ThS. Vũ Trọng Nghĩa

Trường Đại học Thương mại

Tóm tắt

Trưởng thành số (Digital Maturity - DM) hiện là vấn đề nhận được sự quan tâm cả về lý thuyết cũng như thực tiễn tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đánh giá trưởng thành số còn nhiều quan điểm khác nhau. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, trên cơ sở khảo cứu các tài liệu và các lý thuyết có liên quan, tác giả đề xuất khung nghiên cứu với 5 nhân tố bao gồm: Định hướng chiến lược, trải nghiệm khách hàng, công nghệ và dữ liệu, vận hành, con người và văn hoá; nhằm đo lường mức độ trưởng thành số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Mô hình đề xuất đóng góp thêm căn cứ triển khai cho các nghiên cứu thực nghiệm trong chuyển đổi số tại Việt Nam.

Từ khóa: chuyển đổi số, trưởng thành số, doanh nghiệp vừa và nhỏ

Summary

Digital maturity (DM) is an issue receiving attention in businesses in terms of both theoretical and practical aspects. However, there are many different views on assessing digital maturity. By qualitative method, and based on a review of relevant documents and theories, the author proposes a research framework including 5 factors which are strategic orientation, customer experience, technology and data, operations, people and culture, so as to measure digital maturity of small and medium-sized enterprises (SMEs). The proposed model contributes additional bases for empirical research in digital transformation in Vietnam.

Keywords: digital transformation, digital maturity, small and medium-sized enterprises

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây chuyển đổi số (Digital Transformation - DT) đã trở thành mối quan tâm lớn của từ các nhà nghiên cứu, các chính phủ, các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Một vấn đề đặt ra là đánh giá quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp và khi đó mối quan tâm về mức độ trưởng thành số được đặt ra.

Trưởng thành số (Digital Maturity - DM) hay sự trưởng thành kỹ thuật số, là được hiểu là trạng thái chuyển đổi kỹ thuật số của một tổ chức, tức là: những gì tổ chức đã đạt được trong về việc thực hiện các nỗ lực chuyển đổi số (Chanias và Hess, 2016). Có sự khác biệt giữa các mô hình sẵn sàng và các mô hình trưởng thành, vì các mô hình sẵn sàng giúp xác định một tổ chức đã sẵn sàng để bắt đầu quá trình phát triển hay chưa, trong khi các mô hình trưởng thành nhằm xác định mức độ trưởng thành của tổ chức (Calisir, 2018).

Tại Việt Nam có tới 92% các DNVVN quan tâm hoặc đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số (VCCI, 2023), và các doanh nghiệp đã xác định đó là quá trình tất yếu trong hoạt động nhằm thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh tế. Vì vậy vấn đề đặt ra cần đánh giá xem quá trình chuyển đổi số đã được thực hiện đến mức độ nào, từ đó doanh nghiệp có thể đưa ra những thay đổi kịp thời và phù hợp.

Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xây dựng mô hình đo lường mức độ DM của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Mô hình này sẽ giúp các doanh nghiệp có căn cứ đánh giá mức độ DM cũng như là cơ sở cho các nghiên cứu thực nghiệp tiếp theo.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TRƯỞNG THÀNH SỐ CỦA DOANH NGHIỆP

Chuyển đổi số

Thời kỳ đầu chuyển đổi số được hiểu theo quan điểm tập trung vào các vấn đề công nghệ cũng như ảnh hưởng của công nghệ tới đời sống và hoạt động sản xuất. Cụ thể Stolterman và Fors (2004) cho rằng “Chuyển đổi số là sự thay đổi mà công nghệ số gây ra hoặc ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người”.

Theo Westerman và cộng sự (2011) “Chuyển đổi số được hiểu là sử dụng công nghệ để cải tiến triệt để hiệu suất và phạm vi tiếp cận của doanh nghiệp”. Hay theo chuyển đổi số cho doanh nghiệp là “việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp” (Bounfour, 2016). Tác giả Matt và cộng sự (2015) với quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho rằng “chuyển đổi số tập trung vào việc chuyển đổi sản phẩm, quy trình và các khía cạnh tổ chức nhờ công nghệ mới”.

