Những con số báo động

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến thanh thiếu niên, tạo điều kiện tốt nhất để thanh thiếu niên phát triển toàn diện cả về thể chất và tâm hồn, xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước, như: Luật Thanh niên; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020… Nhờ đó, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai luôn được duy trì ở mức cao (77,2%). Chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng được cải thiện rõ rệt thông qua tỷ lệ phụ nữ sinh được cán bộ y tế đỡ, tỷ lệ phụ nữ được khám thai, tỷ lệ sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, tỷ lệ sàng lọc và chẩn đoán sơ sinh…

Tuy nhiên, thanh, thiếu niên Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng chống HIV/AIDS. Thực trạng này cùng với những biến đổi xã hội trong thời kỳ mở cửa, giao lưu, hội nhập làm nảy sinh nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của thanh thiếu niên, mà những hệ lụy của nó rất nặng nề.

Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn Sức khỏe sinh sản, Kế hoạch hóa Gia đình của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chỉ riêng trong 5 năm từ 2008-2012, mỗi năm có xấp xỉ 80-100 ca đẻ/nạo, phá thai ở độ tuổi vị thành niên. Tỷ lệ mang thai vị thành niên trong tổng số ca nạo phá thai ở Bệnh viện này chiếm 1%-3%. Tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) tỷ lệ đẻ/phá thai ở độ tuổi vị thành niên cũng chiếm khoảng 2,2%-3,4% tổng số ca đẻ/phá thai ở Bệnh viện.

Thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60%-70% là học sinh, sinh viên. Theo Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm gần đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai (V.C, 2014).

Hậu quả không chỉ là số trẻ nạo phá thai tăng, mà cả số sinh con tuổi vị thành niên của Việt Nam cũng cao. Số liệu từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho thấy, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam năm 2011 là 46/1.000. Tỷ lệ này cao hơn so với nhiều nước châu Á, trong đó có Myanmar với tỷ lệ 17,4; Malaysia 12 và Singapore 5,2.

Tại Hội thảo Công bố các định hướng ưu tiên quốc gia về sức khỏe sinh sản-sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình giai đoạn sau năm 2015 diễn ra ngày 18/12 mới đây, nhiều chuyên gia đã phân tích, một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng nạo phá thai và có con sớm là do thanh niên, vị thành niên còn khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. 1/3 số thanh niên vẫn gặp cản trở trong việc tiếp cận đầy đủ thông tin và dịch vụ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình.

Mặc dù hiện nay thanh thiếu niên có thể tiếp cận rất nhiều thông tin chăm sóc sức khỏe sinh sản qua nhiều kênh, như: internet, báo đài, tổ chức tư vấn sức khỏe sinh sản... nhưng vấn đề là có rất nguồn thông tin, nhiều khi trái ngược nhau khiến họ không xác định được đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai. Trong khi đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh, thiếu niên Việt Nam còn chưa đa dạng, thiếu tính thân thiện và chưa thuận tiện để thanh, thiếu niên có thể dễ dàng tiếp cận. Chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục do các cơ sở y tế tư nhân cung cấp chưa được quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đánh giá thường xuyên. Việc giáo dục kỹ năng sống và giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức.

Cùng với đó, các yếu tố về văn hóa, gia đình… cũng là nhân tố cản trở giới trẻ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và giáo dục giới tính…

Nạo hút thai, có con ở tuổi vị thành niên là hậu quả của
vệc thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản

Cần sự vào cuộc của cả gia đình và xã hội

Liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, các cơ sở cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi này có vai trò vô cùng quan trọng. Do vậy, Việt Nam cần đầu tư và đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trở nên thuận tiện, dễ tiếp cận và thoải mái với tất cả vị thành niên bằng cách quảng cáo các hình thức sẵn có dành cho thanh niên thông qua giáo dục, và các hoạt động ngoại tuyến, cũng như các chương trình công cộng, làm cho vị thành niên cảm thấy hài lòng về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao các dịch vụ y tế này để bảo vệ quyền lợi của vị thành niên giúp cho các em nhận được sự hỗ trợ tốt nhất và hiệu quả nhất.

