Trí thức và vai trò của đội ngũ trí thức Sơn La trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh
GIỚI THIỆU
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi địa phương phải nắm bắt cơ hội để khai thác các nguồn lực cho phát triển KT - XH. Các nguồn lực đó bao gồm: Nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực tài chính, nguồn lực khoa học - công nghệ và nguồn lực con người… Trong đó, nguồn lực con người là quan trọng nhất, có tính chất quyết định sự tăng trưởng và phát triển xã hội.
Trí thức, với tư cách là một tầng lớp xã hội đặc biệt, có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, tiến bộ xã hội, cũng như trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nguồn lực trí tuệ quan trọng của sự phát triển KT - XH ở từng quốc gia cũng như trên phạm vi quốc tế. Họ có vai trò to lớn trong việc sáng tạo ra những giá trị kinh tế, văn hoá, tinh thần, đem lại những thành tựu quan trọng trong khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Chính vì vậy, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong hoạt động quản lý kinh tế, nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, góp phần tạo ra sự bứt phá vươn lên trong phát triển KT - XH của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng trước những yêu cầu mới.
NHẬN THỨC CHUNG VỀ TRÍ THỨC
“Trí thức” là một từ Hán - Việt. Có nhiều cách hiểu và cách tiếp cận khác nhau về khái niệm này. Khi nói đến trí thức người ta thường quan niệm đó phải là một người có học và có tâm (Sĩ + Tâm); đồng thời người đó phải có sự cống hiến, đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng và xã hội (làm thức tỉnh).
Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, trí thức được định nghĩa là “tầng lớp xã hội làm nghề lao động trí óc, trong đó, bộ phận chủ yếu là những người có học vấn cao, hiểu biết sâu rộng về chuyên môn của mình, có sáng tạo và phát minh”. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (Khóa X) đã nêu: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”. Đây là định nghĩa cô đọng, nhấn mạnh đến đặc trưng lao động trí óc sáng tạo của trí thức trong xã hội.
Trong tác phẩm “Trí thức Việt Nam: thực trạng và triển vọng” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1995, tác giả Phạm Tất Dong đã luận giải cặn kẽ về “chất trí thức”, đó là chất lao động trí tuệ sáng tạo, được thể hiện thông qua công việc cụ thể mà người trí thức đảm nhiệm. Tác giả đã khái quát chính sách phát triển đội ngũ trí thức của Đảng 65 năm qua với những thành tựu đạt được và một số hạn chế tồn đọng, qua đó nêu lên khuyến nghị một số chính sách về giáo dục và đào tạo, sử dụng và đãi ngộ, đoàn kết và tập hợp đối với trí thức.
Tác phẩm “Trí thức với Đảng, Đảng với trí thức trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước” do PGS, TS. Nguyễn Văn Khánh chủ biên, được Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành năm 2004, có thể được xem là tác phẩm lớn bàn về trí thức và chính sách của Đảng dành cho trí thức Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng. Tác giả đã nói về những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với trí thức dân tộc. Đây là một tác phẩm có sự khái quát chung về chính sách của Đảng đối với đội ngũ trí thức và sự cống hiến của trí thức đối với sự nghiệp cách mạng.
Cùng chủ đề trí thức, PGS, TS. Đức Vượng đã viết tác phẩm “Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước”, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2014. Với 3 phần: Bàn về trí thức Việt Nam - lịch sử và lý luận, thực trạng và phương hướng hoạt động của đội ngũ trí thức, tác phẩm đã chỉ ra những phương hướng chung và giải pháp cụ thể về từng lĩnh vực hoạt động của trí thức, góp phần tạo cơ sở khoa học để Đảng hoạch định chính sách một cách phù hợp, nhằm phát huy được tiềm năng phong phú và giàu tính sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam.
Qua các nội dung nghiên cứu trên đây, có thể khái quát trí thức là khái niệm dùng để chỉ một tầng lớp xã hội có năng lực trí tuệ và có trình độ chuyên môn cao, chuyên lao động trí óc, giữ vai trò chủ đạo trong việc sáng tạo các giá trị trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật… góp phần quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trí thức là một tập hợp mở và đa dạng. Trong thực tế, không thể có một số liệu nào có thể phản ánh được tất cả đối tượng mang nội hàm trí thức. Vì vậy, để đưa ra một con số chính xác tuyệt đối về số lượng đội ngũ trí thức của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng thực sự rất khó khăn. Để có số liệu cơ bản về đội ngũ trí thức của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng phải có sự thống nhất về tiêu chí nhận diện và phải có sự điều tra thống kê cụ thể.
VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NÓI CHUNG VÀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ NÓI RIÊNG
Cuộc cách mạng về phát triển không gian số đang tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng trên mọi phương diện của đời sống. Trong tiến trình đó, yếu tố con người, đặc biệt là lực lượng trí thức, các nhà khoa học được xem là nhân tố tiên phong.
