THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ CỦA VIETCOMBANK

Về mô hình quản trị tập trung

Vietcombank lựa chọn mô hình quản trị tập trung trong quá trình điều hành, quản lý ngân hàng dựa trên cơ sở thông tin trực tuyến từ chi nhánh lên Hội sở chính. Ngân hàng đã từng bước triển khai áp dụng mô hình quản trị theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt, bao gồm: tổ chức lại các mảng kinh doanh theo đối tượng khách hàng thống nhất trong toàn hệ thống và theo loại hình kinh doanh đặc thù của ngân hàng trên thị trường tài chính gồm các khối (mô hình Khối): Khối ngân hàng bán buôn, Khối ngân hàng bán lẻ và Khối quản lý và kinh doanh vốn; đồng thời, thiết lập và tổ chức lại các mảng hỗ trợ, bao gồm: Khối quản lý rủi ro, Khối quản lý tài chính/kế toán và hậu cần, tác nghiệp; tiếp tục từng bước ứng dụng các mô hình quản trị theo thông lệ quốc tế.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị của Ngân hàng Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam
Thời gian qua, Vietcombank đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị.

Về cơ chế quản trị nội bộ

Vietcombank đã xây dựng và ban hành được rất nhiều các văn bản quản trị đồng bộ. Quy chế quản lý cán bộ, quy chế xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất, quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức đi liền với việc khen thưởng thực chất, áp dụng KPIs… Đặc biệt, sự thay đổi lớn về nhận thức khi các quy trình, quy chế nội bộ đã hướng mọi tổ chức, cá nhân vào hoạt động hướng đến khách hàng. Sự thay đổi dễ nhận thấy đó là từ sự thụ động đã thay bằng sự chủ động tìm kiếm khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ…

Về quản trị rủi ro tín dụng

Trong giai đoạn này Vietcombank áp dụng cách tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo công thức tính Basel I. Các quy định trong Basel I và quá trình thực hiện, triển khai chủ yếu là để hướng đến mục tiêu đảm bảo sự an toàn trong hệ thống ngân hàng. Vốn của ngân hàng bao gồm: vốn gốc (vốn cấp 1) và vốn bổ sung (vốn cấp 2). Các tiêu chí để phân loại vốn được quy định cụ thể. Để khuyến khích các ngân hàng không ngừng tăng cường quy mô vốn cấp 1, không quá phụ thuộc vào vốn cấp 2, Basel quy định ra mức tối thiểu cho vốn cấp 1 và mức vốn tối đa cho vốn cấp 2.

Mức độ an toàn vốn. Chỉ số đánh giá vốn tự có là một trong những chỉ số quan trọng nhất thể hiện mức độ an toàn vốn của ngân hàng, bởi nó bảo đảm sức chịu đựng của ngân hàng trước những tổn thất nảy sinh từ những rủi ro hay mất cân bằng trong kinh tế vĩ mô. Nhóm chỉ số lành mạnh tài chính (Financial Soundness Indicators - FSIs) đánh giá mức độ an toàn vốn có chỉ tiêu Vốn tự có và Tài sản điều chỉnh theo trọng số rủi ro được tính toán theo Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN, ngày 19/4/2005 của Ngân hàng Nhà nước quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (Mô hình 1) và Thông tư số 13/2018/TT-NHNN, 18/05/2018 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Mô hình 2). Tuy nhiên, việc tính toán Tài sản điều chỉnh theo trọng số rủi ro rất phức tạp và cần các khoản mục cụ thể trong bảng cân đối kế toán của Ngân hàng, nên nội dung phân tích này tác giả không thể thực hiện việc tính toán hệ số an toàn vốn CAR, mà sẽ lấy số liệu từ báo cáo tài chính và báo cáo thường niên của Vietcombank để làm cơ sở phân tích, đánh giá. Kết quả (Bảng 1) cho thấy, CAR của Vietcombank giai đoạn 2015-2020 vẫn đảm bảo theo chuẩn mực vốn Basel I.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị của Ngân hàng Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam

Việc đảm bảo an toàn và phát triển vốn là nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại. Để đảm bảo an toàn cho phần tài sản có chứa đựng rủi ro, ngân hàng cần duy trì một mức vốn tự có cần thiết được đo bằng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu. Nhìn vào chỉ số CAR của Vietcombank giai đoạn 2015-2020 có thể thấy, tỷ lệ này luôn đáp ứng được theo mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Trong 3 năm, 2015-2017, Vietcombank sử dụng cách tính CAR theo Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN, mới đáp ứng các tiêu chuẩn theo Basel I, với Vốn tự có bao gồm Vốn cấp 1 và Vốn cấp 2, nhưng Tài sản điều chỉnh theo trọng số rủi ro mới chỉ tính đến rủi ro tín dụng; CAR lần lượt 3 năm đều ở mức khoảng 11%. Đầu năm 2017, Vietcombank thực hiện tìm đối tác tại Singapore để bán vốn, đồng thời phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu nhằm mục đích tăng vốn và thúc đẩy CAR tăng.

