VAI TRÒ CỦA HỘ KINH DOANH TRONG NỀN KINH TẾ VÀ SỰ CẦN THIẾT CẢI CÁCH THỦ TỤC GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG ĐỐI VỚI KHU VỰC NÀY

Vai trò của hộ kinh doanh trong nền kinh tế

Hộ kinh doanh là một tổ chức kinh tế đặc thù của Việt Nam, xuất hiện từ khi nước ta bắt đầu bước vào công cuộc tái thiết kinh tế, tăng cường sản xuất phục vụ kháng chiến. Từ khi nước ta bước vào công cuộc Đổi mới với việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, hộ kinh doanh hoạt động theo hình thức tổ chức kinh tế tư nhân và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Về mặt pháp lý, theo quy định tại Khoản 1, Điều 79, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, khái niệm hộ kinh doanh được quy định như sau: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh”.

Cải cách đăng ký hộ kinh doanh: Nhìn từ bài học kinh nghiệm trong cải cách đăng ký doanh nghiệp và đăng ký hợp tác xã
Hộ kinh doanh cũng góp phần quan trọng trong tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội.

Theo số liệu tại Niên giám Thống kê 2019, tính đến ngày 01/7/2019, có khoảng 5,4 triệu hộ kinh doanh trên phạm vi cả nước. Khu vực này đóng góp khoảng 29% GDP (trong khi tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 20%, khu vực doanh nghiệp nhà nước là 27%, khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 10%). Hộ kinh doanh cũng góp phần quan trọng trong tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội. Số lao động làm việc trong khu vực kinh tế này là 9 triệu người, với yêu cầu trình độ lao động thấp. Đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh sức ép rất lớn về việc làm trong xã hội như hiện nay.

Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo trực tiếp cho chính những người sở hữu, quản lý và làm việc ở khu vực này, hộ kinh doanh còn gián tiếp cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, người nghèo ở cả khu vực thành thị và khu vực nông thôn, giúp người dân tiếp cận được với hàng hóa, dịch vụ sớm hơn, nhanh hơn với giá bình dân hơn. Hơn nữa, khu vực này còn là nơi tiếp nhận người lao động không đủ trình độ, tiêu chuẩn làm việc trong khu vực doanh nghiệp, khu vực hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ hộ kinh doanh đang hoạt động trong các làng nghề đã góp phần rất lớn vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống - một phần của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Hộ kinh doanh là một kênh huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trong dân phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực kinh tế này là một trong những động lực thúc đẩy tinh thần khởi sự kinh doanh và phát triển kinh tế thị trường. Trên thực tế, hộ kinh doanh là mô hình khởi nghiệp phổ biến nhất ở Việt Nam nhờ vào sự đơn giản về thủ tục gia nhập thị trường, rút lui khỏi thị trường, ít ràng buộc về tổ chức quản lý, linh hoạt trong vận hành, phù hợp với nhiều thành phần, lứa tuổi, địa bàn, chi phí vốn thấp.

Sự cần thiết cải cách đăng ký hộ kinh doanh

Mặc dù hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng công tác quản lý nhà nước đối với khu vực này vẫn còn hạn chế. Một trong số đó là thủ tục gia nhập thị trường của hộ kinh doanh hiện nay chưa có những cải cách mang tính đột phá như lĩnh vực đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và hợp tác xã. Cụ thể, hiện nay, do chưa có sự liên thông, kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nên người dân vẫn phải đi lại liên hệ với nhiều cơ quan khác nhau để thực hiện thủ tục, hồ sơ, giấy tờ có những nội dung trùng lắp; hầu như chưa có sự ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ kinh doanh, chưa hình thành cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, dẫn đến sự thiếu thống nhất trong các số liệu về khu vực này, tạo nên những khó khăn trong công tác quản lý và xây dựng các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.

Để hỗ trợ sự phát triển của hộ kinh doanh, một khu vực kinh tế năng động và quan trọng trong nền kinh tế, Nhà nước cần tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch và công bằng cho hộ kinh doanh, bắt đầu từ bước đầu tiên là gia nhập thị trường. Theo đó, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cần được nghiên cứu, cải thiện theo hướng minh bạch hóa, đơn giản hóa, nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước và phục vụ công tác tổng hợp thông tin để xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ QUÁ TRÌNH CẢI CÁCH ĐĂNG KÝ KINH DOANH VỚI DOANH NGHIỆP VÀ HỢP TÁC XÃ

Thời gian qua, chương trình cải cách đăng ký kinh doanh tại nước ta đã được triển khai với các đối tượng là doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán) và hợp tác xã, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức kinh tế này trong quá trình gia nhập thị trường. Quá trình cải cách đăng ký kinh doanh với doanh nghiệp và hợp tác xã được triển khai trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế ở những quốc gia có môi trường kinh doanh tốt, với những nguyên tắc căn bản sau đây:

Một là, hệ thống cần phải được đơn giản hóa, giảm tối đa số bước cần thực hiện. Càng giảm thiểu được số khâu trung gian, thì quy trình đăng ký càng hiệu quả, rút ngắn thời gian thực hiện cho người đăng ký.

