Thời điểm “chín muồi” để tăng tốc thực hiện tích tụ và tập trung ruộng đât
Tích tụ, tập trung ruộng đất còn hạn chế
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đã đến lúc phải thực hiện tích tụ ruộng đất, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng quy mô hơn, hiện đại hơn, thông minh hơn... Từ đó, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo
Báo cáo của CIEM cho thấy, từ khi Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định hướng dẫn ban hành kèm theo được ban hành, tính đến ngày 31/08/2017, cả nước mới có 2 tỉnh là Hà Nam và Thái Bình xây dựng Đề án thí điểm tích tụ và tập trung ruộng đất; 3 tỉnh ban hành chính sách. Trong giai đoạn 2011-2016, xu hướng tích tụ ruộng đất, đối với diện tích trên 5ha, trên cả nước có xu hướng giảm đối với đối tượng là các doanh nghiệp (từ 931 doanh nghiệp năm xuống 874 doanh nghiệp năm 2016), song đối với hộ gia đình lại đang có xu hướng tăng lên (từ 238.476 hộ năm 2011 lên 263.873 hộ năm 2016).
Thực tế khảo sát tại 3 tỉnh là Hà Nam, Thái Bình và Ninh Bình của Ban Chính sách phát triển nông nghiệp (CIEM) cho thấy, quy mô tích tụ chủ yếu là 2ha, cá biệt có hộ mua tới 15ha. Bên cạnh đó, có nhiều hộ nông dân muốn bán đất (hộ già, hộ có nghề phụ...), trong khi đó hộ mua không có nhiều (8.33% hộ không muốn mua đất trong số các hộ được hỏi).
Đối với vấn đề tập trung ruộng đất, huyện có mức độ tập trung ruộng đất cao nhất trong 5 huyện chỉ mới đạt 3.9% (Lý Nhân, Hà Nam). Hiện có 4 hình thức tạp trung ruộng đất, gồm: hộ nông dân tự thuê đất của nhau; doanh nghiệp tự thuê đất của hộ nông dân theo cơ chế thị trường; doanh nghiệp thuê đất của hộ dân thông qua chính quyền; hợp tác xã làm đầu mối trung gian cho các hộ thuê đất của nhau. Trong số các hình thức này, thì chủ yếu tập trung ở việc hộ tự thuê đất của nhau, còn các hình thức khác thì rất ít.
Kết quả khảo sát cho thấy, khi tích tụ ruộng đất, hầu hết các hộ đều muốn chuyển nhượng ruộng đất. Nguyên nhân là do lợi ích của các hộ chuyển nhượng (bán ruộng) có thời gian làm việc khác, có tiền làm việc khác, bớt các khoản nộp theo đầu sào... bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của hộ chuyển nhượng ruộng đất cao hơn so với hộ không bán. Tương, việc tập trung ruộng đất, hầu hết các hộ đều muốn cho thuê.
“Nếu một hộ chuyển nhượng ruộng đất, cuối năm thu về lợi nhuận khoảng 5.700 ngàn đồng, trong khi đó nếu để lại tự làm thì họ chỉ thu về khoảng 590 ngàn đồng”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Ban Chính sách phát triển nông nghiệp (CIEM) cho biết.
Đâu là những bất cập?
Theo kết quả khảo sát, hiện nay, vẫn còn một số những bất cập khiến cho việc tích tụ, tập trung ruộng đất còn hạn chế. Cụ thể là: Hiện vẫn chưa thống nhất được khái niệm về tích tụ và tập trung ruộng đất. Điều này khiến cho quy trình, hướng dẫn không đầy đủ, mỗi địa phương hiểu một kiểu. Trong khi đó, định hướng trong chính sách chưa thay đổi kịp so với xu hướng sử dụng đất của hộ nông dân.
“Chính sách hiện vẫn là ưu tiên, đảm bảo ruộng đất cho các hộ gia đình nông dân, trong khi nhu cầu sử dụng đất của các hộ đã giảm khá nhiều. Thậm chí, họ càng làm ruộng thì càng nghèo”, ông Nguyễn Hữu Thọ nói.
Hiện tại, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thống nhất từ cấp Trung ương, tỉnh, huyện xã... Việc phân loại đất quá chi tiết (8 loại). Trong khi đó, thủ tục chuyển đổi khá phức tạp, cụ thể như: trên 10h lúa trở lên phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, dưới 10ha lúa thì pháo có nghị quyết của HĐND tỉnh (Điều 58, Luật Đất đai năm 2013).
