Từ khóa: công nghệ tài chính, tài chính toàn diện, dịch vụ tài chính, Fintech

Summary

The development history of the financial system shows that financial institutions have always been the pioneers in applying scientific and technological advances in business activities to satisfy the increasingly stringent requirements of cutomers. This article discusses some issues related to financial technology (Fintech), financial inclusion and the relationship between Fintech and financial inclusion. On the basis of analyzing the current situation of Fintech in Vietnam, the author proposes solutions to promote financial inclusion based on Fintech platform.

Keywords: financial technology, financial inclusion, financial services, Fintech

GIỚI THIỆU

Dịch vụ tài chính là nền tảng để giải quyết nhiều vấn đề nóng bỏng toàn cầu và đạt được các mục tiêu phát triển. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sở hữu tài khoản ngân hàng và tiếp cận dịch vụ thanh toán tác động tích cực tới công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nhiều quốc gia. Vì thế, tài chính toàn diện là một yếu tố được nhiều tổ chức, quốc gia đánh giá đóng vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của quốc gia, khu vực. Thực tế chỉ ra rằng, một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển tài chính toàn diện là sử dụng Fintech, chẳng hạn như các công cụ thanh toán thông qua điện thoại thông minh, giúp vượt qua những khó khăn và hoạt động thanh toán vật lý không thể thực hiện được. Mặc dù tỷ lệ người dân ở các quốc gia đang phát triển có tài khoản ngân hàng không cao, nhưng tỷ lệ sở hữu điện thoại di động lại không hề thấp. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các hoạt động thanh toán sử dụng công nghệ.

Tại Việt Nam, Chính phủ có sự cam kết mạnh mẽ cho tài chính toàn diện và nhận diện rõ tầm quan trọng của phát triển Fintech. Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ) đã khẳng định: “Ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo là thành tố quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện”. Tài chính toàn diện phát huy hiệu quả tối đa thông qua ứng dụng Fintech để giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội (người nghèo, người thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ…), đặc biệt là trong các trường hợp thiên tai hoặc đại dịch như Covid-19. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có hệ sinh thái Fintech phát triển mạnh mẽ với các lĩnh vực đa dạng, từ cho vay ngân hàng, chấm điểm tín dụng, tới thanh toán di động. Việc sử dụng Fintech để thúc đẩy tài chính toàn diện ở nước ta là phù hợp với bối cảnh thực tế và có tính khả thi cao.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Tài chính toàn diện

Theo World Bank (2018), tài chính toàn diện có nghĩa là các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính - các giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm - đáp ứng nhu cầu của họ và có mức chi phí hợp lý, được cung cấp theo một cách thức có trách nhiệm và bền vững.

AFI (2017) định nghĩa về tài chính toàn diện rộng hơn và đa chiều hơn, nhấn mạnh đến cả khía cạnh chất lượng sử dụng dịch vụ. Theo đó, tài chính toàn diện là việc cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ tài chính sẵn có với mức chi phí hợp lý; làm cho khách hàng sử dụng các dịch vụ tài chính một cách thường xuyên; đưa ra những dịch vụ tài chính được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người sử dụng.

Tại Việt Nam, khái niệm tài chính toàn diện được định nghĩa trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 như sau: “Tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ”.

Từ các quan điểm trên, có thể thấy, tài chính toàn diện có tính chất đa chiều, mang đến cho người dân các dịch vụ tài chính chất lượng một cách thuận tiện, mở rộng khả năng tiếp cận cho tất cả các tầng lớp dân cư, đặc biệt là tầng lớp dân cư có thu nhập thấp.

Fintech

Mackenzie (2015) định nghĩa, Fintech là sự ứng dụng những công nghệ đổi mới, sáng tạo và hiện đại trong lĩnh vực tài chính, nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp, dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống.

