Từ khóa: tài chính toàn diện, tiếp cận tài chính, dịch vụ tài chính, Việt Nam

Summary

Vietnam is moving towards the goals of the National Financial Inclusion Strategy. Accordingly, all people and businesses can safely and conveniently access and use financial products and services suitable to their needs and at reasonable costs, provided by licensed organizations in a responsible manner. To successfully accomplish these goals, it is necessary to have the participation of all levels, sectors and social communities.

Keywords: financial inclusion, financial access, financial services, Vietnam

GIỚI THIỆU

Dịch vụ tài chính là nền tảng để giải quyết nhiều vấn đề nóng bỏng toàn cầu và đạt được các mục tiêu phát triển. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sở hữu tài khoản ngân hàng và tiếp cận dịch vụ thanh toán tác động tích cực tới công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nhiều quốc gia. Vì thế, tài chính toàn diện là một yếu tố được nhiều tổ chức, quốc gia, trong đó có Việt Nam đánh giá đóng vai trò rất quan trọng đối với xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng.

Xuất phát từ nguyên nhân trên, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này nhằm làm rõ khái niệm về tài chính toàn diện, đồng thời phân tích thực trạng, chỉ ra những cơ hội, thách thức trong thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm giúp tất cả người dân có thể tiếp cận dịch vụ tài chính.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Theo World Bank (2018), tài chính toàn diện có nghĩa là các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính - các giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm - đáp ứng nhu cầu của họ và có mức chi phí hợp lý, được cung cấp theo một cách thức có trách nhiệm và bền vững.

Liên minh Tài chính Toàn diện (AFI) định nghĩa về tài chính toàn diện rộng hơn và đa chiều hơn, nhấn mạnh đến cả khía cạnh chất lượng sử dụng dịch vụ. Theo đó, tài chính toàn diện là việc cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ tài chính sẵn có với mức chi phí hợp lý; làm cho khách hàng sử dụng các dịch vụ tài chính một cách thường xuyên; đưa ra những dịch vụ tài chính được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người sử dụng (AFI, 2017).

Sarma và cộng sự (2011) cho rằng, tài chính toàn diện như một quá trình đảm bảo sự dễ dàng tiếp cận, tính khả dụng và sử dụng của hệ thống tài chính chính thức cho tất cả các thành viên của nền kinh tế. Định nghĩa này nhấn mạnh một số khía cạnh của tài chính toàn diện, tức là khả năng tiếp cận, tính khả dụng và sử dụng hệ thống tài chính.

Còn theo Demirgüç-Kunt và cộng sự (2015), tài chính toàn diện là việc cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi thành viên xã hội với mức chi phí hợp lý, thông qua những cách thức thuận tiện, phù hợp với tiêu chuẩn/điều kiện của khách hàng. Cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng, đáp ứng được nhu cầu của họ trong giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm.

Tại Việt Nam, khái niệm tài chính toàn diện được định nghĩa trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau: “Tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ”.

Tóm lại, tài chính toàn diện là quá trình đảm bảo tiếp cận với các dịch vụ tài chính, tín dụng kịp thời và thuận tiện khi cần thiết đối với những người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương với chi phí hợp lý (Gwalani và Parkhi, 2014). Tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng, phát triển và giảm nghèo, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần tích cực vào sự ổn định tài chính tổng thể của ngành ngân hàng và toàn bộ hệ thống tài chính (Neaime and Gaysset, 2017).

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN Ở VIỆT NAM

Kết quả đạt được

Ở Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách liên quan đến tài chính toàn diện quốc gia như: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế (Quyết định số 1726/QĐ-TTg, ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Đặc biệt, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020.

