Từng bước thay đổi cả về “chất” và “lượng”

HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 đang là mô hình kinh tế phù hợp, giúp nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và duy trì sinh kế bền vững. Luật Hợp tác xã năm 2012 đã thể hiện rõ hơn bản chất của HTX là được thành lập trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, đồng sở hữu, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên HTX, nhằm mang lại lợi ích cho thành viên thông qua đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về kinh tế, xã hội và văn hóa.

Sau gần 05 năm triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, kinh tế tập thể (KTTT) với nòng cốt là HTX, bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, bước đầu đã có những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển phong trào HTX trên toàn quốc, thể hiện trên các mặt sau:

Một là, với Luật Hợp tác xã năm 2012, nhận thức chung về HTX đã thay đổi căn bản, phù hợp với quy luật phát triển. Luật Hợp tác xã năm 2012 của Việt Nam thực chất là thể hiện sự thay đổi căn bản nhận thức về bản chất và vai trò và phù hợp với sự phát triển HTX của thế giới hơn 250 năm qua. Khác với mô hình cũ, HTX kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 hoạt động nhằm tập trung mục đích mang lại lợi ích cho thành viên thông qua việc cam kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm theo nhu cầu của thành viên. Nhận thức về bản chất tổ chức HTX bước đầu đã dần được khẳng định và thống nhất trong toàn xã hội. Xã hội nói chung và hợp tác xã nói riêng đã dần phân biệt được giữa HTX với doanh nghiệp, với tổ chức xã hội và với HTX kiểu cũ. Ưu thế và vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung dần được khẳng định.

Hai là, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về KTTT, HTX được nâng cao. Nhiều kế hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách nhằm phát triển Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành phù hợp hơn với thực tế địa phương. Thực tế cho thấy, những nơi nào được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thì phong trào KTTT, HTX ở nơi đó phát triển, vì phát triển KTTT, HTX phải gắn với cơ sở, người dân và đặc biệt là nông dân.

Ba là, hoạt động khu vực KTTT, HTX có chuyển biến tích cực về công nghệ và thị trường. Số lượng các HTX áp dụng khoa học, công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Một số HTX đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu.

Bốn là, trong thời gian qua, đã xuất hiện hàng trăm HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng (như: HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Anh Đào Lâm Đồng; HTX Evergrowth Sóc Trăng; HTX Bò sữa Tân Thông Hội TP. Hồ Chí Minh, HTX Quý Hiền (tỉnh Lào Cai), HTX Ỷ La (tỉnh Tuyên Quang)... Đây là những mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả cần được nghiên cứu, đánh giá để nhân rộng.

Năm là, trình độ cán bộ quản lý HTX được nâng cao rõ rệt. Một số HTX có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Đây là những dấu hiệu đáng mừng, cho thấy, HTX đang phục hồi và phát triển đúng hướng, chứng minh việc ban hành Luật Hợp tác xã năm 2012 thay thế luật Hợp tác xã năm 2003 và những chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Kết luận 56-KL/TW, ngày 21/02/2013 là hoàn toàn đúng đắn. Mô hình HTX kiểu mới thực sự phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ra, vừa khuyến khích kinh tế cộng đồng thành viên HTX, vừa tôn trọng và nâng cao vị thế kinh tế hộ thành viên, góp phần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường.

Bên cạnh những thay đổi về “chất”, thì những kết quả về “lượng” cũng được thể hiện rất rõ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được triển khai. Cụ thể là:

Số lượng HTX thành lập mới tăng lên. Doanh thu và thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện, qua đó, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị tại cộng đồng. Hoạt động khu vực KTTT, HTX ngày càng lành mạnh hơn, xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả.

Tính đến ngày 31/12/2016, cả nước có 19.569 HTX (trong đó, có 10.726 HTX nông nghiệp, 4.328 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, 908 HTX ngành xây dựng, 783 HTX vận tải, 1.166 quỹ tín dụng nhân dân và 1.658 HTX các lĩnh vực khác), thu hút trên 6.252.416 thành viên tham gia. Số lượng HTX tăng 583 HTX (tăng 3,07%), số lượng liên hiệp HTX là 43, giảm 01 liên hiệp so với năm 2013.

Trong 05 năm qua, số lượng HTX thành lập mới là 5.641 HTX. Vùng tập trung số lượng HTX nhiều nhất cả nước là vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 28,38% cả nước), tập trung ít nhất là vùng Tây Nguyên (chỉ chiếm 4,38%). Trong tổng số, có10.726 HTX nông nghiệp; 4.328 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; 908 HTX xây dựng; 783 HTX vận tải; 1.166 Quỹ Tín dụng Nhân dân và 1.658 HTX lĩnh vực khác.

