THỰC TIỄN CẢI CÁCH KHUNG PHÁP LÝ VÀ SỐ HÓA QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ NHẰM HIỆN ĐẠI HÓA HỆ THỐNG ĐĂNG KÝ KINH DOANH TẠI VIỆT NAM TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY

Giai đoạn 1986-2010

Trong giai đoạn 1986-1990, nhu cầu quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức dù Việt Nam đang bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới nền kinh tế. Đến năm 1991, sự ra đời của Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân đã tạo bước ngoặt về cơ chế đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, phải đến năm 1999, chương trình cải cách tổng thể công tác đăng ký kinh doanh ở nước ta mới thực sự khởi động bằng việc ban hành và thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999. Luật này về cơ bản đã thay đổi bản chất của việc đăng ký kinh doanh từ “xin phép” sang “thông báo với các cơ quan có thẩm quyền về sự hiện hữu của doanh nghiệp”. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký kinh doanh đã được cải cách cơ bản, đơn giản hóa và rút ngắn nhiều lần so với trước đây. Những cải cách mạnh mẽ này đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng với sự tăng trưởng nhanh chóng của số doanh nghiệp đăng ký thành lập.

Hiện đại hóa lĩnh vực đăng ký kinh doanh góp phần thực hiện Chính phủ số ở Việt Nam
Cải thiện công tác đăng ký kinh doanh góp phần hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ số.

Tiếp nối thành công đó, năm 2003, Chính phủ tiếp tục rà soát lại khung khổ pháp lý hiện hành cho doanh nghiệp và kết hợp 4 luật quản lý hoạt động của doanh nghiệp thành luật toàn diện. Nhờ đó, 2 bộ luật – Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005 được thông qua vào tháng 12/2005, kèm theo các nghị định quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, góp phần thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo hướng đơn giản hóa, thuận lợi hơn rất nhiều. Năm 2007, Chính phủ đã xây dựng Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh thông qua việc ban hành Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP, ngày 30/11/2007 với quyết tâm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Nội dung chính của Chương trình bao gồm hoàn thiện khung pháp lý về đăng ký doanh nghiệp và xây dựng Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu tin học hóa công tác đăng ký kinh doanh trên phạm vi toàn quốc, mở đường cho sự liên thông cơ chế một cửa giữa 3 thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu; đồng thời, hợp nhất quy trình đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế thành một thủ tục duy nhất là đăng ký doanh nghiệp. Qua đó, áp dụng một mã số duy nhất để định danh cho doanh nghiệp gọi là mã số doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đặt nền móng cho quá trình xây dựng Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Đến ngày 31/12/2010, Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia được chính thức vận hành trên phạm vi toàn quốc, góp phần đưa đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế trở thành mô hình liên thông điện tử đầu tiên trong khối các cơ quan nhà nước.

Ngày 15/4/2013, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động. Cổng được sử dụng để các tổ chức cá nhân thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, truy cập, tra cứu các thông tin về doanh nghiệp, cũng như sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Giai đoạn 2014-2019

Để tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp gia nhập thị trường, Luật Doanh nghiệp năm 2014 ban hành ngày 26/11/2014 đã giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp xuống còn 3 ngày làm việc. Để hiện thực hóa quy định nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, ngày 14/9/2015 thay thế Nghị định số 43/2010/NĐ-CP, ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP đã pháp lý hóa cơ chế phối hợp liên thông điện tử tự động giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thông qua quy trình tạo và sử dụng mã số doanh nghiệp tự động.

Bên cạnh đó, để xác lập cơ sở pháp lý cho việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, chi tiết hóa các quy trình liên thông dữ liệu, liên bộ: Kế hoạch và Đầu tư và Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC, ngày 23/2/2016 hướng dẫn việc trao đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp, thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và thông tin về báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Nhờ những nỗ lực trên, tốc độ gia tăng doanh nghiệp đăng ký thành lập hàng năm luôn giữ mức cao và liên tục lập các kỷ lục mới. Giai đoạn 2015-2019, trung bình mỗi năm có 112,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.071,2 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng về số doanh nghiệp và số vốn trung bình giai đoạn này lần lượt là 13,3% và 32,8%.

