TS. Cao Viết Sinh: Đề án cơ cấu lại nền kinh tế nên tập trung vào 3 điểm trọng yếu
Làm mới tầm nhìn về cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025
Theo TS. Cao Viết Sinh, nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua mới chủ yếu là làm sạch các hậu quả để lại cho giai đoạn phát triển trước đó, vì thế Đề án cần có cái nhìn khách quan, chuẩn mực vào thực trạng này trước khi đề xuất con đường mới. Ông Sinh cho rằng, câu chuyện cơ cấu lại nền kinh tế rất rộng, nhưng trong bức tranh tổng thể ấy, cần tập trung làm rõ 3 yếu tố trọng yếu, đó là năng suất lao động; khả năng cạnh tranh; khả năng chống chịu của nền kinh tế trong tương lai.
3 yếu tố trên có khả năng quyết định sức khỏe của mỗi nền kinh tế. Việt Nam cũng như các quốc gia khác, đại dịch Covid xảy ra đang tạo nên những thay đổi rất lớn nhất là về trật tự kinh tế, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, cách thức hoạt động kinh tế và cách tổ chức đời sống kinh tế người dân cũng sẽ khác. TS. Cao Viết Sinh cho rằng, đây là những yếu tố mới, đòi hỏi việc nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ cấu lại nền kinh tế trong 5 năm tới, tầm nhìn cho 10 năm cần phân tích sâu, chỉ rõ tác động có thể xảy đến mới có thể đưa ra những kiến giải cho việc cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Bức tranh về năng suất lao động trong dự thảo Đề án của CIEM
Nhiều chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, đại diện một số bộ, ngành đã tham dự Hội thảo cho ý kiến về Đề án “Cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19 giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 16/12/2020. CIEM được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao là cơ quan đầu mối soạn thảo, đánh giá và giám sát quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp trực tiếp cho quá trình soạn thảo Đề án Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ, các cơ quan Trung ương và Quốc hội trong năm 2021. CIEM cho biết, GIZ hỗ trợ Viện triển khai nghiên cứu này.
Nghiên cứu của CIEM tập trung phân tích kết quả thực tiễn tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và kiến nghị giải pháp cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, nghiên cứu tập trung phân tích ở 7 lĩnh vực tái cơ cấu như trong khung phân tích dưới, bao gồm: doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, tổ chức tín dụng, ngân sách nhà nước, dịch vụ sự nghiệp công, 8 loại thị trường yếu tố sản xuất, tái cơ cấu ngành, phát triển doanh nghiệp tư nhân để làm cơ sở đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. CIEM sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, kế thừa các kết quả nghiên cứu hiện nay và sử dụng phương pháp chuyên gia thông qua tọa đàm chuyên đề và có kết hợp với một số nghiên cứu khác để khảo sát địa phương.
Vị thế thị trường tài chính Việt Nam trên trường quốc tế (trong Đề án báo cáo của CIEM)
Cần thay đổi cách đặt chỉ tiêu, từ lượng sang chất
Góp ý cho CIEM, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia cho rằng, Đề án nên đặt vấn đề đánh giá ảnh hưởng của đại dịch Covid và biến đổi khí hậu đến nền kinh tế hiện nay và tương lai. “Năm 2020, biến đổi khí hậu đã gây ra rất nhiều hậu quả, tổn thất vật chất và con người rất lớn và diễn biến này cần được xem xét, đánh giá khi định hình cơ cấu lại nền kinh tế tới đây”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, Đề án nên tập trung phân tích hiện trạng và giải pháp thúc đẩy 3 yếu tố trọng yếu của nền kinh tế là năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, khả năng chống chịu trước các biến cố bất thường. “Các yếu tố này cần đặt trong chuẩn mới theo điều kiện thị trường đòi hỏi để tìm ra con đường đổi mới. Chẳng hạn, các doanh nghiệp không thể quản trị theo kiểu gia đình mãi được, cần chọn lọc và nâng cấp chính mình mới có cơ hội tham gia các chuỗi giá trị mới trên toàn cầu. Nếu không đổi mới, chúng ta sẽ ở tình trạng lạc lậu, chỉ làm gia công trong một số chuỗi giá trị mà thôi”, bà Lan dự báo.
Kết quả đổi mới, sáng tạo trong Đề án của CIEM
Cũng theo bà Lan, hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế nên thay đổi cách đặt chỉ tiêu, mục tiêu đánh giá. Thay vì chọn sản lượng, cần chọn chất lượng và cần tiếp tục tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển. Từ nhiều năm nay, Việt Nam xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong nền kinh tế, nhưng thực tế đóng góp cho nền kinh tế không có sự cải thiện. Khu vực này cần có điều kiện cải thiện mạnh mẽ, có môi trường kinh doanh tốt để hoạt động. Bà Lan cho rằng, trong một số ngành nghề, Việt Nam đang ở tình trạng sẵn sàng tự do hóa cho bên ngoài, nhưng không tự do hóa trong nước. Như vậy sẽ làm khó cho doanh nghiệp trong nước ngay chính trên thị trường nội địa. Đây là điểm cần rà soát để thay đổi, tạo động lực thúc đẩy nguồn lực nội địa phát triển, từ đó mới có thể tính đến việc cạnh tranh ra bên ngoài.
Nhiều chuyên gia góp ý, cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới đây cần đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang tạo nên những thay đổi mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, môi trường sống, mối tương tác giữa con người với con người, giữa các quốc gia với nhau… TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, với kết nối 4.0, không cần đến Việt Nam vẫn có thể góp tri thức, khoa học công nghệ vào sự phát triển của đất nước. Vì thế, cần có giải pháp tận dụng tối đa trí tuệ của người Việt trên toàn cầu cho sự phát triển của Việt Nam./.
Bình luận