CƠ HỘI CHO NGÀNH KẾ TOÁN TRONG CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Những thành tựu từ Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều cơ hội cho ngành kế toán, được thể hiện qua những khía cạnh sau:

Một là, thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, các chương trình, công nghệ số hiện đại, kế toán viên có thể thu thập các thông tin mà trước đây họ khó thu thập được. Bên cạnh đó, kế toán viên có thể chiết xuất dữ liệu từ những kho dữ liệu khổng lồ, phục vụ cho tất cả các loại quyết định, các cấp lãnh đạo, các loại trạm kiểm soát thông tin ra quyết định và tất cả những người có lợi ích liên quan. Việc này có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, miễn là có internet. Sự linh hoạt này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các kế toán viên làm dịch vụ cho cùng lúc nhiều doanh nghiệp, thay vì phải liên tục di chuyển giữa trụ sở làm việc và các doanh nghiệp thuê làm sổ sách kế toán.

Đổi mới công tác kế toán trong điều kiện ứng dụng công nghệ 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều cơ hội cho ngành kế toán.

Hai là, nâng cao chất lượng thông tin. Blockchain - công nghệ sử dụng sổ cái phân tán giúp nâng cao chất lượng dữ liệu thông qua các lịch trình tốt hơn, tính chính xác cao hơn và nhiều chi tiết hơn để cải thiện hiệu quả, bảo đảm về mặt dữ liệu; cải thiện việc truyền tải dữ liệu cho việc hoạch định và quản lý; nâng cao độ tin cậy và hợp lý của việc báo cáo thông qua việc tự kiểm soát hoặc các hệ thống tự kiểm… Các giao dịch khi đã được lưu trữ trong sổ cái thì sẽ không thể thay đổi được. Hơn nữa, mỗi chủ thể tham gia mạng lưới blockchain đều được lưu giữ một bản sao của sổ cái chung và bản này luôn được cập nhật đồng bộ thông qua một cơ chế đồng thuận, nên bất cứ thay đổi nào xảy ra, các chủ thể đều biết và có quyền chấp nhận hay không. Cơ chế hoạt động này bảo đảm sự minh bạch và bảo mật đối với các giao dịch giữa các chủ thể trong mạng lưới.

Ba là, Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp cho việc tổ chức thực hiện công tác kế toán một cách dễ dàng, hiệu quả từ việc thu thập thông tin (chứng từ kế toán), xử lý thông tin (ghi sổ kế toán), cung cấp thông tin (báo cáo tài chính), lưu trữ bảo quản tài liệu, thông tin kế toán và tổ chức bộ máy kế toán gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Công nghệ đám mây giúp thông tin được lưu trữ với khối lượng lớn, không bị giới hạn và thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ để đạt được kết quả mong muốn.

Hơn nữa, trong thời đại 4.0, các phần mềm kế toán ngày càng được phát triển và cải thiện, chúng không chỉ đưa ra các giải pháp tiết kiệm thời gian cho chứng từ sổ sách, mà còn đảm bảo độ chính xác cao. Nhờ nâng cao chất lượng dịch vụ, mà các công ty kế toán có thêm cơ hội tiếp cận với hệ thống kế toán quốc tế, từ đó có thể mở rộng thị trường dịch vụ kế toán.

Bốn là, những tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến việc học tập nâng cao tay nghề và ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào công tác chuyên môn của đội ngũ kế toán, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng lao động của các kế toán viên.

NHỮNG THÁCH THỨC ĐI KÈM

Bên cạnh những cơ hội, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đem lại cho ngành kế toán ở Việt Nam không ít thách thức.

