Các diễn giả tham gia Diễn đàn ngày 19/09/2019/ Ảnh: Báo Đầu tư

Thể chế, chính sách còn nhiều điểm chồng chéo

Tại Diễn đàn, ông David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Hoa Kỳ), nguyên Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc cho rằng, Việt Nam cần lưu ý một số điểm chính trong thực hiện cải cách thể chế pháp quyền trong giai đoạn tiếp theo.

Việc Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt so với các quốc gia cùng nhóm thu nhập bình quân đầu người có thể là cơ sở tốt để Việt Nam thu thú thêm đầu tư nước ngoài.

So với các nước trong khu vực, tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực tài chính và khu vực tư nhân trong nước còn thấp. Đây trở thành là nghịch lý trong phát triển ở Việt Nam, trong khi thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá tốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và gặp nhiều khó khăn để phát triển.

Môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện những năm qua, nhưng vẫn còn những yếu kém, đơn cử quy trình phá sản còn phức tạp gây khó khăn để doanh nghiệp tuyên bố phá sản và tăng quy mô thông qua hợp nhất doanh nghiệp.

Ông Dollar lưu ý, Việt Nam cần tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân/ Ảnh: Lê Tiên

Vị chuyên gia này cũng chỉ rõ, hiện trạng đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp, bởi chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáng nói, hoạt động xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm.

Ông Dollar lưu ý, Việt Nam cần tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, mở cửa ngành tài chính như đã làm đối với ngành sản xuất chế tạo.

Đi sâu vào các vấn đề liên quan tới thể chế, chính sách của Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Cao Viết Sinh thẳng thắn, một số quy định trong hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và quản lý, điều hành còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, nhanh bị thay đổi, và nhiều trường hợp có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến tình trạng khó thực hiện.

Đặc biệt, ông Cao Viết Sinh cũng chỉ rõ, hiện còn khoảng cách khá lớn về quản trị nhà nước tốt; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còồn hạn chế; tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình còn thấp. Công tác cải cách hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chưa thực chất; hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính và phân cấp, phân quyền cải thiện còn chậm; còn tình trạng đùn đẩy công việc, trách nhiệm... Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, rườm rà, phức tạp.

“Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý tập trung thống nhất của Trung ương và tính năng động, chịu trách nhiệm của địa phương”, ông Sinh nói.

TS. Cao Viết Sinh chỉ rõ, hiện còn khoảng cách khá lớn về quản trị nhà nước tốt/ Ảnh: Lê Tiên

4 vấn đề lớn trong tổ chức bộ máy Nhà nước

Cũng tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chỉ ra 4 vấn đề lớn trong tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay.

Đó là: một hệ thống mà hai tiêu chuẩn; phương thức vận hành chưa rõ theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển hay nhà nước điều chỉnh; không phân định hành pháp chính trị và hành chính công vụ; phân quyền cho địa phương không theo Hiến pháp.

Giải thích về vấn đề một hệ thống mà hai tiêu chuẩn, TS Dũng cho hay trong quá trình cải cách từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã có nhiều cải cách; đặc biệt về chính trị, Việt Nam cải cách hơn Trung Quốc khá nhiều.

Hiến pháp Việt Nam quy định quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, quyền tư pháp thuộc về Tòa án và nói rõ các cơ quan quyền lực nhà nước kiểm soát lẫn nhau.

“Đó là hệ chuẩn rất mới. Nhưng về cơ bản, ta vẫn nằm trong hệ chuẩn Xô viết. Những chiếc xe cũ kỹ của Xô viết vẫn vận hành. Bộ máy của Việt Nam khác Trung Quốc ở chỗ: một nửa theo hệ chuẩn pháp quyền, một nửa theo hệ chuẩn Xô viết”, TS. Dũng dí dỏm rằng: “Con nhộng lột xác có một nửa, có vẻ giống chúng ta. Quan trọng là ta chọn một hệ chuẩn thôi và sắp xếp bộ máy theo hệ chuẩn đó. Ta đã lột xác được một nửa thì nên lột xác tiếp, hơn là đắp lại lớp vỏ cũ”.

