Thu hút du học sinh trở về nước sau tốt nghiệp: Muôn nẻo khó!
Sau kỳ chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 14, có những nguồn thông tin cho biết 12/13 nhà vô địch đã quyết định ở lại không trở về nước làm việc. Đó là bức tranh thu nhỏ của tình trạng phần lớn du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập đều mong muốn ở lại, thay vì quay trở lại Việt Nam làm việc.
Thực trạng đáng buồn
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng. Theo đó, năm 2011 có 98.536 học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên khoảng 120.000 người, trong đó trên 90% là du học tự túc. Nếu tính một suất du học tốn tối thiểu 10.000-15.000 USD (có thể cao hơn) thì mỗi năm Việt Nam chuyển ra nước ngoài 1-1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều đáng buồn hiện nay là các du học sinh ra nước ngoài học tập bằng nhiều con đường khác nhau nhưng nẻo về lại giống nhau và phần lặng lẽ mất hút; phần khác nếu không được ở lại, khi trở về họ cũng tìm cơ hội tại các công ty nước ngoài. Mặc dù những năm gần đây, một số địa phương cũng có những chính sách thu hút nhân tài, trong đó Hà Nội có hẳn một đề án thu hút nhân tài nhưng đáng tiếc là hiệu quả của việc triển khai thực hiện của những đề án, kế hoạch này lại… chỉ như “đá ném ao bèo”.
Chuyện vì sao người giỏi không về nước làm việc được đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP. Hồ Chí Minh) đưa ra tại Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 2/11/2015: Vì sao 13 cháu du học, 12 người không về? Đây là một ví dụ minh họa cho tình trạng bức xúc trong thu hút, sử dụng nhân tài. Trên thực tế, những quán quân này đang có những công việc, thành tựu tốt tại nước ngoài. Điển hình như, Trần Ngọc Minh, nhà vô địch năm đầu tiên, được trao học bổng nghiên cứu tiến sĩ khi có kết quả học tập trong top 5 của Đại học Kỹ thuật Swinburne. Chị còn là giám đốc tiếp thị cho Open Your Hearts – tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ trẻ em tàn tật, bất hạnh. Sau đó, cựu quán quân này làm việc cho một trong những nhà mạng di động hàng đầu tại Australia; Phan Mạnh Tân, nhà vô địch mùa thứ hai cũng đã có bằng tiến sĩ, làm việc tại IBM, Melbourne, Australia; Còn Huỳnh Anh Vũ, nhà vô địch năm thứ chín, là một trong hai sinh viên xuất sắc nhất Đại học Kỹ thuật Swinburne, được giữ lại làm giảng viên (năm 2012)... Câu hỏi đặt ra ngược lại là nếu quay về Việt Nam, họ có phát huy được hết tài năng, hay phát triển con đường sự nghiệp như học đang làm tại nước ngoài?
Bức tranh đó không chỉ ở những thí sinh Olympia, mà ở phần lớn du học sinh của Việt Nam hiện nay. Theo kết quả khảo sát 350 du học sinh đã tốt nghiệp thực hiện bởi công ty nhân sự SHD, 64% du học sinh quyết định ở lại nước sở tại để sinh sống và làm việc; 66% trong số họ quyết định ở lại nước sở tại sau khi tốt nghiệp cho rằng, chế độ lương/thưởng tại Việt Nam chưa xứng đáng với công sức, tiền bạc họ đã đầu tư trong quá trình học ở nước ngoài. Vì thế, họ chưa muốn về Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp. Đối với nhóm du học sinh đã tốt nghiệp trở về Việt Nam, 87% gặp nhiều khó khăn về yếu tố văn hóa doanh nghiệp, môi trường làm việc tại các doanh nghiệp (đa quốc gia, liên doanh và công ty Việt Nam). 83% chưa hài lòng về chuyện lương, thưởng (Hoài Nam, 2013).
Hình ảnh một số du học sinh ở Mỹ
Bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sâu xa
Trên thực tế tấm bằng danh giá ở nước ngoài nhiều khi lại không có độ “hot” ở trong nước như nhiều du học sinh tưởng tượng. Vì vậy khi đi xin việc họ cũng khá vất vả, hoặc mức lương và chế độ đãi ngộ không như mong muốn. Thậm chí nhiều người đã về nước rồi lại đành “đắng lòng” cầm bằng quay lại môi trường cũ vì “miếng cơm manh áo”.
Những ưu đãi hiện hành với “người tài” mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, do các địa phương, các cơ quan đặt ra, tùy theo tình hình mà thực hiện, không phải một cơ chế ở tầm vĩ mô có khả năng khuyến khích những người có năng lực phấn đấu trong học tập và cống hiến theo yêu cầu ở các lĩnh vực kinh tế xã hội.
Trước tiên là chính sách quan liêu cùng kiểu làm việc “con ông cháu cha” khiến du học sinh rất khó khi xin việc. Họ không được cạnh tranh công bằng khi muốn nộp hồ sơ vào những vị trí tốt. Họ còn có một thực tế phải đối mặt khi về nước, đó là phải chạy chọt xin việc, phải va đập vào những thủ tục phức tạp, phải lo lót "đầu tiên" mà nhiều khi vẫn thất nghiệp.