Ứng dụng của Fintech rất đa dạng. Hiện nay, hoạt động của Fintech nổi bật trong các lĩnh vực, như: thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P Lending), gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding), quản lý tài sản (Wealth Management), tự động hóa đầu tư (Robot Trading), công nghệ bảo hiểm (Insurtech)…

Giải pháp công nghệ tài chính trong thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam
Ảnh minh họa

Vai trò của Fintech trong thúc đẩy tài chính toàn diện

Với những ưu thế về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt, hiệu quả, Fintech không những giúp giảm chi phí, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho nhiều đối tượng khách hàng. Nguyễn Kim Anh (2017) đã khẳng định rằng, do được phát triển trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông, không cần mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch, nên Fintech thu hút được một lượng lớn khách hàng, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, vốn không có tài khoản ngân hàng, là những đối tượng khách hàng mà các ngân hàng, tổ chức tài chính truyền thống không hướng tới.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Hòa (2017) chỉ ra rằng, tài chính toàn diện dựa trên Fintech sẽ có các lợi ích, như: (i) Gia tăng tiếp cận dịch vụ qua kênh giao dịch điện tử; (ii) Bổ sung các dịch vụ tài chính phù hợp với các nhu cầu của khách hàng trên nền tảng giao dịch số; (iii) Giảm chi phí (cả phía nhà cung cấp cũng như người sử dụng); (iv) Giảm rủi ro mất mát, trộm cắp như trong các giao dịch tiền mặt.

Nghiên cứu của Đào Hồng Nhung và cộng sự (2020) cho thấy, Fintech có tác động tích cực đến tài chính toàn diện. Hệ sinh thái hỗ trợ Fintech là yếu tố chính đóng góp vào việc gia tăng mức độ tài chính toàn diện ở các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tác động tích cực của Fintech đến mức độ tài chính toàn diện xuất phát từ hai nguyên nhân: (1) Mức độ tiếp cận tài chính ban đầu của các quốc gia thuộc mẫu nghiên cứu thấp hơn rất nhiều so với nhóm nước có thu nhập cao và cao trung bình. Vì vậy, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong hệ sinh thái Fintech có thể sẽ tạo ra tác động lớn giúp thúc đẩy mức độ tài chính toàn diện; (2) Các quốc gia này được hưởng lợi thế từ việc chuyển giao công nghệ từ các nước đi trước, từ đó có thể tối ưu hóa vai trò của Fintech đối với tài chính toàn diện.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM

Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển Fintech dựa trên những lợi thế về quy mô dân số và nguồn nhân lực am hiểu công nghệ thông tin. Năm 2022, có 72,1 triệu người Việt Nam sử dụng internet, tương đương 73,2% dân số. Số người dùng internet truy cập bằng điện thoại thông minh là 95,8%. Thời gian sử dụng internet hằng ngày trung bình là 6 giờ 38 phút, trong đó sử dụng mạng xã hội hơn 2 giờ (Nguyễn Quyên, 2023). Hơn nữa, tiềm năng phát triển Fintech của Việt Nam rất lớn bởi thói quen mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ của khách hàng đang thay đổi rất nhanh chóng.

Để thúc đẩy Fintech, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan, bao gồm: Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020; Thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính… Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ từng bước xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động của Fintech ở một số lĩnh vực, như: lĩnh vực thanh toán (QR Code, thẻ chip...); hoạt động định danh khách hàng điện tử (e-KYC); giao diện lập trình ứng dụng mở (open API), cho vay ngang hàng...; nghiên cứu, xây dựng đề án cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho hoạt động Fintech; nghiên cứu cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng...

Nhờ đó, hiện số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam đã lên đến hơn 160 doanh nghiệp, gấp khoảng 4 lần so với năm 2017. Trong đó, có tới gần 70% trong tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở lĩnh vực thanh toán (Việt Hưng, 2023). Các lĩnh vực hoạt động của Fintech tại Việt Nam gồm: (i) Thanh toán với các công cụ, như: Moca, Payoo, VinaPay, Momo... hoặc cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS4 như: Hottab, SoftPay; (ii) Gọi vốn, thông qua các nền tảng như: FundStart, Comicola, Betado hay FirstSetp...; (iii) Cho vay trực tuyến như: LoanVi, Timal; (iv) Quản lý tài chính cá nhân như: BankGo, Moneylover, Mobivi; (v) Quản lý dữ liệu như: Trusting, Social, Circle Bii; (vi) Chuyển tiền như: Matchmovie, Cash2v; (vii) Blockchain như: Bitcoin Vietnam, VBTC Bitcoin. Không chỉ các startup Fintech mới vào cuộc, mà nhiều ngân hàng thương mại cũng đã và đang dần chuyển đổi, vận hành hệ thống ngân hàng số trên nền tảng công nghệ hiện đại, như: BIDV, Vietinbank, VPBank, TPBank…, nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng nhanh chóng, thông suốt.