Giai đoạn 2020 - nay

Xu thế cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh ở trong nước và trên thế giới giai đoạn này diễn ra rất nhanh, mạnh mẽ, nhất là việc áp dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống, đã góp phần thúc đẩy xu hướng này phát triển vượt bậc. Năm 2020, một loạt các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp đã được ban hành, trong đó nổi bật nhất gồm: Luật Doanh nghiệp năm 2020, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp, Nghị định số 122/2020/NĐ-CP, ngày 15/10/2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp với nhiều cải cách quan trọng. Đặc biệt, về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp mới cũng công nhận giá trị pháp lý của con dấu điện tử và bỏ nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Sau những cải cách này, thủ tục đăng ký kinh doanh của Việt Nam đã được cắt giảm đáng kể và được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới.

KINH NGHIỆM HIỆN ĐẠI HÓA ĐĂNG KÝ KINH DOANH TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC CHO CẢI CÁCH TẠI VIỆT NAM

Kinh nghiệm hiện đại hóa đăng ký kinh doanh trên thế giới

Đăng ký kinh doanh ở New Zealand

New Zealand là một trong những nước luôn đứng đầu thế giới về đơn giản hóa thủ tục khởi sự kinh doanh với chỉ 1 thủ tục; thời gian 0,5 ngày và chi phí bằng 0,2% thu nhập bình quân đầu người. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố thông tin về doanh nghiệp qua mạng Internet từ năm 1996 và cho phép thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng điện tử kể từ năm 1998.

Với việc tối ưu hóa quy trình nhờ áp dụng triệt để công nghệ thông tin vào đăng ký kinh doanh, đồng thời coi việc cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh là dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm theo luật định về các sai phạm do doanh nghiệp gây ra trong quá trình hoạt động. Cơ quan đăng ký kinh doanh không có trách nhiệm phải kiểm tra trước khi cấp chứng nhận về số vốn hay ngành nghề kinh doanh, nhờ đó đã giảm được tối đa các bước, mà doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước phải thực hiện, khi cấp đăng ký. Cơ quan nhà nước chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải cập nhật thông tin định kỳ trong quá trình hoạt động, góp phần giúp thủ tục đăng ký thành lập trở nên đơn giản, nhanh chóng, đồng thời đảm bảo giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Đăng ký kinh doanh ở Singapore

Với quy trình đăng ký kinh doanh chỉ gồm 2 bước, thời gian thực hiện chỉ 1,5 ngày và chi phí tương đương 0,4% thu nhập bình quân đầu người (315 SGD, tương đương 5,5 triệu VND), Singapore trở thành 1 trong 4 quốc gia có thủ tục khởi sự kinh doanh dễ dàng nhất và là nước đứng đầu trong khu vực ASEAN nhờ việc xây dựng và áp dụng hệ thống nộp hồ sơ điện tử Bizfile. Hệ thống đăng ký kinh doanh trực tuyến này được liên thông 1 cửa với tất cả các cơ quan có liên quan trong thủ tục thành lập doanh nghiệp, bao gồm: đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm, hải quan và ngân hàng. Như vậy, doanh nghiệp khi đăng ký trực tuyến sẽ chỉ phải nộp hồ sơ thông qua hệ thống này khi đăng ký thành lập, mà không phải thực hiện trực tiếp ở các cơ quan khác nhau. Đáng chú ý, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, hệ thống đăng ký của Singapore chỉ mất khoảng 15 phút để xử lý hồ sơ của một doanh nghiệp, đây là điểm khiến thời gian thực hiện thủ tục khởi sự kinh doanh ở Singapore giảm mạnh và cách biệt so với các nước trong khu vực.

