TS. Phan Anh

Học viện Ngân hàng

2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối cùng để hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của cả giai đoạn 2017-2020. Vì vậy, để tạo bứt phá mạnh mẽ trong công tác sắp xếp, cơ cấu lại DNNN và phát triển doanh nghiệp, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, hoàn thành kế hoạch đã đề ra về CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ cùng với những hạn chế đối với tăng trưởng kinh tế trong nước đã đặt ra yêu cầu cấp bách, cần xem xét lại cơ cấu và thể chế của nền kinh tế, để thiết lập động lực mới, thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Trong đó, vấn đề đổi mới, tái cơ cấu DNNN là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Đặc biệt, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cho tiến trình tái cơ cấu DNNN có ý nghĩa quyết định đến việc đi đúng hướng, đúng kế hoạch và đạt kết quả.

Thời gian qua, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về cơ cấu lại DNNN đã được ban hành khá đồng bộ. Có thể kể đến, như: Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/06/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; Thủ tướng Chính phủ công bố Danh mục DNNN phải cổ phần hóa (CPH) trong giai đoạn 2017-2020 tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN, ngày 10/07/2017 và ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg, ngày 17/08/2017 phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 nhằm thực hiện định hướng về lĩnh vực hoạt động của DNNN.

Tiếp đó, ngày 15/06/2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 60/2018/QH14 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN. Ngày 15/08/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg về việc phê duyệt Danh mục DN thực hiện CPH đến hết năm 2020.

Cùng với đó, ngày 11/04/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ và Thông tư số 34/2019/TT-BTC, ngày 11/06/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2018/TT-BTC, ngày 04/05/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH của các DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Theo Danh mục DN CPH đến hết năm 2020 được quy định tại Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, thì kế hoạch CPH giai đoạn 2017-2020 là 128 DN. Tình hình thực hiện CPH trong giai đoạn 2016-2018 cho thấy, có 159 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 210.915 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 112.500 tỷ đồng (53%); bán cho cổ đông chiến lược 62.206 tỷ đồng (29%); đấu giá công khai 34.464 tỷ đồng (16%), số còn lại bán cho người lao động là 1.695 tỷ đồng (1%) và tổ chức công đoàn 47 tỷ đồng (0,02%) (Bộ Tài chính, 2019b).

Theo số liệu từ Bộ Tài chính (2019a), trong năm 2019, mới có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, tuy nhiên trong đó chỉ có 3 DN thuộc danh mục các DN CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN (02 DN) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (1 DN).

Lũy kế giai đoạn 2016-2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 168 DN đã CPH chỉ có 36/168 DN CPH thuộc danh mục 128 DN CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN (đạt 28% kế hoạch) (Bộ Tài chính, 2019a).

NHỮNG HẠN CHẾ, TỒN TẠI

Thực tế cho thấy, việc sắp xếp, CPH, thoái vốn DNNN còn chậm, vẫn chưa đạt được số lượng theo kế hoạch đề ra tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Trách nhiệm của người quản lý DNNN chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của DN theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động.

Tiến trình CPH, thoái vốn ở một số địa phương còn chậm, CPH còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm tới 54% số DN trong danh mục, nhưng thời gian qua vẫn "án binh bất động". Cụ thể, TP. Hà Nội còn phải CPH 13 DN (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch. TP. Hồ Chí Minh CPH 38 DN (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN CPH 6 DN (3 tập đoàn, 3 tổng công ty). Bộ Công Thương cổ phấn hóa 4 DN (3 tổng công ty). Bộ Xây dựng CPH 2 tổng công ty (H.Y, 2019).

Cơ chế chính sách về triển khai các hoạt động đầu tư của các DNNN còn vướng mắc. Quá trình triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh kéo dài do quy định về trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, có nhiều vướng mắc dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, bỏ lỡ cơ hội khi thị trường có diễn biến thuận lợi.

Chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của DNNN chưa được cải thiện nhiều. Việc thực hiện quản lý nhà nước đối với DNNN còn bất cập (việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu từ các bộ ngành, địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) còn chậm, đến năm 2018, mới tiếp nhận 24/62 DN giai đoạn 2016-2020) (Đặng Quyết Tiến, 2018).

Mối quan hệ giữa hội đồng quản trị/hội đồng thành viên và ban điều hành vẫn còn nhiều vướng mắc do cơ chế kiểm soát, giám sát chưa thực sự hữu hiệu; khó khăn trong thực hiện chức năng, quyền hạn, trách nhiệm khi chủ tịch Hội đồng quản trị và tổng giám đốc cùng là người đại diện chủ sở hữu vốn; vai trò và trách nhiệm của các bộ chủ quản thiếu rõ ràng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với DN có vốn đầu tư của Nhà nước tuy có sự phân công, phân cấp nhưng hiệu quả chưa cao.

Theo tác giả, nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên là do:

Một là, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước.

