Tóm tắt

Bài viết này tập trung vào rà soát kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg (ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) ở Việt Nam) trong giai đoạn từ 2020-2023, trên cơ sở đó kiến nghị các định hướng, giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hơn mô hình KTBĐ trong thời gian tới. Bài viết gồm 3 phần: (i) Rà soát tổng quan khái niệm KTBĐ ở Việt Nam; (ii) Tóm lược một số kết quả thực hiện KTBĐ trong giai đoạn 2020-2023; (iii) Một số kiến nghị chính sách để thúc đẩy phát triển KTBĐ ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Từ khóa: kinh tế ban đêm, Quyết định số 1129/QĐ-TTg, mô hình kinh tế mới

Summary

This article focuses on reviewing the results of implementing the tasks in Decision No. 1129/QD-TTg (dated July 27, 2020, approving the Project of developing Night-time Economy in Vietnam) in the period from 2020-2023, thereby proposing directions and solutions to promote more effective nigh-time economic model in the coming time. The article includes 3 parts: (i) Overview of the concept of Night-time Economy in Vietnam; (ii) Summary of some results of implementing Night-time Economy in the period 2020-2023; (iii) Some policy recommendations to promote the development of Night-time Economy in Vietnam in the coming period.

Keywords: night-time economy, Decision No. 1129/QD-TTg, new economic model

GIỚI THIỆU

Trong thời gian vừa qua, kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn và thách thức. Thế giới vẫn đang trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch Covid-19, nhiều điểm nóng xung đột, căng thẳng địa chính trị gia tăng… Ở trong nước, những khó khăn, bất cập nội tại của nền kinh tế cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã quan tâm đến một số mô hình kinh tế mới, nhằm khai thác hiệu quả hơn nguồn lực và cơ hội cho phát triển. Trong đó, phát triển KTBĐ là một nội dung quan trọng.

Trên cơ sở nghiên cứu, tham mưu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án Phát triển KTBĐ ở Việt Nam. Việc ban hành Quyết định này - ngay thời điểm đợt dịch Covid-19 thứ 2 đang bùng phát mạnh - đã thể hiện tinh thần đổi mới, quyết liệt nhằm tạo dựng thêm không gian kinh tế cho doanh nghiệp và người dân. Thực tiễn kể từ sau Quyết định số 1129/QĐ-TTg cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã quyết liệt, sáng tạo hơn trong việc triển khai, phát triển các hoạt động KTBĐ. Bên cạnh đó, tinh thần xây dựng và sớm triển khai chính sách đổi mới cũng lan tỏa sang các mô hình kinh tế mới khác, như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Dù vậy, việc xây dựng khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới như KTBĐ chỉ là một nền tảng bước đầu. Việt Nam cần không ngừng theo dõi, đánh giá quá trình triển khai các chính sách để có những điều chỉnh cần thiết.

RÀ SOÁT LẠI KHÁI NIỆM KTBĐ

Đề án Phát triển KTBĐ ở Việt Nam đã rà soát khá công phu khái niệm KTBĐ. Với cách tiếp cận nhằm tạo không gian mở nhất, liền mạch và linh hoạt nhất cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân, Đề án đã đưa ra khái niệm KTBĐ là tập hợp các hoạt động kinh tế - văn hóa diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau. Phạm vi của KTBĐ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí (các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện…), dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán bar…), dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm…) và du lịch (tham quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc…) diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau nhằm trực tiếp phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân và khách du lịch. Nhìn chung, trong quá trình xây dựng Đề án cũng như trong quá trình triển khai Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, các bộ, ngành, địa phương đều đồng thuận với khái niệm này.

Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2030 đã chứng kiến sự hình thành và phát triển nhanh của các tư duy, mô hình kinh tế mới. Theo đó, giữa mô hình KTBĐ với các mô hình kinh tế mới khác (như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo…) bước đầu đã có những tương tác nhất định. Đặc biệt, một số hoạt động kinh tế - văn hóa diễn ra vào khung giờ đêm trở nên khả thi và phổ biến hơn nhờ các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, chẳng hạn như: thương mại điện tử, dịch vụ chiếu phim theo nhu cầu (như: Vieon, Netflix…). Nếu giữ nguyên khái niệm KTBĐ như tại Đề án Phát triển KTBĐ ở Việt Nam, các chính sách có thể không đáp ứng yêu cầu thúc đẩy quan hệ tương tác tích cực giữa KTBĐ với các mô hình kinh tế mới khác. Thực tế cho thấy các nền tảng chiếu phim theo nhu cầu (như: Vieon, Netflix…) vẫn chỉ được nhìn nhận và quản lý ở góc độ cung cấp dịch vụ trực tuyến, chứ chưa có tiếp cận chính sách theo khung giờ và nhóm khách hàng phù hợp với KTBĐ. Chính vì vậy, tại Hội thảo đánh giá tình hình, kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì vào cuối tháng 11/2023, không ít ý kiến đánh giá cho rằng, khái niệm KTBĐ cần xem xét, tính cả các hoạt động trên nền tảng số diễn ra vào khung giờ đêm.

Đề án Phát triển kinh tế ban đêm: Nhìn lại 3 năm thực hiện
Phố Bùi Viện, Quận 1, điểm du lịch ban đêm nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh

MỘT SỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1129/QĐ-TTG TRONG GIAI ĐOẠN 2020-2023[1]

Trong khung khổ hạn chế, bài viết tập trung vào một số nội dung rà soát kết quả thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg như sau: (i) Nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển KTBĐ; (ii) Rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển KTBĐ; và (iii) Thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm.

Nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển KTBĐ

Nhìn chung, các hoạt động hội thảo khoa học, hội nghị, phổ biến kiến thức, tập huấn, quán triệt và tuyên truyền về phát triển KTBĐ nói chung và Quyết định số 1129/QĐ-TTg nói riêng đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, hiệu quả. Ngay cả Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo vào ngày 29/11/2023 về tình hình, kết quả thực hiện Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg và các đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát triển KTBĐ trong thời gian tới cũng tập trung đáng kể vào các nội dung trao đổi, làm rõ về khái niệm KTBĐ, các hoạt động trên môi trường số và mức độ phù hợp để đưa vào KTBĐ,… qua đó giúp nâng cao nhận thức về mô hình này.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức học tập, quán triệt và triển khai Quyết định số 1129/QĐ-TTg đã đem lại hiệu quả cao, xét cả ở khía cạnh tính kịp thời, khả năng thích ứng trong bối cảnh dịch Covid-19, chi phí và chất lượng. Chẳng hạn, không ít địa phương đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân thông qua các buổi họp, tập huấn phổ biến chủ trương, kế hoạch, quy định; tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, văn minh đô thị đến người dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ; các cơ quan thông tấn báo chí cũng thực hiện đều đặn các chuyên mục, phóng sự về du lịch, tuyên truyền những sản phẩm du lịch đêm... và truyền thông, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm đến du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm xác định các nội dung cụ thể hơn về lý luận và thực tiễn phát triển KTBĐ ở các nước, các vấn đề chính sách đối với Việt Nam và các kiến nghị liên quan. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) đã hoàn thành đề tài về “Nghiên cứu phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại Việt Nam” vào năm 2022. Trường Đại học Luật Hà Nội đã chủ trì một đề tài khoa học cấp Bộ về “Hoàn thiện chính sách và pháp luật về KTBĐ ở Việt Nam”, nghiệm thu vào năm 2022. Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã hoàn thành các đề tài về kinh nghiệm phát triển KTBĐ ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam, trong đó có cập nhật cả một số kinh nghiệm quốc tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 (tức là sau khi Quyết định số 1129/QĐ-TTg được ban hành).

