PGS, TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh

Trường Đại học Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh; Email: hanhdtm@gmail.com

ThS. Ngô Thị Lan Chi

Trường Cao đẳng Bách khoa Bách Việt; Email: ntlchi2002@gmail.com

Tóm tắt

TP. Hồ Chí Minh hiện còn khá nhiều công trình kiến trúc Pháp được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tại khu trung tâm. Mặc dù nơi này đông khách du lịch cá nhân quốc tế và nội địa, nhưng chưa có tour đi bộ tham quan kiến trúc Pháp nào được giới thiệu. Mục tiêu của nghiên cứu là thiết kế tour đi bộ tham quan các công trình kiến trúc Pháp tại khu vực này. Quy trình thiết kế qua 6 bước, từ thu thập thông tin đến đề xuất sản phẩm. Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các công bố trên tạp chí khoa học, tài liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và website của 17 công ty du lịch có tổ chức tour liên quan. Dữ liệu sơ cấp được thu thập qua phỏng vấn 24 khách du lịch tham gia tour thử nghiệm. Tour đi bộ được đề xuất có tên "Kiến trúc Pháp - Sài Gòn xưa” gồm hai hành trình. Những gợi ý tùy chỉnh hành trình cũng được đề xuất giúp khách du lịch tùy chỉnh theo nhu cầu của cá nhân.

Từ khóa: du lịch, kiến trúc Pháp, Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, tour đi bộ

Summary

Ho Chi Minh City still has many French architectural works built in the central area in the late 19th and early 20th centuries. Although this place is crowded with international and domestic individual tourists, there has not been any walking tour to visit French architecture introduced. This study aims to design a walking tour to visit French architectural works in this area. The design process goes through 6 steps, from information collection to product proposal. The secondary data is collected from publications in scientific journals, documents from the United Nations World Tourism Organization (UNWTO), and websites of 17 travel companies that organize related tours. The primary data is collected through interviews with 24 tourists participating in the pilot tour. The proposed walking tour is called “French Architecture - Old Saigon” and includes two itineraries. Suggestions for customizing the itinerary are proposed to help tourists customize according to their individual needs.

Keywords: tourism, French architecture, Saigon, Ho Chi Minh City, walking tour

GIỚI THIỆU

TP. Hồ Chí Minh hiện còn các công trình kiến trúc Pháp có giá trị nghệ thuật và lịch sử tại khu trung tâm. Có những công trình được sử dụng đúng với mục đích xây dựng ban đầu, như: các nhà thờ, nhà ở, công sở… Một số công trình đã được chuyển thành bảo tàng, điểm tham quan du lịch, khách sạn, nhà hàng…, trở thành những tài nguyên du lịch có giá trị. Du lịch đô thị phát triển đã tạo ra cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng của các công trình kiến trúc được xây dựng trong quá khứ và tạo nguồn tài chính cho việc bảo tồn chúng. Việc quảng bá các điểm di sản kiến trúc với khách du lịch vừa mang lại lợi ích sâu rộng đối với cộng đồng, vì nâng cao niềm tự hào của cộng đồng, vừa kích thích tăng trưởng kinh tế nhờ nguồn thu từ khách du lịch. Không chỉ những điểm tham quan có thu, những điểm tham quan miễn phí có vai trò chính trong thu hút khách du lịch cũng có đóng góp gián tiếp vào doanh thu của ngành du lịch từ những chi tiêu khác của khách du lịch. Tuy nhiên, thách thức của phát triển du lịch di sản là cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ thiên nhiên, bản sắc văn hóa của các điểm đến [6].

