Chiều ngày 04/07/2018 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn điều tra doanh nghiệp Xã hội tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, việc điều tra doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam nhằm tìm hiểu đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam. Qua đó, kiến nghị định hướng phát triển, đề xuất chính sách hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp xã hội phát triển.

Nghiên cứu về doanh nghiệp xã hội được thực hiện ở 15 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm cung cấp dữ liệu cơ sở cho việc giám sát và đánh giá công việc xã hội của Hội đồng Anh, đồng thời cung cấp, xây dựng dữ liệu định lượng mới về hoạt động của doanh nghiệp xã hội.

Theo ông Tristan Ace, Quản lý Chương trình doanh nghiệp xã hội toàn cầu thuộc Hội đồng Anh, các nghiên cứu trước đây được thực hiện ở Ghana, Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan đã chỉ ra, doanh nghiệp xã hội đang góp phần tạo việc làm cho nhóm người có hoàn cảnh khó khăn, trao quyền cho phụ nữ và giải quyết những vấn đề xã hội.

Nghiên cứu của Hội đồng Anh cũng cho thấy, tỷ lệ nữ lãnh đạo trong doanh nghiệp xã hội nổi bật hơn nhiều so với doanh nghiệp truyền thống. Tại Ấn Độ, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo doanh nghiệp xã hội chiếm 24%, trong khi các doanh nghiệp truyền thống chỉ chiếm 10,7%.

Ngoài ra, những lĩnh vực mà doanh nghiệp xã hội quan tâm và đầu tư nhiều nhất đó là: giáo dục, dịch vụ, nông nghiệp và thủy sản, dịch vụ phát triển kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp và chăm sóc sức khỏe xã hội.

Bên cạnh đó, theo ông Tristan Ace, nghiên cứu cũng sẽ tìm cách ước tính tổng số doanh nghiệp xã hội hoạt động ở mỗi quốc gia dựa trên việc sử dụng 2 nguồn thông tin chính: Nguồn thông tin thứ nhất, là từ cuộc khảo sát ngắn gọn về một mẫu nhỏ và vừa để xác định tỷ lệ của các tổ chức này đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp xã hội nghiên cứu, vì dự kiến một tỷ lệ doanh nghiệp xã hội sẽ rơi vào nhóm này; Nguồn thông tin thứ hai được tiến hành khảo sát từ các tổ chức phi chính phủ.

Tại Việt Nam, sau gần 3 năm Luật Doanh nghiệp (năm 2014) có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn thi hành, nền tảng pháp lý đầu tiên cho việc thành lập, hoạt động của doanh nghiệp xã hội đã được tạo lập.

Tuy nhiên, tại hội thảo đại diện các doanh nghiệp cho biết, có nhiều tổ chức chưa nhận thức được bản thân là doanh nghiệp xã hội hay có nhiều trường hợp doanh nghiệp có tạo ra hiệu ứng xã hội nhưng không có nhu cầu nhận là doanh nghiệp xã hội do việc phải đáp ứng các tiêu chí. Do đó, qua hội thảo, các chuyên gia cũng như đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần có định hướng phát triển, đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam hơn nữa và thúc đẩy phát triển khối doanh nghiệp này./.