Tóm tắt

Tín dụng là hoạt động kinh doanh truyền thống và quan trọng nhất trong hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM), vì thế rủi ro trong kinh doanh của các tổ chức này có xu hướng tập trung vào hoạt động tín dụng, gây hậu quả nặng nề không chỉ đối với bản thân ngân hàng, mà còn cả đối với nền kinh tế. Vì vậy, việc đánh giá chất lượng quản lý rủi ro tín dụng (QLRRTD) thực sự cần thiết đối với sự tồn tại và phát triển của các ngân hàng. Bài viết này đề cập một số nghiên cứu bước đầu về giải pháp nâng cao chất lượng QLRRTD tại các NHTM, giúp nhà quản trị có sự lựa chọn tốt hơn trong quản trị hoạt động tín dụng tại các ngân hàng.

Từ khóa: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng thương mại, quản lý rủi ro, quản lý rủi ro tín dụng

Summary

Credit is the traditional and most important business activity of commercial banks. Therefore, the business risks of these organizations tend to focus on credit activities, which may cause severe consequences not only for the bank itself, but also for the economy. Therefore, assessing the quality of credit risk management is deeply necessary for the existence and development of banks. This article mentions some initial research on solutions to improve the quality of credit risk management at commercial banks, therby providing managers with better choice in credit management at banks.

Keywords: State Bank of Vietnam, commercial banks, risk management, credit risk management

ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NHTM

Tình hình nợ xấu và chất lượng tín dụng tại các NHTM

Vào cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng của hệ thống NHTM là 1,92% (Nguyễn Vũ, 2023), tuy nhiên, nhiều ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022 không khả quan, cho thấy nợ xấu đang có diễn biến gia tăng, dù tỷ lệ dự phòng giảm (Bảng).

BẢNG: TỶ LỆ NỢ XẤU/DƯ NỢ TẠI THỜI ĐIỂM NGÀY 31/12/2022

Ngân hàng

Lợi nhuận năm 2022

(tỷ đồng)

Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tại thời điểm ngày 31/12/2022 (%)

TPBank

7.828

2,88

Bản Việt

456

2,79

PGBank

506

2,56

VIB

10.581

2,45

VPBank

14.364

2,19

Saigonbank

237

2,12

LienVietPostBank

5.690

1,46

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của các NHTM

Nguy cơ gia tăng các khoản nợ xấu một phần xuất phát từ việc sau thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, ngày 07/9/2021 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kết thúc vào ngày 30/6/2022. Tỷ lệ nợ xấu điều chỉnh (nợ xấu nội bảng và trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản - VAMC phát hành) tại thời điểm ngày 30/9/2022 của toàn ngành là khoảng 2,6%, tăng nhẹ so với mức 2,5% hồi đầu năm. Nhiều ngân hàng lớn ghi nhận tăng nhẹ tỷ lệ nợ xấu từ 0,1-0,3 điểm phần trăm. Trong hệ thống có đến 7 ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, 2 ngân hàng đạt tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu trên dưới 300%, điển hình là Vietcombank, MB, ACB, Techcombank, BacABank, TPBank…

Dự báo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023-2024, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều biến động, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ còn gây áp lực lên tỷ giá, lãi suất và lạm phát. Cùng với nguy cơ căng thẳng thanh khoản, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với chi phí vốn tăng trong năm tới. Điều này sẽ khiến cho biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ bị thu hẹp. Do đó, việc nâng cao chất lượng tín dụng, cũng như QLRRTD sẽ càng được các NHTM quan tâm.

Một số kết quả tích cực

Chiến lược, chính sách định hướng cho hoạt động QLRRTD ngày càng rõ ràng và mang tính thực tiễn: Phần lớn các ngân hàng đã xây dựng được các định hướng chiến lược trong cấp tín dụng. Hàng năm, các ngân hàng đều có chính sách ưu tiên, chú trọng phát triển tín dụng cho một số ngành phù hợp với chính sách phát triển kinh tế và thị trường mục tiêu của ngân hàng.