Giai đoạn 2018-2020, Vietcombank áp dụng cách tính CAR theo Basel II. Theo đó, Vietcombank đã xây dựng chương trình tính tỷ lệ an toàn vốn tự động hàng tháng. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đã ban hành Quy định về tỷ lệ an toàn vốn và quy trình vận hành chương trình tính CAR. Trong đó, cơ cấu vốn tự có bao gồm Vốn cấp 1 và cấp 2; tổng tài sản có rủi ro được tính trên cả 3 góc độ: rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Như vậy, nếu tính CAR theo Basel II, thì sự cách biệt giữa cách tính này so với cách tính thông thường là khác nhau khá lớn. Ví dụ CAR của Vietcombank giai đoạn 2017 theo cách tính thông thường ở mức 11,29% tương đương với tỷ lệ khoảng 8% theo cách tính của Basel II. Như vậy, sự cách biệt có thể từ 1%-3%.

Chất lượng tài sản. Chỉ tiêu Nợ xấu/Tổng dư nợ đánh giá chất lượng tài sản của tổ chức nhận tiền gửi, đồng thời chỉ số này dùng để xác định độ rủi ro của tài sản trong danh mục cho vay. Đánh giá về chất lượng tài sản cho thấy, chất lượng tín dụng của Vietcombank ngày một được cải thiện. Tình hình phân loại nợ được thực hiện đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước với quy mô Nợ đủ tiêu chuẩn – Nợ nhóm 1 ngày càng tăng; Nợ có khả năng mất vốn – Nợ nhóm 5 có xu hướng giảm dần những năm gần đây, mặc dù tăng trưởng tín dụng không ngừng gia tăng.

Nguyên nhân là do Vietcombank luôn chú trọng tới quản trị rủi ro ngay cả trong giai đoạn kinh tế phát triển mạnh mẽ, đó là chiến lược đúng đắn giúp Vietcombank kiểm soát thành công chất lượng tín dụng trong thời kỳ khó khăn. Theo đó, tỷ lệ Nợ xấu liên tục giảm qua các năm từ 1,5% năm 2016 xuống 1,11% năm 2017; 0,97% năm 2018; 0,77% năm 2019. Năm 2020 tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank chỉ còn ở mức 0,62%. Đây là tỷ lệ nợ xấu lý tưởng trong giai đoạn hiện nay. Kết quả này tiếp tục ghi nhận Vietcombank là tổ chức tín dụng (TCTD) có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, chất lượng tài sản tốt nhất trong số các TCTD tại Việt Nam.

Hiệu quả hoạt động thể hiện qua các chỉ số: Tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE); Tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) và Tỷ lệ lãi cận bien (NIM).

- ROE: Chỉ tiêu này của Vietcombank có xu hướng tăng ổn định suốt giai đoạn 2015-2019. Năm 2019, ROE đạt mức đỉnh cao nhất trong giai đoạn, lên tới 25,99%, một mức tỷ suất khá tốt và là một trong những đơn vị dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, sang năm 2020, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu giảm 4,88% chứng tỏ có các yếu tố tác động có thể từ nội tại ngân hàng hoặc yếu tố bên ngoài tác động đến hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng. Song, nếu nhìn vào chỉ số trung bình của ngành, thì Vietcombank luôn đạt tỷ suất cao hơn mặt bằng chung.

- ROA: Cũng giống như ROE, ROA của Vietcombank có xu hướng tăng dần qua các năm và luôn ở mức trên 1% chứng tỏ hiệu quả sử dụng tài sản của ngân hàng ngày càng được nâng cao. ROA của Vietcombank cao nhất vào năm 2019 nằm trong giai đoạn mô hình 2 với tỷ lệ là 1,61%, sang năm 2020 ROA giảm xuống còn 1,45%. Tuy nhiên, nếu thực hiện so sánh với các NHTM khác, thì có thể thấy hiệu quả sử dụng tài sản của Vietcombank chưa ở mức cao, luôn giữ vị trí khoảng thứ 8.