Có thể thấy, kế toán là một trong những ngành nghề đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin. Quy trình kế toán đã và sẽ có sự thay đổi căn bản khi hầu hết các phần hành kế toán đều ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả hoạt động ghi sổ, lập báo cáo tài chính. Do vậy, thách thức lớn nhất mà ngành kế toán gặp phải trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu về lao động có trình độ công nghệ thông tin. Thực tế cho thấy, kiến thức, hiểu biết, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của các kế toán viên hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều. Trong khi đó, công tác đào tạo mới chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức nền, chưa chuyên sâu, đa ngành, nhất là đối với những kiến thức mang tính đặc thù công nghệ, bảo mật và trí tuệ nhân tạo... Cơ sở vật chất của hầu hết các cơ sở đào tạo kế toán ở Việt Nam còn nghèo nàn, thiếu phòng thực hành, thiếu hệ thống thư viện hiện đại. Một số cơ sở đào tạo đã có hệ thống thư viện, nhưng còn hạn chế về không gian đọc, các tiện ích, đầu sách và cơ sở dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, học tập. Đây chính là nguyên nhân làm cho công tác nghiên cứu, giảng dạy của giảng viên gặp nhiều khó khăn, môi trường học tập của người học không thuận lợi.

Một thách thức khác là chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp kế toán nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thường xuyên của ngành kế toán mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song vẫn còn tương đối hạn chế và chưa đi vào chiều sâu, chưa phục vụ được những hoạt động tác nghiệp cụ thể có tính phức tạp và đặc thù chuyên môn cao.

Ngoài ra, thách thức liên quan đến rủi ro mất thông tin, dữ liệu thông qua việc kết nối internet cũng là một vấn đề quan trọng đối với các công ty kế toán. Thông tin, kết quả kế toán có thể bị rò rỉ từ việc gửi thư điện tử tới đơn vị hoặc các tổ chức, cá nhân bên ngoài, trao đổi qua mạng nội bộ. Các phần tử xấu có thể lợi dụng các thông tin, kết quả kế toán chưa chính thức để thực hiện các mục đích phá hoại, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để đổi mới quy trình kế toán trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Về phía cơ quan quản lý nhà nước

- Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành trong lĩnh vực kế toán phù hợp xu thế công nghệ số. Hiện nay, khung khổ pháp lý liên quan đến lĩnh vực kế toán của Việt Nam cơ bản khá đầy đủ, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là rất nhiều mô hình sẽ xuất hiện trong nền kinh tế số và có thể pháp luật không thể bao trùm hết được. Do vậy, việc thường xuyên rà soát để chỉnh sửa bổ sung, nhằm đáp ứng yêu cầu mới là cấp thiết.

- Nâng cao nhận thức gắn với tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hoạt động tài chính, kế toán trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Cần có nhận thức đầy đủ và những biện pháp chủ động để hệ thống tài chính, kế toán vận hành có hiệu quả, hội tụ và hài hòa giữa các quốc gia; tranh thủ các lợi ích và hạn chế những tác động bất lợi từ Cách mạng công nghiệp 4.0.

- Quản lý an ninh mạng cũng là một vấn đề cần được chú trọng. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy mức độ chia sẻ thông tin, từ đó tạo ra một rủi ro rất lớn về an ninh mạng. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm dự phòng dữ liệu; nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, bảo đảm việc mở rộng phạm vi hoạt động được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài.

Về phía doanh nghiệp kế toán

- Chú trọng đổi mới và thiết lập mới các quy trình kế toán, từ việc thu thập xử lý và nhập dữ liệu chứng từ kế toán đến quá trình xử lý và kết xuất thông tin; áp dụng công nghệ thông tin trong việc phân tích, đánh giá thông tin kế toán; tạo điều kiện thuận lợi cho kế toán viên khai thác và sử dụng nguồn dữ liệu kế toán một cách nhanh chóng và có hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và vận dụng một cách hiệu quả, phù hợp các phương pháp kiểm toán, kể cả phương pháp cơ bản và phương pháp kỹ thuật, nhất là các phương pháp thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán, các phương pháp phân tích kỹ thuật trong bối cảnh nghề kế toán sử dụng chứng từ điện tử, công nghệ blockchain, điện toán đám mây…

- Phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ cho hoạt động kế toán, đồng thời phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính kế toán dựa trên công nghệ số. Song song với đó, cần trang bị những công cụ, những biện pháp bảo mật mới, quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dự phòng và nâng cao nhận thức về bảo mật và an toàn thông tin trong toàn hệ thống.

