Nhân dịp đầu Năm mới, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, chuẩn bị bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm cuối của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 (tiêu đề bài phỏng vấn do tòa soạn đặt).


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

PV: Thưa Bộ trưởng, 2015 là năm cuối của một nhiệm kỳ đầy khó khăn đối với kinh tế đất nước. Bộ trưởng có thể cho biết những điểm nổi bật về kinh tế của năm 2015?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Năm 2015 là năm khá đặc biệt của kinh tế Việt Nam. Sau chặng đường dài hơn 3 năm kể từ đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã có mức tăng trưởng thấp và phải dồn sức vào ổn định kinh tế vĩ mô. Bắt đầu từ năm 2014, kinh tế Việt Nam dần khôi phục và cũng là năm đầu tiên chúng ta vượt qua mốc chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế do Quốc hội thông qua. Đến năm 2015 có thể khẳng định, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng ổn định hơn và tăng trưởng kinh tế đang lấy lại được tốc độ của giai đoạn trước đây. So với mục tiêu của năm 2015 mà chúng ta đặt ra là tăng trưởng 6,2%, thì thực tế đã vượt con số này, đạt 6,68%. CPI cũng diễn biến theo chiều hướng tích cực. Nếu CPI của năm 2014 là 1,84%, thì năm 2015 chỉ là 0,6%.

Nhìn lại trong năm 2015, kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn: (1) Sự phục hồi rất chậm của kinh tế thế giới và rất nhiều hàng hóa trên thế giới giảm mạnh, khiến thị trường tiêu thụ của sản phẩm Việt Nam bị thu hẹp lại rất nhiều, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; (2) Giá dầu giảm mạnh vượt cả dự báo làm đảo lộn cơ cấu ngân sách của Việt Nam. Đầu năm chúng ta đã đưa ra dự toán thu ngân sách với giá dầu dự kiến là 100 USD/thùng, nhưng cuối năm 2015 giá dầu có lúc chỉ còn dưới 35 USD/thùng; (3) Thách thức về thị trường tiền tệ khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Ngoài ra, còn có rất nhiều thách thức khác nữa.

Tuy nhiên, phản ứng chính sách của Việt Nam tương đối nhanh nhạy và hiệu quả. Mặc dù các thách thức trên có tác động vào kinh tế Việt Nam nhưng đã được hóa giải và giải quyết một cách thỏa đáng. Do vậy, mặc dù giá dầu giảm nhưng tổng thu ngân sách của Việt Nam vẫn không giảm. Nó chỉ thay đổi về mặt cơ cấu khi ngân sách trung ương hụt thu 31 nghìn tỷ, nhưng ngân sách địa phương lại vượt thu lên rất nhiều. Cũng cần phải nói rằng, mặc dù chúng ta chịu thiệt trong xuất khẩu dầu thô, nhưng chúng ta cũng có lợi vì chúng ta là nước nhập khẩu xăng dầu thành phẩm. Giá xăng dầu giảm nên giá đầu vào của các sản phẩm giảm sẽ làm gia tăng giá trị của sản phẩm lên, từ đó làm tăng GDP. Những điều này chúng ta cũng đã dự báo từ trước và đều diễn ra đúng như vậy.

Kinh tế Việt Nam trong năm 2015 tăng trưởng tốt còn phải kể đến đóng góp quan trọng của lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo có đóng góp lớn nhất, ổn định nhất trong 3 năm liền gần đây. Lĩnh vực dịch vụ cũng bắt đầu có khởi sắc trở lại, nhất là về du lịch. Nếu năm 2014 và đầu năm 2015 giảm sút mạnh lượng khách du lịch, thì 9 tháng cuối năm 2015 lượng khách đã tăng nhanh và hồi phục.

Một điểm nổi bật nữa trong năm 2015 là sự hồi phục của khu vực doanh nghiệp. Ngay sau khi Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 01/07/2015, thì số lượng đăng ký thành lập doanh nghiệp mới đã tăng đột biến tới 50%-60% so với giai đoạn trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động rất nhiều. Điều này đã tạo ra nhiều công ăn việc làm và có những đóng góp quan trọng trong GDP.

Có thể nói những khó khăn của các năm trước đây đang từng bước được khắc phục và cải thiện làm cho tăng trưởng diễn biến theo chiều hướng tích cực trên cơ sở một nền tảng vĩ mô ổn định, lãi suất ngân hàng thấp, có huy động nguồn lực trong dân, trong nhà nước để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh lớn hơn. Đó là những điểm nổi bật của kinh tế năm 2015 và tôi nghĩ đây là đà tốt cho năm 2016 cũng như cả nhiệm kỳ 2016-2020.