Vấn đề thứ hai là sau khi từ bỏ nhà nước kế hoạch hóa, Việt Nam nên vận hành theo hệ chuẩn nào, nguyên tắc nào?

Ông Dũng cũng cho hay có hai mô hình: nhà nước kiến tạo phát triển và nhà nước điều chỉnh. Giai đoạn vừa rồi, Việt Nam đã nói nhiều về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển – như mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc.

“Tuy nhiên chúng ta lại đang hành xử theo mô hình nhà nước điều chỉnh của Anh, của Mỹ. Càng ngày nhà nước càng thể hiện rõ mô hình điều chỉnh”.

TS. Dũng cho rằng, nếu theo mô hình nhà nước điều chỉnh, Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, vì văn hóa của Việt Nam khác với Anh, Mỹ. Việt Nam chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường thì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển phù hợp hơn, bởi đây là mô hình chuyển tiếp. Ở mô hình này, vai trò của nhà nước trong hoạch định rất quan trọng. Trung Quốc đã theo mô hình này và phát triển như vũ bão.

“Ta nói theo mô hình kiến tạo mà lại vận hành theo mô hình điều chỉnh, đó là vấn đề rất lớn. Tôi kiến nghị hãy theo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Văn hóa Đông Bắc Á là nền tảng để mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thành công”, vị chuyên gia này đề xuất..

Cũng theo ông Dũng, việc lẫn lộn giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ đang là vấn đề lớn thứ ba trong tổ chức nhà nước của Việt Nam.

Dẫn tình trạng tướng soái làm Bộ trưởng, TS. Dũng cho rằng, giữa cơ quan điều hành và cơ quan chính sách có sự lẫn lộn.

“Đây là sự lẫn lộn giữa chính khách và nhân viên hành chính công vụ. Do lẫn lộn nên không ai chuyên nghiệp được cả. Vì một Bộ trưởng đứng ra điều hành thì làm sao tốt bằng người học chuyên môn ra điều hành. Ta chính trị hóa hoàn toàn bộ máy nhưng các kĩ năng chính trị đâu có cần để thực thi công vụ. Anh phải giỏi chuyên môn chứ. Anh giỏi lấy phiếu thì làm sao điều hành tốt được. Giỏi lấy phiếu là kỹ năng chính trị. Ta đang bị cái đó rất lớn”, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ rõ.

Vấn đề thứ tư, theo ông Dũng, là việc phân quyền cho chính quyền địa phương không tuân theo Hiến pháp. Hiến pháp nói phải phân quyền cho chính quyền địa phương, nhưng Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì lặp lại mô hình Xô viết “như con búp bê Nga, chồng lấn chức năng giữa các cấp. Vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông cho tháy điều đó, chẳng rõ cấp nào phản ứng, không rõ ràng, không mạch lạc”.

“Phải phân cấp cho chính quyền địa phương, hãy để cho địa phương xác lập. Các anh ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thấy rõ sự lãng phí. Địa phương muốn xin dự án thì phải lên Trung ương, trình 10 dự án thì may ra được 1 – 2 dự án. Địa phương tốn kém lập dự án, Trung ương tốn kém duyệt dự án. Phân quyền cho địa phương thì đất nước thịnh vượng nhanh hơn nhiều.

Vị chuyên gia này cũng chỉ rõ, bộ máy hành chính và đội ngũ công chức của chúng ta khá yếu kém. Bộ máy này đang bị chính trị hóa rất nặng nề.

“Nhiều quan chức hành chính chỉ giỏi nói chính trị, nói nghị quyết, nhưng lại không tài giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, không giỏi điều hành. Không có đội ngũ công chức hành chính tinh hoa, không thể vận hành hiệu quả mô hình nhà nước kiến tạo phát triển”, ông Dũng thẳng thắn.

Vì thế, chủ trương cắt giảm bộ máy hiện nay là cơ hội để chúng ta loại bỏ bớt những công chức năng lực hạn chế ra khỏi bộ máy hành chính.