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. Trong đó, chỉ tiêu đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt được: Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, tiến tới mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; Ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành; Ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và đại lý ngân hàng; ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội); Ít nhất 25%-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng từ 20%-25% hàng năm; Ít nhất 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; Dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%; Doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP là 3,5%; Ít nhất 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thực tế qua hơn 3 năm, Việt Nam đã nỗ lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện và đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cơ quan đầu mối về tài chính toàn diện đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan để nâng cao nhận thức về tài chính toàn diện cũng như phối hợp với các ngân hàng thương mại trong việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính. Qua đó, công tác giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính đã được quan tâm, tích cực triển khai. Các bộ, ban, ngành đã triển khai các chương trình đào tạo để tăng cường kiến thức, kỹ năng tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện lồng ghép vào Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia các kiến thức về tài chính...

Đặc biệt, một số giải pháp quan trọng góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp đã được các bộ, ngành tích cực phối hợp thực hiện như: ban hành quy định cho phép mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ như Mobile Money; xây dựng và chính thức vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Cơ sở hạ tầng tài chính tiếp tục được hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đầu tư, nâng cấp các hệ thống thanh toán quan trọng như: hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính; hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ…

Công tác truyền thông về hoạt động thanh toán và dịch vụ ngân hàng được đẩy mạnh, qua đó giúp thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ tài chính trên nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ tài chính. Thông qua đó, đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.

Các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tích cực cải thiện. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán tích cực đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nông thôn; phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh... Qua đó, các ngân hàng thương mại Việt Nam có sự chuyển biến rõ rệt, quan tâm nhiều hơn tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho những thành phần kinh tế trước đây vốn không phải là đối tượng chú trọng của ngân hàng. Phần lớn các ngân hàng đã cung cấp các dịch vụ tiện ích như: thanh toán tiền điện, nước, cước phí điện thoại, viễn thông, phí bảo hiểm, thu học phí thông qua kênh Internet banking và Mobile banking. Các ngân hàng cũng phối hợp Tổng cục Hải quan cho việc nộp thuế… Mặt khác, các ngân hàng còn tích cực hợp tác với các doanh nghiệp lớn để tận dụng lợi thế của mỗi bên trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới số đông khách hàng.

Ngoài ra, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam ngày càng phát triển hiệu quả, bền vững. Cùng với đó, dịch vụ tài chính số đạt tốc độ tăng trưởng cao, đem lại nhiều cơ hội cho ngân hàng cũng như giúp cho khách hàng tiếp cận sản phẩm dịch vụ đa dạng tiện ích phù hợp với nhu cầu và với chi phí thấp… Năm 2022, thanh toán qua kênh Internet tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt xử lý qua hệ thống Napas đã giảm từ 12% năm 2021 xuống chỉ còn 6,56% năm 2022 (Phan Linh, 2023).

Một số khó khăn, thách thức

Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, theo Ngân hàng Nhà nước (2022), việc triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý hiện hành còn bất cập, chưa bắt kịp đòi hỏi của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, xuất hiện thêm các kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro.

Thứ hai, mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, hệ thống POS/ATM của các tổ chức tín dụng phân bố chủ yếu ở khu vực thành thị, các khu kinh tế phát triển, khu đông dân cư, trong khi còn hạn chế tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thứ ba, thanh toán không dùng tiền mặt mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể, tuy nhiên một bộ phận dân cư, đặc biệt là nhóm người cao tuổi, người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa sử dụng phổ biến hình thức thanh toán này.

Thứ tư, sản xuất nông nghiệp còn thiếu các biện pháp, công cụ phòng ngừa để hạn chế rủi ro, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chậm triển khai; các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đạt được như kỳ vọng.

Thứ năm, cơ sở dữ liệu về tài chính toàn diện vẫn chưa hoàn thiện, tạo không ít khó khăn cho công tác giám sát, đánh giá việc thực thi các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện.

Thứ sáu, công tác truyền thông về tài chính toàn diện chưa thực sự đa dạng, phong phú.

Ngoài ra, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã để lại những hệ quả nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân khó khăn cũng có tác động không nhỏ tới kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Để thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện những giải pháp sau:

Một là, tiếp tục xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới đi đôi với nâng cao năng lực quản lý giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống. Nghiên cứu, bổ sung các quy định về bảo hiểm vi mô, tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai chính sách mới về bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh tín dụng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tính chất cho vay và bảo lãnh tín dụng.