Ông Phạm Sỹ Tiến, nguyên Trưởng ban Điều hành Đề án 322 trăn trở, “Điều đáng buồn nhất của các đề án đầu tư đưa học sinh, sinh viên đi du học là người học được Nhà nước đầu tư rất tốt, nhưng sau khi về nước không phát huy được năng lực của mình, không có môi trường để phát triển nghiên cứu tiếp... Đề án có tốt nhưng “đầu ra” không tốt thì hiệu quả cũng bị giảm sút. Một số du học sinh sau khi về nước đã xin thôi việc ở cơ quan cũ để sang cơ quan khác làm việc hoặc làm việc cho doanh nghiệp. Nhiều người ở lại nước ngoài”.
Thêm nữa chúng ta vẫn phải công nhận rằng hiện nay chính sách đãi ngộ người tài trong nước chưa được cao nên nếu về nước du học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính. Vậy chẳng có lý do gì cùng một bằng cấp như thế, tại sao họ lại không chọn một con đường mà có thể có được một đời sống cao hơn. Tóm lại, do không có một sự đảm bảo cho cuộc sống gia đình chính bản thân của những du học sinh, họ không mặn mà với chuyện quay về Việt Nam làm việc.
Một lý do quan trọng nữa khiến đa số du học sinh ở lại nước ngoài sau khi du học là điều kiện và môi trường sống ở nước ngoài tự do, văn minh hơn, điều kiện tự nhiên cũng dễ chịu hơn.
Nếu so sánh giữa môi trường Việt Nam với các nước tiên tiến, như: Anh, Mỹ, Nhật Bản... thì rõ ràng các nước đó tốt hơn rất nhiều. Chẳng hạn như, việc mua bảo hiểm gần như là đương nhiên ở các nước này vì nếu bị bệnh hay bất cứ tai nạn nào, công dân sẽ yên tâm được chi trả đầy đủ; còn ở Việt Nam các công ty bảo hiểm khó lòng thuyết phục khách hàng khi họ thường xuyên bị lừa đảo ‘tiền mất tật mang”, bệnh nhân dùng bảo hiểm cũng bị đối xử khác với khám chữa bệnh dịch vụ. Hoặc những chi phí công như trường học, bệnh viện… đều được miễn phí, trong khi ở Việt Nam ngoài những khoản phí phải đóng, để được dạy tốt, chữa bệnh tốt, người dân còn phải tìm cách “lót tay” cho thầy giáo, thầy thuốc…
Đường về cho du học sinh Việt Nam có thực sự dễ dàng?
Cần có giải pháp thu hút, sử dụng có hiệu quả học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp
Trên thực tế đến nay, chưa có một điều tra nào về thực trạng việc làm của những du học sinh, sau khi tốt nghiệp các trường đại học nước ngoài trở về. Đây rõ ràng là vấn đề lớn, nhưng nhiều năm qua chưa được Việt Nam đặt ra một cách nghiêm túc. Với những lý do nói trên, chúng ta không thể trách cứ các bạn thủ khoa Olympia hay những du học sinh không trở về cống hiến cho đất nước, áp đặt cho là họ không yêu nước, không thực hiện trách nhiệm với quê hương.
Trước tình hình đó, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ về việc nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút, sử dụng có hiệu quả học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp.
Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, thực hiện chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo, nhiều học sinh, sinh viên đi học tập ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí khác nhau (từ ngân sách nhà nước, học bổng của Chính phủ và cơ sở đào tạo nước ngoài, tự túc kinh phí), trong đó nguồn kinh phí tự túc của gia đình người học là chủ yếu. Đây là nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp chưa phát huy tốt vai trò, khả năng của mình do chưa có các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực này.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tổng thể và đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút, sử dụng có hiệu quả học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp đóng góp xây dựng đất nước; báo cáo Chính phủ trong phiên họp tháng 7/2016.
Với sự quan tâm chặt chẽ của Chính phủ, thời gian tới Việt Nam sẽ có những giải pháp hiệu quả thu hút môt lượng nhân tài của đất nước là những du học sinh đang sinh sống, học tập và làm việc tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới quay trở về Việt Nam xây dựng quê hương./.
Nguồn tham khảo:
1. Tuệ Văn (2016). Đề xuất giải pháp thu hút du học sinh xây dựng đất nước sau tốt nghiệp, truy cập từ http://vpcp.chinhphu.vn/Home/De-xuat-giai-phap-thu-hut-du-hoc-sinh-xay-dung-dat-nuoc-sau-tot-nghiep/20167/19114.vgp
2. Hoài Nam (2013). Du học sinh về nước, khoan vội... “hét” lương, truy cập từ http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/du-hoc-sinh-ve-nuoc-khoan-voi-het-luong-1388631760.htm
3. Khánh An (2013). Lương tiến sĩ còn thua oshin, truy cập từ http://petrotimes.vn/luong-tien-si-con-thua-oshin-133589.html
Bình luận