Về phía các cơ sở đào tạo

Thứ nhất, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo. Những cơ hội cũng như thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo ngành kế toán tại các trường đại học phải có sự đổi mới rất căn bản. Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, phân tích đặc điểm của cuộc cách mạng này để từ đó đổi mới trên tất cả các mặt, đặc biệt là đổi mới phương pháp đào tạo. Việc ứng dụng mô hình phòng kế toán ảo trong đào tạo sinh viên ngành kế toán để nâng cao chất lượng dạy và học là cần thiết, nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng. Khi các phần mềm, chứng từ điện tử, chữ ký điện tử, các tính toán, luân chuyển và ghi chép thông tin trên mẫu biểu đã được chương trình hóa và tự động hóa, thì phải từng bước từ bỏ phương pháp giảng dạy kế toán theo chế độ, cũng như theo xử lý nghiệp vụ mang tính thủ công. Từ đó, giúp sinh viên vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn.

Mặt khác, cần tăng cường đào tạo khả năng thực hành ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các kỹ năng mềm để sau khi ra trường, đội ngũ này có thể sử dụng ngay vào công việc của mình một cách hiệu quả.

Thứ hai, chuẩn bị đội ngũ giảng viên có trình độ cao về chuyên môn về công nghệ thông tin, hệ thống mạng… Giảng viên ngành kế toán phải liên tục cập nhật kiến thức chuyên môn bằng cách thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị.

Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đào tạo. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao. Chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác giữa người và máy.

Thứ tư, tăng cường đào tạo gắn với thực tiễn. Để thực hiện điều này, các cơ sở đào tạo cần phối hợp và thông qua các hiệp hội nghề nghiệp, như: Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Câu lạc bộ Kế toán trưởng... để xây dựng mối quan hệ rộng rãi và sâu sắc với các loại hình doanh nghiệp khác nhau trong nền kinh tế, nhằm giúp người học có điều kiện tiếp cận dễ dàng công việc thực tế tại các doanh nghiệp để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trước khi tốt nghiệp. Mặt khác, việc tạo ra mối quan hệ này sẽ giúp các trường thường xuyên lắng nghe được từ phía các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng chủ lực về những yêu cầu đối với chất lượng sản phẩm đào tạo được cung cấp, cũng như sự thích hợp của chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu chất lượng đặt ra. Chính những ý kiến và đóng góp của doanh nghiệp sẽ là cơ sở quan trọng để các trường điều chỉnh kịp thời chuẩn đầu ra và đổi mới chương trình đào tạo một cách phù hợp.

Ngoài ra, cần thiết lập mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bởi điều đó giúp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu được gắn kết, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng tốt cho yêu cầu của doanh nghiệp.

Về phía kế toán viên

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kế toán cần ý thức được tầm quan trọng của công nghệ và những kỹ năng cần thiết để ứng dụng cho phù hợp xu thế, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc. Để có thể khai thác giá trị của công nghệ trong việc thu thập, lưu trữ, xử lý và truy xuất dữ liệu, đồng thời tổng hợp dữ liệu giao dịch cho việc lập báo cáo tài chính và phân tách dữ liệu để lập các báo cáo đột xuất, kế toán viên cần phải có hiểu biết nhất định và thay đổi để thích ứng với các công nghệ mới, như: tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy, công nghệ blockchain, điện toán đám mây, ngôn ngữ báo cáo kinh doanh…/.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2015). Luật Kế toán, số 88/2015/QH13, ngày 20/11/2015

2. Phan Nguyễn Hoàng Chánh, Lê Đức Thắng (2019). Phát triển ngành Kế toán, Kiểm toán Việt Nam thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 8/2019

3. Hoàng Thanh Hạnh, Phạm Tiến Dũng (2019). Phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Kế toán-kiểm toán trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, số tháng 9/2019

4. Nguyễn Lộc (2021). Chuyển đổi số và nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán, Báo Kiểm toán, số 38/2021

5. Vũ Thị Phương Thụy (2020). Nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 23, tháng 8/2020

6. Lương Thị Yến (2019). Nâng cao chất lượng đào tạo ngành kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập quốc tế, truy cập từ http://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/nang-cao-chat-luong-dao-tao-nganh-ke-toan-kiem-toan-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-302421.html

ThS. Nguyễn Thị Lương

Trường Đại học Công nghệ Đông Á

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)