TP. Hồ Chí Minh là 1 trong 6 điểm đến ở châu Á được Tạp chí du lịch nổi tiếng Fodor's Travel của Hoa Kỳ gợi ý du khách nên đến thăm trong năm 2023 [5]. Khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh, trong nhiều tài liệu gọi là “Sài Gòn xưa” hiện còn các di sản kiến trúc do chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Khu vực này được bao quanh bởi 4 con đường: Nguyễn Đình Chiểu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các công trình ở đây được xây dựng theo phong cách kiến trúc tân cổ điển của châu Âu. Trong số đó có các công trình danh tiếng, như: Bưu điện trung tâm Sài Gòn được Tạp chí kiến trúc Architectural Digest (2023) xếp hạng 2 trong 11 bưu điện đẹp nhất trên thế giới [7], chợ Bến Thành được tờ báo The USA Today xếp hạng 15 trong 20 chợ thực phẩm tốt nhất thế giới [8]. Mặc dù các di sản kiến trúc Pháp ở khu vực này không xưa như các di sản nổi tiếng khác ở châu Âu và thế giới, nhưng nhờ có vị trí tại trung tâm, tập trung nhiều khách sạn, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, nhà hát, rạp chiếu phim, nên nhộn nhịp khách du lịch quốc tế và nội địa. Tuy nhiên, thường họ chỉ tìm đến 3 nơi nổi tiếng, dễ dàng tìm thấy thông tin trên các phương tiện truyền thông là: Bưu điện trung tâm Sài Gòn, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và chợ Bến Thành. Các công ty du lịch có tour tham quan TP. Hồ Chí Minh thường đưa khách ghé qua Bưu điện trung tâm Sài Gòn và Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, vì 2 nơi này liền kề nhau, ở vị trí thuận đường đến các điểm du lịch khác, như: địa đạo Củ Chi hay Cần Giờ. Công ty du lịch Vietravel từng có tour đi bộ miễn phí “Ký ức Sài Gòn xưa” đi qua 5 di sản kiến trúc Pháp đã dừng tổ chức từ đầu năm 2023vì tour không thu phí, nhưng có hướng dẫn viên phục vụ, vì vậy, khó tổ chức với lượng khách quá ít. Công ty du lịch Saigontourist hiện cũng không duy trì tour “Sài Gòn di sản 100 năm” - là tour tham quan nhiều di sản kiến trúc theo phong cách khác nhau, không chỉ là di sản kiến trúc Pháp. Trong khi đó, với xu hướng du lịch ngày càng cá nhân hóa, khách du lịch cá nhân rất cần tham khảo những tour tham quan được thiết kế linh hoạt để tùy chỉnh cho phù hợp với thời gian, nhu cầu tìm hiểu riêng của họ. Khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh là nơi khách du lịch dễ dàng tiếp cận. Do đó, thiết kế tour đi bộ tham quan các di sản kiến trúc Pháp ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh là cần thiết để khách du lịch cá nhân đến Thành phố tham khảo. Tour đi bộ này sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của TP. Hồ Chí Minh, giúp thu hút khách du lịch cá nhân quan tâm đến di sản kiến trúc Pháp và khách du lịch có ít thời gian, chỉ 1 ngày hoặc thậm chí chỉ vài giờ mong muốn tìm hiểu về TP. Hồ Chí Minh.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Du lịch di sản kiến trúc

Du lịch di sản bao gồm các hoạt động tham quan hoặc trải nghiệm di sản [12]. Di sản kiến trúc là tài nguyên du lịch hữu hạn thể hiện trình độ cao về kiến trúc, nghệ thuật hoặc kỹ thuật thủ công, bao gồm: các tòa nhà với cảnh quan và địa điểm được thiết kế có giá trị nghệ thuật, kỹ thuật, khoa học - xã hội và văn hóa. Di sản kiến trúc còn bao gồm: tượng, lát nền và các công trình kiến trúc gắn liền với di sản công nghiệp và di sản địa phương.

Di sản kiến trúc là di sản văn hóa, nên du lịch di sản kiến trúc là một phân khúc thị trường của du lịch văn hóa. Khách du lịch di sản là bất kỳ ai đến thăm một khu di sản [2]. Về đặc điểm nhân khẩu học, khách du lịch di sản thường có trình độ học vấn cao [2, 1], thuộc tầng lớp trung lưu và ở độ tuổi trung niên [2].

Trong nghiên cứu này, di sản kiến trúc Pháp là tất cả các công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu, bất kể đã được công nhận là di sản hay chưa. Tour đi bộ được thiết kế là tour mở với hoạt động tham quan và trải nghiệm tại những công trình kiến trúc Pháp còn tồn tại trong khu Sài Gòn xưa, nay là trung tâm TP. Hồ Chí Minh.

Thiết kế sản phẩm du lịch

Theo Blázquez và cộng sự (2014), sản phẩm du lịch cần được chào hàng theo yêu cầu của thị trường mục tiêu. Ngày nay, những khách du lịch có nhiều trải nghiệm hơn thường đòi hỏi các dịch vụ và hoạt động được thiết kế riêng với các tiêu chuẩn chất lượng cụ thể, nên sự hài lòng của khách hàng là một mục tiêu khó đạt được hơn. Vì vậy, cần xây dựng quy trình trước khi tiến hành thiết kế sản phẩm du lịch [3].

Quy trình thiết kế sản phẩm du lịch mới cũng tương tự như quy trình thiết kế bất kỳ sản phẩm mới nào khác. Theo Schejbal (2013), quy trình thiết kế sản phẩm du lịch phải qua 5 bước: (1) Thu thập thông tin; (2) Phân loại và phân tích thông tin; (3) Lựa chọn và đánh giá ý tưởng; (4) Phác thảo sản phẩm; (5) Đề xuất sản phẩm. Những ý tưởng được chọn phải có khả năng thiết kế thành những sản phẩm bán được và không chỉ mang lại lợi ích trong hiện tại, mà còn phải mang lại lợi ích trong tương lai [10].