Số thành viên HTX giảm 1.387.225 người so với năm 2013 (khoảng 18,15%). Số lao động làm việc trong HTX là 1.530.444 người, giảm 221.170 người so với thời điểm 01/07/2013. Tuy tổng số HTX tăng không nhiều và có xu hướng chững lại trong năm 2015 và năm 2016, nhưng hoạt động đi vào thực chất hơn, số HTX mới thành lập hoạt động tương đối đúng luật và hiệu quả.

Việc triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 đã từng bước thay đổi cả về chất và lượng của các HTX

Mặc dù khó khăn, nhưng hiệu quả hoạt động của các HTX ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của HTX năm 2016 tăng lên so với thời điểm năm 2013. Doanh thu bình quân năm 2016 đạt 3.017 triệu đồng/HTX, tăng 498,3 triệu đồng (tăng 19,8%)[1]. Trong đó, doanh thu bình quân của HTX cũng tăng từ 1.573,8 triệu đồng năm 2013 lên 1.929 triệu đồng năm 2016, tăng 355,2 triệu đồng (tăng 22,56%, chiếm 64% doanh thu bình quân của một HTX).

Cùng với doanh thu, lãi bình quân tăng từ 155 triệu đồng/HTX/năm 2013 lên 196,8 triệu đồng/HTX/năm 2016 (tăng 41,8 triệu đồng/HTX/năm, khoảng 26,7%). Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX tăng từ 22,8 triệu đồng năm 2013 lên 31,3 triệu đồng năm 2016 (tăng khoảng 8,5 triệu/đồng trong 03 năm, tăng 37,3%)[2]. Thông qua HTX, đời sống của thành viên và lao động trong HTX được tăng lên đáng kể, từng bước cải thiện kinh tế hộ thành viên, góp phần xóa đỏi, giảm nghèo tại cộng đồng.

Tổng số cán bộ HTX tăng từ 71.595 người năm 2013 lên 76.154 người năm 2016 (tăng 4.559 người, tương đương 6,36%). Điều đáng kể là đội ngũ cán bộ có trình độ, được đào tạo cũng đã tăng theo thời gian (số lượng cán bộ qua đào tạo sơ, trung cấp tăng 4.184 người, tương đương 11,5%), qua đó mang lại nhiều khởi sắc trong tổ chức và quản lý đối với các HTX.

Song, còn nhiều bất cập

Tuy đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng nhìn chung khu vực KTTT, HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Phong trào KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Sự tồn tại, hạn chế thể hiện ở pháp luật, cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, bản thân HTX và công tác thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KTTT, HTX, cụ thể như sau:

(i) Về pháp luật, cơ chế, chính sách. Một số quy định còn chưa được hướng dẫn cụ thể, như: Xác định tài sản không chia, xử lý tài sản không chia sau chuyển đổi, giải thể HTX; Hướng dẫn chuyển đổi HTX sang các loại hình tổ chức khác; Hướng dẫn thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX; Công tác kiểm toán HTX…

Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ HTX thực hiện chưa thực sự hiệu quả, tính khả thi không cao. Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, ngày 21/12/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã, quy định 11 chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX, nhưng thực tế các chính sách này đi vào cuộc sống không nhiều, có chính sách hầu như chưa thực hiện được. Các chính sách hỗ trợ cho HTX chủ yếu được lồng ghép trong các chính sách chung. Một số chính sách riêng cho HTX (Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX; Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp...), thì không có nguồn vốn, phải lồng ghép trong các chương trình khác (Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững...). Vì vậy, số lượng HTX được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế.

(ii) Về tổ chức thực hiện Luật. Chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp uỷ đảng, chính quyền một số địa phương trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển. Nhận thức về phát triển KTTT, trong đó nòng cốt là các HTX của một bộ phận cán bộ các cấp và nông dân chưa đầy đủ, chưa hiểu đúng vai trò bản chất của HTX trong tình hình hiện nay. Tâm lý thất bại từ mô hình HTX kiểu cũ vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong đông đảo nhân dân và cả cán bộ quản lý các cấp, trong khi HTX kiểu mới chưa thực sự phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả, chưa huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động của HTX.

Thời gian ban hành một số văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2012 kéo dài và phải điều chỉnh, nên quá trình triển khai thực hiện Luật gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền phổ biến về Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao dẫn đến nhận thức về pháp luật HTX chưa thống nhất. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai một số quy định mới của Luật, chưa thấy rõ vai trò của HTX trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nên mới chỉ dừng lại ở chủ trương, chưa có chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, không có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các HTX trong quá trình thực hiện. Chưa xây dựng được mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn.

Việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi, giúp cho người dân tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại. Nhiều HTX chưa thực hiện đầy đủ quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, một số vẫn hoạt động theo kiểu “bình mới, rượu cũ”.

