Trước ngày 25/9, trình Thủ tướng Báo cáo về vướng mắc và kiến nghị giải pháp thúc đẩy đầu tư công

Chiều 10/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư tại TP. Hải Phòng.

Ngày 21/9/2021, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 250/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại cuộc họp Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư công.

Theo Thông báo, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao nội dung chuẩn bị, kết quả làm việc và cơ bản nhất trí với kiến nghị phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Tổ công tác theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 6155/BKHĐT-PC ngày 13/9/2021.

Để chuẩn bị Hội nghị trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo rà soát các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/9/2021.

Báo cáo cần cập nhật, làm rõ thông tin về danh sách các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp và nguyên nhân. Phân loại các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công theo các nhóm vấn đề: vướng mắc liên quan đến Luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội; vướng mắc liên quan đến Nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ; vướng mắc liên quan đến Thông tư thuộc thẩm quyền của cac Bộ, ngành; vướng mắc phát sinh do có cách hiểu chưa thống nhất, cần được hướng dẫn thực hiện. Trên cơ sở kết quả rà soát, cần làm rõ và đề xuất cụ thể với các giải pháp tương ứng trong việc kiến nghị sửa các Luật, Nghị định, Thông tư và hướng dẫn, giải thích về các nội dung chưa có cách hiểu thống nhất. Kiến nghị các giải pháp tổ chức thực hiện để thúc đẩy giải ngân dự án sử dụng vốn đầu tư công, bao gồm dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài… trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Để thực hiện Báo cáo rà soát các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 4 cuộc làm việc với các địa phương gồm Quảng Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Phòng./.

Trước ngày 25/9, trình Thủ tướng Báo cáo về vướng mắc và kiến nghị giải pháp thúc đẩy đầu tư công

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Tổ phó Tổ công tác, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương cho biết, Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra 10 nhiệm vụ khác nhau với Tổ công tác, trong đó có 2 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, rà soát các khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư hiện hữu, với mục tiêu là tháo gỡ rào cản, sớm đưa các dự án này vào triển khai, xây dựng. “Đây không phải là các dự án mới, mà đều là các dự án sẵn có, đang triển khai, do vậy, tháo gỡ được khó khăn có nghĩa là sẽ giúp giải phóng được nguồn lực đầu tư, kể cả là đầu tư công, vốn ODA, các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hay các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Đây là nguồn lực cần được tận dụng trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư nước ngoài đang bị chậm lại do Covid-19”, Thứ trưởng nói

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai, đó là Tổ công tác đặc biệt sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, để có thể giải quyết và tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, Tổ đã thực hiện những nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, với những vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, và đã rõ, thì Tổ công tác giải thích luôn, áp dụng thống nhất cả nước, để tránh các cách hiểu khác nhau.

Thứ hai, Tổ công tác cũng sẽ có tiếng nói độc lập, giao cho bộ, ngành phải sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến thẩm quyền của các bộ, ngành, ví dụ các thông tư hướng dẫn, để làm sao phù hợp với tình hình thực tiễn. Cùng với đó, tham mưu cho Chính phủ sửa các nội dung liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, chẳng hạn sửa các nghị định.

Thứ ba, sau khi rà soát, tổng hợp, nếu vấn đề nào vướng ở các luật, thì sẽ phối hợp, tham mưu Chính phủ đề xuất sửa các luật liên quan.

“Khi các dự án sớm được triển khai, đưa vào đầu tư, kinh doanh thì sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa giúp giải quyết việc làm cho người lao động”, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định./.