Từ khóa: chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành công nghiệp, TP. Hồ Chí Minh

Summary

According to the results of analyzing the current situation of labor restructuring in the industrial sector in Ho Chi Minh City in the period 2017-2022, basically, the labor structure has shifted simultaneously with the shift in industrial structure. However, businesses in Ho Chi Minh city currently still has difficulty recruiting workers with technical expertise. A contradiction in the city's labor market is that while most businesses must retrain workers before employing them, the rate of unemployment and job loss of workers with university degrees or higher is high. To ensure that the workforce responds well to the process of industrial restructuring, the City is required to focus on improving the quality of human resources, while at the same time linking training and labor use, and between labor supply and labor demand.

Keywords: labor restructuring, industry, Ho Chi Minh city

GIỚI THIỆU

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, đầu mối giao thương quốc tế, có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước và khu vực. Hiện nay, cơ cấu kinh tế Thành phố đã và đang chuyển dịch theo hướng hiện đại, năm 2022 tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm 99,4% và ngành nông nghiệp chỉ chiếm 0,6% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố; cùng với đó, có khoảng 98,73% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong ngành công nghiệp và dịch vụ [2].

Tuy nhiên, đóng góp của ngành công nghiệp trong cơ cấu GRDP đang có xu hướng giảm dần, tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành công nghiệp cũng thấp hơn tốc độ tăng GRDP của Thành phố. Sự góp mặt của các ngành công nghiệp trọng điểm trong nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh dần giảm, chất lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng số hóa [9]. Trước các khó khăn và rào cản trong quá trình phát triển công nghiệp, TP. Hồ Chí Minh cần tái cấu trúc lại ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng.

Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành công nghiệp TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2022, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với sự phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay.

THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ở TP. HỒ CHÍ MINH

Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,3 triệu người, nhưng có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Năm 2022, GRDP theo giá hiện hành của Thành phố là 1.479.227 tỷ đồng, đóng góp trên 15,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Năm 2022, giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp đạt 267.757 tỷ đồng (theo giá hiện hành), đóng góp trên 18% vào GRDP. Tính theo giá so sánh 2010, VA ngành công nghiệp năm 2022 tăng gấp 1,8 lần năm 2010, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 6,02%/năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp của Thành phố vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế khiến cho tỷ trọng công nghiệp trong GRDP liên tục giảm (từ 19,92% năm 2017 xuống 18,10% năm 2022). Điều này làm cho lao động làm việc trong ngành công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng có xu hướng giảm trong giai đoạn 2017-2022 (Bảng 1).

Bảng 1: Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong GRDP và số lao đng đang làm việc trong ngành công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2022

Năm

Đóng góp của công nghiệp trong cơ cấu GRDP (%)

Số lao động làm việc trong ngành công nghiệp (Người)

Tỷ lệ lao động ngành công nghiệp/tổng số lao động đang làm việc (%)

2017

19,92

1.115.475

24,87

2018

19,71

1.121.232

24,37

2019

19,45

1.077.959

22,87

2020

19,42

975.051

20,61

2021

17,56

923.499

21,32

2022

18,10

866.305

19,2

Nguồn: Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh

Cơ cấu nội ngành công nghiệp TP. Hồ Chí Minh chuyển biến theo hướng tích cực. Tỷ trọng VA công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp đạt trên 91% và dịch chuyển dần từ các ngành công nghiệp công nghệ thấp, thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Giai đoạn 2017-2022, số lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm khoảng 242.338 người, bình quân giảm 4,15%/năm (Bảng 2).