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính. Quy trình thiết kế tour đi bộ được phát triển từ quy trình 5 bước của Schejbal (2013) thành quy trình 6 bước. Thử nghiệm đánh giá sản phẩm là bước được thêm vào giữa bước Phác thảo sản phẩm và Đề xuất sản phẩm. Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các tài liệu là bài viết đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, các kỷ yếu hội thảo khoa học và tài liệu của UNWTO, thông tin trên website của 17 công ty du lịch xuất hiện trên 8 trang đầu khi dùng công cụ tìm kiếm Google search với từ khóa “Tour Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh”. Dữ liệu sơ cấp gồm các bản ghi chép qua quan sát thực địa và phỏng vấn trực tiếp 3 nhà quản lý, trong đó, 2 quản lý cấp trung của 2 công ty du lịch có giới thiệu sản phẩm du lịch di sản TP. Hồ Chí Minh và 1 quản lý của một điểm tham quan. Hai nguồn dữ liệu này được dùng để mô tả hiện trạng cung cấp dịch vụ tham quan di sản kiến trúc Pháp nhằm xác định ý tưởng thiết kế tour.

Sau khi phác thảo tour để đánh giá sự hợp lý của hành trình và sự ưa thích các điểm tham quan của khách du lịch, 3 tour thử nghiệm đã được tiến hành với 3 nhóm khách: (i) Nhóm 10 khách sinh viên quốc tế; (ii) Nhóm 8 khách là người nghỉ hưu và (iii) Nhóm gia đình có 6 khách. 3 cuộc phỏng vấn với 3 nhóm khách du lịch đã được tiến hành sau khi kết thúc mỗi tour thử nghiệm. Dữ liệu thu thập được từ phỏng vấn được phân tích để hiệu chỉnh hành trình, điểm tham quan và trong tour đề xuất và gợi ý hướng tùy chỉnh.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Phân tích hành trình của các công ty du lịch

Phân tích hành trình du lịch về di sản kiến trúc Pháp tại TP. Hồ Chí Minh của các công ty du lịch cho thấy, hầu hết các điểm tham quan được thiết kế thời lượng nửa ngày là di sản kiến trúc Pháp tại trung tâm Quận 1, các hành trình 1 ngày được mở rộng hơn, thêm vào các di sản kiến trúc khác ở trong và ngoài Quận 1. Thông tin trong Bảng 1 cho thấy, có 16/17 hành trình được thiết kế có tham quan 2 điểm liền kề nhau là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và Bưu điện trung tâm Sài Gòn; trong đó, có 7 hành trình chỉ có 2 điểm này và 6 hành trình thêm UBND TP. Hồ Chí Minh. Hành trình của Daily Travel Việt Nam, mặc dù cũng có 3 điểm tham quan, nhưngđiểm thứ 3 là chợ Bến Thành thay vì là UBND TP. Hồ Chí Minh như hành trình của các công ty khác. Điểm khác biệt trong hành trình của The Sinh Tourist là có thêm cả 2 điểm chợ Bến Thành và UBND TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đang trùng tu, UBND TP. Hồ Chí Minh đang được dùng làm công sở,nên khách du lịch chỉ có thể nhìn ngắm tổng quan bên ngoài từ xa. Từ tháng 9/2023, UBND TP. Hồ Chí Minh có đón khách tham quan bên trong nhưng không thường xuyên và hạn chế số khách tham quan, vì vậy, khó có cơ hội cho khách du lịch từ xa đến.

Bảng 1: Điểm tham quan di sản kiến trúc Pháp trong hành trình của các công ty du lịch

S

T

T

Di sản

Công ty

Nhà thờ Đức Bà

Bưu điện trung tâm Sài Gòn

UBND TP. Hồ Chí Minh

Chợ Bến Thành

Khách sạn Continental Saigon

Nhà hát Thành phố

Cột cờ Thủ Ngữ

1

Vietravel

*

2

Sài Gòn Tourist

*

*

*

3

The Sinh Tourist

4

Daily Travel

Việt Nam

5

Vietnam Tour

6

Vietnamtourism

7

Du Lịch Di Sản Việt Nam

8

Thiên Cầm Travel

9

Vietfun Travel

10

Dana Travel

11

Tín Việt Travel

12

Quy Nhơn

Group Tour

13

Gala travel

14

Nam Trip Travel

15

Đồng Nội

Phú Quốc

16

Quy Nhơn

Group Tour

17

Lữ hành

Việt Nam

Nguồn: Website của 17 công ty du lịch

Ghi chú: * xe chạy ngang không dừng;√ tham quan

Thiết kế hành trình của Sài Gòn Tourist và Vietravel thể hiện rõ sự độc đáo. Trước hết là tên sản phẩm, chương trình của Sài Gòn Tourist có tên “Sài Gòn di sản 100 năm” và của Vietravel là “Ký ức Sài Gòn xưa”. Điểm độc đáo của “Sài Gòn di sản 100 năm” là du khách không chỉ được ngắm khách sạn Continental Saigon ở bên ngoài, mà còn được trải nghiệm thưởng thức cà phê và ăn sáng ở nhà hàng của khách sạn. Còn sự độc đáo của “Ký ức Sài Gòn xưa” là tour 0 đồng, đi bộ suốt hành trình xuất phát từ Dinh Độc Lập và kết thúc tại UBND TP. Hồ Chí Minh với quãng đường 4,5 km, trong khi các chương trình khác đều di chuyển bằng xe do kết nối với một số điểm ở Quận 5 - nơi có các di sản kiến trúc của cộng đồng người Hoa, cách khu vực này khoảng 8 km.