Bắt đầu hình thành mô hình tổ chức theo hướng tập trung cho QLRRTD: Luật Các tổ chức tín dụng (năm 2010) và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung (năm 2017) đã đưa ra nhiều quy định mới về tổ chức quản trị điều hành trong ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đã xây dựng được mô hình tổ chức theo thông lệ quốc tế, chú trọng quản lý rủi ro (QLRR) nói chung, trong đó có QLRRTD. Cụ thể, tất cả các ngân hàng đều hình thành Ủy ban QLRR, với vai trò tư vấn cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên về QLRR.

Xây dựng được quy trình cấp tín dụng chặt chẽ, tạo điều kiện để kiểm soát rủi ro tín dụng ngay từ khi mới xuất hiện: Mặc dù có sự khác nhau giữa các ngân hàng, nhưng về cơ bản, quy trình tín dụng đều đã được các ngân hàng xây dựng rất chặt chẽ, bao gồm nhiều bước đi cụ thể, có sự kết nối, kế thừa và mang nội dung kiểm soát lẫn nhau giữa các bước/các khâu trong quy trình. Trong khâu thẩm định/phân tích tín dụng - một nội dung của quy trình tín dụng, các ngân hàng đã chú trọng phân tích tình hình hoạt động của người vay; nghiên cứu, nâng cao chất lượng thẩm định các khoản vay, các dự án đầu tư, chú ý phân tích hiệu quả và các yếu tố tác động đến dự án để thấy được rủi ro của khoản vay. Thực hiện tốt việc kiểm tra tín dụng, phối hợp tốt với kiểm soát nội bộ trong việc kiểm tra chéo.

Xây dựng và áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ nhằm đo lường rủi ro giao dịch tín dụng: Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của các ngân hàng thường được cấu trúc riêng biệt đối với 3 nhóm đối tượng khách hàng chính, gồm: nhóm khách hàng doanh nghiệp; nhóm khách hàng cá nhân/hộ kinh doanh và nhóm khách hàng là định chế tài chính. Mặc dù hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ chỉ giúp ngân hàng đo lường rủi ro giao dịch, chưa đánh giá được rủi ro danh mục tổng thể, nhưng việc xây dựng và áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ cho thấy bước tiến mới của các ngân hàng trong tiến trình vận dụng các chuẩn mực quốc tế về QLRR vào điều kiện cụ thể tại Việt Nam.

Một số tồn tại, hạn chế

Môi trường QLRRTD chưa đáp ứng được các yêu cầu của Ủy ban Basel và thông lệ quốc tế: Việc hoạch định chiến lược còn khá đơn giản, hầu hết chỉ mang nội dung định hướng phát triển chung, chưa đưa ra được một danh mục tín dụng, kế hoạch cụ thể, trong đó tỷ trọng dư nợ từng ngành, từng khu vực, từng đối tượng chưa được xây dựng cụ thể nhằm hạn chế rủi ro tín dụng tập trung. Các mục tiêu đặt ra cũng chỉ ở mức đơn giản, thông qua các con số về tốc độ tăng trưởng tín dụng cho toàn ngân hàng, tỷ trọng nợ xấu/nợ quá hạn cần khống chế, hoặc được xử lý. Mức độ tổn thất tín dụng thể hiện “khẩu vị rủi ro” của ngân hàng không được cụ thể hóa cho từng ngành, từng khu vực thị trường, từng loại sản phẩm tín dụng.

Duy trì mô hình tổ chức quản trị phân tán, chưa tách bạch các chức năng dễ dẫn đến xung đột quyền lợi trong QLRRTD: Ở một số ngân hàng, chức năng của bộ phận QLRR chưa được hiểu đúng. Tình trạng bộ phận QLRR tham gia vào khâu thẩm định/tái thẩm định tín dụng không chỉ diễn ra ở những ngân hàng nhỏ, mà cả các ngân hàng lớn, như: BIDV hay Vietinbank. Điều đó cho thấy, chưa thực sự tách biệt giữa chức năng tạo rủi ro (tác nghiệp) và chức năng QLRR. Tính độc lập của QLRR chưa được đảm bảo, dẫn đến hiệu quả quản trị thấp.