Vai trò của trí thức được thể hiện trên các khía cạnh cơ bản, đó là góp phần tích cực nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hợp tác trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tham gia vào việc biên soạn hoặc đảm nhiệm vai trò tư vấn, phản biện, giám định các dự thảo, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các dự luật, các dự án KT - XH và khoa học, công nghệ ở tầm quốc gia. Trong cuốn “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với trí thức nước ta hiện nay”, tác giả Ngô Huy Tiếp cho rằng, đội ngũ trí thức là nguồn lực trí tuệ quan trọng cho sự phát triển KT - XH đối với mỗi quốc gia, cũng như trên phạm vi quốc tế. Họ có vai trò to lớn trong việc sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần, đem lại những thành tựu quan trọng trong khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, đội ngũ trí thức có vai trò toàn diện trên tất cả các mặt, từ xây dựng luận cứ cho quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước (chính trị) đến thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế (kinh tế); đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài (giáo dục) và phát triển nền văn hóa dân tộc (văn hóa).
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức đóng vai trò động lực đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều công trình khoa học đã góp phần quan trọng trong thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, khoa học xã hội đã để lại nhiều dấu ấn trong tiến trình phát triển mới của đất nước, trong đời sống xã hội và góp phần vào sự phát triển của nền khoa học thế giới.
Trong bối cảnh đất nước thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào sân chơi toàn cầu (vừa hợp tác, vừa cạnh tranh gay gắt); vai trò của đội ngũ trí thức càng thể hiện mạnh mẽ. Vai trò đầu tiên và căn bản nhất của trí thức là sáng tạo, phổ biến và truyền bá tri thức; bởi trí thức là bộ phận lao động trí óc sáng tạo trong xã hội. Sự sáng tạo luôn là đặc thù gắn liền với với quá trình lao động của người trí thức. Nhờ vào sự sáng tạo của trí thức mà những tri thức mới liên tục ra đời. Những tri thức mới ấy quay trở lại nâng cao nhận thức của nhân loại nói chung trên mọi lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội và nhân văn. Sự sáng tạo đó sẽ thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Cũng nhờ sự sáng tạo đó mà các giá trị văn hóa mới được xây dựng, được củng cố, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, khi lực lượng trí thức đã và đang phát triển ngày một nhanh chóng, trở thành một tầng lớp xã hội đông đảo và khi khoa học ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thì vai trò của đội ngũ trí thức trong sự phát triển KT - XH của cả nước và của từng địa phương ngày càng trở nên quan trọng hơn.
THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC SƠN LA TRONG SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH
Số lượng trí thức trên địa bàn tỉnh Sơn La được tính từ nhiều bộ phận, bao gồm: Những người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, có khả năng làm việc độc lập sáng tạo và có những đóng góp cho sự phát triển tiến bộ của xã hội; những người tự đào tạo, học hỏi để đạt đến một trình độ chuyên môn của người trí thức và có những đóng góp trong thực tiễn sản xuất trên địa bàn Tỉnh. Theo Báo cáo số 27-BC/ĐĐ/LHH, ngày 07/12/2021 của Đảng Đoàn Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Sơn La, đội ngũ trí thức toàn tỉnh Sơn La hiện có khoảng 57.680 người; trong đó: Trí thức là cán bộ, công chức và viên chức 34.708 (chiếm 60,1%); Trí thức làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ chức ngoài Nhà nước khoảng 22.972 người (chiếm 39,9%). Toàn Tỉnh có khoảng 34.630 trí thức có trình độ đại học và trên đại học; trong đó: Phó Giáo sư có 5 người, tiến sỹ có 129 người; bác sỹ chuyên khoa II là 46 người; thạc sỹ khoảng 1.330 người; bác sỹ chuyên khoa I khoảng 270 người.
Sơn La là một tỉnh miền núi và biên giới phía Tây Bắc Việt Nam; có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng; có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển các sản phẩm nông sản chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Sơn La, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2016-2021 đạt khoảng 5,46%/năm. Năm 2022 ước đạt 8,71%/năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành năm 2021 đạt 56.685 tỷ đồng, tăng 1,42 lần so với năm 2016; tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2021 là 99.360 tỷ đồng, bình quân đạt 16.560 tỷ đồng/năm; GDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 44,1 triệu đồng/người/năm, tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2016.