Thông tin thu thập được từ phỏng vấn 3 nhà quản lý cho biết, “Trong năm 2023, Sài Gòn Tourist không còn bán sản phẩm Sài Gòn di sản 100 năm” (QL1) và “Vietravel không còn cung cấp cho khách du lịch sản phẩm Ký ức Sài Gòn xưa do quá ít khách đăng ký hoặc do thời tiết không thuận lợi” (QL2). Như vậy, trên thị trường hiện nay không có tour đi bộ tham quan di sản kiến trúc Pháp nào được giới thiệu, phần lớn các công ty chỉ ghé qua 2 hoặc 3 điểm tham quan.

Riêng điểm “Khách sạn Continental Saigon không cung cấp dịch vụ tham quan di sản khách sạn, vì các phòng di sản của khách sạn luôn có khách thuê phòng. Khách thuê phòng nào chỉ có thể trải nghiệm ở phòng đó chứ không thể tham quan các phòng di sản khác, họ chỉ có thể tham quan ở những khu vực chung, như: cầu thang, hành lang, khu vực trưng bày hình ảnh” (QL3). Do đó, tại điểm này, khách chỉ có thể tham quan bên ngoài và trải nghiệm ăn uống tại nhà hàng và cà phê trong sảnh và sân vườn của khách sạn.

Phác thảo hành trình sản phẩm “Kiến trúc Pháp - Sài Gòn xưa”

Hành trình gồm 8 điểm tham quan, trong đó có 7 điểm là di sản kiến trúc Pháp và 1 điểm kiến trúc hiện đại được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1968-1971 là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (Bảng 2). Điểm này là nơi nhiều thế hệ sinh viên đại học ở TP. Hồ Chí Minh có ký ức đẹp. Đây là điểm tham quan phụ trong hành trình nhằm làm giảm tính đơn điệu của sản phẩm. Trong 7 di sản kiến trúc Pháp, có 4 di sản danh tiếng được nhiều khách du lịch biết đến, đó là: Bưu điện trung tâm Sài Gòn, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Nhà hát Thành phố, Chợ Bến Thành. 3 điểm chưa được biết đến nhiều là: khách sạn Continental Saigon; UBND TP. Hồ Chí Minh trước là Dinh Xã Tây; Sở Thông tin và Truyền Thông và Sở Công Thương, 2 sở này chung 1 tòa nhà trước đây là Dinh Thượng Thơ. Nhằm thể hiện điểm nhấn của chuyến đi là tham quan các di sản kiến trúc Pháp tại khu vực Sài Gòn xưa và tránh trùng lặp với tên sản phẩm của 2 công ty Vietravel và Saigon Tourist, “Kiến trúc Pháp - Sài Gòn xưa” được chọn là tên của sản phẩm.

Trong 7 điểm di sản chỉ có thể tham quan và triển khai hoạt động bên trong Bưu điện trung tâm Sài Gòn và chợ Bến Thành, trải nghiệm dịch vụ ăn uống ở nhà hàng khách sạn Continental Saigon và tham quan kiến trúc trong sảnh khách sạn, các điểm còn lại chỉ tham quan bên ngoài. Hành trình được thiết kế là tuyến vòng từ Công xã Paris đến Vincom Center Đồng Khởi đi qua các con đường Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi với quãng đường 2,4 km theo bản đồ (Hình) với thời lượng 6 giờ. Trong chuyến đi kéo dài 6 giờ có 3 lần nghỉ chân: 1 lần 15 phút và 2 lần cùng 45 phút với hoạt động thưởng thức món uống và ăn trưa. Do là tuyến đường đi bộ, tốc độ di chuyển chậm, khách du lịch có thể tùy thích tham quan các cửa hàng bán nhiều mặt hàng đa dạng dọc theo đường Lê Thánh Tôn.

Bảng 2: Trình tự điểm tham quan trong tour “Kiến trúc Pháp - Sài Gòn xưa”

STT

Tên di sản

Địa chỉ

Ghi chú

1

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

1, Công xã Paris

Thời gian xây dựng: 1877-1880.

Phong cách kiến trúc: Roman pha Gothic. Không có hàng rào, mọi góc nhìn đều đẹp, tường gạch không tô trát.

Đang trùng tu, chỉ tham quan bên ngoài.

2

Bưu điện trung tâm Sài Gòn

2, Công xã Paris

Thời gian xây dựng: 1886-1891.

Phong cách kiến trúc: châu Âu kết hợp Á Đông.

Năm 2023: hạng 2 trong 11 bưu điện đẹp nhất thế giới.

3

Khách sạn Continental Saigon

134, Đồng Khởi

Thời gian xây dựng: 1878-1880.