Việc nâng cao nhận thức và đồng thuận của xã hội về yêu cầu phát triển KTBĐ đã tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư chủ động kiến nghị những nội dung liên quan đến phát triển KTBĐ. Một số địa phương có bày tỏ sự quan tâm đối với việc tham gia thực hiện thí điểm kéo dài cung cấp dịch vụ ban đêm theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg. Năm 2022, bốn hệ thống rạp chiếu lớn nhất Việt Nam gồm: CGV, Galaxy, BHD Star, Lotte, gửi bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh xem xét về việc cho phép các rạp chiếu phim hoạt động sau 24h như một trong những ngành chủ đạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, góp phần tạo thu nhập, công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước[2].

Rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển KTBĐ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL, ngày 14/7/2023 về việc ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Đề án đã xác định mục tiêu tổng quát “Phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển KTBĐ ở Việt Nam” và các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 2030. Các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm bao gồm: mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mô hình mua sắm, giải trí đêm; mô hình tham quan du lịch đêm; và mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm. Với từng mô hình, Đề án đã xác định dịch vụ đặc trưng, dịch vụ bổ trợ và các nội dung triển khai, áp dụng.

Các bộ, ngành, địa phương cũng đã rà soát các chính sách, quy định liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ ban đêm, trong đó có các điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, hoạt động ưu tiên phát triển ban đêm. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, theo đó quy định hết hiệu lực thi hành của một số quy định trước đó (trong đó có Khoản 1, Điều 6 - Nghị định số 54/2019/NĐ-CP, ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường). Một số nội dung rà soát có liên quan đến các sản phẩm mới đặc thù của KTBĐ, như: kinh doanh casino, chiếu phim trong khung giờ đêm… Các quy định liên quan đến thúc đẩy tiêu dùng thông qua du lịch cũng được rà soát, bao gồm việc cân nhắc chuyển sang cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” kể từ tháng 10/2021 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, mở cửa trở lại nền kinh tế kể từ tháng 3/2022; việc Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có những quy định nới lỏng hơn về nhập cảnh cho khách du lịch. Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành rà soát và kiến nghị về chính sách thuế đối với các hoạt động KTBĐ, cũng như các dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng không được giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Tại tháng 12/2023, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức lấy ý kiến thẩm định đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, trong đó cũng đề xuất bãi bỏ một số nội dung có thể tạo ra rào cản không cần thiết cho cơ sở kinh doanh. Cụ thể, dự thảo Tờ trình đã nhìn nhận các điều kiện về phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên (không tính công trình phụ), phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 (không tính công trình phụ)… có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp và không giúp đảm bảo phòng cháy chữa cháy tại cơ sở.

Thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm

Quyết định số 1129/QĐ-TTg đã cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch. Trên thực tế, các địa phương này đã có không ít nỗ lực nhằm cụ thể hóa các kế hoạch phát triển KTBĐ, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ cụ thể về đêm. Chẳng hạn, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 2869/QĐ-UBND, ngày 22/9/2023 phê duyệt Đề án thí điểm mô hình phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 và Quyết định số 3288/QĐ-UBNĐ, ngày 26/10/2023 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm mô hình phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Quảng Ninh cũng định hướng định hướng triển khai KTBĐ tại một số địa phương đáp ứng được các tiêu chí cơ bản: Là trung tâm du lịch, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng về điều kiện cơ sở vật chất cho phát triển KTBĐ (hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ, y tế, điện, nước, thông tin liên lạc…); có năng lực phòng cháy chữa cháy tốt, có các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn đủ năng lực để giải quyết những vấn đề có thể nảy sinh, nhất là vấn đề về an ninh trật tự, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường…; đồng thời là những nơi có tài nguyên, tài sản du lịch, văn hóa để phát triển các sản phẩm, dịch vụ, du lịch về đêm ấn tượng, hấp dẫn, thu hút du khách trải nghiệm nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn.

