Thách thức từ thượng nguồn

Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chạy dài hơn 4.000 km, từ thượng nguồn xuống hạ nguồn chảy qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Đây là nguồn hỗ trợ cho ngư trường nội địa lớn nhất thế giới và là nguồn nước quan trọng cho các cộng đồng canh tác nông nghiệp trong khu vực.

Trong một công bố gần đây, các nhà khoa học cùng với Ủy ban sông Mekong (MRC) cho biết, chỉ riêng giá trị thủy sản được đánh bắt từ hạ lưu sông Mekong đã lên tới 17 tỷ USD một năm, góp 3% vào tổng GDP của nhóm các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, và Thái Lan. Nếu so với tổng giá trị đánh bắt thủy sản toàn cầu của năm 2015 là 130 tỷ USD, thì sông Mekong đang chiếm tới 13%.

Những năm gần đây, một loạt công trình thủy điện đã được đề xuất xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mekong. Điều này đã đặt ra thách thức lớn cho sự bền vững của dòng sông. Việc xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi chất lượng nguồn nước và dòng chảy, làm giảm chất dinh dưỡng trong lượng phù sa trôi xuống hạ nguồn.

Vị trí đập thủy điện xây dựng trên sông Mekong

Đa số những con sông lớn của châu Á đều chảy xuôi từ vùng Himalaya, đi qua lớp đá trầm tích ở cao nguyên Tây Tạng nên mang theo lượng phù sa dồi dào, đáp ứng nông nghiệp, nguồn sống của các loài thủy sinh. Phù sa giúp bồi đắp và bổ sung màu mỡ cho những vùng đất đã bị khô cằn ở hạ lưu, bổ sung vào chuỗi thức ăn của các loài sau khi phần lớn chúng từ sông chảy ra biển hoặc đại dương.

Việc Trung Quốc xây hàng loạt đập ở thượng nguồn, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, đã cản trở dòng chảy phù sa cho đồng bằng hạ lưu.Một số nghiên cứu khoa học nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa việc lượng lớn phù sa bị giữ lại các đập phía thượng lưu và sự thu hẹp, sụt lún của những vùng đồng bằng lớn châu Á, nơi đặt những siêu đô thị như Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Châu, Bangkok, Kolkata và Dhaka.

Ngoài ra, việc sụt giảm lượng nước ngọt đổ từ các con sông ra biển đã làm thay đổi độ mặn trong nước ở những vùng cửa sông. Khi lượng phù sa chảy ra biển giảm sút ảnh hưởng đến lượng trầm tích ngấm vào đất ở đồng bằng, cơ chế vốn ngăn chặn nước mặn rò rỉ vào tầng nước ngọt dọc theo bờ biển.

Các nghiên cứu cho thấy, một nửa lượng trầm tích ở hạ lưu Mekong xuất phát từ thượng nguồn (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương). Tuy nhiên, các tính toán chỉ ra rằng lượng trầm tích bị giữ lại ở đập Mạn Loan (Manwan) khoảng từ 53% đến 94%. Sự ảnh hưởng này kéo dài đến tận Vientiane (Lào). Việc suy giảm trầm tích ở hạ lưu không chỉ gây ra hiện tượng xói mòn ở bờ sông, mà còn là làm suy giảm dinh dưỡng trong dòng chảy, ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái ở lưu vực.

Một trong những tác động nghiêm trọng khác đang diễn ra chính là xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng, điển hình như thảm họa người dân ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang phải trải qua.

Theo ghi nhận của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR), các con đập ở Lan Thương cũng thay đổi nhiệt độ nước sông. Ví dụ, nhiệt độ trung bình hằng ngày của nguồn nước ở huyện Chiang Saen (miền Bắc Thái Lan) đã giảm sau khi đập Đại Triều Sơn (Dachaoshan) đi vào hoạt động. Một khi chuỗi đập ở Lan Thương hoàn thành, chắc chắn ảnh hưởng đối với nhiệt độ nước sẽ lan rộng đến các vùng ở hạ nguồn trong khoảng hàng trăm cây số.