Phong cách kiến trúc: dinh thự Pháp.

Khách sạn sang trọng đầu tiên của Việt Nam.

4

Nhà hát TP. Hồ Chí Minh

7, Công trường Lam Sơn

Thời gian xây dựng: 1898-1900.

Phong cách kiến trúc: Gothic.

Nhà hát đầu tiên của Việt Nam.

5

UBND TP. Hồ Chí Minh

86, Lê Thánh Tôn

Thời gian xây dựng: 1898-1909.

Phong cách kiến trúc: Đệ tam Cộng hòa Pháp.

6

Chợ Bến Thành

Thời gian xây dựng: 1912-1914

Năm 2012:1 trong 10 điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh (Tạp chí Food and Wine bình chọn).

Năm 2023: hạng 15/20 chợ thực phẩm tốt nhất thế giới (The USA Today xếp hạng).

7

Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh

69, Lý Tự Trọng

Thời gian xây dựng: 1968-1971.

Phong cách kiến trúc: hiện đại kết hợp tính dân. tộc.

Nơi lưu giữ kỷ niệm của nhiều thế hệ sinh viên.

8

Sở Truyền thông và Thông tin, Sở Công Thương

59, 61 Lý Tự Trọng

Thời gian xây dựng: 1875-1881.

Phong cách kiến trúc: dinh thự Pháp thế kỷ XIX.

Dinh Thượng Thơ nay được dùng làm văn phòng của 2 sở.

Nguồn: [11], [9]

Hình: Phác thảo hành trình tour “Kiến trúc Pháp – Sài Gòn xưa”

Thiết kế tour đi bộ tham quan kiến trúc Pháp ở TP. Hồ Chí Minh

Nguồn: trích xuất từ Google Map

Thử nghiệm sản phẩm

Tour phác thảo được giới thiệu đến khách đồng ý tham gia thử nghiệm gồm 3 nhóm:(i) Nhóm 10 sinh viên quốc tế đến từ Vương quốc Anh sẽ tự đi theo hành trình vào thời gian thích hợp của từng người và thống nhất sẽ hoàn thành trong 1 tuần; (ii) Nhóm 8 khách hưu trí cùng đi vào ngày trong tuần để tránh tình trạng đông đúc vào cuối tuần; (iii) Nhóm gia đình 6 khách, trong đó có 2 khách là học sinh tiểu học và trung học cơ sở, còn lại là nhân viên văn phòng, đi vào ngày chủ nhật. Do là tour không tính phí dịch vụ, khách tự chi trả cho ăn uống, mua sắm theo nhu cầu của cá nhân, nên không có hướng dẫn viên. Ghi nhận đáng chú ý từ 3 cuộc thử nghiệm như sau:

- Nhóm sinh viên quốc tế: Chỉ tham quan từ 3-6 điểm trong hành trình, xuất phát từ Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn theo đường Đồng Khởi, qua Lê Lợi đến chợ Bến Thành trong thời gian từ 1-2 giờ.

- Nhóm hưu trí: Đi đúng hành trình phác thảo trong 6giờ từ 7h30 đến 13h30. Trong hành trình có phát sinh hoạt động ngoài tour phác thảo là giao lưu với nhóm khách du lịch quốc tế tình cờ gặp tại Nhà hát Thành phố trong 15 phút. Các thành viên nhóm đã giao tiếp trực tiếp với khách quốc tế bằng tiếng Anh, nên đã tạo được bầu không khí hứng khởi cho cả 2 phía.

- Nhóm gia đình: Xuất phát lúc 8h00 và kết thúc lúc 12h00. Trong hành trình có phát sinh hoạt động ngoài tour phác thảo do nhờ có mối quan hệ cá nhân, nhóm đã được hướng dẫn vào tham quan các di sản bên trong khách sạn Continental Saigon.

Nhận định về tour đi bộ của khách du lịch tham gia thử nghiệm

Những nhận định của nhóm sinh viên quốc tế được chuyển ngữ sang tiếng Việt, có những ý kiến đáng chú ý sau:

- “Không có nhiều thời gian để đi hết 8 điểm, nhưng cảm thấy kinh ngạc, choáng ngợp trước vẻ đẹp của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Bưu điện trung tâm Sài Gòn và UBND TP. Hồ Chí Minh” (9/10 khách).

- “Thích nhất Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn”; “Thích nhất Bưu điện trung tâm Sài Gòn, nhưng khá đông người, khó tham quan vào giờ cao điểm”.

- “Khó tìm thấy thông tin về các công trình kiến trúc này trên mạng internet, không có người hướng dẫn nên không cảm nhận được hết nghệ thuật kiến trúc, nhưng dù sao thì cũng rất thú vị. Nếu có thông tin chi tiết hơn về phong cách kiến trúc, hoàn cảnh xây dựng, thì sẽ cảm nhận được giá trị lịch sử của công trình”.

