Việt Nam có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á

Việt Nam có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á 2022 (nguồn: EAV)

Đôi nét về cơ sở của báo cáo e-Conomy report SEA

Cuối tháng 12/2022 tạp chí trực tuyến Echwireasia.com (EAV) của tập đoàn Hybrid News Limited (Anh) đã công bố báo cáo e-Conomy report SEA (tạm dịch: Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2022) do Google, Bain và Temasek lập.

e-Conomy SEA là báo cáo thường niên cung cấp bức tranh tổng thể nền kinh tế internet trong khu vực, bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ấn phẩm đi sâu vào các xu hướng trong 5 lĩnh vực hàng đầu gồm: Thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, vận tải & thực phẩm, du lịch trực tuyến, dịch vụ tài chính kỹ thuật số cùng hai lĩnh vực đang lên, đó là y tế trực tuyến (healthtech) và giáo dục trực tuyến (edtech). Báo cáo cũng đánh giá bối cảnh đầu tư công nghệ trên toàn khu vực, đồng thời tiết lộ những gì các nhà đầu tư đang tìm kiếm trong môi trường hiện tại.

Việt Nam vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn, khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Hoạt động đầu tư vào lĩnh cực thương mại, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021, khi đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech).

Báo cáo dự báo khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang bước vào “kỷ nguyên số” khi internet ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. Khu vực này hiện có hơn 440 triệu người dùng internet và quan trọng là 350 triệu trong số đó là người tiêu dùng kỹ thuật số, tức là người dùng internet đã sử dụng ít nhất một dịch vụ trực tuyến.

Trong phần mở đầu, Báo cáo cho biết, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số nổi lên như những yếu tố hỗ trợ quan trọng với hơn 90% người bán hiện chấp nhận thanh toán kỹ thuật số. Trong 5 năm tới, cứ 10 người trong số họ, thì có 8 người được dự đoán là hơn một nửa hoạt động mua và bán nguồn cung ứng của họ sẽ đến từ các nguồn trực tuyến. Riêng năm 2022, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế kỹ thuật số phát triển khá nhanh, với mức tăng GMV (tổng giá trị hàng hóa) 28% so với năm 2021. Được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ, GMV của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 31% từ 23 tỷ USD năm 2022 lên 49 tỷ USD vào năm 2025.

Việt Nam có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á

Dự báo tăng trưởng kinh tế số Việt Nam sẽ tăng 31%, đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 (nguồn: Vietnam-briefing)

Lực lượng lao động công nghệ “cây nhà lá vườn chất lượng cao” giúp Việt Nam đẩy nhanh công cuộc đổi mới

Không phải mọi nền kinh tế thế giới đều báo cáo tăng trưởng trong hai năm đầu của đại dịch, nhưng Việt Nam lại có, nên Báo cáo đề cập rất cụ thể với mức tăng trưởng ấn tượng. Ngay cả trong năm 2020, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có hiệu suất hàng đầu châu Á, một kỳ tích đạt được, khi không có một quý nào trong năm bị suy giảm, trong khi đó nhiều nền kinh tế trên toàn cầu đang gồng mình đối phó với đại dịch.

Khi thế giới bước sang năm thứ ba đại dịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, trở thành nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất trong khu vực.

Báo cáo e-Conomy SEA cũng chia sẻ thông tin cập nhật về cách theo dõi các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số tại 6 quốc gia là: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Lần này, Báo cáo dự báo nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đang trên đà phát triển, GMV sẽ đạt 200 tỷ USD trong năm 2022, sớm hơn ba năm so với dự đoán trong báo cáo được đưa ra lần đầu vào năm 2016.

Việt Nam có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á

Sơ đồ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam năm 2022 (nguồn: Bain analysis)

Đề cập đến yếu tố đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kỹ thuật số của Việt Nam, Google, Temasek và Bain đều thống nhất, đó là sự thâm nhập ngày càng tăng của các hình thức thương mại mới giữa các khu vực thành thị và nông thôn đối với các doanh nghiệp. Trên hết, cơ sở hạ tầng hậu cần đã được cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại điện tử trên toàn quốc. Quan trọng hơn là Việt Nam có một lực lượng lao động công nghệ dồi dào, chất lượng cao, là động lực quan trọng thúc đẩy công cuộc đổi mới ở Việt Nam lên tầm cao mới.

Đông Nam Á có thể thống trị nền kinh tế kỹ thuật số trong thập kỷ 2020

Báo cáo cũng nhấn mạnh cách các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam được trao quyền để vận hành các hoạt động kinh doanh trực tuyến thông qua việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật số mặt trước - mặt sau và hỗ trợ từ chính phủ. Báo cáo nhấn mạnh, mặc dù theo truyền thống, Singapore và Indonesia là những điểm đến đầu tư chính, nhưng năm 2022, Việt Nam và Philippines đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong dài hạn.

Khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng người dùng internet. Việc áp dụng thương mại điện tử cao đối với cả người tiêu dùng ở thành thị và ngoại thành, trong khi các dịch vụ do các lĩnh vực còn lại cung cấp chủ yếu được sử dụng bởi những người sống ở khu vực thành thị. Báo cáo lưu ý, việc áp dụng thương mại điện tử vào các lĩnh vực như: Cửa hàng tạp hóa, du lịch, âm nhạc theo yêu cầu ở vùng ngoại ô vẫn còn non trẻ, nên tạo cơ hội phát triển sôi động cho khu vực trong tương lai.

Điều đáng chú ý là nhu cầu của người tiêu dùng Đông Nam Á đang giảm dần trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu gặp khó khăn, thu nhập khả dụng giảm, giá cả tăng vọt và tính sẵn có của sản phẩm thấp hơn. Hiện tại, các lĩnh vực kỹ thuật số như giao đồ ăn và truyền thông trực tuyến đang phải đối mặt với tình trạng chậm lại sau thời kỳ cao điểm do đại dịch gây ra.

“Dịch vụ giao đồ ăn quay trở lại mức tăng trưởng theo xu hướng sau khi tăng gấp 3 lần trong thời kỳ đại dịch, dự kiến ​​sẽ đạt mức tăng trưởng GMV khoảng 14% ”, Báo cáo viết.

Việt Nam có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á

Dự báo Đông Nam Á có thể thống trị nền kinh tế kỹ thuật số trong thập kỷ 2020 (nguồn: Blog.google).

Riêng lĩnh vực vận tải và du lịch trực tuyến đang kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng lần lượt là 43% và 115% so với cùng kỳ năm ngoái, do tính di động vượt trội sau đại dịch và hoạt động du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, Báo cáo e-Conomy SEA cũng lưu ý, những lĩnh vực đó sẽ phải đối mặt với các trở ngại như: Nhiên liệu tăng giá và thiếu hụt nguồn cung; tiếp tục hạn chế đi lại ở các hành lang có giá trị cao (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), trong khi nhu cầu của người tiêu dùng đang chịu tác động từ giá cả tăng vọt. Thật không may, quá trình phục hồi dự kiến sẽ diễn ra dần dần và sẽ mất nhiều năm để đạt được mức tăng trưởng của năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 (2019)./.