Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: GDP năm nay tăng 6-6,5% là khả thi
Chính phủ vừa dự báo 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng GDP đạt khoảng 5,8%. Điều này có nghĩa để đạt tốc độ tăng trưởng cả năm ở mức 6-6,5% như dự báo của ông, thì 6 tháng cuối năm GDP sẽ phải đạt tốc độ cao hơn nhiều mức dự báo đạt được trong nửa đầu năm nay. Vậy ông dựa vào đâu để dự báo GDP năm nay đạt mức tăng trưởng 6-6,5% là khả thi?
Tuy nền kinh tế còn đối mặt với không ít khó khăn, với diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong và ngoài nước vẫn phức tạp, nhưng một khi chúng ta phấn đấu thì GDP tăng trưởng ở mức 6-6,5% trong năm nay là khả thi nhờ vào động lực của “cỗ xe tam mã” là: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đang có thêm những diễn biến tích cực.
Cụ thể, hoạt động xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt, nên xuất siêu vẫn có thể đạt được. Dự báo năm nay có thể xuất siêu trên 10 tỷ USD. Cùng với đó đầu tư, bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài đang có thêm diễn biến khả quan. Dự báo hoạt động đầu tư năm nay sẽ tích cực hơn so với năm trước. Trong bối cảnh năm trước tiêu dùng rất yếu, năm nay nó đang được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với năm 2020.
Cần lưu ý là tăng trưởng GDP năm nay so sánh với nền tăng trưởng rất thấp của năm 2020. Thêm vào đó, triển vọng tăng trưởng GDP toàn cầu, cũng như các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới khả quan cũng tiếp sức cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Nhiều dự báo cho rằng, GDP toàn cầu năm nay tăng trưởng tới 6%, trong khi GDP của Mỹ và Trung Quốc được dự báo tăng trưởng ở mức cao, với lần lượt tới 6,5% và 8% trong năm nay.
GDP năm nay tăng 6-6,5% là khả thi |
Ông có cho rằng dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp càng dẫn đến gia tăng nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, nên tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm?
Dịch bệnh Covid-19 có làm đứt gãy ít nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất, nhưng không đáng kể, vì Việt Nam vẫn phòng, chống dịch tốt. Hơn nữa, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch. Ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất, thì không phải doanh nghiệp nào cũng ngừng hoạt động sản xuất toàn bộ, vì nhiều khâu đã được tự động hoá, nên doanh nghiệp vẫn tổ chức sản xuất được. Doanh nghiệp còn linh hoạt tổ chức sản xuất theo ca để giãn mật độ lao động, qua đó phòng, chống dịch hiệu quả. Ngày cả xảy ra tình huống dịch bệnh xuất hiện tại doanh nghiệp, trừ khi chính quyền yêu cầu đóng cửa hay tạm ngừng hoạt động, chứ họ vẫn tổ chức sản xuất bình thường. Đây là thực hiện theo chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ, đó là không để gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như không để đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất.
Doanh nghiệp là động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP. Trong bối cảnh họ đang đối mặt với nhiều khó khăn, theo ông, nhà nước cần có nên thêm giải pháp tiếp sức cho họ phát triển sản xuất, kinh doanh?
Tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây, khi góp ý vào báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2021, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, cần có thêm đánh giá việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng, nguồn lực rất lớn, nhưng theo các báo cáo thì việc thực hiện chưa đạt được mục tiêu. Do đó, cần phải đánh giá kỹ thêm nguyên nhân khách quan và chủ quan, để xác định kế hoạch thực hiện tiếp theo. |
Chính phủ đã có Nghị định 52/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, với nhiều biện pháp về giãn, hoãn thuế. Điều quan trọng bây giờ là cần triển khai nhanh chóng và quyết liệt các biện pháp đã có. Về gói an sinh xã hội, có lẽ cần rà soát và tiến hành hỗ trợ sớm hơn. Còn gói tiền tệ và tín dụng, thì đã có Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Do vậy, điều quan trọng hiện nay là tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả.
Cuối cùng, việc hỗ trợ vốn, cho vay ưu đãi với 2 lĩnh vực là hàng không và du lịch đang rất cần thiết, đặc biệt là với lĩnh vực hàng không. Những gì vướng mắc thì cần tháo gỡ, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.
Với bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay khá khả quan như vậy, ông dự cảm gì về thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm 2021 trong bối cảnh hiện tăng trưởng khá “nóng”?
Tình hình dịch bệnh, kinh tế cũng như một số lĩnh vực khác trong nước và quốc tế dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp. Thị trường chứng khoán Việt Nam dù sao quy mô còn nhỏ, thanh khoản tăng, nhưng mức độ biến động và rủi ro còn tương đối cao. Năm 2020, VN-Index tăng trưởng 15% bất chấp bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dự báo kết thúc năm 2021, VN-Index tăng trưởng khoảng 15-20%. Mức tăng trưởng này có tính khả thi, vì đây là kịch bản trung bình, cơ sở nhất.
Ông vừa nhắc đến yếu tố rủi ro của thị trường còn tương đối cao, điều này có hàm ý làn sóng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường đang tăng mạnh có là một trong những nguyên nhân khiến gia tăng rủi ro biến động thất thường trên thị trường?
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, thị trường chứng khoán thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm là điều tích cực. Tuy nhiên, rõ ràng đa số nhà đầu tư mới tham gia thị trường là nhà đầu tư nhỏ lẻ, đầu tư theo tâm lý bầy đàn. Một số nhà đầu tư thậm chí còn dùng đòn bẩy tài chính, trong khi kiến thức về thị trường còn hạn chế. Khi thị trường diễn biến tích cực thì họ đổ xô vào, nhưng lúc thị trường biến động thì đua nhau rút vốn. Điều này rất rủi ro cho thị trường, vì dễ tạo ra các cú sốc. Chúng tôi kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường, để đưa ra cảnh báo, lưu ý biện pháp phòng ngừa rủi ro đến nhà đầu tư. Về lâu dài, chúng ta cần có một chương trình giáo dục về tài chính cho người dân và doanh nghiệp, qua đó giúp thị trường tài chính phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Giúp nhà đầu tư phân định rõ thế nào là tiết kiệm, thế nào là đầu tư là cách để chúng ta huy động các nguồn lực tốt hơn cho phát triển...
Một rủi ro khác mà thị trường, cũng như nhà đầu tư quan ngại là tình trạng nghẽn lệnh trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) kéo dài, nhưng chậm được khắc phục. Ông nhìn nhận gì về mối lo này?
Việc khắc phục sớm được tình trạng này không chỉ giúp cho giao dịch trên thị trường thông suốt hơn, rủi ro về mặt kỹ thuật giảm, mà còn cải thiện niềm tin trong nhà đầu tư. Điều quan trọng về lâu dài là cần một nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin hiệu quả, hiện đại, vận hành thông suốt là rất quan trọng cho sự phát triển của thị trường, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang được thúc đẩy chuyển đổi số./.
VERP dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 6-6,3% Năm 2020, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt gần 3%, năm 2021 là 6,8% |
Bình luận