Cùng với sự quan tâm hơn của các nhà nghiên cứu, những tác động thực tế và mạnh mẽ của chuyển đổi số chính vì vậy thuật ngữ ngày cũng được đưa ra với góc nhìn khác. Trong đó không chỉ bó hẹp ở việc đưa công nghệ mới vào quá trình vận hành doanh nghiệp mà từ đó tạo ra những ảnh hưởng nhằm thay đổi các tổ chức về tầm nhìn, cách thức vận hành cũng như đem lại các giá trị mới cho khách hàng. Có thể kể tới Fitzgerald và cộng sự (2014) cho rằng:“Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số mới (phương tiện truyền thông xã hội, thiết bị di động, phân tích hoặc thiết bị nhúng) để cho phép cải tiến kinh doanh như nâng cao trải nghiệm của khách hàng, hợp lý hóa hoạt động hoặc tạo ra các mô hình kinh doanh mới”. Theo Hoang (2022), khái niệm “chuyển đổi số” được hiểu theo nghĩa là sự tích hợp đầy đủ các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, ứng dụng các công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam khái niệm về chuyển đổi số được đưa ra trong những năm gần, theo Bảo (2019), “Chuyển đổi số là quá trình sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để thay đổi phương thức phát triển, thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống và cách làm việc của con người và tổ chức. Theo quan điểm của bộ Thông tin và truyền thông - Chương trình chuyển đổi số quốc gia chuyển đổi số “là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số” (Bộ thông tin và truyền thông, 2023).

Như vậy, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cách thức hoạt động của doanh nghiệp chuyển từ truyền thống sang ứng dụng trên nền tảng công nghệ số ở mọi khía cạnh như sản phẩm tích hợp số, mô hình kinh doanh, quy trình sản xuất, tài chính.... nhằm đạt mục tiêu lợi nhuận lâu dài, phát triển cùng với thành tựu khoa học - công nghệ.

Trưởng thành số

Hiện nay các mô hình trưởng thành kỹ thuật số chủ yếu được phát triển bởi các hoạt động kinh doanh và chưa có sự đồng thuận trong quan điểm học thuật về mô hình trưởng thành tiêu chuẩn cho chuyển đổi kỹ thuật số (Reis et al., 2018). Thuật ngữ "trưởng thành về mặt kỹ thuật số" phản ánh cụ thể tình trạng chuyển đổi kỹ thuật số của một công ty, tổ chức. Sự trưởng thành về kỹ thuật số không chỉ đơn thuần là diễn giải về công nghệ, phản ánh mức độ công ty thực hiện các nhiệm vụ mà còn phản ánh những gì công ty đã đạt được trong việc thực hiện các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số, bao gồm cả những thay đổi về sản phẩm, dịch vụ, quy trình, kỹ năng, văn hóa (Chanias & Hess, 2016).

Theo Gartner (2021) định nghĩa sự trưởng thành về kỹ thuật số là mức độ mà một tổ chức đã triển khai các công nghệ và quy trình kỹ thuật số đế thúc đấy hiệu suất kinh doanh và hỗ trợ chuyển đổi số. Dựa trên những định nghĩa này, độ trưởng thành kỹ thuật số có thể được tóm tắt như một chỉ số quan trọng cho thấy hiệu suất của việc thích ứng chuyển đổi số.

Trưởng thành kỹ thuật số có liên quan chặt chẽ với chuyển đổi số và được Gökalp và Martinez (2021) định nghĩa là trạng thái trong đó công nghệ kỹ thuật số của một thực thể đã chuyển đổi các hoạt động, sự tham gia kỹ năng và khuôn khổ kinh doanh của nó. Hägg và Sandhu (2017) gọi đó là tình huống xảy ra sự chuyển đổi trong một tổ chức đã cố gắng giải quyết các vấn đề liên quan đến bối cảnh kinh doanh kỹ thuật số. Schumacher và cộng sự (2019) định nghĩa sự trưởng thành là điều kiện hoàn hảo hoặc hoàn chỉnh, hàm ý sự tiến bộ của giai đoạn phát triển của hệ thống. Teichert (2019) sử dụng thuật ngữ trưởng thành chuyển đổi số để xác định rằng mối liên kết giữa chuyển đổi số và trưởng thành kỹ thuật số bao gồm các thành phần công nghệ và quản lý.

Như vậy trưởng thành số thể hiện trạng thái hoặc mức độ chuyển đổi số mà một doanh nghiệp đã đạt được, cũng như cách thức họ chuẩn bị để áp dụng nhằm tạo ra nhiều cơ hội có ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Trưởng thành số không đơn giản chỉ là việc sử dụng công nghệ hiện đại, hay áp dụng hệ thống công nghệ thông tin, mà còn thể hiện trong việc quản lý chuyển đổi số tại các khía cạnh định hình lại sản phẩm, dịch vụ, quy trình, kỹ năng, văn hóa và chiến lược.