Đối với nhóm khách nghỉ hưu: Cả 8 khách đều cho biết thích tất cả các điểm tham quan, trong đó, có 6 khách thích nhất khách sạn Continental Saigon; 1 khách thích nhất Nhà hát Thành phố; 1 khách thích nhất Thư viện Khoa học Tổng hợp. Mặc dù đi qua đủ 8 điểm trong hành trình, nhưng từ UBND TP. Hồ Chí Minh, họ đã đi theo đường Lê Thánh Tôn, song song với Lê Lợi, để vào cửa Bắc của chợ Bến Thành và ra cửa Nam - cửa chính của chợ.

- “Rất thích không gian nhà hàng khách sạn Continental Saigon vì lần đầu đến thưởng thức cà phê ở đây dù đi ngang nhiều lần”; “Không gian đẹp, sang, rộng rãi nhìn ra bên ngoài cũng rất thích”; “Có lẽ do lần đầu tiên được vào thưởng thức nước uống trong không gian sang trọng với kiến trúc cột, trần, cửa... kiểu Pháp, lại được biết có phòng lưu niệm dù không được tham quan cũng cảm thấy nơi này có giá trị lịch sử”; “Giá món uống cao quá, món thấp nhất tới 89 nghìn đồng”; “Giá ở đây cũng chưa phải là quá cao, có quán khác giá cao hơn mà view không đẹp bằng, không gian ở đây cũng sang hơn, nhà vệ sinh thật sạch đẹp đúng 5 sao”.

- “Sáng ngồi vỉa hè Bưu điện gặm bánh mì nhớ thời sinh viên ghê”; “Nhóm mình đã từng vô Bưu điện mấy năm trước vì muốn gặp ông Dương Văn Ngộ, người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam, nhưng bữa đó ông nghỉ, tiếc ghê, sau đó thì ông nghỉ luôn, nay ông mất rồi. Vậy mà giờ ở đây không có thông tin gì giới thiệu về ông”.

- “Thích Nhà hát vì 2 bức tượng trước cửa nhà hát quá ấn tượng, thấy khách nước ngoài cũng thích chụp hình trước nhà hát có lẽ họ thích 2 bức tượng này, thích nhất là được giao lưu với du khách nước ngoài rất vui”.

- “Thư viện là nơi thích nhất, vì ở đó có nhiều kỷ niệm thời sinh viên. Đứng ở bậc cầu thang, thấy rất xúc động. Bao nhiêu năm trở lại thấy Thư viện y như xưa”.

- “Nói là chỉ 2,4 km, nhưng thực tế là đã đi bộ 5 km, nếu nói 5 km chắc không đi vì ngại chân đau, may nhờ cứ đi một đoạn thì nghỉ một lúc, vui nên không thấy xa”.

- “Tour này đi đến các điểm gần nhau, có nhiều cảnh để chụp hình, nên đi bộ là rất phù hợp. Thứ tự các điểm tham quan cũng rất hợp lý, những điểm chụp hình ngoài trời thì đi buổi sáng, những điểm ở trong nhà thì đi buổi trưa để tránh nắng. Có 3 chỗ dừng để nghỉ chân, ăn uống và vệ sinh nên thấy rất thoải mái...”.

Đây là nhóm khách từng có kỷ niệm thời sinh viên với các điểm tham quan trong hành trình, nhất là Thư viện Khoa học Tổng hợp, nên họ đánh giá điểm này thú vị. Tuy nhiên, nhóm gia đình 6 khách đã bỏ qua Thư viện Khoa học Tổng hợp và vào tham quan Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh ở liền kề. Nhóm đã có những ý kiến như sau:

- “Nên cắt bớt điểm tham quan không được check in, như: toà nhà của Sở Truyền thông và Thông tin và Sở Công Thương”.

- Rất thích khách sạn Continental Saigon, vì “dù đi ngang nhiều lần nhưng đây là lần đầu vào bên trong thấy kiến trúc và không gian sảnh quá đẹp”; “Thích nhất Bưu điện trung tâm Sài Gòn vì kiến trúc đẹp, ấn tượng với phù điêu, giao thoa văn hóa phương Tây và phương Đông” và vì “đã từng biết và rất ấn tượng với câu chuyện về “cụ Dương Văn Ngộ, người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam, đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục năm 2009”; “Ấn tượng với 2tấm bản đồ cổ: Sài Gòn và những vùng lân cận vào năm 1892 và bản đồ Đường dây điện tín của Việt Nam và Campuchia năm 1936, có nhiều đồ lưu niệm đặc sắc, dễ thương tại Bưu điện”.

- Thích nhất chợ Bến Thành vì “có nhiều món ăn rất ngon, rất hấp dẫn”.

- “Thích Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với câu chuyện về sự du nhập của đạo Thiên Chúa vào Việt Nam, về trọng lượng, âm thanh các quả chuông và thời điểm được đánh để cử hành Thánh lễ…”.

