6 trụ cột cho phục hồi kinh tế Việt Nam 2021

Theo ông Nghiêm Xuân Thành cho rằng, các trụ cột để đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đến từ 6 yếu tố gồm: ổn định vĩ mô; phục hồi đầu tư tư nhân; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; phục hồi sức mua thị trường trong nước; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và khả năng Việt Nam tiếp tục đón nhận vốn đầu tư nước ngoài.

Về nền kinh tế vĩ mô, thống kê của ông Thành cho biết, lạm phát bình quân/năm giai đoạn 2011-2015 tại Việt Nam là 7,82%, nhưng sang giai đoạn 2016-2020, chỉ còn 3,15%. Tăng trưởng tín dụng bình quân/năm giai đoạn 2011-2015: là 12,86%, sang giai đoạn 2016-2019, chỉ tăng nhẹ lên 13,80%. Đặc biệt, giá trị đồng nội tệ được cải thiện mạnh mẽ khi tỷ lệ mất giá VND so USD trong 5 năm từ 2011-2015 là 8,26%, nhưng giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 2,61%.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra tạo nên cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, trong đó tác động không nhỏ đến Việt Nam, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô trong nước vẫn được giữ vững. Nền kinh tế về đích năm 2020 với tăng trưởng GDP đạt 2,91%, nhiều chỉ tiêu kinh tế lớn đạt kế hoạch. Ông Thành cho rằng, giữ vững sự ổn định vĩ mô là yếu tố quan trọng để kinh tế phục hồi trong năm 2021.

Liên quan đến đầu tư tư nhân, thống kê từ Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2020, trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội 2.164.000 tỷ đồng, thì phần đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân lên tới 972.000 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư toàn xã hội đóng góp 1,46% trong tổng số 2,91% tăng trưởng GDP năm 2020 (xuất khẩu ròng đóng góp 0,63%; chi tiêu Nhà nước đóng góp 0,65%; tiêu dùng dân cư đóng góp 0,16% vào tăng trưởng GDP năm 2020). “Việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là yếu tố thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp tư nhân trong năm 2021”, ông Thành nói.

Về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bức tranh về mảng này của Việt Nam đang cho thấy những gam màu trái ngược. Trong khi xuất khẩu truyền thống, thâm dụng lao động như may mặc, giày dép và thủy sản đều giảm, thì xuất khẩu điện tử của Việt Nam sang cả Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng mạnh bởi xu hướng dịch chuyển do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cùng với đó, hoạt động sản xuất công nghiệp có sự chuyển dịch từ các nước vẫn bị xáo trộn bởi Covid-19 sang Việt Nam Cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam thặng dư 19 tỷ USD, nhưng cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ lại bị thâm hụt 12 tỷ USD do mất đi nguồn thu từ du lịch quốc tế.

Trong mối quan hệ với nền kinh tế lớn nhất thế giới - Hoa Kỳ, Việt Nam liên tục đứng trong TOP 10 nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất. Riêng năm 2020, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ lên tới 62,7 tỷ USD, khiến Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đi từ cáo buộc tới điều tra cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái của Việt Nam và đưa Việt Nam vào danh sách các nước có nguy cơ thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua đang mở ra một Chính quyền Hoa Kỳ mới, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden. ÔNg Thành kỳ vọng, tân Tổng thổng Mỹ sẽ ít tập trung vào vấn đề thâm hụt thương mại song phương, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy các hoạt động thương mại với Hoa Kỳ cũng như các nền kinh tế khác.

Dự báo nền kinh tế tương lai và chỉ ra động lực tăng trưởng là câu chuyện được rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp quan tâm

Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, bức tranh 5 năm năm qua cho thấy có sự trồi sụt, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch, dòng vốn ngoại vào Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn năm 2016-2017. Với xu hướng dòng vốn ngoại đổ mạnh vào VIệt Nam thông qua mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong năm 2018-2019, khi đại dịch qua đi, kênh hút vốn qua M&A có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh, góp thêm một động lực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Vững mục tiêu 1 năm để hướng tới mục tiêu 10 năm

Ông Trần Hồng Quang đánh giá, năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước

Chia sẻ tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên - năm 2021 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức ngày 11/01/2021, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, ông Trần Hồng Quang đánh giá năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Năm 2021 là năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao với GDP/người giá thực tế đạt khoảng 7.500 USD (năm 2020 là 3.521 USD/người). Đâu là động lực để nền kinh tế đạt mục tiêu dài hạn là câu chuyện được nhiều chuyên gia, nhà quản lý kiến giải trong bối cảnh nền kinh tế đã bước vào năm đầu tiên của thập niên mới.

Bên cạnh những yếu tố nền tảng, một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế, theo ông Trần Hồng Quang, cần đến từ con đường đổi mới, sáng tạo, phát triển mạnh khoa học, công nghệ… Theo đó, nền kinh tế cần cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới. Thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, cần phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Con đường này vừa được khởi tạo khi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, ngày 09/01/2021 vừa qua.

Công thức để doanh nghiệp thành công

Ở góc nhìn của doanh nhân, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng, sức khỏe của doanh nghiệp, nhận thức và tư duy của doanh nghiệp về một thế giới mới, phù hợp với mô hình quản trị và tổ chức sản xuất mới, phương thức kinh doanh mới… là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thích ứng trước các biến động cũng như duy trì sự ổn định thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng.

Ông Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho biết, đây là năm thứ 13, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam thường niên được tổ chức

Ông Nguyễn Trọng Phi, Ủy viên Ban chấp hành LEFASO, Chủ tịch Giovanni Group nhận định, với những hiệp định FTAs mới, ngành dệt may, da giày Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phát trong năm 2021. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại chiến lược phát triển, đặc biệt là vị trí của Việt Nam trên chuỗi giá trị toàn cầu của ngành. Trong ngành da giày, để tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm, thay vì tập trung sản xuất sản phẩm ở phân khúc có giá trị thấp, việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp và định vị thương hiệu Việt Nam được xem là mục tiêu mà ngành dệt may, da giày cần hướng tới. Chiến lược phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp và của cả ngành dệt may, da giày Việt Nam sẽ đặc biệt thuận lợi khi EVFTA, RCEP cho phép Việt Nam hưởng ưu đãi với những nguồn nguyên phụ liệu chất lượng cao từ châu Âu hay Nhật Bản, Úc để tạo ra những sản phẩm thời trang cao cấp. Mô hình này kết hợp với việc trang bị khả năng thích ứng nhanh, thay đổi phù hợp với những biến động bất lường của thế giới, được xem như công thức cho các doanh nghiệp ngành dệt may da giày Việt Nam trong thập niên mới của thế kỷ 21.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital nhận định, uy tín của Việt Nam được củng cố và nâng cao trên trường quốc tế, là cơ sở để các dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại Việt Nam. Bên cạnh đó, khi môi trường lãi suất ở Mỹ và hầu hết các quốc gia trên thế giới đang ở mức rất thấp, các quỹ đầu tư tại các nước này sẽ xem xét chuyển hướng đầu tư vào các thị trường mới nổi, cận biên trong đó có Việt Nam. Dòng vốn này sẽ góp sức tăng sức khỏe tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động./.