Mô hình trưởng thành số

Mô hình trưởng thành số (Digital Maturity Models) được coi là bộ công cụ đánh giá thực trạng chuyển đổi số, từ đó cung cấp thông tin về các lộ trình tăng trưởng tiềm năng cho doanh nghiệp. Mô hình trưởng thành số sử dụng các bộ tiêu chí trong từng lĩnh vực được xác định để đánh giá khả năng chuyển đổi kỹ thuật số của một doanh nghiệp. Thông qua bộ tiêu chí đó, mô hình trưởng thành số mô tả các khía cạnh hoạt động của tổ chức và đo lường chúng ở các cấp độ khác nhau, sau đó định hình một cách có hệ thống quy trình chuyển đổi kỹ thuật số để đạt được cấp độ đó.

Các mô hình trưởng thành có thể được coi là một công cụ chủ yếu cho phép đánh giá hiện trạng (Becker và cộng sự, 2009) và chỉ ra con đường phát triến tiềm năng, dự kiến hoặc điển hình để đạt được trạng thái mục tiêu mong muốn. Các mô hình trưởng thành kỹ thuật số giúp các công ty đánh giá khả năng thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số theo các khía cạnh được xác định trước. Đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số, chúng giúp xác định được trạng thái hiện tại và khả năng của tổ chức trong việc quản lý hiệu quả các nỗ lực chuyến đổi một cách có hệ thống. Các mô hình trưởng thành kỹ thuật số bao gồm các khía cạnh và tiêu chí mô tả các lĩnh vực hành động và thước đo ở nhiều cấp độ khác nhau, chỉ ra con đường phát triển hướng tới sự trưởng thành số (Berghaus & Back, 2016).

ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Đánh giá sự trưởng thành về kỹ thuật số là rất quan trọng đối với các tổ chức muốn phát triển mạnh trong thời đại kỹ thuật số. Quá trình này cho phép các tổ chức xác định những lỗ hồng trong khả năng kỹ thuật số của họ và cung cấp cho họ những hiểu biết sâu sắc về các lĩnh vực họ cần cải thiện nhằm đạt được mục tiêu trong quá trình chuyển đổi số. Chính vì vậy hiện có nhiều đề xuất về mô hình đo lường trưởng thành số trên thế giới.

Tác giả Colli và cộng sự (2018) phát triển mô hình trưởng thành chuyển đổi số với 5 lĩnh vực: quản trị, công nghệ, kết nối, tạo giá trị và năng lực. Trong khi đó, Berghaus và Back (2016) đưa ra mô hình với 9 khía cạnh: trải nghiệm khách hàng, đổi mới sản phẩm, chiến lược, tổ chức, số hóa quy trình, cộng tác, thông tin, công nghệ, văn hóa và chuyên môn và quản lý sự thay đổi.

Nghiên cứu của Wagire và cộng sự (2021) gợi ý mô hình đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số của doanh nghiệp bao gồm: 7 thành phần với 38 mục, được ước lượng theo các chiều: con người và văn hóa, nhận thức về công nghệ 4.0, chiến lược tổ chức, chuỗi giá trị và quy trình, sản xuất công nghệ thông minh, công nghệ tập trung vào sản phẩm và dịch vụ và công nghiệp 4.0.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (2022) đã xây dựng cẩm lang chuyển đổi số trong đó cũng đề xuất công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, một số tập đoàn cũng xây dựng các bộ công cụ riêng nhằm phục vụ việc tư vấn chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp.

Như vậy, có nhiều cách xây dựng mô hình trưởng thành số khác nhau, sau đây là một số tổng hợp của tác giả, sắp xếp theo thời gian, điều đó cũng cho thấy sự phát triển của việc xây dựng mô hình này như Bảng.

Bảng: Các yếu tố của mô hình

Nguồn

Quy mô DN

Các yếu tố của mô hình

Gill và VanBoskirk (2016)

Chung

Văn hóa, công nghệ, tổ chức, hiểu biết sâu sắc

Reinhard và cộng sự (2016)

Nhỏ và vừa

Quy trình và cơ sở hạ tầng, bán hàng kỹ thuật số, sự tham gia của khách hàng, con người và văn hóa

Geissbauer và cộng sự (2016)

Chung

Chuỗi giá trị số, kinh doanh số tiếp cận khách hàng, số hoá sản phẩm dịch vụ

(Leipzigvà cộng sự, 2017)