PV: Bên cạnh sự khởi sắc về kinh tế, năm 2015 cũng đánh dấu sự hội nhập mạnh của kinh tế Việt Nam với hàng loạt FTA được ký kết. Theo Bộ trưởng, chúng ta cần có chuẩn bị gì để thu được lợi ích khi các FTA có hiệu lực?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Việt Nam đang rất tích cực tham gia ký kết các FTA. Bước vào năm 2016, Việt Nam bước chân vào hội nhập ở mức cao hơn so với hiện nay khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mà Việt Nam là thành viên chính thức đi vào hoạt động. Năm 2016, chúng ta cũng bắt đầu thực hiện FTA giữa Việt Nam - Hàn Quốc (có hiệu lực từ 1/1/2016), tiếp đó là FTA giữa Việt Nam và liên minh kinh tế Á - Âu, chưa kể đến các FTA khác, như: Việt Nam - EU, TPP... cũng sẽ có hiệu lực trong thời gian không xa nữa. Đây là một vấn đề rất lớn, là bước ngoặt trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Chẳng hạn như trong AEC, chúng ta phải đối mặt với 3 thách thức lớn: (1) Tự do luân chuyển hàng hóa; (2) Tự do luân chuyển về đầu tư; (3) Tự do về luân chuyển lao động có kỹ thuật cao. Chúng ta có thể nhìn thấy ngay về sự cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao, nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh thì chúng ta sẽ mất việc làm ngay trên sân nhà.

Vì vậy, chúng ta cần phải có những kế hoạch rõ ràng hơn, cụ thể hơn đối với từng ngành, lĩnh vực để mỗi doanh nghiệp, người dân hiểu và biết cách làm thế nào tận dụng được các cơ hội đến từ FTA. Đồng thời cũng phải chỉ ra được những thách thức trong từng ngành, từng lĩnh vực. Bởi, không phải các thách thức FTA đều giống nhau, nó có một số điểm chung, còn lĩnh vực dệt may thách thức thế này, điện tử, nông nghiệp lại thách thức khác... Ngành phụ trách mỗi lĩnh vực cần chỉ ra rõ ràng những thách thức của mình, đó là những vấn đề rất cụ thể.

Tôi nghĩ chúng ta đã làm được một số vấn đề cơ bản về thông tin đến doanh nghiệp, đến ngành hàng, nhưng chúng ta chưa làm đủ là phải chi tiết hơn. Muốn vậy, các hiệp hội phải họp lại, phải bàn với các doanh nghiệp và từ đó xây dựng cơ chế chính sách, thúc đẩy nội lực trong nước tận dụng được những cơ hội do FTA mang lại và biết cách, có kế hoạch để vượt qua những thách thức phải đổi mặt. Nếu không, chúng ta sẽ không tận dụng được đầy đủ lợi thế các FTA mang lại, thay vào đó lại chịu những tác động ngược chiều không mong muốn. Trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành phải làm nhiều hơn nữa, nhất là chúng ta còn có thời gian, bởi những hiệp định lớn nhất là FTA Việt Nam - EU và TPP vẫn còn thời gian chuẩn bị.

PV: Cải cách thể chế được thực hiện mạnh mẽ trong những năm vừa qua, Bộ trưởng có đánh giá gì về cuộc "cách mạng" này?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong 5 năm qua, đổi mới thể chế là một điểm sáng ấn tượng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã chọn cải cách thể chế là 1 trong 3 khâu đột phá của đất nước trong nhiệm kỳ vừa rồi. Thực hiện điều đó, chúng ta đã có rất nhiều cố gắng từ cấp Chính phủ đến Quốc hội và từ cả sự tham vấn của các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế. Chúng ta đã phân tích, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu để hoàn thiện thể chế kinh tế ở Việt Nam.

Với sự đồng tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã có một bước chuyển mạnh mẽ về thể chế. Bắt đầu từ Hiến pháp năm 2013 đã có những đổi mới rất căn bản, từ đó chúng ta sửa đổi hàng loạt luật từ luật về tổ chức bộ máy của chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương, các luật cơ bản, như: Luật Dân sự, Luật Hình sự cho đến những luật kinh tế... Tất cả các bộ luật này đều hướng theo sự tiến bộ và theo những mong muốn về đổi mới thể chế.

Tuy nhiên, tất cả những cố gắng đó vẫn chưa đủ. Bởi vì những vấn đề then chốt nhất mà chúng ta mong muốn đó là thúc đẩy phát triển các nhân tố thị trường đầy đủ theo hướng hiện đại, thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong hàng loạt luật này, chúng ta cũng chỉ dừng lại ở một số đổi mới thôi, nhưng còn phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện theo các nấc thang phát triển của Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu với sự tham vấn của hàng trăm chuyên gia hàng đầu thế giới do Ngân hàng Thế giới đứng ra mời, có cả những người dành giải Nobel, có cả đội ngũ chuyên gia trong nước, thì thấy rằng, một trong những vấn đề mang tính căn cơ là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế của chúng ta theo hướng xây dựng những nhân tố thị trường một cách đầy đủ hơn. Bởi vì, chúng ta mới chớm chân vào kinh tế thị trường, chúng ta chưa xây dựng được đầy đủ các nhân tố thị trường.