Hai là, áp dụng cơ chế một cửa đối với các khâu trong quá trình thực hiện đăng ký kinh doanh cho các tổ chức kinh tế. Cơ chế một cửa là cơ chế thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết để thành lập hộ kinh doanh tại cùng một điểm. Mục tiêu của việc thiết lập đăng ký một cửa là nhằm giúp cá nhân và tổ chức kinh tế chỉ cần liên hệ với một cơ quan duy nhất để thực hiện thủ tục đăng ký, thông thường cơ quan đầu mối này là cơ quan đăng ký kinh doanh. Để làm được điều này, điều kiện tiên quyết là phải có sự kết nối giữa cơ quan đầu mối (cơ quan đăng ký kinh doanh) với các cơ quan quản lý nhà nước khác, như: cơ quan thuế, cơ quan quản lý lao động, bảo hiểm xã hội… trên cơ sở một quy trình làm việc, trao đổi thông tin đã được thống nhất, chuẩn hóa. Thông tin tổ chức kinh tế kê khai tại cơ quan đầu mối được chia sẻ với các cơ quan quản lý khác để giảm chi phí, thời gian kê khai thông tin cho doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước khác cũng có thể yêu cầu tổ chức kinh tế kê khai thêm thông tin đặc thù phục vụ quản lý chuyên ngành, nhưng các yêu cầu này được tích hợp trong một lần kê khai thông tin để giảm tải gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân.

Ba là, xây dựng một hệ thống đăng ký minh bạch, hiệu quả, giúp ngăn chặn, giảm thiểu sự can thiệp của con người làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người đăng ký. Để có thể thực hiện điều này, bên cạnh việc có những quy định rõ ràng, cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký, cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong nghiệp vụ quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và trong giao dịch giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và người dân.

Bốn là, hệ thống đăng ký kinh doanh phải hướng tới áp dụng rộng rãi trên toàn quốc với cơ sở dữ liệu thống nhất, hoàn chỉnh và cập nhật thường xuyên. Một hệ thống đăng ký kinh doanh hiệu quả cho phép tập hợp các thông tin của các tổ chức kinh tế đăng ký trong một cơ sở dữ liệu cấp quốc gia và sử dụng các thông tin này theo hướng hiệu quả nhất. Đó chính là lý do tại sao, tin học hóa và đơn giản hóa các thủ tục đăng ký lại đóng vai trò quan trọng trong chương trình cải cách hệ thống đăng ký kinh doanh như vậy. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đăng ký kinh doanh cũng hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.

GIẢI PHÁP CẢI CÁCH ĐĂNG KÝ HỘ KINH DOANH

Từ kinh nghiệm trong quá trình cải cách đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp và hợp tác xã, các cơ quan quản lý nhà nước có thể nghiên cứu, triển khai cải cách đăng ký kinh doanh đối với khu vực hộ kinh doanh theo 2 nội dung chính: Hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký kinh doanh, với trọng tâm là thiết lập cơ chế liên thông giữa thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế; Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý đăng ký kinh doanh thống nhất áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Hoàn thiện khổ khung pháp lý về đăng ký hộ kinh doanh

Theo quy định hiện nay, người thành lập hộ kinh doanh gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Sau khi cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh phải đến cơ quan thuế cấp quận/huyện để đăng ký mã số thuế[1]. Quy trình thủ tục đăng ký hộ kinh doanh hiện nay được đánh giá là khá đơn giản, tuy nhiên, có một vướng mắc cơ bản là thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế vẫn phải thực hiện riêng rẽ, không có sự liên thông, phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hộ kinh doanh trong quá trình gia nhập thị trường, cần xây dựng cơ chế phối hợp liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh, với những nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, tổ chức một cơ quan là đầu mối duy nhất tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh. Theo đó, người có nhu cầu thành lập hộ kinh doanh chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại một cơ quan hành chính duy nhất là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện). Việc này giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, đồng thời giảm tải đáng kể công việc cho cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ hai, sử dụng một mẫu đơn hợp nhất để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Theo đó, người thành lập hộ kinh doanh chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ khi đăng ký hộ kinh doanh thay vì phải nộp 2 bộ hồ sơ (gồm: 1 bộ hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và 1 bộ hồ sơ đăng ký thuế) như hiện nay. Điều này sẽ giúp loại bỏ những nội dung kê khai và giấy tờ trùng lặp hoặc không hợp lý.

