Thương mại số: “Sẽ sớm đi vào ngõ cụt”, nếu vẫn giữ cách quản lý truyền thống
Toàn cảnh Hội thảo
2030, thương mại số đem lại 953 nghìn tỷ đồng cho Việt Nam
Số liệu cho thấy Việt Nam đã và đang thu về được giá trị đáng kể từ thương mại trên nền tảng số, nhưng giá trị này trong tương lai còn có thể cao hơn nhiều lần.
Báo cáo "Cách mạng dữ liệu: Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội thương mại trên nền tảng số ở trong và ngoài nước như thế nào" của Công ty AlphaBeta cho biết, thương mại trên nền tảng số đã đem lại cho nền kinh tế Việt Nam lợi ích kinh tế trị giá lên đến 81.000 tỷ đồng vào năm 2017, thông qua việc thúc đsẩy các công nghệ kỹ thuật số, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí và tạo ra nguồn doanh thu mới. Giá trị tương đương với 1,7% GDP Việt Nam.
Theo ông Konstantin Matthies, đại diện Công ty AlphaBeta, nếu thương mại trên nền tảng số được tận dụng triệt để, giá trị ước tính cho các ngành nội địa của Việt Nam có thể tăng gấp 12 lần, đạt 953 nghìn tỷ đồng (42 tỷ USD) vào năm 2030.
Hiện nay, xuất khẩu số chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, nhưng giá trị này có thể tăng nhanh. Cụ thể, giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vô hình được hỗ trợ bởi niền kinh tế kỹ thuật số, như thương mại điện tử lên tới 97 nghìn tỷ đồng (4,3 tỷ USD) trong xuất khẩu hiện nay.
“Nếu coi thương mại trên nền tảng số là một ngành kinh tế thì đây sẽ là ngành xuất khẩu lớn thứ 8 tại Việt Nam. Nếu không có rào cản đối với thương mại trên nền tảng số, ước tính xuất khẩu số của Việt Nam có thể tăng trưởng 570%, đạt vào năm 2030”, ông Konstantin Matthies đưa ra dự đoán.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng, đối với các sản phẩm được hỗ trợ bằng kỹ thuật số, giá trị của các sản phẩm xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chỉ tập trung vào hàng tiêu dùng nhanh và không có cách danh mục hàng hóa khác, mà thương mại điện tử có thể có vai trò quan trọng do thiếu dũ liệu.
Song, vẫn còn những rào cản phải vượt qua
Ông Konstantin Matthies cho rằng, để phát triển thương mại trên nền tảng số, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam nên có hành động trong 4 lĩnh vực quan trọng để giải quyết những lo ngại đã liên quan đến thương mại số.
Đó là quan ngại về bảo vệ quyền riêng tư của công dân và bảo vệ họ khỏi nội dung không phù hợp; quan ngại về sự cho phép truy cập nhanh vào dữ liệu để thi hành pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, cũng như bảo vệ người dùng; quan ngại về sự hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp kỹ thuật số và việc làm trong nước; và quan ngại về bảo vệ cơ sở tính thuế trong nước.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng, cho đến nay, tầm quan trọng của thương mại trên nền tảng số trong việc giúp Việt Nam đạt được tầm nhìn này vẫn còn ít được chú ý.
Các số liệu kinh tế truyền thống đã không còn theo kịp tốc độ tăng trưởng chóng mặt của nền kinh tế kỹ thuật số và hiện thiếu đi dữ liệu đủ mạnh để đo lường tầm quan trọng của thương mại trên nền tảng số đổi với xuất khẩu hoặc đối với nền kinh tế quốc nội.
Ông Konstantin Matthies: Nếu thương mại trên nền tảng số được tận dụng triệt để, giá trị ước tính cho các ngành nội địa của Việt Nam có thể tăng gấp 12 lần, năm 2030
Có chút nghi ngại về cơ sở để đưa ra những con số được ông Konstantin Matthies nhấn mạnh, song chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vẫn cho rằng, xu hướng thương mại số được ông Konstantin Matthies trình bày vẫn rất thuyết phục.
Trong bài phát biểu của mình, bà Chi Lan cũng chỉ ra 3 thách thức hiện nay, trong đó số 1 là các vấn đề dữ liệu.
Dữ liệu của Việt Nam hiện nay vừa thiếu vừa không kịp thời, ngay cả số liệu của Tổng cục Thống kê nhiều khi cũng có độ vênh, thiếu tính cập nhật hoặc công bố xong ít hôm sau lại điều chỉnh.
Rào cản thứ hai, theo nữ chuyên gia nằm ở hệ thống pháp luật chưa đủ minh bạch và nhất quán.