Chẳng hạn trong lĩnh vực đất đai, chúng ta tưởng là theo cơ chế thị trường, nhưng thị trường này ở Việt Nam đang méo mó do chưa phân biệt được quyền sử dụng và quyền sở hữu. Như vậy, chuyện về đất đai đang là thị trường ngầm và không theo cơ chế thị trường. Nhiều vấn đề về phân bổ nguồn lực của đất nước vẫn theo cơ chế hành chính, không phải là cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường là doanh nghiệp nào, tổ chức, cá nhân nào sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực (đất đai, tài nguyên khoáng sản...) thì được tiếp cận nguồn lực đó, song chúng ta chưa có cơ chế này.

Nhìn lại 30 năm đổi mới vừa qua của đất nước, chúng ta có nhiều thành tựu nhưng có một thành tựu xuyên suốt và là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là chúng ta đổi mới từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó tạo ra lớp lớp các động lực phát triển và thay đổi xã hội như ngày hôm nay. Thế nhưng, đến phút này sau 30 năm, thì những dư địa, tác động của động lực đổi mới đó đã dần cạn đi, thậm chí khiến chúng ta đã bị chững lại trong nhiều năm vừa qua. Nếu tiếp tục không có những đổi mới, trong đó có cải cách thể chế, thì chúng ta sẽ gặp khó khăn trong tăng trưởng, phát triển của đất nước, tụt hậu sẽ là điều rõ ràng.

PV: Năm 2016 cũng là năm bắt đầu cho một kế hoạch 5 năm mới để chốt lại chiến lược phát triển đất nước 10 năm 2011-2020, theo Bộ trưởng, chúng ta cần có những giải pháp gì để tăng trưởng kinh tế trong năm nay cũng như những năm tiếp theo?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Thứ nhất, phải tiếp tục chú ý ổn định vĩ mô để tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng. Hiện nay dù đã ổn, nhưng cơ hội rình rập bất ổn vĩ mô còn rất lớn. Đó là nợ công, nếu ta không kiểm soát tốt thì sẽ dễ dàng vượt trần và gây hậu quả; Nợ xấu của các ngân hàng vẫn tiếp tục là rào cản cho việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp...

Thứ hai, nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam. Đây là giải pháp quan trọng nhất rất khó làm nhưng phải làm. Chúng ta không thể tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng (vốn, tài nguyên, lao động thấp...). Bây giờ phải quan tâm đến tăng trưởng chiều sâu. Đó là tăng năng suất lao động của quốc gia, lấy năng suất lao động làm động lực chính để tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 và các năm tiếp theo. Năng suất là yếu tố quan trọng nhất của mọi thời đại. Chúng ta thấy rằng năng suất lao động ở Việt Nam đang thấp, dù có tăng trưởng về năng suất lao động nhưng tốc độ tăng trưởng giảm dần và thua tốc độ tăng trưởng của các nước khác thì sẽ không đuổi kịp họ. Để tăng năng suất lao động thì có rất nhiều việc phải làm, chẳng hạn như dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực năng suất cao như dịch vụ, công nghiệp.

Thứ ba, chúng ta phải tháo bỏ rất nhiều rào cản để thúc đẩy được sáng tạo và khoa học công nghệ. Hiện nay khoa học công nghệ đã manh nha rất nhiều việc tốt, nhưng mà để cho nó trở thành động lực và nguồn lực phát triển cho đất nước còn quá xa, những việc đó phải làm bên cạnh việc tiếp tục cải cách thể chế.

Thứ tư, phải có hành động rất chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực, tận dụng được lợi thế trong hội nhập và hạn chế khó khăn của hội nhập.

Cuối cùng tôi muốn nói rằng, chúng ta so với chúng ta thì có những tiến bộ, còn so với bạn bè, những quốc gia có cùng điều kiện như chúng ta thì mới thấy là có tụt hậu. Thế giới đánh giá Việt Nam khá cao, là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian vừa qua, đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ. Chúng ta tự hào về điều đó nhưng không thể bằng lòng với cái chúng ta đạt được như thế, bởi vì chúng ta có thể làm tốt hơn nữa. Trong cuộc đua này, Việt Nam đừng nghĩ chúng ta hơn giai đoạn trước và không tụt hậu, bởi vì những người bên cạnh còn chạy nhanh hơn chúng ta, đây là cuộc chạy đua.

PV: Xin cám ơn Bộ trưởng!

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 1/2016