Bài học cho cải cách và hiện đại hóa lĩnh vực đăng ký kinh doanh tại Việt Nam

Nghiên cứu áp dụng hình thức đăng ký doanh nghiệp và cung cấp các dịch vụ thông qua ứng dụng trên nền tảng điện thoại thông minh

Dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn về ứng dụng đăng ký kinh doanh trên nền tảng thiết bị di động của các nước, như: ACRA-On-the-Go (Singapore), CR eFiling (Hong Kong), E-startup (Ấn Độ)…, có thể nghiên cứu để xây dựng một phiên bản rút gọn của Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để áp dụng trên nền tảng thiết bị di động. Ứng dụng này sẽ bao gồm các dịch vụ cơ bản, như: đăng ký kinh doanh, kiểm tra thông tin cơ bản doanh nghiệp, mua các thông tin doanh nghiệp theo nhu cầu, hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp về thủ tục quy định pháp lý liên quan. Với việc áp dụng hình thức này, thủ tục đăng ký kinh doanh ở Việt Nam sẽ trở nên thuận tiện, thân thiện và đáp ứng nhu cầu, xu hướng phát triển của công nghệ trong thời đại mới, giúp lĩnh vực đăng ký kinh doanh tiếp cận gần hơn với người dân, doanh nghiệp, góp phần khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, gia nhập thị trường.

Ứng dụng công nghệ định danh thông tin

Việc ứng dụng triệt để các tiến bộ về công nghệ trong thời đại 4.0 vào quá trình thực hiện các thủ tục hành chính là một mục tiêu góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ số. Trong thế giới số hiện nay, danh tính đã được phát triển thành “Danh tính số - Digital Identity”. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và sự phát triển của Chính phủ số, Đô thị thông minh, Kinh tế số và Xã hội số không thể thiếu được danh tính số. Việt Nam hiện nay có thể tận dụng các Cơ sở dữ liệu danh tính có sẵn của các cơ quan, doanh nghiệp để nhanh chóng cung cấp các dịch vụ danh tính số phục vụ Chính phủ điện tử.

Đối với doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thiện, hợp nhất dữ liệu từ 63 địa phương trên cả nước, trở thành kho dữ liệu chứa đựng thông tin của các doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và là cốt lõi của Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây có thể coi là một nguồn cung cấp danh tính “IdP- Identity provider” tiềm năng để phát triển các dịch vụ danh tính số. Hệ thống có thể kết hợp với các cơ quan, tổ chức khác (cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu dân cư, các nhà mạng di động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thuế…) để triển khai áp dụng các dịch vụ danh tính điện tử, các dịch vụ nổi bật, gồm:

Xác minh thông tin công dân: Tạo tài khoản; thụ lý hồ sơ… hướng đến hỗ trợ đơn giản hóa thành phần hồ sơ là bản sao chứng thực giấy tờ liên quan công dân (Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu…).

Hỗ trợ tự động điền vào các tờ khai/biểu mẫu điện tử khi thực hiện thủ tục hành chính/Dịch vụ công: Dữ liệu tự điền vào tờ khai/biểu mẫu điện tử của dịch vụ công trực tuyến; cán bộ thụ lý để in tờ khai cho công dân tại bộ phận 1 cửa.

Với những tiện ích mà các dịch vụ danh tính số mang lại, người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch và dịch vụ công với cơ quan nhà nước, thay vì phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ chứng minh, thì sẽ được trích xuất tự động thông tin từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, giúp cho người dùng không phải điền thông tin cá nhân nhiều lần trong các biểu mẫu khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, giúp giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại. Ngoài ra, dịch vụ cũng trao cho người dân quyền kiểm soát lớn hơn đối với dữ liệu cá nhân, phát triển nhiều dịch vụ điện tử, an sinh xã hội, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử và giao dịch qua biên giới.

Liên thông các cơ quan và mở rộng quy mô liên kết trong nước và quốc tế

Thiết lập cơ chế đăng ký một đầu mối là mục tiêu lớn và lâu dài. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp ngắn hạn đảm bảo sự phối hợp, kết nối của một số cơ quan. Đặc biệt, việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của các cơ quan, như: cơ quan đăng ký bảo hiểm, cơ quan đăng ký lao động, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện hiệu quả liên thông giữa các cơ quan, tiến tới mở rộng quy mô liên thông đến các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, từ đó, nâng cao hiệu quả việc quản lý doanh nghiệp sau thành lập, đảm bảo một môi trường kinh doanh công bằng, công khai, minh bạch.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ LIÊN THÔNG GIỮA CÁC CƠ QUAN

Về mặt kỹ thuật, công nghệ

Các cơ quan liên quan trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh cần được đầu tư đồng đều về hạ tầng, các hệ thống thông tin, thời gian để đảm bảo đồng đều về các chuẩn kỹ thuật, công nghệ, giao diện…, từ đó, nâng cao hiệu quả việc kết nối, liên thông. Mặt khác, trên quy mô quốc gia, xác định Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là trung tâm nhằm hỗ trợ kết nối các hệ thống thông tin khác trên quy mô rộng.

