GIỚI THIỆU

Với mức đóng góp khoảng 9% GDP hàng năm và thu hút nhiều lực lượng tham gia, các doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng và góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Những thành tựu đạt được của doanh nghiệp tư nhân trong những năm qua thể hiện ở quy mô sản xuất không ngừng mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, nghĩa vụ với Nhà nước đều tăng lên qua các năm, ngày càng nâng cao mức thu nhập người lao động, cải thiện đời sống vật chất của người lao động. Tuy nhiên, so với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển của kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Trong bối cảnh đó, bài viết này nhằm đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân nói riêng và doanh nghiệp ngoài nhà nước nói chung để có cơ sở đề xuất một số kiến nghị, góp phần phát triển các doanh nghiệp tư nhân ở nước ta trong thời gian sắp tới. Bài viết tập trung vào đối tượng là doanh nghiệp tư nhân theo phân loại của Tổng cục Thống kê.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết sử dụng các chỉ tiêu đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng bao gồm: quy mô về vốn, lao động, tài sản cố định, doanh thu thuần, lợi nhuận thuần. Tác giả tiếp cận dưới góc độ nghiên cứu định tính, thông qua phương pháp phân tích mô tả số liệu thống kê và so sánh. Nguồn dữ liệu sử dụng trong bài nghiên cứu chủ yếu là số liệu thứ cấp được thu thập từ Niên giám Thống kê.

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN TẠI VIỆT NAM

Về số lượng doanh nghiệp

Hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam có sự phát triển mạnh trong thời gian qua và được thể hiện qua số lượng các doanh nghiệp và loại hình các doanh nghiệp ngày một tăng nhanh. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2010-2020, số doanh nghiệp tư nhân có xu hướng biến động giảm dần (Bảng 1).

Thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Số liệu ở Bảng 1 cho thấy, nếu như năm 2010 số doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đạt 48.007 doanh nghiệp, chiếm 17,18% số lượng doanh nghiệp của cả nước, thì đến năm 2020, số lượng các doanh nghiệp tư nhân giảm còn 32.687 doanh nghiệp, chiếm 4,78% trong tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. So với năm 2010, số lượng các doanh nghiệp tư nhân đã giảm 15.329 doanh nghiệp, tương ứng với mức giảm 31,93%. Số lượng các doanh nghiệp tư nhân giảm sút đáng kể có nhiều lý do, trong đó phải kể đến các doanh nghiệp tư nhân còn thiếu nhân lực chuyên môn, không muốn mở rộng hoạt động kinh doanh, lo ngại tiếp cận môi trường kinh doanh mới, tiếp cận vốn khó khăn…

Về quy mô vốn

Vốn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân có sự tăng trưởng đáng kể và được thể hiện qua Bảng 2.

Thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả

Số liệu Bảng 2 cho thấy, có sự khác biệt về quy mô và tốc độ tăng trưởng vốn của doanh nghiệp trong giai đoạn 2010-2020. Tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã tăng từ 10.841 nghìn tỷ đồng vào năm 2010 lên 46.253 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, với mức tăng bình quân hàng là 26.412,66 nghìn tỷ đồng/năm, tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân 16,68%/năm. Trong khi đó, nguồn vốn của các doanh nghiệp tư nhân có sự tăng giảm không ổn định, cụ thể năm 2010, tổng vốn của các doanh nghiệp tư nhân đạt 323,9 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2016 giảm xuống còn 296,4 nghìn tỷ đồng và năm 2017 lại tăng lên 556,2 nghìn tỷ đồng. Năm 2020, nguồn vốn của các doanh nghiệp tư nhân giảm xuống còn 211,42 nghìn tỷ đồng. Chính vì vậy, vốn bình quân của 1 doanh nghiệp tư nhân cũng có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, nếu như vốn bình quân của 1 doanh nghiệp tư nhân trong năm 2010 là 6,75 tỷ đồng/doanh nghiệp, thì đến năm 2020, vốn bình quân của một doanh nghiệp tư nhân giảm xuống và chỉ đạt bình quân 6,47 tỷ đồng/doanh nghiệp. So với vốn bình quân của 1 doanh nghiệp của cả nước, thì vốn bình quân của một doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm từ 11,61% -17,39%. Quy mô vốn này khá nhỏ và ảnh hưởng đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân nói chung.