Về nông nghiệp, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, Sơn La đã lựa chọn được nhiều giống cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của Tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2021, mỗi năm đã có từ 15-17 đề tài, dự án được nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất. Bằng việc sử dụng giống mới, sử dụng công nghệ sinh học và áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; sản lượng và năng suất của nhiều loại cây trồng đều tăng. Tính đến ngày 30/6/2022, trên địa bàn Tỉnh đã có 24 sản phẩm nông sản chủ lực mang địa danh của Tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu, trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý (chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu và cà phê Sơn La), 18 sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận (chè Olong Mộc Châu; rau an toàn Mộc Châu; nhãn Sông Mã; cam Phù Yên; táo Sơn tra; bơ Mộc Châu; na Mai Sơn; chè Phổng Lái Thuận Châu; nếp Mường và Sốp Cộp; chanh leo; mận; rau an toàn Sơn La; chuối Yên Châu; xoài Sơn La; nhãn Sơn La; bơ Sơn La, cá Tầm Sơn La, cá sông Đà Sơn La) và 3 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể (khoai sọ Thuận Châu, chè Tà Xùa Bắc Yên, mật ong Sơn La). Riêng sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017. Từ năm 2020, tỉnh Sơn La có thêm 2 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại thị trường châu Âu theo cam kết tại hiệp định EVFTA là chè Shan tuyết Mộc Châu và quả xoài tròn Yên Châu.
Cao nguyên Mộc Châu có nhiều điều kiện thuận lợi để trồng cây chè Shan tuyết/Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La |
Với thế mạnh là công nghiệp chế biến, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất và phân phối điện; trong những năm qua, công nghiệp Sơn La đã có sự phát triển vượt bậc cả về giá trị và tỷ trọng trong tổng sản phẩm của Tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2021 đạt tốc độ tăng khoảng 9%/năm. Nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh những thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ của Tỉnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách của Tỉnh. Giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội luôn được quan tâm đúng mức; quốc phòng an ninh được giữ vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia; tạo tiền đề quan trọng để phát triển vững chắc trong những năm tiếp theo.
Những thành tựu trên đây có sự đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức Sơn La: Trí thức giữ các cương vị lãnh đạo đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo các bước đột phá về nhiều mặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Trí thức là cán bộ, công chức, viên chức về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ, tích cực tham mưu và thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thường xuyên quan tâm học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tỷ lệ đội ngũ trí thức tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển KT - XH. Trí thức trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng cũng không ngừng phấn đấu vươn lên, có nhiều đóng góp quan trong trong sự nghiệp phát triển kKT - XH của Tỉnh.
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC SƠN LA TRƯỚC NHỮNG YÊU CẦU MỚI
Nhìn chung, bức tranh KT - XH của tỉnh Sơn La trong những năm qua có nhiều khởi sắc và những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy vậy, nhiều tiềm năng và lợi thế của Tỉnh vẫn chậm được khai thác; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trên nhiều lĩnh vực chưa thực sự đem lại hiệu quả. Sản lượng, năng suất, chất lượng của nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên nhiều lĩnh vực thiếu tính cạnh tranh, liên kết vùng yếu. Quy mô kinh tế còn nhỏ, tăng trưởng chưa bền vững. Việc xác lập, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khoa và công nghệ còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ trên lĩnh vực khoa học và công nghệ của Tỉnh còn hạn chế cả về trình độ và năng lực, ít được tiếp cận với các lĩnh vực công nghệ mới ở cả trong nước và trên thế giới.
Trước những yêu cầu và tác động của quá trình thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế số trên mọi lĩnh vực của Tỉnh; đồng thời nhiệm vụ tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của Tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển bảo vệ thương hiệu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025 đang đặt ra những yêu cầu mới đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói chung và đội ngũ trí thức của Tỉnh nói riêng. Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Sơn La trước những yêu cầu mới, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ trí thức theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.
Hai là, cần quan tâm nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ trí thức gắn với nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế số trên mọi ngành, lĩnh vực của Tỉnh. Đội ngũ trí thức Sơn La phải là lực lượng triên phong trong lĩnh vực này.
Ba là, cần quan tâm xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng với giá trị sức lao động của đội ngũ trí thức để họ có điều kiện tập trung vào phát triển năng lực chuyên môn, vào nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ.
Bốn là, tạo ra sự hấp dẫn và động lực trong hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động tư vấn, phản biện... Xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên các các lĩnh vực KT - XH trọng yếu của Tỉnh.
Năm là, nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, thực hiện thi tuyển một số chức danh quản lý ở cấp sở - ngành, quận - huyện và cơ quan tương đương; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới./.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X (2008), Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (Khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Cục Thống kê tỉnh Sơn La (2009-2022), Niên giám thống kê tỉnh Sơn La từ năm 2008 đến năm 2021.
3. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV (2020), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
4. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 142/QĐ-TTg, ngày 21/01/2020 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 52-KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
5. UBND tỉnh Sơn La (2022), Báo cáo số 536/BC-UBND, ngày 20/11/2022 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La năm 2023.
Bình luận