Chưa có một hệ thống đo lường rủi ro tín dụng phù hợp với thông lệ quốc tế: Mỗi thành phần rủi ro có một cách thức đo lường riêng. Ủy ban Basel trong Hiệp ước Basel II đã khuyến khích các ngân hàng dùng mô hình nội bộ để đo lường rủi ro riêng biệt của ngân hàng mình. Nhiều ngân hàng tại các nước phát triển đã sử dụng các mô hình khác nhau để đo lường rủi ro, từ đó tiến hành trích lập dự phòng hoặc tính mức vốn tương xứng để bù đắp cho tổn thất. Tuy nhiên, các mô hình này chưa được áp dụng tại Việt Nam.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QLRRTD TẠI CÁC NHTM

Từ thực trạng trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng QLRRTD tại các NHTM trong điều kiện phát triển và hội nhập như sau:

Thứ nhất, kịp thời nghiên cứu đưa vào áp dụng mô hình QLRR phù hợp với các quy định hiện hành, đặc điểm hoạt động của từng NHTM và thông lệ quốc tế.

Các NHTM cần nhanh chóng hình thành hệ thống QLRR theo nguyên tắc tập trung, ngành dọc, đảm bảo tính độc lập của hệ thống này với hệ thống kinh doanh. Bộ phận chịu trách nhiệm về rủi ro tín dụng sẽ là bộ phận của hệ thống này. Nhanh chóng hoàn hiện mô hình tổ chức Ban QLRR của từng NHTM theo nguyên tắc: Ban QLRR hoạt động độc lập với các ban khác, chịu sự điều hành trực tiếp của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Cũng cần xây dựng và ban hành quy chế, điều lệ hoạt động của Ban QLRR với các tổ chức; phòng, ban chức năng nghiệp vụ trong và ngoài hệ thống. Xây dựng hệ thống chuẩn mực, các quy trình phòng ngừa và xử lý rủi ro, đặc biệt là chú trọng các giải pháp dự báo và phòng ngừa rủi ro. Chỉ chấp nhận các loại rủi ro cho phép đối với từng nghiệp vụ sau khi đã phân tích chi tiết trên tất cả các khía cạnh luật pháp và kinh tế.

Thứ hai, tăng cường quản lý nhân lực và đào tạo cán bộ cả về trình độ chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức.

Đã đến lúc các ngân hàng nên coi chiến lược quản lý nguồn nhân lực là một nội dung trọng tâm. Thực tế chứng tỏ rằng, mặc dù nhiều điều luật và các quy trình, quy chế được ban hành, nhưng nếu thiếu những cán bộ có năng lực và đạo đức nghề nghiệp thì những tồn tại, hạn chế vẫn còn đó.

Trước tiên, cần có văn bản quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của tất cả các đơn vị, phòng, ban và sau đó là mô tả từng vị trí công việc trong ngân hàng. Căn cứ vào đó, NHTM có thể đánh giá và phân loại toàn bộ các vị trí công việc, đồng thời đưa ra các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức cho cán bộ đảm nhiệm công việc đó. Trên cơ sở những tiêu chuẩn và yêu cầu chung đó mà tổ chức các chương trình đào tạo nhân lực thích hợp.

NHTM phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo và bồi dưỡng kiến thức dưới nhiều hình thức, để nâng cao năng lực đánh giá, đo lường, phân tích rủi ro cho cán bộ, đảm bảo ngày càng tăng cường các kiến thức về kinh tế thị trường và nghiệp vụ ngân hàng hiện đại. Đặc biệt, đối với cán bộ tín dụng, họ phải được đào tạo thường xuyên để cập nhật đầy đủ các kiến thức về luật, quản lý tài chính, về hoạt động ngân hàng..., để có thể hiểu, nhận biết, phân tích và kiểm soát được rủi ro có thể phát sinh trong phạm vi công việc của mình.