Hai là, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, còn một số cá nhân, DN vi phạm nguyên tắc thị trường, không công khai, minh bạch thông tin tài chính, cá biệt một số cá nhân lãnh đạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN dẫn đến thua lỗ, thất thoát vốn tại một số dự án.

Ba là, một số DNNN chậm sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị DN để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, việc chậm cổ phấn hóa cũng còn do những DN phải CPH đều là những DN lớn, nhiều tài sản, như: Agribank, TKV… nên việc CPH không thể nhanh như các DN nhỏ, mà phải mất rất nhiều thời gian để xử lý đất đai, kiểm đếm tài sản. Đặc biệt, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH.

Năm là, lực lượng lao động trong DNNN còn đông, năng suất lao động thấp, lao động có trình độ tay nghề cao còn thiếu và yếu; Tình trạng thiết bị còn lạc hậu, chưa theo kịp kỹ thuật tiên tiến của thế giới và yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; Tổ chức bộ máy trong DNNN còn cồng kềnh, thiếu hiệu lực, hiệu quả.

Sáu là, tỷ lệ vốn nhà nước trong triển khai phương án CPH DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH. Bên cạnh đó, một số DN sau khi chuyển sang công ty cổ phần, do tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn còn cao nên việc thay đổi quản trị DN gặp khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì số DN còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 93 DN. Do đó, 2020 sẽ là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối cùng để hoàn thành kế hoạch CPH giai đoạn 2017-2020. Chính vì vậy, để tạo bứt phá mạnh mẽ trong công tác sắp xếp, cơ cấu lại DNNN và phát triển DN, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức, quản lý, và hoạt động của DN, DNNN, về sắp xếp, CPH, thoái vốn theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo. Rà soát tình hình triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn đã được phê duyệt để xác định; điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, làm cơ sở triển khai, hoàn thành kế hoạch năm 2020.

Thứ hai, tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Cần có một khuôn khổ pháp lý (pháp lệnh, luật) đồng bộ để thực hiện xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, nhất là các dự án thua lỗ của ngành công thương, các tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, mất vốn.

Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác CPH, thoái vốn, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, quyết toán CPH và nộp tiền kịp thời, đầy đủ về quỹ; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành các quy định về CPH, thoái vốn, cơ cấu lại và hiệu quả hoạt động của DNNN; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn.

Thứ ba, đối với nguồn thu từ CPH, bán vốn nhà nước, lợi nhuận sau khi phân chia các quỹ nộp về nhà nước cần nghiên cứu để có quy định cụ thể để ưu tiên cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, có sức lan tỏa lớn, các ngành, lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ lâu dài; củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và nguồn thu từ quỹ này được quản lý tập trung tuyệt đối không sử dụng cho chi thường xuyên của ngân sách nhà nước.

Thứ tư, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương rà soát tình hình triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn để xác định rõ thời gian hoàn thành, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chậm, không thực hiện nội dung này.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị, năng lực cạnh tranh của DNNN, cụ thể: Rà soát, xác định, tập trung vào kinh doanh những ngành, nghề kinh doanh chính và những ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính. Xây dựng lộ trình và thực hiện thoái vốn tại các DN có vốn góp, bảo đảm công khai, minh bạch, đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới quản trị DN; rà soát điều lệ hoạt động, quy chế quản lý nội bộ, làm việc, phương pháp quản trị tại DN. Nghiên cứu cơ chế đối với Ban kiểm soát, kiểm soát viên theo hướng hoạt động độc lập, không để xảy ra tình trạng thao túng toàn bộ hoạt động DN, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ DN.

Cùng với đó, kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo kiến thức, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý DN đáp ứng yêu cầu quản trị trong cơ chế thị trường. Bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện phần vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn để làm tốt vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN.

Thứ sáu, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, có các cơ chế đặc thù để Ủy ban thực sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm trong việc thay đổi phương thức quản lý vốn nhà nước đối với DNNN, mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cần khẩn trương ổn định cơ cấu tổ chức, bộ máy, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao. Đối với các DN còn lại thuộc diện bàn giao về SCIC, thực hiện nghiêm việc chuyển giao theo quy định./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, ngày 15/08/2019 về việc phê duyệt Danh mục DN thực hiện CPH đến hết năm 2020

2. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 1232/QĐ-TTg, ngày 17/8/2017 phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 nhằm thực hiện định hướng về lĩnh vực hoạt động của DNNN

3. Bộ Tài chính (2019a). Tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; Kết quả tái cơ cấu, CPH DNNN

4. Bộ Tài chính (2019b). Báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình cơ cấu lại các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, ngày 16/10/2019

5. Đặng Quyết Tiến (2018). Thực trạng và giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tham luận tại diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước”, ngày 6/11/2018

6. H.Y (2019). CPH, thoái vốn DNNN năm 2019: Nhiều nơi "án binh bất động", truy cập từ http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2019-12-10/co-phan-hoa-thoai-von-dnnn-nam-2019-nhieu-noi-an-binh-bat-dong-80103.aspx

(Đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 7 tháng 3/2020)