Giá robot đang giảm đi rất nhanh, hàng triệu việc làm sẽ bị thay thế
Người trẻ cần được đào tạo để trở thành công dân toàn cầu
Ông Hoàng Nam Tiến (bìa trái) dự báo, robot sẽ thay thế hàng triệu việc làm trong ngành dệt may, da giày, lắp ráp điện tử |
Nhận định trên được đưa ra bởi Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến tại Hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp của Google tổ chức chiều 18/10/2021.
Những người có thể sẽ mất việc làm bởi tác động của kinh tế số trong 5-7 năm tới là các lao động trong ngành may, da giày, lắp ráp điện tử… Những công việc của họ sẽ được thay thế dần bởi robot và đó là lý do việc làm cho con người không còn. Ông Tiến nhận định và cho rằng, khoảng 70% số người đang làm việc trong các nhóm ngành trên có thể sẽ bị thất nghiệp trong vòng 10 năm tới.
“Nếu trước Covid-19 các nhà sản xuất còn đang băn khoăn về việc đưa người máy về Việt Nam thì tôi dám khẳng định rằng, ngay sau đợt dịch này, hàng loạt robot sẽ được đưa vào Việt Nam. Giá của robot giảm đi rất nhanh, từ mức khoảng 300 nghìn USD giờ giảm xuống chỉ còn khoảng 40 nghìn USD", Chủ tịch FPT Telecom chia sẻ.
Nhìn trước viễn cảnh này, ông Tiến khuyến nghị, Chính phủ cần phải quan tâm đào tạo đến lực lượng hàng triệu lao động trẻ trong thời gian tới. Đồng thời, các trường đại học cũng như doanh nghiệp cũng cần phải đào tạo thế hệ trẻ tài năng trở thành công dân toàn cầu, để có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới về công nghệ cũng như trình độ.
Robot sẽ thay thế các công việc kỹ thuật tại nhiều ngành, nghề |
Bên cạnh đó, việc đào tạo cho những người làm chủ bao gồm lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp về việc sử dụng kỹ thuật số là vô cùng cần thiết. Cuối cùng, ông Tiến nhấn mạnh, nhóm đối tượng là trẻ em cần phải đặc biệt quan tâm.
"Chúng ta cần phải đưa phương pháp giáo dục mới để có thế hệ mới về đào tạo và việc này cần sự tham gia của toàn xã hội", ông Tiến cho hay.
Tại FPT Telecom hiện có 20.000 người lao động, cung cấp sản phẩm, dịch vụ không chỉ tại Việt Nam mà đến nhiều thị trường quốc tế. Với việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của đa dạng thị trường, người lao động luôn có cơ hội làm việc và phát triển các năng lực sáng tạo cho công việc. Rõ ràng, người trẻ Việt Nam không thua kém các quốc gia khác, nhưng số lượng nhân sự này còn hạn chế. Để có nhiều hơn những người trẻ có năng lực làm việc trên các thị trường quốc tế thì công việc đào tạo cần thay đổi căn bản với các mục tiêu rõ ràng.
Bên cạnh việc đào tạo nhân sự, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng, Việt Nam cần phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số. Điều này đòi hỏi thúc đẩy dòng dữ liệu xuyên biên giới mở, nới lỏng chính sách hạn chế về dữ liệu, khuyến khích khả năng tương tác của các khuôn khổ kỹ thuật số và giảm thiểu xung đột biên giới.
Việt Nam cần nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên
AlphaBeta đánh giá, Việt Nam thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số |
Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” của AlphaBeta công bố cùng ngày 18/10 dự báo, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.
AlphaBeta cũng dự báo, Việt Nam có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ nền kinh tế số. Đó là dân số trẻ, có học thức và am hiểu công nghệ tại Việt Nam chiếm 70% công dân dưới 35 tuổi, tỷ lệ biết đọc và viết ở nhóm 15-35 tuổi trên 98% (cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 91%) và khoảng hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Đồng thời, Việt Nam có nền kinh tế Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia). Tuy nhiên, Việt Nam gặp một số rào cản trong khai thác lợi ích từ công nghệ số như: các quy định pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số….
Báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên. Chính phủ cần tập trung mạnh mẽ vào việc trang bị cho nhân lực hiện tại và lực lượng lao động tương lai các kỹ năng số cần thiết để tiếp cận các cơ hội kỹ thuật số. Việc đào tạo có thể thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng số dành riêng cho từng lĩnh vực, tăng cường cơ hội học nghề liên quan khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), đồng thời chú trọng hơn vào “kỹ năng mềm” trong chương trình giảng dạy từ mẫu giáo đến lớp 12./.
Bình luận