Về giá trị giao dịch, thị trường Fintech Việt Nam cho thấy mức tăng ấn tượng, từ 4,4 tỷ USD năm 2017 lên tới 12,9 tỷ USD năm 2021. Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN về nguồn vốn tài trợ cho Fintech với 375 triệu USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư của 6 nền kinh tế hàng đầu khu vực (Nguyễn Thị Ngọc Loan, 2022).

Những đổi mới, sáng tạo về Fintech đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng thông qua việc bổ khuyết, giải quyết tính thiếu hiệu quả trong sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện hành… Điều này cho thấy, Fintech đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, tạo ra nhiều cơ hội đối với thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, Fintech tại Việt Nam đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức như sau:

Một là, khung khổ pháp lý hiện chưa đầy đủ và đồng bộ để tạo điều kiện cho Fintech phát triển.

Cho đến nay, khung pháp lý của Việt Nam mới tập trung chủ yếu phát triển Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và hoạt động thanh toán của các công ty Fintech, trong khi vẫn chưa quản lý, điều chỉnh bản chất của các hoạt động Fintech còn lại. Lĩnh vực mà Fintech Việt Nam hoạt động sôi nổi nhất là thanh toán, thì chủ yếu vẫn hoạt động theo phương thức hợp tác giữa các công ty Fintech và ngân hàng thương mại. Những lĩnh vực khác, như: cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng, quản lý tài sản… đang hoạt động dựa trên quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp là chủ yếu. Do đó, hoạt động của Fintech Việt Nam đang phải đối mặt với một số hoạt động chưa được pháp luật cho phép.

Hai là, số lượng các doanh nghiệp tham gia vào Fintech chưa nhiều.

Các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn khởi đầu, chủ yếu là hoạt động thanh toán. Các dịch vụ tài chính khác, như: quản lý tài sản, quản lý thanh khoản, quản lý danh tính, quản lý đầu tư, quản lý rủi ro... chưa phát triển mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Ba là, ý thức sử dụng sản phẩm Fintech của người dân còn hạn chế cả về thói quen cũng như hiểu biết.

Sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành thói quen của người dân Việt Nam. Do vậy, thay đổi thói quen này là một việc khó khăn không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp Fintech. Hơn nữa, người dân lại chưa có ý thức cao trong bảo mật những thông tin quan trọng của bản thân trong quá trình sử dụng dịch vụ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng, cũng như các tổ chức tài chính cung cấp các dịch vụ Fintech. Đó là chưa kể, việc bảo mật dữ liệu người dùng, đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống vẫn là những thách thức thường trực đối với các tổ chức tài chính. Các sản phẩm, dịch vụ ngày càng số hóa, người dùng ngày càng sử dụng thiết bị số, kết nối liên tục, đa kênh, đa phương tiện chính là môi trường thuận lợi để tội phạm sử dụng công nghệ cao, tin tặc, kẻ xấu khai thác các yếu điểm, từ đó thực hiện các hành vi gian lận nhằm trục lợi từ người dùng và xâm nhập hệ thống.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển Fintech ở Việt Nam, tác giả đưa ra một số khuyến nghị, nhằm ứng dụng Fintech góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động Fintech. Trong khi chờ đợi khung pháp lý hoàn chỉnh bao trùm đối với lĩnh vực Fintech, Việt Nam cần đẩy nhanh việc ban hành, triển khai cơ chế thử nghiệm những mô hình Fintech hỗ trợ trực tiếp các đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện là người nghèo, doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng… Các cơ quan quản lý cần xây dựng quy định riêng về bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong hoạt động của các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng. Thành lập các cơ quan chuyên trách và thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), cũng như Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhằm bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm Fintech. Trên cơ sở phát triển sản phẩm Fintech (chủ yếu là thanh toán và chuyển tiền), cần mở rộng các sản phẩm tiềm năng khác, như: quản lý tài chính, cho vay, tiết kiệm... nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng; đồng thời tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, cơ hội sinh kế cho người dân, giúp hệ thống tài chính luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội. Các dịch vụ nên tập trung vào các hoạt động thanh toán, cho vay. Các ứng dụng của Fintech nên hướng đến phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, sau đó mới là các doanh nghiệp lớn.

