành kinh tế - xã hội năm 2016 đã gặp phải một số hạn chế nhất định.

Thứ nhất, chất lượng công tác kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với yêu cầu đề ra. Cụ thể, công tác kế hoạch chưa giúp chuẩn bị trước được nhiều kịch bản điều hành đối với những biến động, rủi ro có thể xảy ra trong năm 2016.

Bài học của giai đoạn 2011-2015 với việc thay đổi đáng kể trọng tâm chính sách so với kế hoạch đề ra (vốn được xây dựng vào năm 2010) chưa được tiếp thu đáng kể trong thời gian qua.

“Không ít mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 đã nhanh chóng được điều chỉnh, ít nhất về cách tiếp cận”, ông Dương cho biết.

Thứ hai, động lực cải cách còn chưa thật sự vững chắc. Tư duy điều hành hướng tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu mang tính ngắn hạn khác còn tương đối phổ biến.

Tư duy tái cơ cấu kinh tế (đặc biệt là trong các lĩnh vực đầu tư công, DNNN và ngân hàng thương mại) ít nhiều vẫn được thể hiện, song chưa thật thực chất do thiếu sự đánh đổi trong việc thực hiện các mục tiêu điều hành hàng quý/năm.

Quyền tự do kinh doanh chậm được cụ thể hóa, ít nhiều vẫn bị giới hạn bởi các nghị định có tính chất “thay thế thuần túy” các thông tư trước đây. Nguồn lực của dân cư chậm được khơi thông.

Việc tạo thuận lợi cho hoạt động của nhà đầu tư và doanh nghiệp mới chỉ dừng ở việc cắt giảm các thủ tục và/hoặc thời gian để hoàn thiện các thủ tục này. Cải cách chưa chạm tới thể chế phối hợp, phân định trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động nói trên.

“Ở một chừng mực nhất định, những sự cố như hệ lụy môi trường biển của dự án Formosa phần nào làm sống lại cách tiếp cận “tiền kiểm tốt hơn hậu kiểm”, thậm chí là sự “ngần ngại” quá mức đối với việc cấp phép cho hoạt động của nhà đầu tư”, ông Dương chia sẻ.

Thứ ba, công tác hội nhập kinh tế quốc tế còn chưa đạt được sự chủ động cần thiết. Một mặt, công tác chuẩn bị trong nước để chủ động tận dụng các cơ hội từ hội nhập còn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Mặt khác, Việt Nam chưa đóng góp đáng kể vào việc xây dựng luật chơi chung cho thương mại và đầu tư toàn cầu – một mục tiêu hướng tới khi tham gia TPP.

Đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, năm 2016, thâm hụt ngân sách rất lớn, ngay cả khi dự báo tăng trưởng thấp, Chính phủ không có biện pháp hữu hiệu để giảm chi ngân sách.

Dự toán thu ngân sách không được điều chỉnh dù đầu năm qua nhìn rõ khó khăn của nền kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là tình trạng giảm sút của ngành khai khoáng và dầu mỏ.

Đặc biệt, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh, vấn đề tăng thâm hụt ngân sách "nguy hiểm" khi ảnh hưởng tới nền tảng khu vực công và kéo theo ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế. Khó khăn ngân sách, Chính phủ đã phát hành 250.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ hoàn thành trong 9 tháng đầu năm, quý IV lại tiếp tục phát hành.

Việc bổ sung trái phiếu trong quý IV làm tăng bất định đối với khu vực tư nhân khi Chính phủ tham gia thị trường vốn cạnh tranh với khu vực này.

Ông Dương phân tích: "Trái phiếu chính phủ "chèn lấn" khả năng tiếp cận vốn trung và dài hạn của khu vực tư nhân. Nếu Chính phủ không tham gia, Ngân hàng Nhà nước vẫn hỗ trợ cho ngân hàng có thể số vốn trái phiếu Chính phủ quý 4 sẽ chạy vào khu vực tư nhân. Đây là cơ hội đã bỏ qua cho khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế".

"Chính phủ kiến tạo phải là không lãng phú nguồn lực, không cạnh tranh với khu vực tư nhân", đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM lưu ý.