Việc Trung Quốc xây hàng loạt đập nước đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân phụ thuộc hàng ngày vào sông Mekong. Lượng nước sụt giảm, trầm tích và phù sa ít, nguồn cá di chuyển xuống hạ lưu cũng ít dần, đe dọa an ninh lương thực. Xâm nhập mặn sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và các vựa lúa ở đồng bằng, vốn phụ thuộc lớn vào phù sa của các con sông, đặt ra những thách thức về sinh kế của người dân và nhu cầu lương thực trong tương lai.

Những tác đông cụ thể đến Việt Nam

Báo cáo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho thấy, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến Việt Nam, mùa mưa 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Từ đó, xâm nhập mặn và hạn hán đã xuất hiện sớm so với cùng kỳ nhiều năm gần 2 tháng và được cho là chưa từng thấy trong lịch sử. Nhiều nơi nước mặn vào sâu đất liền tới 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 20 km.

Kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh thành phố như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh Sóc Trăng... chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm nhập mặn. Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp, diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay gần 160.000 ha, trong đó phần lớn là không có thu hoạch. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Kiên Giang hơn 54.000 ha, Cà Mau gần 50.000 ha, Bến Tre gần 14.000 ha.

Cánh đồng nứt nẻ do hạn hán tại tỉnh Sóc Trăng

Trước bối cảnh nguy cấp này, có 3 giải pháp Việt Nam cần thực hiện ngay lập tức để đối phó với tình hình:

Thứ nhất, dành ngay một ngân khoản ngay lập tức cho việc nghiên cứu thống kê các vùng đất chịu tác động trực tiếp của xâm nhập mặn, không còn thích hợp với trồng lúa, đặc biệt là các vùng có khả năng ngập trong tương lai do nước biển dâng, để xây dựng lại quy hoạch về phân vùng phát triển nông nghiệp ở Việt Nam. Giữ lại những khu vực cho năng xuất cao đối với sản xuất lúa gạo, và phát triển đồng bộ các vùng này với các giống lúa có chất lương cao để tạo tương hiệu và nâng cao chuỗi giá trị cho người dân. Với các vùng ngập mặn, quy hoạch lại định hướng phát triển nông nghiệp để chuyển sang thủy hải sản.

Thứ hai, nghiên cứu chi tiết các kế hoạch khai thông dòng chảy để dẫn nguồn nước biển vào sâu các vùng ngập mặn phục vụ cho quy hoạch nuôi tôm. Đồng thời nghiên cứu và xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt dẫn tới các vùng này thay thế cho nguồn nước mặt và nước ngầm, để đảm bảo duy trì đời sống của con người. Chắc chắn chi phí cho những dự án này sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với những dự án thủy lợi tốn kém nhiều chục nghìn tỷ từ trước đến nay ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ ba, phối hợp việc xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản mới với sự phát triển của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy hải sản. Nghiên cứu kỹ yếu tố thị trường và làm tốt công tác dự báo, tránh việc chuyển đổi ồ ạt sang nuôi trồng thủy sản khiến nguồn cung tăng đột biến và không tháo gỡ được đầu ra. Chính phủ phải làm tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ và đào tạo kiến thức nuôi trồng cho người dân, bao gồm cả việc nghiên cứu và kiểm soát con giống, thức ăn, cảnh báo thị trường ... để đảm bảo quá trình chuyển đổi là phù hợp và mang lại lợi ích bền vững cho người dân thay vì việc để họ bơ vơ tự bươn chải./.

Tham khảo từ các nguồn:

https://www.internationalrivers.org/files/attached-files/sea_factsheet-_tv.pdf

http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/xay-thuy-dien-tren-song-mekongviet-nam-anh-huong-nang-3214900/

http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1418420