Về lao động

Sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân đã tạo điều kiện thu hút lực lượng lao động tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh việc gia tăng về quy mô vốn, thì các doanh nghiệp cũng không ngừng thu hút thêm lao động, tạo việc làm. Số liệu về quy mô lao động của các doanh nghiệp tư nhân được trình bày ở Bảng 3.

Thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả

Số liệu Bảng 3 cho thấy, năm 2010 doanh nghiệp cả nước đã thu hút 9.741,8 nghìn lao động; đến năm 2020, số lao động làm việc tại các doanh nghiệp tăng lên 14.702,55 nghìn lao động, tương ứng tăng mỗi năm thu hút 573 nghìn lao động, với tốc độ tăng bình quân là 4,22%/năm, bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp trong cùng giai đoạn. Tốc độ tăng trưởng bình quân về lao động nhỏ hơn tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng doanh nghiệp có nghĩa, các doanh nghiệp mới thành lập sẽ có quy mô ngày càng thu nhỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân thu hút 631 nghìn lao động vào năm 2010 và số lao động làm việc tại các doanh nghiệp này có xu hướng giảm dần, đến năm 2020 chỉ đạt 191,31 nghìn lao động. Bình quân 1 doanh nghiệp tư nhân thu hút 9,79 lao động vào năm 2010 và đến năm 2020, 1 doanh nghiệp tư nhân thu hút 5,85 lao động, con số này khá nhỏ so với lao động bình quân tại 1 doanh nghiệp ở Việt Nam là 21,49 lao động. Đặc biệt, trước những khó khăn và thách thức của tình hình đại dịch Covid-19, lao động làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân giảm đáng kể. Năm 2019, chỉ có 301,8 nghìn lao động và năm 2020, giảm còn 191,31 nghìn lao động. So với năm 2019, số lao động làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân trong năm 2020 đã giảm 110,49 nghìn lao động, tương ứng với mức giảm 36,61%. Do tình hình sản xuất gặp khó khăn, các doanh nghiệp phải ngừng hoặc tạm dừng sản xuất. Tình trạng lao động bị mất việc làm và giảm việc làm diễn ra khá nhiều tại các doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn kể từ cuối năm 2019.

Về tài sản cố định

Sự phát triển của doanh nghiệp kéo theo sự đầu tư vào tài sản cố định (TSCĐ). Do đó, TSCĐ cũng tăng theo qua các năm. Minh họa cụ thể về TSCĐ của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019 được thể hiện qua Bảng 4.

Thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả

TSCĐ của các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng giảm kể từ năm 2010 đến 2020. Cụ thể nếu như năm 2010, TSCĐ của các doanh nghiệp tư nhân đạt 126,1 nghìn tỷ đồng, thì đến năm 2020, TSCĐ của các doanh nghiệp tư nhân chỉ còn 63,96 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, TSCĐ của các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng tăng, từ 4.658,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2010 tăng lên 15.541,94 nghìn tỷ đồng vào năm 2020. TSCĐ bình quân của 1 doanh nghiệp tư nhân năm 2010 là 2,63 tỷ đồng/doanh nghiệp, đến năm 2020, giảm xuống còn 1,96 tỷ đồng/doanh nghiệp. Con số này khá nhỏ so với mức TSCĐ bình quân chung của các doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2010 là 16,68 tỷ đồng và đến năm 2020, giá trị TSCĐ bình quân chung của 1 doanh nghiệp Việt Nam là 22,71 tỷ đồng.

Về doanh thu thuần (DTT)

Kết quả DTT của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam giai đoạn 2010-2020 được thể hiện qua Bảng 5.

Thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả

Số liệu ở Bảng 5 cho thấy DTT của các doanh nghiệp tư nhân có sự biến động theo chiều hướng giảm. Cụ thể, năm 2010, DTT của các doanh nghiệp tư nhân đạt 391,4 nghìn tỷ đồng, đến năm 2020 giảm xuống còn 223,59 nghìn tỷ đồng, giảm 167,81 nghìn tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 42,87% so với năm 2010. Từ đó, làm cho DTT bình quân của 1 doanh nghiệp tư nhân cũng giảm đáng kể, từ mức 8,15 tỷ đồng/doanh nghiệp vào năm 2010 xuống còn 6,84 tỷ đồng/doanh nghiệp vào năm 2020. Trong khi đó, DTT bình quân chung của 1 doanh nghiệp của cả nước tăng từ 26,8 tỷ đồng/doanh nghiệp tăng lên 40,01 tỷ đồng/doanh nghiệp vào năm 2020.

Về lợi nhuận

Bảng 6 cho thấy lợi nhuận trước thuế (LNTT) của các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam có xu hướng tăng từ năm 2010 đến năm 2019 và LNTT của các doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng khá thấp trong tổng số lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, với mức dao động trong khoảng 0,12%-1,25%. Riêng năm 2020, LNTT của các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam bị giảm khá nghiêm trọng và rơi vào tình trạng thu lỗ, với mức lỗ là 313,02 nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của tình hình đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, có nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh và thậm chí rút ra khỏi ngành hoặc giải thể.

Thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả

Kết quả phân tích trên cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội nói chung. Tuy nhiên, về tổng thể, quy mô và tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân còn thấp so với tổng thể các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này chỉ ra rằng với những khó khăn trong 10 năm trở lại đây và quy mô nhỏ lẻ, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam khó có khả năng cạnh tranh so với các loại hình doanh nghiệp khác. Nhìn chung, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, chịu sức cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp, phát triển chủ yếu dựa vào vốn và lao động, công nghệ lạc hậu. Do đó, khi gặp khó khăn thách thức như tình hình đại dịch Covid-19 vừa qua, thì các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam sẽ rất khó khăn để phục hồi và tiếp tục sản xuất như trong giai đoạn bình thường.

ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ

Kết quả nghiên cứu nói trên cho thấy, trong giai đoạn 2010-2020, sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã có sự biến động đáng kể cả theo chiều hướng giảm về số lượng và quy mô doanh nghiệp, từ đó các chỉ tiêu về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân cũng giảm theo, cụ thể về số lượng lao động, về quy mô vốn, về vốn đầu tư cho tài sản cố định, doanh thu thuần và lợi nhuận. Trên cơ sở các phân tích này, tác giả kiến nghị giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam phát triển trong thời gian sắp tới như sau

Về phía Nhà nước, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp. Có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân về thị trường tiêu thụ sản phẩm, thông tin về nhu cầu sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm đi các thị trường lớn, nhằm tạo sự ổn định và gia tăng nguồn thu cho các doanh nghiệp này.

Về phần mình, bản thân các doanh nghiệp cần luôn có sự nỗ lực, vươn lên tiếp tục sản xuất, kinh doanh, khắc phục mọi khó khăn và tận dụng những cơ hội có được từ trong và ngoài nước. Đồng thời, tranh thủ tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và tích cực học hỏi kinh nghiệm quản lý từ các loại hình doanh nghiệp khác./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tạ Thị Đoàn (2021), Giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trong bối cảnh mới, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31/2021.

2. Nguyễn Ngọc Hà (2016), Phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí tài chính, kỳ II, tháng 10/2016.

3. Trần Linh Huân, Nguyễn Cảnh Trường (2022), Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 dưới khía cạnh pháp lý về tài chính, truy cập từ https://tapchinganhang.gov.vn/thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-bi-anh-huong-boi-dai-dich-covid-19-duoi-khia-canh-phap-ly-ve-tai-c.htm.

4. Trần Đoàn Thanh Thanh, Lê Nữ Minh Phương (2017), Xu hướng phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Hội thảo Khoa học và Quản trị kinh doanh COMB2017, Đà Nẵng.

Nguyễn Văn Hùng

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh

(Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01+02 tháng 01/2023)