Cần có chính sách đối với cán bộ quản lý theo hướng từng bước tiêu chuẩn hóa cán bộ, thực hiện chuyên môn hóa trong việc sử dụng cán bộ. Công tác đánh giá khả năng và hiệu quả làm việc phải được tiến hành tại mỗi đơn vị theo chương trình do hội sở chính chỉ đạo. Theo khuyến nghị của các chuyên gia về QLRR, không có phương pháp phân tích phức tạp nào có thể thay thế được kinh nghiệm và đánh giá chuyên môn trong QLRR. Do đó, để QLRR hiệu quả, các NHTM cần tăng cường cán bộ chuyên môn hóa và kinh nghiệm về QLRR, đặc biệt là QLRRTD.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tác phong làm việc, ý thức tuân thủ quy chế, chống lại các rủi ro đạo đức trong quá trình hoạt động.

Xây dựng chế độ khen thưởng phù hợp, kết hợp với khuyến khích vật chất và tinh thần, đề cao trách nhiệm cá nhân, gắn trách nhiệm của cán bộ với các nghiệp vụ giao dịch thực hiện. Cũng cần có chế độ kỷ luật thích đáng với cán bộ sai phạm, mạnh dạn đưa ra khỏi ngành các cán bộ yếu kém, tha hóa về đạo đức.

Thứ ba, chú trọng đầu tư hơn nữa cho công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho việc phân tích, đánh giá, đo lường rủi ro, trong đó có rủi ro tín dụng.

Thông tin về khách hàng là cơ sở quan trọng để ngân hàng có những quyết định đúng đắn khi cho vay và tài trợ thương mại, đồng thời cũng là cơ sở nhận định và lượng hóa các rủi ro có thể xảy ra. Công tác QLRR đòi hỏi rất nhiều thông tin cả trong và ngoài ngân hàng, khối lượng thông tin cần thu thập và xử lý nhiều, mặt khác yêu cầu thông tin là phải cập nhật, được phân loại theo những tiêu thức hợp lý để phục vụ kịp thời yêu cầu quản trị, điều hành. Do vậy, để công tác QLRR đạt hiệu quả như mong muốn, đầu tư cho công nghệ thông tin phải được chú trọng hơn nữa.

Để phục vụ yêu cầu quản lý, cần có hệ thống công nghệ thông tin gồm các chương trình phần mềm thích hợp để khai thác, phân tích thông tin. Thực tế cho thấy, không thể đưa ra những kết luận, những nhận định chung chung mà các kết luận hay nhận định phải được đưa ra từ kết quả phân tích số liệu một cách khoa học. Bởi vậy, việc đầu tư các trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, thích hợp với tính chất và quy mô công việc nhằm truy cập, xử lý một khối lượng thông tin rất lớn bằng các kỹ thuật tính toán và phân tích hiện đại là rất cần thiết.

Các NHTM cần thiết lập và hoàn thiện mạng thông tin nội bộ (intranet); xây dựng hệ thống thông tin quản lý (MIS) với việc cập nhật các thông tin liên quan đến QLRR nói chung và QLRRTD nói riêng, như: thông tin về nền kinh tế, thị trường, lãi suất, thông tin về rủi ro trong hoạt động của các NHTM... Điều này sẽ góp phần hạn chế các rủi ro trong quá trình tác nghiệp do thông tin không cân xứng.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát tín dụng trong toàn hệ thống.

Bộ phận kiểm soát nội bộ hay còn được gọi là kiểm soát tổng hợp của NHTM phải được tổ chức độc lập hoàn toàn với tất cả các bộ phận khác, chỉ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban điều hành. Các kiểm soát viên cần được trang bị đầy đủ điều kiện, phương tiện cần thiết để làm việc, đặc biệt là sự trợ giúp, ủng hộ vô điều kiện của Hội đồng quản trị và Ban điều hành để có thể thực hiện tốt quyền kiểm soát của mình đối với tất cả các bộ phận khác trong ngân hàng. Quyền hạn, trách nhiệm của Ban kiểm soát phải được xác định rõ ràng với đội ngũ cán bộ có năng lực, làm việc công tâm. Ban kiểm soát có nhiệm vụ: (i) Theo dõi sự chấp hành các quy chế Nhà nước hiện hành, cũng như trong nội bộ ngân hàng thông qua việc thẩm tra tất cả các yếu tố có nghi vấn; (ii) Đảm bảo công tác kiểm tra hoạt động của các chi nhánh và sự chấp hành mức ủy quyền phán quyết; (iii) Góp phần xác định và quản lý hạn mức rủi ro; (iv) Xây dựng văn hóa phòng ngừa rủi ro trong toàn hệ thống ngân hàng. Kiểm soát nội bộ phải là người bảo vệ ngân hàng, đảm bảo cho các quy trình, quy chế đã ban hành được áp dụng có hiệu quả. Ban kiểm soát còn có vai trò phòng ngừa rủi ro và xác định những vùng rủi ro đối với các hoạt động của ngân hàng, nhằm giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra.