Thứ ba, tăng cường giáo dục cộng đồng về Fintech và tài chính toàn diện. Khách hàng mục tiêu của tài chính toàn diện là những người đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, người nghèo, người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Để Fintech thực sự trở thành động lực cho tài chính toàn diện, điều cần thiết là phải thực hiện tốt công tác giáo dục cộng đồng về tài chính toàn diện và Fintech đến với mọi người dân: (i) Thực hiện tốt công tác truyền thông để tuyên truyền và phổ biến kiến thức tài chính và Fintech cho mọi người dân, đưa việc sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên của hệ sinh thái Fintech (cơ quan quản lý – nhà cung cấp Fintech – chính quyền địa phương – người sử dụng). Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong truyền thông giáo dục kiến thức tài chính và Fintech đến đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; (2) Thực hiện giáo dục về tài chính toàn diện và Fintech trong nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các bên liên quan xây dựng chương trình giáo dục có lồng ghép một số kiến thức cơ bản về tài chính toàn diện và Fintech ở các cấp học phổ thông. Các trường đại học nghiên cứu, triển khai đào tạo các chuyên ngành có liên quan đến Fintech./.

TS. Nguyễn Thị Thùy Hương - Học viện Tài chính

Tài liệu tham khảo

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 20, tháng 7/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. AFI (2017), Defining financial inclusion, Guideline Note No. 28.

2. Đào Hồng Nhung, Trần Thanh Thu, Nguyễn Minh Tuấn (2020), Tác động của Fintech đối với tài chính toàn diện: Bằng chứng thực nghiệm tại các quốc gia và một số khuyến nghị cho Việt Nam, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, 267, 41-48.

3. Mackenzie, A. (2015), The Fintech Revolution, London Business School Review, 26(3), 50-53.

4. Nguyen Kim Anh (2017), The Speech at the SBV Conference “Fintech – The trend of Development and Recommendations”.

5. Nguyễn Quyên (2023), Gần 90% trẻ em Việt Nam truy cập và sử dụng internet, truy cập từ https://plo.vn/gan-90-tre-em-viet-nam-truy-cap-va-su-dung-internet-post719782.html#:~:text=N%C4%83m%202022%2C%2072%2C1%20tri%E1%BB%87u,x%C3%A3%20h%E1%BB%99i%20h%C6%A1n%202%20gi%E1%BB%9D.

6. Nguyễn Thị Hòa (2017), Tổng quan về tài chính toàn diện, vai trò của công nghệ số trong thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, Tham luận tại Hội thảo Banking Vietnam 2017.

7. Nguyễn Thị Ngọc Loan (2022), Vai trò của công nghệ tài chính đối với thúc đẩy tài chính toàn diện, Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 6/2022.

9. Sarma, M., Pais, J. (2011), Financial inclusion and development, Journal of international development, 23(5), 613-628.

10. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

11. Việt Hưng (2023), Fintech Việt Nam khó thăng hoa nếu thiếu hành lang pháp lý, truy cập từ https://theleader.vn/fintech-viet-nam-kho-thang-hoa-neu-thieu-hanh-lang-phap-ly-1682268385427.htm.

12. World Bank (2018), The little Data book on Financial Inclusion.