Tổ chức các chương trình giao lưu, nói chuyện về các chủ đề liên quan với tuổi vị thành niên, như: sức khỏe sinh sản, quan hệ giới tính, quan hệ tình dục trước hôn nhân, các quan điểm về sống thử, các dấu hiệu của thai nghén và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng và hoạt động thể chất.

Ngoài ra, cần hơn nữa vai trò của gia đình đặc biệt là cha mẹ đối với giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản lứa tuổi vị thành niên vì đặc tính tính dục của một cá nhân chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau: từ cha mẹ, anh chị em, bạn bè, báo chí, sách vở, phim ảnh và cả những nguồn tiếp xúc bất ngờ trong xã hội. Cha mẹ là những người đầu tiên phát hiện được sự trưởng thành về mặt sinh lý của con mình.

Tại Hội thảo Công bố các định hướng ưu tiên quốc gia về sức khỏe sinh sản-sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình giai đoạn sau năm 2015, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh “Để giải quyết những vấn đề trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục/kế hoạch hóa gia đình và đạt được mục tiêu phổ cập sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho người dân, chúng ta cần tìm ra cách tiếp cận chiến lược và sáng tạo mới, trong bối cảnh số lượng hỗ trợ từ bên ngoài ngày càng giảm sút. Chúng ta cần xây dựng các chương trình và can thiệp sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục/kế hoạch hóa gia đình có hiệu quả kinh tế, phù hợp với văn hóa và tôn trọng quyền con người, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương. Theo đó, ưu tiên nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho các khu vực có tỷ lệ tử vong mẹ đạt tới mức độ thấp, tăng cường tiếp cận dịch vụ đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ ở những vùng có tỷ lệ tử vong mẹ duy trì ở mức độ cao; Phối hợp với các nhà cung cấp viễn thông tư nhân để chủ động cung cấp thông tin cho thanh thiếu niên và thanh niên chưa lập gia đình; cải thiện sự hợp tác giữa các cơ sở công và tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ thân thiện và các biện pháp phòng tránh thai…; Cải thiện các phương pháp tiếp cận dựa trên quyền trong việc cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho một hệ thống đảm bảo chất lượng về biện pháp tránh thai, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế…"

Tóm lại, trong bối cảnh hiện tại nước ta đang có nhiều thay đổi lớn về kinh tế, xã hội, dân số đã đặt chúng ta trước những bước ngoặt quan trọng, vấn đề là phải làm sao để bảo đảm sự giúp đỡ cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong quá trình chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn. Để đạt được mục tiêu này, cần phải có sự cải tiến đáng kể về kết cấu hạ tầng, hệ thống dịch vụ, các hệ thống hỗ trợ ở cộng đồng. Nếu kết hợp được các nguồn lực trên đồng thời giải quyết nghiêm túc các yếu tố về văn hóa, kinh tế, xã hội, định hướng cho vấn đề sức khỏe vị thành niên, thì có rất nhiều tiềm năng để cải thiện tình trạng sức khỏe của vị thành niên cũng như của toàn xã hội./.

Nguồn tham khảo:

1. Lại Thìn (2015). Nhiều thanh niên gặp trở ngại khi tiếp cận dịch vụ sức khỏe tình dục, truy cập từ http://vov.vn/xa-hoi/nhieu-thanh-nien-gap-tro-ngai-khi-tiep-can-dich-vu-suc-khoe-tinh-duc-460694.vov

2. V.C (2014). Nạo phá thai tuổi vị thành niên: Kết cục buồn, truy cập từ http://antg.cand.com.vn/Phong-su/Nao-pha-thai-tuoi-vi-thanh-nien-Ket-cuc-buon-309008/