Những vấn đề lớn trên trong tổ chức bộ máy nhà nước của Việt Nam được TS. Nguyễn Sĩ Dũng chỉ ra nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chỉ ra 4 vấn đề lớn trong tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay

Ông Jonathan Pincus chuyên gia đến từ UNDP đã chỉ ra 3 điểm yếu khiến cho việc thực thi chính sách tại Việt Nam trở nên khó khăn.

Theo vị chuyên gia này, Việt Nam đang tồn tại tình trạng phân mảnh về quyền lực. Các cơ quan nhà nước cùng muốn nắm giữ quyền lực trong các lĩnh vực chính sách. Điều đó có thể dẫn đến bế tắc, đình trệ, chồng chéo.

Điểm yếu thứ hai đó là thương mại hóa nhà nước. Theo đó, các cơ quan nhà nước có lợi ích vật chất trong việc quản lý, mua – bán tài sản nhà nước.

Điểm yếu thứ 3 đó là tinh thần thực tài bị suy yếu. Theo ông Jonathan Pincus cho rằng, Chính phủ sẽ gặp nhiều thách thức trong việc tuyển dụng được những cán bộ trẻ tài năng, được đào tạo tốt và có tinh thần cống hiến cho xã hội do cạnh tranh thu hút nhân lực ngày càng gia tăng.

Cần làm gì để tăng tính hiệu quả của bộ máy

Để hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chuyên gia Cao Viết Sinh cho rằng, trước hết, phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khung khổ thể chế, pháp luật theo hướng ổn định, cụ thể, minh bạch và thực thi nghiêm túc để phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường.

Đặc biệt, cần xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường.

Nếu chúng ta không đi trước 1 bước trong xây dựng thể chế chính sách, thì vô hình chung trở thành rào cản cho phát triển”, ông Sinh chỉ rõ.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội.

Nhà nước cần xây dựng nhanh nền hành chính kiến tạo phát triển dựa trên chế độ chức nghiệp thực tài, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tiếp tục mở rộng và thực thi dân chủ, đảm bảo thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân; thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích (xung đột nhóm lợi ích, cục bộ giữa các bộ phận quản lý khá rõ trong thời gian qua), cân bằng giữa quyền lực và giám sát quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ trước người dân và doanh nghiệp.

Về vấn đề nhân lực, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, truyền thống khoa bảng là điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam tuyển chọn người tài ở đây. Ngoài ra, tâm lý thích học để làm quan cũng là động lực quan trọng để thu hút người tài vào bộ máy Nhà nước.

“Vấn đề là phải học thật và thi thật. Phải kiên quyết áp đặt một chế độ khoa bảng và thi tuyển nghiêm khắc nhất vào bộ máy hành chính nhà nước”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ở góc độ của chuyên gia quốc tế, ông Jonathan Pincus cũng đề xuất 3 phương thức tăng cường hiệu quả các thể chế.

Thứ nhất là sự hợp lý hóa, đảm bảo tính tập trung trong công tác tổ chức, nhân sự; luận chuyên lãnh đạo địa phương, thành lập một cơ quan chủ trì hoạch định và thực hiện chính sách kinh tế và đào tạo chuyên sâu cho cán bộ nắm giữ các vị trí quan trọng, nhạy cảm.

Thứ hai, cần tăng cường kỷ luật thị trường. Theo đó, cần minh bạch hơn trên thị trường đất đai và tín dụng; tách biệt rõ ràng giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp được cổ phần hóa với cơ quan quản lý; giám sát chặt chẽ hơn và thực thi nghiêm các quy định về hạn chế rủi ro trong hệ thống ngân hàng.

Thứ ba là trách nhiệm giải trình với người dân. Theo đó, áp dụng chính phủ điện tử và truyền thông xã hội để tăng cường minh bạch và sự tham gia của người dân.

Tuy nhiên, trong phần thảo luận, vị chuyên gia này cũng lưu ý, để khắc phục tình trạng phân mảnh về quyền lực đang tồn tại ở Việt Nam là rất khó. Bởi, tình trạng này đã tồn tại quá lâu, ăn sâu vào cuộc sống. Vì thế, để thực hiện các giải pháp khắc phục cần sự quyết tâm cao của tất cả hệ thống chính trị./.