Tại Đà Nẵng, HĐND Thành phố đã thông qua một số cơ chế thí điểm, khuyến khích phát triển KTBĐ tại thành phố, như: miễn phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố khi thí điểm Chợ đêm An Thượng trong vòng 12 tháng (Nghị quyết số 25/NQ-HĐND, ngày 19/7/2023); thí điểm kéo dài thời gian hoạt động tại một số khu vực (gồm: Phố du lịch An Thượng, Phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, mở rộng đến đường Như Nguyệt, tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, chợ đêm Sơn Trà và một số khu điểm du lịch trên địa bàn Thành phố) về đêm để phục vụ du khách (Nghị quyết số 348/NQ-HĐND, ngày 09/12/2020)... Đồng thời, Đà Nẵng cũng tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch ban đêm quy mô, đặc sắc như Lễ hội Tận hưởng mùa hè 2023, Chương trình khai trương mùa du lịch biển, Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, Tuần lễ du lịch Hòa Bắc, sự kiện âm nhạc (Lễ hội âm nhạc điện tử Danang Electronic Carnival, Lễ hội biển Huda Beach Carnival 2023, Đại tiệc té nước Tiger Crystal Rave 2.0 2023...), đặc biệt, việc tổ chức trở lại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã tạo điểm nhấn nổi bật trong du lịch đêm của Đà Nẵng (Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã thu hút khoảng hơn 942 ngàn lượt khách, tăng 29% so với dịp Lễ hội pháo hoa năm 2019, riêng tổng lượng khách do các cơ sở lưu trú phục vụ trong 5 ngày cao điểm diễn ra sự kiện đạt khoảng 321,7 nghìn lượt)...

Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Quá trình thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg trong giai đoạn 2020-2023 còn một số tồn tại, hạn chế nhất định:

Thứ nhất, hiệu quả của các hoạt động KTBĐ vào phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và ở nhiều địa phương còn khiêm tốn hơn so với mức tiềm năng.

Thứ hai, các chuyển biến về chính sách cụ thể hướng tới phát triển KTBĐ còn chưa nhiều. Không ít địa phương chỉ cụ thể hóa Đề án, Kế hoạch phát triển KTBĐ trên địa bàn vào năm 2023, tức là năm thứ ba kể từ khi Quyết định số 1129/QĐ-TTg được ban hành. Các địa phương nhìn nhận yêu cầu phải có những chính sách có tính đột phá, thậm chí thông qua thí điểm, để phát triển KTBĐ, song các kiến nghị còn hạn chế và chậm được cụ thể hóa thành các chính sách cụ thể.

Thứ ba, dù đã được nhận diện trong Đề án Phát triển KTBĐ, hoạt động KTBĐ trong thời gian qua vẫn chưa tách rời khỏi rủi ro gia tăng các loại tội phạm và kéo theo những tệ nạn xã hội phổ biến, như: mại dâm, ma túy, cờ bạc… gây khó khăn cho các nhà quản lý xã hội ở cấp trung ương và địa phương.

Những tồn tại, hạn chế đối với việc triển khai Quyết định số 1129/QĐ-TTg trong giai đoạn 2020-2023 xuất phát một phần từ nguyên nhân khách quan. Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước trong giai đoạn 2020-2023 có nhiều khó khăn, bất lợi (dịch bệnh Covid-19, gián đoạn chuỗi cung ứng và hoạt động du lịch của khách nước ngoài…), ảnh hưởng đến mức độ quan tâm, mức độ ưu tiên và hiệu quả triển khai các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 1129/QĐ-TTg. Bên cạnh đó là các nguyên nhân chủ quan, như sau:

- Quá trình triển khai vẫn chưa có sự lưu tâm đúng mức và bước chuyển nhịp nhàng, dẫn đến việc ban hành Đề án, Kế hoạch hành động còn chậm, và không đều giữa các địa phương. Một số nội dung giải pháp còn chưa thực sự cụ thể hóa cho phù hợp với đặc thù của địa phương, còn giữ tính “chung chung” giống như các nội dung giải pháp tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg.

- Khung pháp lý, các quy định về hoạt động và quản lý loại hình này còn chậm điều chỉnh, chưa có sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản mới nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý trong tình hình mới.