Hai là, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục làm tốt vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện trong việc hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược; tiếp tục xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng; tăng cường năng lực quản lý giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống; triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm dịch vụ, các kênh cung ứng dịch vụ.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện và tăng cường kết nối hạ tầng thanh toán phục vụ cho các giao dịch thanh toán điện tử trong nền kinh tế; đẩy nhanh việc khai thác kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân phục vụ xác minh thông tin khách hàng, giúp các tổ chức tín dụng tăng cường phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính số.

Bốn là, khuyến khích, hỗ trợ ngân hàng thương mại phát triển mạng lưới giao dịch tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sắp xếp, phát triển hợp lý mạng lưới ATM và POS, khuyến khích mở rộng mạng lưới ATM và POS ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khuyến khích các tổ chức tài chính vi mô đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ. Khuyến khích phát triển mô hình liên kết hoạt động với các ngân hàng thương mại. Mở rộng các nguồn tín dụng với lãi suất và thời hạn vay phù hợp hơn đối với từng đối tượng khách hàng, từng địa bàn, từng mức thu nhập và nghề nghiệp.

Các ngân hàng thương mại cần tích cực triển khai các định hướng chiến lược về phát triển các kênh cung ứng, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đặc biệt là ứng dụng các giải pháp công nghệ số để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ và các tiện ích cho khách hàng. Có những chính sách, giải pháp và sản phẩm, dịch vụ tài chính đặc thù, phù hợp với khách hàng là đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các đối tượng này tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về tài chính toàn diện và tình hình thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện. Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ lồng ghép giáo dục tài chính vào giáo dục phổ thông quốc gia để góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, tạo ra phong trào thiết thực, hiệu quả đối với sinh viên, học sinh, hài hòa lợi ích của cá nhân và lợi ích quốc gia. Tăng cường công tác giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính cho người dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo; tiếp tục nghiên cứu, lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện vào các chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường bảo vệ người tiêu dùng tài chính; thúc đẩy hợp tác quốc tế, tận dụng hỗ trợ của các quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Sáu là, các địa phương cần tiếp tục chủ động lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hưởng ứng, tích cực thực hiện; chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, nhất là những đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp, những đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân ở vùng sâu, vùng xa./.

ThS. Nguyễn Thị Hằng

Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Học viện Hành chính Quốc gia

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 14 - tháng 5/2023)


Tài liệu tham khảo

1. AFI (2017), Defining financial inclusion, Guideline Note No. 28.

2. Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện (2022), Phiên họp lần thứ nhất ngày 6/8/2022.

3. Chính phủ (2020), Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

4. Demirgüç-Kunt, A., Klapper, L. F., Singer, D., Van Oudheusden, P. (2015), The global findex database 2014: Measuring financial inclusion around the world.

54. Gwalani, H. and S. Parkhi (2014), Financial Inclusion – Building a Success Model in the Indian Context, Procedia - Social and Behavioral Science, 133, 372-378.

6. Islam, E., Mamun, S. (2011), Financial inclusion: the role of Bangladesh Bank, Research Department, Bangladesh Bank Head Office, Dhaka.

7. Neaime, S. and I. Gaysset (2017), Financial inclusion and stability in MENA: Evidence from poverty and inequality, Finance Research Letters.

8. Phan Linh (2023), Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng gần 86%, truy cập từ https://vneconomy.vn/giao-dich-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tang-truong-gan-86.htm.

9. Sarma, M., Pais, J. (2011), Financial inclusion and development, Journal of international development, 23(5), 613-628.

10. Thanh Thủy, Lệ Yên, Hồng Kiên (2022). Khắc phục hạn chế để Chiến lược tài chính toàn diện góp phần đẩy nhanh giảm nghèo đa chiều, truy cập từ https://vietnamnet.vn/khac-phuc-han-che-de-chien-luoc-tai-chinh-toan-dien-day-nhanh-giam-ngheo-2097294.html.

11. World Bank (2018). The little Data book on Financial Inclusion