Bảng 2: Số lao động làm việc trong ngành công nghiệp TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2022

Đơn vị: Người

Năm

2017

2018

2019

2020

2021

2022

Khai khoáng

4.609

5.085

12.922

2.162

2.552

1.569

Công nghiệp chế biến, chế tạo

1.076.190

1.077.576

1.022.379

930.178

897.760

833.852

Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí

17.106

19.030

17.081

16.698

9.824

8.150

Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải

17.571

19.541

25.577

26.013

13.363

22.734

Tổng số

1.115.475

1.121.232

1.077.959

975.051

923.499

866.305

Nguồn: Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh

Giai đoạn 2017-2022, lao động ngành công nghiệp giảm, trong khi tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng bình quân gần 4%/năm. Điều này cho thấy, năng suất lao động ngành công nghiệp tăng lên, mặc dù năm 2020, 2021 do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp sụt giảm nghiêm trọng, nhưng năm 2022 ngành công nghiệp Thành phố đã dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, nên tính chung cả giai đoạn 2017-2022 vẫn có xu hướng tăng (Bảng 3).

Bảng 3: Chỉ số phát triển giá trị tăng thêm ngành công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

(theo giá so sánh 2010)

Đơn vị: %

Năm

Ngành công nghiệp

4 ngành công nghiệp trọng điểm

2017

108,35

110,17

2018

108,21

107,01

2019

107,77

109,62

2020

100,07

108,38

2021

86,77

69,52

2022

112,92

111,89

Nguồn: Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh

Nhìn chung, cơ cấu lao động trong ngành công nghiệp TP. Hồ Chí Minh có sự chuyển dịch cùng chiều với sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; trong đó, đặc biệt là 4 ngành công nghiệp trọng điểm luôn đóng góp tỷ trọng lớn trong GRDP của Thành phố và thu hút nhiều lao động nhất. Đây là những ngành công nghiệp thâm dụng lao động đã qua đào tạo. Năm 2022, có khoảng 55% lao động làm việc trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố đã qua đào tạo, cao hơn so với tỷ lệ lao động qua đào tạo trung bình của Thành phố là 35,6%. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2022-2026, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm sẽ chủ yếu là lao động đã qua đào tạo. Cụ thể, đối với ngành cơ khí, nhu cầu lao động qua đào tạo chiếm khoảng 75,35% tổng nhu cầu lao động của ngành; nhu cầu nhân lực ngành điện tử - công nghệ thông tin ngày càng tăng, đặc biệt về chuyên ngành và chất lượng nhân lực chuyên môn cao, tỷ lệ qua đào tạo là 95,21% tổng nhu cầu nhân lực của ngành; các nhóm ngành hóa dược – cao su, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm khoảng 92,5%; còn với ngành chế biến tinh lương thực, thực phẩm, tập trung phát triển những sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng lớn bằng công nghệ hiện đại, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 77,19%.

Trong những năm qua, Thành phố chủ trương hạn chế thu hút những dự án đầu tư thuộc những ngành thâm dụng lao động phổ thông, dịch chuyển các dự án sản xuất công nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh ra các tỉnh lân cận, để tập trung phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, các ngành sử dụng nhiều lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ và thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Vì vậy, nhu cầu nhân lực trình độ cao ngày càng tăng lên và tình trạng lao động (chủ yếu là lao động phổ thông) mất việc làm cũng có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, năm 2022, có 151.721 lao động mất việc, nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và riêng 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố ghi nhận hơn 82.589 lao động nghỉ việc làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5.066 người so với cùng kỳ năm 2022. Tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xảy ra chủ yếu ở các ngành thâm dụng lao động, như: dệt may, da giày, chế biến gỗ, chiếm 56,62% tổng số lao động mất việc. Do đó, Thành phố phải có các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho đối tượng lao động phổ thông bị mất việc.

Tuy nhiên, có một thực tế đã diễn ra tại Thành phố là tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên trong 5 năm gần đây chiếm trên 20% lực lượng lao động. Song, chất lượng đào tạo hiện chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại và khó phù hợp với sự phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2022, số lao động có trình độ đại học trở lên bị mất việc làm chiếm 31,14% tổng số lao động mất việc làm; lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp bị mất việc chiếm 1,96%; lao động có trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp chiếm 4,66% và trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là chiếm 5,62% tổng số người mất việc làm. Điều này cho thấy, lao động mất việc làm có trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao, trong khi các các doanh nghiệp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động trình độ cao. Như vậy, đang có độ “vênh” giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động [8]. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh cần giải quyết bài toán vừa thừa, vừa thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho quá trình tái cấu trúc ngành công nghiệp.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNG GẮN VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TP. HỒ CHÍ MINH

