Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đưa ra nhận định trên dựa trên đà giảm của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8, bởi lần đầu tiên trong hơn 10 năm trở lại đây CPI tháng 8 giảm so với tháng 7.

Cũng theo nhận định của Cục Quản lý giá, trong tháng 9, thị trường hàng hoá, dịch vụ có thể chịu áp lực tăng giá do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng tỷ giá và tăng biên độ tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng một số hàng hoá, dịch vụ tăng trong dịp Quốc khánh 02/09, tết Trung thu, chuẩn bị năm học mới 2015-2016; mùa mưa bão tiếp diễn... có thể gây sức ép lên mặt bằng giá.

Tuy nhiên, trong tháng 9 cũng có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Giá nhiều hàng hoá nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới dự báo tiếp tục xu hướng giảm hoặc ở mức thấp; trong nước, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững.

Bên cạnh đó, tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong tháng 8 đến mặt bằng giá chung; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát, bình ổn thị trường, giá cả theo Nghị quyết của Chính phủ; chương trình bình ổn thị trường phục vụ mùa khai trường 2015-2016 được thực hiện hiệu quả tại một số địa phương… sẽ là những yếu tố góp phần bình ổn giá trong tháng này.

Trong nhóm các mặt hàng dự báo giảm giá, có mặt hàng quan trọng là lúa gạo. Tại Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu tháng 8 tiếp tục giảm so với tháng 7. Do tác động từ thị trường thế giới và bối cảnh thị trường đầu ra khó khăn nên giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam và giá bán thóc, gạo trong nước giảm. Dự báo, giá lúa gạo thế giới và trong nước tiếp tục xu hướng giảm trong tháng tới.

Nhóm các mặt hàng dự báo giá cả ổn định có mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và xi măng.

Gas và xăng dầu được dự báo giá cả có thể giảm nhẹ trong thời gian tới.
Trong tháng 8, giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động giảm. Bình quân, giá xăng dầu thế giới tháng 8 giảm từ 12,22%-20,53% so với tháng 07 tùy từng chủng loại.

Giá xăng dầu thế giới tháng 8 biến động giảm do nhu cầu tiêu thụ suy yếu ở châu Âu, cộng với những tín hiệu cho thấy các công ty dầu đá phiến của Mỹ đang tăng hoạt động khoan tìm dầu cùng với nguy cơ ảnh hưởng do suy giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc...

Những ngày gần đây, giá xăng dầu cũng tiếp tục giảm mạnh, tuột khỏi mốc 50 USD/thùng khá xa (Bảng).

Bảng: Giá dầu giao tháng 10

Đơn vị: USD/thùng

Giá dầu WTI

Giá dầu thô Brent

Ngày 09/09

45,94

49,5

Ngày 11/09

44,63

48,14

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Với biến động này, dự báo, giá xăng, dầu thành phẩm thế giới tháng 9 tiếp tục biến động khó lường, có thể giảm nhẹ so với hiện nay./.