Những dự báo cho năm 2017

Nhóm nghiên cứu cũng công bố kết quả dự báo cho năm 2017. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế năm 2017 ước đạt 6,43%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 7,2%. Thăng dư thương mại ở mức 1,8 tỷ USD, chủ yếu do nhập khẩu tăng trưởng chậm và giá dầu thô phục hồi. Mức tăng giá tiêu dùng (bình quân năm 2017 so với bình quân năm 2016) là khoảng 3,46%.

Kết quả dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2017

Đơn vị: %

Tăng trưởng GDP

6,43

Lạm phát

3,46

Tăng trưởng xuất khẩu

7,2

Cán cân thương mại (tỷ USD)

1,8

Nguồn: Dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2017, đặc biệt là quý I, tiếp tục chịu ảnh hưởng của một số yếu tố:

Một là, quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn còn bất định. FED để ngỏ khả năng tiếp tục nâng lãi suất USD, dù có nhiều đồn đoán về thời điểm, mức độ tăng (nếu có). Nếu điều này không được hiện thực thì dòng vốn và/hoặc mặt bằng lãi suất và/hoặc tỷ giá VNĐ/USD ở Việt Namtiếp tục phải đối mặt với nhiều bất định hơn.

Hai là,quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chậm lại trên bình diện khu vực và thế giới, qua đó có thể ảnh hưởng đến cải cách mang tính nền tảng ở Việt Nam (về cạnh tranh, DNNN...). Xu hướng bảo hộ và trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp.

Ba là, tỷ giá có thể diễn biến nhanh và phức tạp hơn, không chỉ do động thái từ phía Hoa Kỳ mà có thể còn do phản ứng đối kháng/bổ trợ của các nền kinh tế chủ chốt khác.

Bốn là, xử lý rủi ro thông tin là không dễ trong bối cảnh thay đổi nhanh, yêu cầu cải cách diễn ra trong nhiều lĩnh vực và các góc nhìn đa chiều hơn.

Cuối cùng, ổn định kinh tế vĩ mô phụ thuộc vào khả năng ứng phó của Việt Nam, thể hiện qua chất lượng của các kịch bản.

“Tăng trưởng kinh tế đã tới hạn, đòi hỏi các cải cách thực chất, sâu rộng đối với nền tảng kinh tế vi mô, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh. Sâu xa hơn, các cải cách ấy phải khơi dậy tinh thần kinh doanh trong một môi trường kinh doanh thân thiện, song hành với một Chính phủ kiến tạo và minh bạch”, nhóm nghiên cứu đề xuất.

Từ góc nhìn ấy, theo ông Dương, khung chính sách của Đảng và Quốc hội, được ban hành vào tháng 11/2016, mới chỉ giúp thống nhất định hướng ở cấp cao nhất về yêu cầu cải cách nền tảng kinh tế vi mô, tạo lập cơ sở cho thị trường vận hành lành mạnh hơn. “Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư chỉ được củng cố và chuyển biến thành hành động nếu những định hướng ấy được kịp thời cụ thể hóa, với những chính sách khả thi, minh bạch, gắn với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ các cấp”, ông Dương khẳng định.

Những ấn tượng của cộng đồng doanh nghiệp, giới truyền thông về người dân đối với bộ máy Chính phủ mới trong năm 2016 – năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2016-2020 – là khá tích cực.

Ấn tượng ấy không chỉ dừng ở những thông điệp chính sách hay những dự thảo Luật, mà còn là những nỗ lực “gần dân”, “gần doanh nghiệp” như đối thoại trực tiếp và cởi mở, kịp thời tháo gỡ những rào cản hay hành vi cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, quyền lợi chính đáng của người dân.

“Một mặt, niềm tin của thị trường, cộng đồng dân cư sẽ là nền tảng để Chính phủ tiếp tục vững tâm hơn đối với công cuộc kiến tạo, thúc đẩy cải cách kinh tế. Mặt khác, duy trì những ấn tượng ban đầu ấy cũng đòi hỏi các nỗ lực của Chính phủ trong năm 2017 phải chạm sâu hơn, thực chất hơn vào những lĩnh vực cải cách có “độ ỳ” cao, đặc biệt là đầu tư công, NSNN, DNNN…”, ông Dương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với đồng nghiệp của mình,TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, điều hành kinh tế năm 2017 cần nhiều "đột phá", đi theo hướng tái cơ cấu kinh tế. Các cách điều hành cũ đã tới hạn, cần thay đổi tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh./.