Định hướng phát triển ngành công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Với lợi thế là trung tâm kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo của cả nước, TP. Hồ Chí Minh sẽ có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng hiệu quả các thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết số 138/NQ-CP, ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định TP. Hồ Chí Minh phải đi đầu về công nghiệp công nghệ cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh: Phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Vì vậy, đòi hỏi Thành phố phải đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ các ngành công nghiệp và các trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo là điều kiện quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp của Thành phố trong giai đoạn tới.

Một số giải pháp thời gian tới

Để nâng cao hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với sự phát triển công nghiệp, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như các nghị quyết đưa ra, thời gian tới, theo tác giả, TP. Hồ Chí Minh cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, gắn kết chiến lược phát triển nhân lực với Chiến lược phát triển công nghiệp để đảm bảo cung lao động phù hợp với nhu cầu lao động. Phải thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ giữa các chiến lược phát triển nhân lực với các chiến lược phát triển kinh tế nói chung, ngành công nghiệp nói riêng. Giải quyết được điều này mới giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ, tay nghề và kỹ năng cần thiết cho quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp.

Hai là, có cơ chế phối hợp giữa cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động (phối hợp 3 nhà là Nhà trường – Nhà doanh nghiệp và Nhà nước để gắn kết cung - cầu lao động). Xây dựng các ứng dụng thu thập thông tin cung - cầu lao động có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thúc đẩy các hoạt động phối hợp trong nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất công nghiệp. Nghiên cứu, ban hành các chính sách đột phá để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số.

Ba là, xã hội hóa và nâng cao chất lượng các trường đại học, cơ sở dạy nghề, viện nghiên cứu. Đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển công nghiệp nhanh, bền vững và bao trùm. Các cơ sở đào tạo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cần nâng cao vai trò chủ động của mình thông qua nắm bắt những thay đổi các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để thiết kế các chương trình đào tạo theo hướng đa ngành, phù hợp về kiến thức chuyên môn, về kỹ năng, về các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu của những thay đổi trong thực tế.

Bốn là, TP. Hồ Chí Minh cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho các đối tượng lao động bị mất việc làm do quá trình tái cấu trúc lại ngành công nghiệp. Các chính sách có thể bao gồm: hỗ trợ những người có khả năng đào tạo lại, đào tạo mới để thích nghi với những công việc với phù hợp với yêu cầu mới của ngành công nghiệp và đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho những người lao động không có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp theo yêu cầu mới.

Năm là, TP. Hồ Chí Minh cần có chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, chính sách về môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc; chính sách về thu nhập, việc làm, bảo hiểm… Ưu tiên phát triển các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo./.

ThS. Đặng Quốc Toàn

Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 25, tháng 9/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2022), Nghị quyết số 138/NQ-CP, ngày 25/10/2022 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022.

3. Cục thống kê TP. Hồ Chí Minh (2018-2022), Niên giám Thống kê TP. Hồ Chí Minh các năm, từ năm 2017 đến năm 2021, Nxb Thống kê.

4.Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2020), Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2022.

5.Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh (2022), Báo cáo tình hình lao động việc làm năm 2022.

6.Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh (2022), Báo cáo tình hình lao động việc làm năm 6 tháng đầu năm 2023.

7. Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh (2022). Dự báo nhu cầu nhân lực 6 ngành công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.

8. Mai Phương (2023), 88% lao động mất việc là người không có tay nghề và... cử nhân đại học, truy cập từ https://quochoitv.vn/88-lao-dong-mat-viec-la-nguoi-khong-co-tay-nghe-va-cu-nhan-dai-hoc.

9. UBND TP. Hồ Chí Minh (2023), Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế: Định hướng phát triển công nghiệp trên đia bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.