Chung

Chiến lược, công nghệ, con người, quản trị, văn hoá, sản phẩm, hoạt động, lãnh đạo

Deloitte (2018)

Lớn

Khách hàng, chiến lược, công nghệ, vận hành, tổ chức và văn hóa

Blatz và cộng sự (2018)

Nhỏ và vừa

Chiến lược và lãnh đạo, văn hóa và tổ chức doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng CNTT, sự hoàn thiện dữ liệu, quy trình và vận hành, sản phẩm

Mittal và cộng sự (2018)

Nhỏ và vừa

Tài chính, con người, chiến lược, quy trình, sản phẩm

Canetta và cộng sự (2018)

Chung

Chiến lược, quy trình, công nghệ, sản phẩm và dịch vụ, con người

Mittalvà cộng sự (2018)

Chung

Tài chính, con người, chiến lược, quy trình, sản phẩm

Pirola và cộng sự (2019)

Nhỏ và vừa

Chiến lược, con người, quy trình, công nghệ, hội nhập

Felch và cộng sự (2019)

Chung

Chiến lược và lãnh đạo, con người và văn hoá, sản phẩm và dịch vụ, trải nghiệm khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp

North và cộng sự (2019)

Nhỏ và vừa

Phát triển, chiến lược, tư duy, nguồn lực

Salume và cộng sự (2021)

Chung

Chiến lược, năng lực lãnh đạo, thị trường, quy trình, văn hoá, con người, quả trị, năng lực công nghệ

Yezhebay và cộng sự (2021)

Chung

Con người, lãnh đạo, chiến lược, công nghệ, quy trình, sản phẩm

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Thông qua việc tổng hợp các nghiên cứu trước đó, tác giả đề xuất mô hình trưởng đánh giá thành số của doanh nghiệp vừa và nhỏ như Bảng 2.

Hình: Đề xuất mô hình trưởng đánh giá thành số của doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đề xuất mô hình đánh giá trưởng thành số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ
Nguồn: Tác giả tổng hợp và điều chỉnh từ Berghaus và Back (2016) Mittalvà cộng sự (2018), Deloitte (2018), Sándor và Gubán (2021); Wagirevà cộng sự (2021), Bộ Thông tin và Truyền thông (2022)

KẾT LUẬN

Thông qua thực tế nghiên cứu và hoạt động của các doanh nghiệp cho thấy sự cần thiết và vai trò quan trọng của việc xây dựng mô hình đo lường mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp vừa và nhỏ, loại hình doanh nghiệp chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam và vốn đóng vai trò rất quan trọng.

Nghiên cứu đã thực hiện việc tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn nghiên cứu cả ở trong nước cũng như trên thế giới cho thấy được góc nhìn tổng quát về vấn đề xây dựng mô hình đo lường trưởng thành số, từ đó đề xuất mô hình gồm 5 yếu tố bao gồm: định hướng chiến lược, trải nghiệm khách hàng, công nghệ và dữ liệu, vận hành, con người và văn hoá.

Thông qua việc đề xuất mô hình đo lường mức độ trưởng thành số, đó sẽ là căn cứ cho các nghiên cứu thực nghiệm nhằm kiểm chứng và điều chỉnh mô hình này. Từ đó các kết quả nghiên cứu sẽ là căn cứ cho các đề xuất thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bảo, H. T. (2019), Chuyển đổi số: Cơ hội tạo đột phá trong phát triển đất nước, truy cập từ https://tiasang.com.vn/-dien-dan/Chuyen-doi-so-Co-hoi-tao-dot-pha-trong-phat-trien-dat-nuoc-20778.

2. Becker, J., Knackstedt, R., & Pöppelbuß, J. (2009), Developing maturity models for IT management: A procedure model and its application, Business & Information Systems Engineering, 1, 213-222.

3. Berghaus, S., & Back, A. (2016), Stages in digital business transformation: results of an empirical maturity study, MCIS 2016 Proceedings.

4. Blatz, F., Bulander, R., & Dietel, M. (2018), Maturity model of digitization for SMEs. 2018 IEEE International Conference on Engineering, Technology and Innovation (ICE/ITMC).

5. Bộ Thông tin và Truyền thông (2022), Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023),Cẩm nang chuyển đổi số.

7. Bounfour, A. (2016), Digital futures, digital transformation, IEEE Software.

8. Canetta, L., Barni, A., & Montini, E. (2018), Development of a digitalization maturity model for the manufacturing sector, 2018 ieee international conference on engineering, technology and innovation (ICE/ITMC).