- Hệ thống số liệu thông tin, thống kê liên quan đến mô hình KTBĐ còn thiếu hệ thống, thiếu đầy đủ và cập nhật, qua đó ảnh hưởng đến việc đánh giá tác động kinh tế của mô hình KTBĐ, cũng như đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung KTBĐ. Một số địa phương cho rằng do thiếu hướng dẫn, nên địa phương chưa có căn cứ và phương pháp đánh giá các kết quả triển khai thực hiện chính xác thống kê KTBĐ, chưa cụ thể hóa mô hình, phạm vi và các nội dung liên quan đến quản lý KTBĐ.

KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Những kết quả và tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Quyết định 1129/QĐ-TTg trong giai đoạn 2020-2023 cho thấy cần thêm nỗ lực, giải pháp theo các định hướng sau:

Một là, các bộ, ngành và UBND các cấp tổ chức thực hiện sớm, đầy đủ, thực chất và với hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg và các Đề án, Kế hoạch thực hiện phát triển KTBĐ ở địa phương.

Hai là, thực hiện tổng rà soát các quy định pháp luật liên quan đến phát triển KTBĐ và phân công, phân nhiệm của các cơ quan liên quan, trên cơ sở đó tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo trong các quy định liên quan và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan đến KTBĐ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh ở mức độ phù hợp nhằm tạo điều kiện cho phát triển KTBĐ, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết.

Một số nội dung cụ thể là nghiên cứu, bổ sung các quy định, hướng dẫn cụ thể hơn về KTBĐ, các loại hình kinh tế trong KTBĐ, khu vực quy hoạch, đầu tư phát triển KTBĐ, mô hình quản lý KTBĐ; nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển KTBĐ.

Ba là, bổ sung một số địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quy Nhơn) vào danh sách địa phương được thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến sáng hôm sau theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là, tiếp tục nâng cao nhận thức, tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và người dân đối với phát triển KTBĐ, thông qua các mô hình, hoạt động cụ thể, sáng tạo, gắn với bối cảnh và các nền tảng, công cụ mới (như: ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số) đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Năm là, hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê các cấp có tính kết nối, liên thông (ở cấp độ địa phương, cấp độ vùng, và cấp quốc gia) liên quan đến các hoạt động KTBĐ, hướng trực tiếp tới phục vụ đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển KTBĐ. Cần quy định, hướng dẫn cụ thể hơn các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá kết quả phát triển KTBĐ. Xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý đồng bộ và hiệu quả hoạt động KTBĐ.

Sáu là, tăng cường nghiên cứu, học hỏi có chọn lọc phù hợp với tình hình xu thế trong nước, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh nghiệm ban đêm ở các nước, các đô thị lớn ở các nước trên thế giới, trên cơ sở đó đề ra các định hướng, giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển KTBĐ ở Việt Nam, lồng ghép các giải pháp này vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các địa phương, cũng như kiến nghị định hướng hợp tác với các nước về các nội dung liên quan đến phát triển KTBĐ.

Bảy là, tăng cường phối hợp, đối thoại giữa các cơ quan bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung, điều kiện kinh doanh, yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước và từng vùng; nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh trong quá trình thực hiện chính sách phát triển KTBĐ, trên cơ sở đó báo cáo, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng xử lý phù hợp./.

TS. Trần Thị Hồng Minh -Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

ThS. Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Nguyễn Hoàng Kim Ngân - nghiên cứu viên, Trung tâm Thông tin kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03. tháng 02/2024)


Tài liệu tham khảo

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Báo cáo “Tình hình, kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển KTBĐ ở Việt Nam”.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Đề án “Phát triển KTBĐ ở Việt Nam”.


* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của các tác giả, không thể hiện quan điểm của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

[1] Nội dung phần này có tham khảo Báo cáo Tình hình, kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[2]https://tienphong.vn/kien-nghi-chieu-phim-sau-0h-thuc-day-kinh-te-dem-post1464026.tpo