- NIM: Theo tính toán của tác giả, chỉ số này của Vietcombank qua 6 năm luôn ở mức tăng trưởng ổn định trên 2%. Năm 2019, NIM của Vietcombank ở mức 3,1% ở mức trung bình so với các ngân hàng trong hệ thống.

Đánh giá một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của đổi mới quản trị tại Vietcombank

Từ năm 2018, Vietcombank đã thực hiện đổi mới quản trị. Kết quả khảo sát của tác giả (Bảng 2) cho thấy, một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của đổi mới quản trị, như: tỷ lệ giảm thời gian hội họp, tỷ lệ giảm chi phí quản lý hoạt động của ngân hàng trên tổng thu nhập trong 1 tháng của Vietcombank tại 2 thời điểm (trước và sau đổi mới mô hình quản trị), cho thấy hiệu quả quản trị đã được cải thiện. Cụ thể: thời gian dành cho hội họp giảm từ 17,5 giờ xuống còn 10 giờ trong 1 tháng (giảm 57,14%); tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động trên tổng thu nhập ngân hàng trong 1 tháng giảm 13,07%. Tỷ lệ quyết sách chậm hoặc sai giảm đáng kể ở mức 64,7% cũng là một minh chứng cho những tối ưu do đổi mới mô hình quản trị đem lại. Các chỉ tiêu này một lần nữa lại khẳng định việc đổi mới mô hình quản trị giúp tăng hiệu quả công việc, tăng hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị của Ngân hàng Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam

Tuy nhiên, qua khảo sát cũng thấy rằng, hệ thống thông tin quản trị của Vietcombank chưa được tốt. Mặc dù Vietcombank đã đầu tư các sản phẩm về quản trị cho ngân hàng, nhưng thói quen sử dụng các thông tin và việc sử dụng triệt để các tính năng của sản phẩm để đưa ra các quyết định quản trị chưa cao. Hệ thống kế toán quản trị chưa hoàn thiện, chưa đánh giá được hiệu quả của từng sản phẩm, từng khối kinh doanh nên chưa tính được rủi ro và lợi nhuận của Ngân hàng. Các giải pháp quản trị rủi ro dù đã được đưa ra, nhưng cách áp dụng vẫn còn chưa triệt để hoàn toàn, do đó, vẫn chưa đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác quản trị rủi ro.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VIETCOMBANK

Trong giai đoạn 2021-2030, Vietcombank phấn đấu đạt các mục tiêu cơ bản: Giá trị tổng tài sản tăng khoảng 13%-14%/năm; Lợi nhuận trước thuế khoảng 30%/năm; Tăng trưởng vốn huy động đạt khoảng 21%-22%/năm; Tỷ lệ nợ xấu hạ xuống mức thấp hơn hiện nay và ở mức khoảng dưới 1%; ROA đạt khoảng 0,3%-0,4%; ROE đạt khoảng 5%-6%; Cơ bản hoàn thành các mục tiêu quản trị gồm: Tiếp tục giảm 1/3 thời gian hội họp; Giảm thiểu quyết sách sai và đưa về mức 0%.

Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, rất cần thiết phải nâng cao hiệu quả quản trị Vietcombank. Trong thời gian tới, theo tác giả, Vietcombank cần lưu ý các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện bộ máy và cơ chế hoạt động và mô hình quản trị theo chuẩn quốc tế. Tập trung xây dựng chiến lược và giám sát mục tiêu chiến lược của Ngân hàng. Cơ cấu lại Hội đồng quản trị với số thành viên tham gia sao cho hợp lý. Hội đồng quản trị ban hành Nghị quyết chỉ đạo hoạt động kinh doanh và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời, thực hiện giám sát Ban điều hành tổ chức thực hiện, tuân thủ các quy định tại Điều lệ Ngân hàng, Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị, Quy chế quản trị nội bộ và các quy định khác của Vietcombank.

Thêm vào đó, các thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành luôn phải đặt lợi ích của cổ đông, của Nhà nước và Ngân hàng làm mục tiêu hoạt động hàng đầu, thực hiện tốt công tác chỉ đạo điều hành của mình và hoàn thành các chức trách, nhiệm vụ được giao. Hoàn thiện các Ủy ban nhân sự, Ủy ban chiến lược, Ban điều hành. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, quy chế hoạt động quản trị của Vietcombank.