9. Chanias, S., & Hess, T. (2016), How digital are we? Maturity models for the assessment of a company’s status in the digital transformation, Management Report/Institut für Wirtschaftsinformatik und Neue Medien, 2, 1-14.

10. Colli, M., Madsen, O., Berger, U., Møller, C., Wæhrens, B. V., & Bockholt, M. (2018), Contextualizing the outcome of a maturity assessment for Industry 4.0, Ifac-papersonline, 51(11), 1347-1352.

11. Deloitte, L. (2018), Digital maturity model achieving digital maturity to drive growth, Presentation of Deloitte, TM Forum Digital Maturity Model, Feb. Search in.

12. Felch, V., Asdecker, B., & Sucky, E. (2019), Maturity models in the age of Industry 4.0–Do the available models correspond to the needs of business practice?

13. Fitzgerald, M., Kruschwitz, N., Bonnet, D., & Welch, M. (2014), Embracing digital technology: A new strategic imperative, MIT sloan management review, 55(2).

14. Gartner (2021), Gartner Glossary: Digital Transformation, retrieved from https://www.gartner.com/en/information-technology/glossary/digitization.

15. Geissbauer, R., Vedso, J., & Schrauf, S. (2016), Industry 4.0: Building the digital enterprise. In.

16. Gill, M., & VanBoskirk, S. (2016), The digital maturity model 4.0, Benchmarks: digital transformation playbook.

17. Gökalp, E., & Martinez, V. (2021), Digital transformation capability maturity model enabling the assessment of industrial manufacturers, Computers in Industry, 132, 103522.

18. Hägg, J., & Sandhu, S. (2017), Do or Die: How large organizations can reach a higher level of digital maturity, In.

19. Hoang, T. V. B. (2022), Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng trị: thực trạng và giải pháp, Hue University Journal of Science: Economics and Development, 131(5A), 111–128.

20. Matt, C., Hess, T., & Benlian, A. (2015), Digital transformation strategies, Business & Information Systems Engineering, 57, 339-343.

21. Mittal, S., Romero, D., & Wuest, T. (2018), Towards a smart manufacturing toolkit for SMEs, IFIP Advances in Information and Communication Technology, 540 (August). DOI. 10, 978-973.

22. North, K., Aramburu, N., & Lorenzo, O. J. (2019), Promoting digitally enabled growth in SMEs: a framework proposal, Journal of Enterprise Information Management.

23. Pirola, F., Cimini, C., & Pinto, R. (2019), Digital readiness assessment of Italian SMEs: a case-study research, Journal of Manufacturing Technology Management.

24. Reinhard, G., Jesper, V., & Stefan, S. (2016), Industry 4.0: Building the digital enterprise, PwC, In.

25. Salume, P. K., BARBOSA, M. W., Pinto, M. R., & Sousa, P. R. (2021), Key dimensions of digital maturity: A study with retail sector companies in Brazil, RAM. Revista de Administração Mackenzie, 22.

26. Sándor, Á., & Gubán, Á. (2021), A Measuring Tool for the Digital Maturity of Small and Medium-Sized Enterprises, Management and Production Engineering Review, 14.

27. Schumacher, A., Nemeth, T., & Sihn, W. (2019), Roadmapping towards industrial digitalization based on an Industry 4.0 maturity model for manufacturing enterprises, Procedia Cirp, 79, 409-414.

28. Stolterman, E., & Fors, A. C. (2004), Information technology and the good life, Information systems research: relevant theory and informed practice, 687-692.

29. Teichert, R. (2019), Digital transformation maturity: A systematic review of literature, Acta universitatis agriculturae et silviculturae mendelianae brunensis.

30. Wagire, A. A., Joshi, R., Rathore, A. P. S., & Jain, R. (2021), Development of maturity model for assessing the implementation of Industry 4.0: learning from theory and practice, Production Planning & Control, 32(8), 603-622.

31. Westerman, G., Calméjane, C., Bonnet, D., Ferraris, P., & McAfee, A. (2011), Digital Transformation: A roadmap for billion-dollar organizations, MIT Center for digital business and capgemini consulting, 1, 1-68.

32. Yezhebay, A., Sengirova, V., Igali, D., Abdallah, Y. O., & Shehab, E. (2021), Digital maturity and readiness model for Kazakhstan SMEs, 2021 IEEE International Conference on Smart Information Systems and Technologies (SIST).

Ngày nhận bài: 20/4/2024; Ngày phản biện: 08/5/2024; Ngày duyệt đăng: 13/5/2024