(iii) Về bản thân HTX. Đa số các HTX có vốn ít, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết. Khả năng huy động vốn của các hộ thành viên rất hạn chế, khó vay vốn trung hạn, dài hạn từ ngân hàng. Nhiều HTX thực hiện đăng ký lại còn hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, tư duy vẫn bao cấp, chưa đáp ứng được các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Một số HTX hoạt động còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tác kế toán, tài chính của HTX chưa được thực hiện nghiêm túc, bài bản, do đó chế độ báo cáo của HTX chưa thường xuyên; việc xây dựng báo cáo tài chính, phương án sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.

(iv) Về thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX vừa thiếu lại vừa yếu. Bộ máy quản lý nhà nước về HTX chưa được kiện toàn theo yêu cầu, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về HTX chưa nắm chắc chuyên môn, thiếu thực tế, nên việc tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về HTX còn hạn chế.

Ở Trung ương, mới chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về HTX, liên hiệp HTX) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập được đơn vị chuyên trách thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KTTT. Các bộ, ngành khác không thành lập tổ chức chuyên trách, mà giao cho đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ thực hiện kiêm nhiệm và chỉ có một số cán bộ kiêm nhiệm theo dõi, nên việc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KTTT còn hạn chế.

Ở cấp tỉnh, hệ thống quản lý nhà nước về KTTT, HTX dàn trải ở nhiều cơ quan, nhiều đơn vị khác nhau. Ngành Kế hoạch và Đầu tư là hệ thống cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về KTTT, HTX, nhưng việc phân công nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về KTTT, HTX cho sở kế hoạch và đầu tư chưa đầy đủ và thống nhất.

Ở cấp huyện, xã, việc bố trí cán bộ theo dõi KTTT, HTX còn hạn chế. Hầu hết cấp huyện chưa có cán bộ chuyên trách, còn cấp xã chưa bố trí được cán bộ kiêm nhiệm để theo dõi đối với khu vực này, có nơi buông lỏng.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về KTTT các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức về HTX. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Luật của các HTX còn hạn chế, chưa kịp thời xử lý vi phạm pháp luật của HTX, các cá nhân, tổ chức liên quan.

Để thích nghi với tình hình mới

Trong thời gian tới, bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức mới cho khu vực KTTT, HTX, do đó đòi hỏi khu vực này phải tự thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu mới trong các lĩnh vực và tận dụng được những cơ hội phát triển trong tất cả các lĩnh vực. Với mục tiêu phát triển một cách hiệu quả, làm cho thành phần kinh tế này phát huy tiềm năng, trở thành lực lượng to lớn, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về pháp luật HTX. Đây là giải pháp của mọi giải pháp, là giải pháp trọng tâm và xuyên suốt trong thời gian tới. Cần tập trung giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ Luật Hợp tác xã năm 2012, bản chất mô hình HTX kiểu mới, các giá trị và 07 nguyên tắc HTX, vai trò và lợi ích của tổ chức HTX trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012; khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển KTTT, HTX của Nhà nước. Để thực hiện giải pháp này, thời gian tới cần:

- Tiếp tục rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, như: Xác định tài sản không chia, xử lý tài sản không chia sau chuyển đổi, giải thể HTX; Hướng dẫn chuyển đổi HTX sang các loại hình tổ chức khác; Hướng dẫn thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX; Công tác kiểm toán HTX….

- Xem xét ban hành một số cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, mà HTX là trung tâm của mối liên kết nhằm khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các HTX trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

- Thực hiện và tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX, phù hợp bản chất (tránh bao cấp), nhu cầu, trình độ phát triển của tổ chức HTX và phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước.

- Tiếp tục huy động, tranh thủ nguồn lực từ các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển.

- Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Nhà nước cần có những giải pháp trọng tâm để hỗ trợ xây dựng thí điểm một số chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực để từ đó nhân rộng. Tránh tình trạng chính sách hỗ trợ ban hành nhưng không có nguồn lực thực hiện.

Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX. Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động hệ thống bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về HTX; củng cố, tạo điều kiện để liên minh HTX các cấp, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội, hiệp hội hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX.

Thứ tư, xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình. Nghiên cứu, khảo sát mô hình KTTT có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX điểm. Lựa chọn một số HTX có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Tiến hành rà soát tình hình hoạt động của các HTX, giải thể các HTX ngừng hoạt động lâu năm không giải thể được do chưa xử lý được tài chính, tài sản, nợ đọng... Nâng cao hoạt động của các HTX thông qua tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho các HTX; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm.

Thứ sáu, tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Phát huy mạnh mẽ vai trò của mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển KTTT. Củng cố hệ thống liên minh HTX, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và vai trò, trách nhiệm của liên minh HTX trong phát triển HTX. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng làm tốt việc vận động, giáo dục nhân dân tự nguyện tham gia HTX, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong các tổ chức này./.



[1] 61/63 tỉnh, thành phố báo cáo

[2] 57/63 tỉnh, thành phố báo cáo