Thứ hai, phát triển nhân lực chất lượng cao. Trước hết, nâng cao nhận thức của lãnh đạo về quản trị ngân hàng. Thành viên Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban kiểm soát, kế toán trưởng, giám đốc các chi nhánh cần nỗ lực, tăng cường tìm hiểu, nâng cao nhận thức và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tiếp theo, nâng cao tính chuyên nghiệp của hội đồng quản trị, tiếp tục tăng cường tính chuyên nghiệp của Hội đồng quản trị thông qua minh bạch, rõ ràng trách nhiệm Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban Kiểm soát. Hội đồng quản trị cần tiếp tục phát triển "văn hóa kinh doanh" thích hợp.

Hàng năm mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 100% các cán bộ quản lý cấp cao (cán bộ quản lý ngân hàng) và cấp trung (cán bộ quản lý các chi nhánh). Đồng thời, mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 35%-40% cán bộ các phòng, ban kể cả cập nhật kiến thức chuyên môn và kiến thức về luật pháp. Xây dựng văn hóa coi trọng năng suất, chất lượng làm việc, tôn trọng và luôn sẵn lòng vì lợi ích của khách hàng.và của nền kinh tế quốc dân. Phấn đấu 100% nhân lực chuyên môn được cập nhật kiến thức chuyên môn, các thông tin về luật pháp và các thông tin về tình hình hoạt động của ngân hàng. Dành ngân sách ưu tiên cho việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của Vietcombank.

Thứ ba, chuyển đổi số và hiện đại hóa quản lý, điều hành. Thực hiện Chiến lược số hóa, đầu năm 2020, Vietcombank đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số với các thành viên đến từ Hội đồng quản trị và Ban điều hành, trong đó Chủ tịch Hội đồng quản trị trực tiếp tham gia chỉ đạo. Cùng với đó, Vietcombank đã thành lập Trung tâm Ngân hàng số với mục tiêu tăng cường năng lực số hóa cho cả hệ thống ngân hàng và trực tiếp đề xuất, triển khai các nền tảng số áp dụng công nghệ hiện đại. Vietcombank dự kiến hoàn thành quản trị số vào năm 2022-2023, kết nối dữ liệu với toàn bộ hệ thống ngân hàng và với cổng dữ liệu quốc gia vào cuối năm 2022. Để hiện đại hóa theo tính toán, Ngân hàng cần số vốn đầu tư khoảng 36 tỷ đồng (cho cả hiện đại hóa các chi nhánh).

Thứ tư, mở rộng hợp tác quốc tế. Vietcombank tìm kiếm các đối tác chiến lược để cùng thực hiện hóa những cam kết trong việc phát triển kinh doanh ngân hàng nói chung và học hỏi, ứng dụng và phát triển công tác quản trị điều hành ngân hàng hiệu quả theo thông lệ quốc tế. Trên cơ sở xây dựng được chiến lược phát triển thị trường, mở rộng thị phần sang các quốc gia hợp tác.

Hàng năm, Ngân hàng cần mở các cuộc gặp mặt trao đổi chuyên sâu và mở rộng đối tác liên kết. Vietcombank cần tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị kinh tế, kinh doanh trong và ngoài nước nhằm vừa nắm bắt các xu thế phát triển, vừa tìm kiếm thêm đối tác, cơ hội kinh doanh và chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp đối tác. Tham gia các hội nghị và diễn đàn là cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa ngành ngân hàng Việt Nam và các doanh nghiệp, tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới và khu vực với tiềm lực tài chính, công nghệ. Tăng cường quảng bá hình ảnh của Vietcombank đến khu vực và thế giới. Những năm trước mắt, nên mở rộng sự hiện diện của Vietcombank sang các quốc gia trong khu vực, sau đó phát triển sang các nước châu Phi và khu vực khác nếu có điều kiện./.

Tài liệu tham khảo

1. Vietcombank (2015-2020). Báo cáo Hội đồng qun trị các năm, từ năm 2015 đến 2020

2. Vietcombank (2015-2020). Báo cáo thường niên các năm, từ năm 2015 đến 2020

3. Vietcombank (2015-2020). Báo cáo tài chính các năm, từ năm 2015 đến 2020

4. Vietcombank (2015-2020). Báo cáo Ban kiểm soát các năm, từ năm 2015 đến 2020

ThS. Trần Thị Vinh Thương

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2021)