- “Tour này có giá trị truyền tải những thông tin hay và thú vị về di sản của Sài Gòn, sẽ giới thiệu cho bạn bè, người thân”; “Sẽ giới thiệu cho các bạn, vì học sinh cần học thực tế”.

Cả nhóm đều tỏ ra hài lòng vì chuyến đi vui, bổ ích, có thêm kiến thức dù đi bộ khá mệt do thời tiết đầu tháng 5/2024 rất nóng,cho 7/10 điểm.

Tóm lại, cả 3 nhóm đều có ý kiến đồng thuận là tour thú vị, hấp dẫn. Dù đặc điểm nhân khẩu học của khách trong 3 nhóm khá khác biệt về độ tuổi, trình độ học vấn, trải nghiệm cuộc sống, văn hóa phương Đông và phương Tây…, nhưng khách sạn Continental Saigon và Bưu điện trung tâm Sài Gòn là 2 điểm tạo được ấn tượng nhất. Ngoài ra, chợ Bến Thành và Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cũng được một số khách ưa thích. Thời tiết có ảnh hưởng lớn đến chất lượng trải nghiệm của khách tham gia tour đi bộ. Mặc dù nhóm gia đình đi hết hành trình, nhưng đã thay điểm Thư viện Khoa học tổng hợp bằng Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh và đề xuất bỏ điểm tòa nhà của Sở Truyền thông và Thông tin và Sở Công Thương. Đây cũng là 2 điểm trên đường Lý Tự Trọng, song song với đường Lê Lợi, mà nhóm sinh viên quốc tế đã bỏ qua.

Đề xuất sản phẩm và gợi ý tùy chỉnh sản phẩm

Kết quả thử nghiệm tour đi bộ “Kiến trúc Pháp - Sài Gòn xưa” cho thấy, sản phẩm nhận được sự quan tâm và ủng hộ của khách du lịch. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm chỉ có thể đáp ứng tốt nhất 1 phân khúc thị trường nhất định. Do đó, bên cạnh những ý kiến tương đồng cũng có những ý kiến khác biệt. Tiếp nhận ý kiến của khách du lịch tham gia thử nghiệm, tour đi bộ được đề xuất như sau:

Hành trình 1: Thời lượng ít nhất 4 giờ. Hành trình qua 6 điểm: (1) Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn; (2) Bưu điện trung tâm Sài Gòn; (3) Khách sạn Continental Saigon; (4) Nhà hát TP. Hồ Chí Minh; (5) UBND TP. Hồ Chí Minh; (6) chợ Bến Thành. Theo bản đồ thì quãng đường dài 1,4km, nhưng tổng quãng đường thực tế đi bộ sẽ khoảng 3km do di chuyển bên trong các điểm tham quan số 2, 3, 6. Khách sẽ có cơ hội khám phá không gian bên trong Bưu điện trung tâm Sài Gòn, trải nghiệm hoạt động gửi bưu thiếp, chọn mua quà lưu niệm; thưởng thức cà phê/bữa sáng trong nhà hàng và chiêm ngưỡng không gian sảnh Khách sạn Continental Saigon; trải nghiệm giao lưu, mua sắm trong chợ Bến Thành. Đối với khách có ít thời gian hơn có thể tùy chỉnh hành trình theo hướng chỉ tham quan kiến trúc bên ngoài hoặc tiết giảm thời gian trải nghiệm tại 3 điểm tham quan bên trong, thời lượng chỉ khoảng từ 1-2 giờ.

Hành trình 2:Nối dài hành trình 1, thêm điểm tham quan Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh ở số 65 đường Lý Tự Trọng, thời lượng ít nhất 5 giờ. Công trình này được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1885-1890 với kiến trúc kết hợp phương Tây và phương Đông. Giá vé vào bảo tàng là 30.000 đồng/người. Đối với khách có ít thời gian hơn, có thể chỉ ngắm cửa Nam của chợ Bến Thành, sau đó di chuyển sang đường Lý Tự Trọng đến Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh.

Chất lượng trải nghiệm của khách du lịch đạt được cao hay thấp chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thời tiết vì là tour đi bộ ngoài trời. Nếu đi vào buổi sáng sớm có thể tránh được nắng nóng và quan sát tốt các chi tiết nghệ thuật kiến trúc, được vào bên trong chợ Bến Thành ngắm các quầy hàng. Ngược lại, nếu đi vào chiều tối, khách sẽ được ngắm UBND TP. Hồ Chí Minh rực rỡ về đêm nhờ hệ thống chiếu sáng mỹ thuật và chợ đêm đông vui bên hông chợ Bến Thành. Chất lượng trải nghiệm còn tùy thuộc vào lượng thông tin khách du lịch thu thập được về các công trình kiến trúc Pháp này trước chuyến đi. Tuy nhiên, theo nhóm sinh viên quốc tế, họ “không tìm thấy được nhiều thông tin như mong muốn”. TP. Hồ Chí Minh hiện đang triển khai dự án du lịch thông minh, nên trong tương lai gần, hạn chế này sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dễ dàng sử dụng công nghệ để tiếp cận thông tin, do đó, bảng thông tin tóm tắt tại mỗi điểm tham quan vẫn rất hữu ích.