“Mấy năm gần đây Nhà nước đưa ra hàng loạt quy định khuyến khích phát triển công nghệ cao để có năng suất lao động cao hơn nhưng căn bệnh ở chỗ ngay cả quy định mới cũng chưa đủ độ minh bạch và nhất quán nên tính khả thi yếu, có những quy định tốt mà doanh nghiệp không tiếp cận được”, bà Lan thẳng thắn.
Rào cản thứ ba được bà Chi Lan chỉ ra là những vấn đề liên quan đến tập quán kinh doanh, khi 98% doanh nghiệp của Việt Nam là siêu nhỏ, nhỏ và vừa, quy mô kinh doanh nhỏ, trình độ quản trị hạn chế và năng lực tài chính hạn hẹp.
Để tận dụng cơ hội: Phải bắt đầu từ thể chế
Về cơ hội, nữ chuyên gia nhấn mạnh tính thời điểm, bởi nếu không tận dụng được cơ hội dân số vàng này thì sau đó sẽ khó khăn gấp bội.
“Mỗi người sẽ có những ý niệm khác nhau về thương mại trên nền tảng số nhưng dưới góc độ Nhà nước, theo tôi, phải bắt đầu từ thể chế, từ việc người dân và doanh nghiệp được tự do nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới”, TS. Nguyễn Đình Cung trăn trở
Trả lời cho câu hỏi “phát triển thương mại điện tử bắt đầu từ đâu”, người đứng đầu CIEM cho rằng, thương mại điện tử sẽ chẳng thể nào phát triển nếu vẫn giữ cách thức quản lý truyền thống bởi các quy định sẽ khiến những ý tưởng mới, những sáng tạo mới, sản phẩm – dịch vụ mới “sớm đi vào ngõ cụt” bởi những quy định không phù hợp được “áp lên” những thứ “chưa từng có tiền lệ”.
Thay vào đó, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ họ, thúc đẩy các bên liên quan để những thứ mới đi vào thị trường sớm hơn, nhanh hơn và thuận lợi hơn.
“Nhận diện quản lý như vậy thì nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp mới thấy an toàn trong kinh doanh, mới tạo ra được hệ sinh thái để thúc đẩy các ý tưởng cho thương mại điện tử”, ông Cung khẳng định.
Trong khi đó, để trả lời cho câu hỏi “phát triển thương mại điện tử bắt đầu từ đâu”, ở góc độ doanh nghiệp, vị chuyên gia của CIEM cho rằng phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu, động lực và định hướng của mỗi doanh nghiệp.
“Và cái này thì các chuyên gia, viện nghiên cứu, viện đào tạo không thể nói được thay họ”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh và cho rằng “nhưng thể chế có thể tạo ra động lực để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, thúc đẩy cạnh tranh”.
Theo đó, Nhà nước cần phải phát huy vai trò dẫn dắt để các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam được tham gia vào các chương trình thương mại số cùng các doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu… bởi người dân và doanh nghiệp vẫn có “tâm lý” chờ đợi Nhà nước hành động và xem xét ứng xử của Nhà nước trước khi quyết định hành động của mình.
Do đó, ông Cung khuyến nghị những câu hỏi này cần phải được trả lời ngay bởi kinh tế số là không chờ đợi và cơ hội để Việt Nam nắm bắt nền kinh tế này sẽ vuột mất nếu chậm trễ.
Cũng ở góc độ chính sách, ông Konstantin Matthies nhấn mạnh việc tạo sân chơi công bằng, bình đẳng cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, ông cho rằng cần lưu ý việc chủ nghĩa bảo hộ đang “phân cắt” con đường thâm nhập của kinh tế thế giới vào Việt Nam.
Cụ thể hơn, những hành động chính cần đảm bảo sự rõ ràng liên quan đến loại dữ liệu sẽ được chia sẻ, ranh giới chia sẻ và hình thức chấp thuận của người dùng cần phải có; khuyến khích khả năng tương tác giữa các khung cơ sở kỹ thuật số; giảm bớt những yêu cầu nghiêm ngặt về việc thiết lập ở địa phương xem xét việc giảm thuế suất tối đa cho mặt hàng công nghệ thông tin; đồng thời, giảm bớt những hạn chế về đầu tư nước ngoài, chính sách cạnh tranh và luồng dữ liệu xuyên biên giới…
Ông gợi ý một số mô hình như ở Hàn Quốc, Google đang thúc đẩy đầu tư hệ sinh thái, cụ thể là đầu tư vào các công ty khởi nghiệp start up; chính phủ Ấn Độ cùng với tập đoàn Google hợp tác trong chương trình cung cấp wifi miễn phí tại các ga tàu…/.
Bình luận