Về thông tin, dữ liệu

Với các đối tượng, đơn vị thông tin tương tự giữa các cơ quan liên quan, cần thống nhất về cách thể hiện, mô tả, xử lý thông tin trên các hệ thống để thuận tiện cho việc trao đổi sử dụng thông tin.

Về tổ chức, quy trình thủ tục

Do các cơ quan vẫn đang trong quá trình cải cách thủ tục, quy trình làm việc, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước, cũng như các quy trình thủ tục còn chồng chéo, chưa thể hiện rõ sự liên thông, phối hợp giữa các quy trình công việc. Điều này cũng gây nên sự khó khăn trong việc kết nối, liên thông các hệ thống thông tin tương ứng. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy trình, thủ tục theo hướng tinh giản, hiệu lực, hiệu quả; giảm số lượng đơn vị đầu mối và số lượng thủ tục, đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho kết nối liên thông giữa các cơ quan.

Về môi trường pháp lý

Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp lý để định ra những chiến lược, kế hoạch, trách nhiệm bắt buộc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ bảo đảm trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, cá nhân; xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng nhằm bảo đảm, kết nối liên thông các hệ thống thông tin; xây dựng mô hình/kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể, bảo đảm sự kết nối giữa các cơ quan.

Ngoài việc liên thông trong nước, ý tưởng về chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh khu vực và quốc tế cũng cần được quan tâm trong thời gian tới. Lấy mô hình của các nước Liên minh châu Âu (EU) - nền tảng thông tin tập trung (EU Central Platform) về kết nối, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia làm ví dụ, có thể thấy, việc chia sẻ, kết nối thông tin giữa các quốc gia/nền kinh tế thành viên, giúp cập nhật nhanh và hiệu quả hơn thông tin về doanh nghiệp trên thị trường. Chẳng hạn, trong các thương vụ sáp nhập các doanh nghiệp tại các quốc gia khác nhau hoặc đóng cửa chi nhánh của doanh nghiệp tại nước ngoài, việc kết nối thông tin giữa các quốc gia trên một nền tảng, hệ thống thông tin chung giúp xử lý và cập nhật thông tin tại các quốc gia khác nhau nhanh hơn và hiệu quả hơn, giúp thông tin được cập nhật liên tục, tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (2014). Một số bài học kinh nghiệm về công tác đăng ký kinh doanh ở New Zealand, truy cập từ https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/609/3468/mot-so-bai-hoc-kinh-nghiem-ve-cong-tac-dang-ky-kinh-doanh-o-new-zealand.aspx

2. Lê Quốc Hữu (2019). Tham luận về Định danh và Xác thực điện tử, truy cập từ https://aita.gov.vn/tham-luan-ve-dinh-danh-va-xac-thuc-dien-tu---hoi-nghi-%E2%80%9Cso-ket-6-thang-dau-nam-2019-cua-bo-thong-tin-va-truyen-thong%E2%80%9D--572019-

3. Hoàng Thanh Tuấn (2017). Điểm lại những dấu mốc lớn trong quá trình phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, truy cập từ https://dangkykinhdoanh.gov.vn/en/News/599/3728/diem-lai-nhung-dau-moc-lon-trong-qua-trinh-phoi-hop--giua-co-quan-dang-ky-kinh-doanh-va-co-quan-thue.aspx

4. World Bank. Doing Business Measuring Business Regulations – ease of doing business in Singapore, retrieved from https://www.doing business.org/en/data/exploreeconomies/singapore

ThS. Nguyễn Thị Việt Anh

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)