Đối với chủ thể tiếp cận đất đai hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp FDI không được nhận chuyển nhượng, nhận tăng cho quyền sử dụng đất; Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đát trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình...
“Đây là những đối tượng có tiềm lực kinh tế, kỹ nẵng... nhưng lại bị hạn chế sử dụng đất”, ông Thọ nói.
Bên cạnh đó, hạn mức cho thuế cũng đang làm cho nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư lớn. Cụ thể như, thời giạn sử dụng đất hiện nay là 50 năm, làm cho các hộ dân chỉ muốn cho thuê 10 đến 20 năm. Trong khi đó, chu kỳ tài sản của doanh nghiệp thường dài. Do vậy, doanh nghiệp không muồn đầu tư với quy mô lớn.
Ngoài ra, ông Thọ cũng cho biết, việc Luật Đất đai quy định không có sổ đỏ thì không được chuyển nhượng. Trong thực tế, số hộ chưa được cấp sổ đỏ còn rất nhiều; Hay công tác thông tin đất đai vẫn chưa theo cơ chế thị trường, chủ yếu vẫn do chính quyền địa phương cấp.
“Khảo sát cho thấy, 82% thông tin đất đai do cán bộ xã cấp; 11,1% từ bạn bè, hàng xóm; 6,7% do họ tự đến hỏi. Trong khi đó, 0% qua trung gian môi giới và 0% qua hệ thống mạng, internet”, ông Thọ dẫn chứng.
Cần đẩy nhanh tiến độ tích tụ, tập trung ruộng đất
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đã đến lúc phải thực hiện tích tụ ruộng đất, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng quy mô hơn, hiện đại hơn, thông minh hơn... Từ đó, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
“Cần phải có các giải pháp để thúc đẩy tích tụ ruộng đất và điều đầu tiên, phải linh hoạt trong việc quản lý mục đích sử dụng đất, và có thể thu hẹp diện tích các loại đất. Cũng không nên áp dụng hạn điền mà thay vào đó là tính thuế”, ông Cung nói.
Đồng thời, ông Cung cũng cho rằng, khi nông dân chuyển nhượng đất thì họ phải chuyển đổi được ngành nghề để tạo sinh kế mới và có thu nhập lâu dài hơn. Rõ ràng, việc phát triển các ngành nghề ngoài nông nghiệp cũng là một vấn đề cần quan tâm. Vì vậy, để thu hút lực lượng lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp thì phải phát triển mạnh hơn các lĩnh vực, như: công nghiệp, dịch vụ, du lịch... Đồng thời, phải đào tạo, hướng dẫn nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, nghĩa là phải tiếp cận một cách tổng thể.
Đồng tình với ông Cung, TS. Nguyễn Văn Vương, Phó trưởng phòng, Phòng Cây lương thực và cây thực phẩm, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc tích tụ ruộng nhất nhằm mở rộng quy mô sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi tích tụ ruộng đất thì người nông dân làm gì?
"Quan trọng nhất là phải phát triển được các lĩnh vực khác, như: công nghiệp, dịch vụ, du lịch... để thu hút lực lượng lao động nông thôn rời khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, mới có nhiều điều kiện để quá trình tích tụ ruộng đất phát triển", ông Vương nói.
Liên quan đến giải pháp trong vấn đề tích tụ và tập trung ruộng đất, ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, cần điều chỉnh lại cách thức lập quy hoạch và nội dung quy hoạch nhằm phân cấp quản lý nhiều hơn cho chính quyền cấp tỉnh và huyện; tăng tính linh hoạt trong việc ra quyết định lựa chọn mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, kiến nghị bỏ quy định về thời hạn sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để giao hoặc cho thuê sử dụng ổn định lâu dài giống như đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc xử lý những tình huống quan trọng, thì cần bổ sung thêm các trường hợp được thu hồi đất nông nghiệp.
Đồng thời, cho phép các tổ chức kinh tế, hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng có điều kiện quyền sử dụng đất trồng lúa. Tuỳ từng giai đoạn, Nhà nước sẽ đặt ra các tiêu chí, điều kiện đối với doanh nghiệp khi muốn nhận quyền sử dụng đất lúa.../.
Bình luận