Thứ năm, sử dụng các nghiệp vụ tài chính phát sinh để hạn chế rủi ro ngân hàng.

Để phòng ngừa rủi ro trong hoạt động, hệ thống ngân hàng thường sử dụng các nghiệp vụ tài chính phái sinh nhằm hạn chế những rủi ro này. Tuy nhiên, đối với các NHTM ở Việt Nam, các nghiệp vụ này còn rất mới mẻ. Vì thế, việc nghiên cứu và áp dụng các nghiệp vụ này trong quản lý là biện pháp hữu hiệu để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra dẫn đến hậu quả xấu cho các NHTM và cả nền kinh tế. Dưới đây, tác giả xin đề cập đến một số nghiệp vụ phái sinh chuẩn và không chuẩn, hay còn gọi là công cụ phái sinh độc lập và công cụ phái sinh “được gắn thêm” đang được giao dịch phổ biến trên thị trường tài chính quốc tế:

(1) Hợp đồng mua - bán trước: Là thỏa thuận mua hoặc bán một tài sản (hàng hóa hoặc các tài sản tài chính) tại một thời điểm trong tương lai với mức giá đã xác định trước.

(2) Hợp đồng mua - bán trong tương lai: Là công cụ tài chính phái sinh tương tự như hợp đồng mua - bán trước.

(3) Hợp đồng quyền chọn (quyền chọn mua hoặc bán): Được thực hiện với các hoạt động mua, bán: cổ phiếu, chỉ số thị trường chứng khoán, ngoại tệ, công cụ nợ, các hợp đồng mua bán tương lai và hàng hóa.

(4) Nghiệp vụ hoán đổi: Là một hợp đồng trong đó hai bên thỏa thuận trao đổi nghĩa vụ thanh toán. Thông thường giao dịch này bao gồm các thanh toán lãi, và trong một số trường hợp là thanh toán nợ gốc.

(5) Một số công cụ phái sinh khác: Hợp đồng quyền chọn lãi suất chặn trên và chặn hai đầu; nghiệp vụ tiền gửi kết hợp quyền chọn tiền tệ.../.

ThS. LÊ ĐỨC MINH

Ban Tài chính, Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 13 - tháng 5/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Các ngân hàng thương mại (2023), Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của các ngân hàng: TPBank, Bản Việt, PGBank, VIB, VPBank, Saigonbank, LienVietPostBank

2. Nguyễn Vũ (2023), Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, truy cập từ https://sbv.gov.vn/webcenter/ portal/cds_sbv/menu/trangchu/tinmoinhat/tmn_chitiet?dDocName=SBV557439&p=1&_afrLoop =19511722390751466#%40%3F_afrLoop%3D19511722390751466%26centerWidth%3D100%2 525%26dDocName%3DSBV557439%26leftWidth%3D0%26p%3D1%26rightWidth%3D0%26sh owFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D1czgqc6f5j_83

3. Nguyễn Thị Vân Anh (2014), Hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng thông qua áp dụng Basel II - nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, số 20, 36-39.

4. Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (2004), Basel II.

5. Văn phòng Quốc hội (2017), Văn bản hợp nhất Luật Các tổ chức tín dụng.

6. Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (2009), Thực trạng rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay và các giải pháp phòng ngừa hạn chế, Nxb Thống kê.