KẾT LUẬN

Tour đi bộ “Kiến trúc Pháp - Sài Gòn xưa” được đề xuất trong nghiên cứu này đã được thiết kế theo quy trình 6 bước. Hai hành trình đề xuất với 6 và 7 di sản kiến trúc Pháp tại khu vực Công xã Paris, đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng. Quá trình thiết kế sản phẩm cho thấy, quan sát thực địa và thử nghiệm sản phẩm là những kỹ thuật nghiên cứu rất hữu ích cần sử dụng trong thiết kế sản phẩm du lịch. Quan sát thực địa cho phép phát hiện độ chênh giữa tài liệu và hiện trạng của các điểm tham quan trong hành trình và sự hợp lý của hành trình. Thử nghiệm sản phẩm cho phép phát hiện những chi tiết chưa đáp ứng được mong đợi của khách du lịch, từ đó có căn cứ hiệu chỉnh cho phù hợp hơn. Do là tour không thu phí dịch vụ, không có hướng dẫn viên, nên các hướng tùy chỉnh hành trình cũng được gợi ý cho khách du lịch tùy chỉnh. Thiết kế tour đi bộ này góp phần giới thiệu với khách du lịch về điểm đến TP. Hồ Chí Minh, có thể đăng tải trên website xúc tiến du lịch Thành phố (visithcmc.vn) và quảng bá rộng rãi đến khách du lịch quốc tế và nội địa qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Hạn chế của nghiên cứu là chưa tham khảo ý kiến của các bên liên quan khác, như: cộng đồng cư dân, các cửa hàng kinh doanh, ban quản lý chợ… để đánh giá sự ủng hộ của họ. Do đó, hướng nghiên cứu tiếp theo sẽ là đánh giá sự ủng hộ của các bên liên quan về sản phẩm đề xuất trước khi chính thức giới thiệu rộng rãi tour này./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Antonio Menor-Campos, Pedro Antonio Fuentes Jiménez, María Elena Romero-Montoya and Tomás López-Guzmán (2020), Segmentation and sociodemographic profile of heritage tourist,Tourism and Hospitality Management, 26(1), 115-132, https://doi.org/10.20867/thm.26.1.7.

2. Bailey Ashton Adie and C. Michael Hall (2016), Who visits World Heritage? A comparative analysis of three cultural sites, Journal of Heritage Tourism,12(1),http://doi.org/10.1080/1743873X.2016.1151429.

3. Blázquez J., Sarrión J., Luengo C. A., Colorado A. H. and Jiménez M. (2014), Specific methodology for creating a tourism product based on Greenways,Rutas Pangea & Greenways and Environment Department, 1e edition.

4. Creswell, J. W. (2014), Research design: qualitative, quantitative, and mixed methods approaches, SAGE Publications, Inc, 4th ed.

5. Fodor’s Travel (2023), Top places to go in Asia in 2023, retrieved fromhttps://www.fodors.com/go-list/2023/asia.

6. Hmood K., Jumaily H., Melnik V. (2018),Urban architectural heritage and sustainable tourism, WIT Transactions on Ecology and the Environment, 227, DOI: 10.2495/ST180201.

7. Katherine McLaughlin (2023), The 11 Most Beautiful Post Offices Around the World, retrieved from https://www.architecturaldigest.com/gallery/most-beautiful-post-offices-around-the-world

8. Meredith Whitman (2013), Best food markets around the world, retrieved from https://www.usatoday.com/story/travel/destinations/2013/10/05/worlds-best-food-markets/2922967/.

9. Phong Vinh (2017), Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Sài Gòn, truy cập từhttps://vnexpress.net/dau-an-kien-truc-phap-o-sai-gon-3641939.html.

10. Schejbal, C. (2013), Tourism product design,Acta Logistica Moravica, 2, 50-60.

11. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh (2021), Bộ tài nguyên du lịch TP. Hồ Chí Minh.

12. Thị Hong Hai Nguyen and Catherine Cheung (2014), The Classification of Heritage Tourists: A Case of Hue City, Vietnam, Journal of Heritage Tourism, 9(1), 35-50, DOI:10.1080/1743873X.2013.818677.

13. Tussyadiah, Iis P. (2014), Toward a Theoretical Foundation for Experience Design in Tourism,Journal of Travel Research, DOI: 10.1177/0047287513513172.

14. UNWTO (2018), Tourism and culture synergies, retrieved from https://www.e-unwto.org/doi/book/10.18111/9789284418978

15. https://whc.unesco.org/en/list/320/.

16. https://www.eurob.org/2018/10/01/european-route-of-brick-gothic-attractive-heritage-of-regions-and-cities/?lang=en.

Ngày nhận bài: 29/5/2024; Ngày phản biện: 20/6/2024; Ngày duyệt đăng: 30/7/2024