Thứ ba, sử dụng một mã số chung duy nhất. Theo đó, sử dụng một mã số chung thống nhất để quản lý về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh, gọi là mã số hộ kinh doanh. Mã số hộ kinh doanh sẽ được cấp duy nhất một lần khi hộ kinh doanh đăng ký thành lập và được duy trì cho đến khi chấm dứt hoạt động.

Thứ tư, hợp nhất Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế thành Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Theo đó, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh.

Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý tập trung đăng ký hộ kinh doanh trên phạm vi cả nước

Việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ trong xử lý các giao dịch giữa cơ quan nhà nước với người thành lập hộ kinh doanh, quản lý tập trung các thông tin đăng ký của hộ kinh doanh, cũng như trao đổi và phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước khác sẽ giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức và tiền bạc cho người dân, nâng cao năng suất lao động cho cơ quan hành chính nhà nước. Cụ thể, hệ thống công nghệ thông tin quản lý đăng ký hộ kinh doanh sẽ giúp giải quyết những vấn đề sau:

Tin học hóa nghiệp vụ đăng ký hộ kinh doanh trên phạm vi toàn quốc theo một quy trình chung thống nhất. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu suất công tác, đồng thời, tự động hóa một số quy trình, giảm tối đa sự can thiệp của cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh vào các quy trình nghiệp vụ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ kinh doanh thống nhất phục vụ việc tra cứu, khai thác dữ liệu cho công tác báo cáo, đánh giá tình hình và hoạch định chính sách phát triển khu vực kinh tế hộ kinh doanh. Tất cả các thông tin đăng ký của hộ kinh doanh tại các quận, huyện trên khắp 63 tỉnh, thành phố sẽ được lưu trữ đầy đủ và cập nhật tại cơ sở dữ liệu tập trung ở phạm vi quốc gia, mà không lưu trữ riêng lẻ tại địa phương như hiện nay. Cơ sở dữ liệu này chứa đựng những thông tin hữu ích cho công tác quản lý nhà nước với hộ kinh doanh, là nguồn thông tin đáng tin cậy phục vụ hoạch định chính sách, cũng như tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp cận được thông tin có giá trị pháp lý về hộ kinh doanh. Như vậy, cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh cũng giúp tăng cường sự giám sát của xã hội, bên thứ ba đối với hoạt động của khu vực kinh tế quan trọng này, góp phần tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, lành mạnh, minh bạch.

Kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu qua mạng điện tử với các cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ mục tiêu xác minh thông tin hộ kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và quản lý nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương. Thông qua cơ chế liên thông, các cơ quan phụ trách đăng ký hộ kinh doanh (Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện) có thể kết nối, chia sẻ thông tin với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước khác như cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh (Phòng Đăng ký kinh doanh) và cơ quan thuế. Trong tương lai, việc liên thông, kết nối giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý hộ kinh doanh cũng có thể mở rộng ra với các cơ quan quản lý về lao động, bảo hiểm xã hội tương tự như đã thực hiện trong quy trình kết nối liên thông giữa các cơ quan này đối với quản lý doanh nghiệp.

Cho phép người dân thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh qua mạng điện tử. Việc cung cấp dịch vụ công qua mạng điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của hộ kinh doanh, đồng thời, cũng góp phần xây dựng nền hành chính công hiện đại. Quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử giúp giảm thời gian, chi phí gia nhập thị trường cho hộ kinh doanh, đồng thời, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch của công tác quản lý hành chính nhà nước, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2021). Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp

2. Chính phủ (2020). Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT, ngày 16/3/2021 hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp

4. Bộ Tài chính (2020). Thông tư số 105/2020/TT-BTC, ngày 03/12/2020 hướng dẫn về đăng ký thuế

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2012). Đề tài khoa học: Đổi mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý đăng ký kinh doanh


[1] Hiện nay, việc đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh được quy định tại các văn bản sau: Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT, ngày 16/3/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp; Thông tư số 105/2020/TT-BTC, ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế.

Đỗ Thu Hà

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)