Thiếu hụt nguồn nguyên liệu

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2014, diện tích rừng tự nhiên cả nước khoảng 13 triệu ha; trong đó 6,6 triệu ha là rừng sản xuất; 4,4 triệu ha rừng phòng hộ và gần 2 triệu ha rừng đặc dụng.

Chế biến gỗ xuất khẩu là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ con số khiêm tốn 294 triệu USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở năm 2000, đến cuối năm 2014 là 6,2 tỷ USD; năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014.

Gỗ Việt Nam xuất khẩu vào 120 quốc gia, trong đó, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu của Việt Nam lớn nhất, chiếm khoảng hơn 67% tổng giá trị xuất khẩu. Trong năm 2015, nhiều thị trường xuất khẩu gỗ có giá trị tăng mạnh là Ấn Độ (64,45%), Hồng Kông (41,95%), Hoa Kỳ (17,8%) và Đức (10,04%).

Các doanh nghiệp chế biến gỗ khá bị động trong sản xuất, kinh doanh do thiếu nguyên liệu

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển, song hiệu quả từ xuất khẩu gỗ mang lại còn chưa cao do phụ thuộc vào nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Thực tế cho thấy, trong tổng diện tích rừng tự nhiên cả nước có 80% là diện tích rừng nghèo. Trữ lượng gỗ rừng tự nhiên khoảng 220 triệu m3/ha nhưng đa số là những cây gỗ nhỏ, chất lượng kém, không đạt chất lượng phục vụ chế biến xuất khẩu.

Hơn nữa, gỗ rừng tự nhiên của cả nước mới chỉ cung cấp khoảng 10% nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, phần còn lại phải nhập khẩu và tận dụng gỗ cao su già. Mỗi năm, các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang phải nhập khẩu khoảng 04 triệu m3 gỗ nguyên liệu.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp để tăng nguồn cung nguyên liệu cho ngành chế biến và xuất khẩu cũng còn hạn chế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng số 1,9 triệu ha rừng trồng của cả nước, mới chỉ có khoảng 170 ngàn ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FCS (Hội đồng quản lý rừng - điều kiện bắt buộc các sản phẩm gỗ phải có khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu), cho thu hoạch khoảng 16 ngàn m3 gỗ/năm.

Đề cập tới nguyên nhân dẫn tới chất lượng vùng nguyên liệu gỗ chưa cao, ảnh hưởng đến chế biến xuất khẩu, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: hiện nay, các địa phương quản lý đất rừng không chặt chẽ, đồng bộ; hồ sơ giao đất thiếu nhất quán dẫn tới tình trạng một số diện tích đất rừng và lâm nghiệp tự ý chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác mà chưa được phê duyệt. Công tác nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật hạn chế; công tác tạo giống cây rừng chưa phát huy hiệu quả.

Mặt khác, quy mô sản xuất lâm nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo được mối liên kết chuỗi chặt chẽ giữa các công ty lâm nghiệp với các doanh nghiệp chế biến gỗ, nên nguồn nguyên liệu, nhất là gỗ lớn đang bị phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, do đó các doanh nghiệp chế biến khá bị động trong sản xuất, kinh doanh (Nhật Minh, 2015).

Cần xây dựng vùng nguyên liệu bền vững

Sang năm 2016, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, tạo cơ hội cho rất lớn cho ngành chế biến gỗ Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Trước sức ép của hội nhập kinh tế thế giới, ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam đang phải tìm một hướng phát triển bền vững hơn.

Tại Hội thảo Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam – Châu Âu (EU), do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Vifores tổ chức vào tháng 12/2015 tại Hà Nội, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết, để giải quyết bài toán phát triển vùng nguyên liệu gỗ bền vững phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu, nhà quản lý cần tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất trung gian ở ngay tại các địa phương có rừng để người dân tham gia trực tiếp vào các nhà máy này. Khi có sự tham gia của cộng đồng vào các nhà máy đó, không những việc trồng rừng được đẩy mạnh, phát triển bền vững mà các hộ dân trồng rừng chính là lực lượng góp sức vào công cuộc quản lý rừng trồng tốt hơn.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục lâm nghiệp, ông Nguyễn Bá Ngãi khẳng định, để ngành trồng rừng phát triển cần điều chỉnh lại tổ chức sản xuất. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác giao đất lâm nghiệp cho dân, nhất là đồng bào các dân tộc để tham gia sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp trồng, chế biến, tiêu thụ lâm sản liên kết với hộ trồng rừng xây dựng mô hình thâm canh gỗ lớn cung cấp cho chế biến và xuất khẩu. Mặt khác, điều chỉnh việc nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu định hướng của mỗi địa phương, tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp hóa ngành giống.

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý chất lượng giống được tăng cường, phổ biến kỹ thuật thâm canh rừng trồng cho các địa phương, phát triển ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp và mở rộng diện tích rừng trồng được cấp chứng nhận FSC.

Hiện Chính phủ đang triển khai quản lý rừng bền vững và từng bước cấp chứng chỉ rừng, năm 2016 sẽ công bố Chứng chỉ rừng Quốc gia, đảm bảo sự hài hòa theo các tiêu chuẩn và quy định của quốc tế. Động thái này sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào thị trường EU và các thị trường quốc tế khác đảm bảo tính minh bạch, sản phẩm gỗ xuất khẩu có logo chứng thực sẽ chứng tỏ được uy tín, cũng như giảm thiểu tối đa mức độ rủi ro về nguồn gỗ nguyên liệu (Hồng Nhung, 2015).

Tài liệu tham khảo:

1. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (2015). Hội thảo Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam – Châu Âu (EU), tổ chức tháng 12/2015, tại Hà Nội

2. Hồng Nhung (2015). Gỗ rừng tự nhiên mới đáp ứng 10% nhu cầu nguyên liệu chế biến xuất khẩu, truy cập từ http://bnews.vn/go-rung-tu-nhien-moi-dap-ung-10-nhu-cau-nguyen-lieu-che-bien-xuat-khau/4066.html

3. Nhật Minh (2015). Năng lực xuất khẩu gỗ: Cái khó “bó” tiềm năng, truy cập từ http://daidoanket.vn/index.aspx/nang-luc-xuat-khau-go-cai-kho-bo-tiem-nang/80697