HSBC: Năm 2016, Việt Nam tăng trưởng "hết ga"
GDP tăng cao, lạm pháp tăng chậm
GDP quý IV.2015 đã tăng 7,1% đưa mức tăng trưởng cả năm đạt 6,7%. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2007, vượt qua mục tiêu do Chính phủ đề ra là 6,2%.
Nhu cầu nội địa là nguyên nhân quan trọng cho sự tăng trưởng này, hỗ trợ cho tăng trưởng sản lượng của ngành dịch vụ. Về mặt tiêu dùng, mức tiêu thụ cả năm đã tăng 9,1% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,5% trong năm 2014.
Năm 2015 đánh dấu một cái kết đối với chu kỳ giảm nợ trong vài năm qua: chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng tăng từ mức 14% trong năm 2014 lên 18% trong năm 2015.
Ngược lại hoàn toàn với sự tăng tốc của tăng trưởng, lạm phát đã tăng chậm lại chỉ ở mức 0,6% trong năm 2015. Nguyên nhân chính là do giá năng lượng giảm, nhưng cả hai áp lực giá lương thực và giá mặt hàng cơ bản cũng đã duy trì mức giảm đáng chú ý.
Trong quý IV/2015, tăng trưởng GDP thực tế hàng quý lần đầu tiên trong năm năm qua vượt mức 7%. Điều này giúp mức tăng trưởng cả năm đạt 6,7% - mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2007 và vượt xa mức tăng trưởng mục tiêu 6,2% do Chính phủ đề ra.
Trong vài năm qua, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam ngày càng được thúc đẩy nhanh nhờ vào sự thành công của lĩnh vực sản xuất/xuất khẩu rất cạnh tranh của đất nước.
Thực tế, sản lượng sản xuất tiếp tục thể hiện sự vững vàng trong năm 2015 nhờ vào dòng vốn FDI mạnh mẽ.
Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu năm 2015 giảm nhẹ từ mức tăng hai con số trong suốt thập kỷ qua chỉ còn 8,1% - con số này vẫn còn cao hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực châu Á và phần nào phản ánh những tác động của giá cả hàng hóa yếu hơn: xuất khẩu có kết quả tốt hơn nhiều về mặt khối lượng, tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Trong tháng 12, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của Nikkei đã tăng trở lại từ mức 49,4 điểm trong tháng 11 lên 51,3 điểm. Điều đáng khích lệ là các đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng đã tăng trở lại, mức tăng mạnh đầu tiên kể từ tháng 5/2015.
Tuy nhiên, nhu cầu bên ngoài không chỉ là nguyên nhân duy nhất thúc đẩy tăng trưởng Việt Nam tính đến cuối năm.
Điều gây bất ngờ nhất trong năm vừa qua là mức độ cho vay lại của hệ thống ngân hàng giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Giữa năm 2011 và năm 2014, tăng trưởng tín dụng luôn trong tình trạng thấp mặc dù đã nới lỏng đáng kể khi các ngân hàng phải đối mặt với áp lực thoái nợ là hậu quả của cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng trong nước.
Mặc dù ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với những thách thức phản ánh ở tình trạng nợ xấu chưa được giải quyết và tốc độ đóng cửa/hợp nhất các ngân hàng diễn ra quá chậm chạp, nhưng rõ ràng những cải cách trước đây đang bắt đầu đơm hoa kết trái: tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 9 vừa qua đã được đi đúng hướng đạt 12,1% so với cùng kỳ và chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức 18% trong năm 2015.
Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 14% được ghi nhận vào năm 2014 và mục tiêu đề ra từ đầu năm của Chính phủ / NHNN ở mức 13-15% (sau đó được sửa đổi tăng lên).
Sự hồi sinh của tăng trưởng tín dụng đã được phản ảnh ở mức tiêu dùng tăng mạnh cũng như hoạt động đầu tư.
Tiêu dùng đã tăng 9,1% so với cùng kỳ, vượt qua mức tăng 6,5% trong năm 2014. Trong khi đó, việc hình thành vốn gộp đã tăng từ mức 8,9% trước đây lên 9,1% so với cùng kỳ. Sức mạnh của nhu cầu trong nước cũng còn được thể hiện ở kết quả hoạt động mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ.
Trong năm 2015, lĩnh vực này đã tăng 6,3% so với cùng kỳ và đóng góp 2,6 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP toàn phần.
Phân chia theo ngành, tăng trưởng được các ngành bán sỉ, bán lẻ và phương tiện di chuyển (9,1%), ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (7,4%). Sản lượng thứ yếu cũng đã tăng từ mức 7,1% lên 9,6% so với cùng kỳ. Kết quả này có được là nhờ vào ngành sản xuất tiếp tục cải thiện tăng 10,6% so với cùng kỳ và thêm 1,6 điểm phần trăm vào GDP. Hoạt động xây dựng cũng tăng mạnh (10,8% so với cùng kỳ), phản ánh thị trường bất động sản đang phục hồi. Các ngành công nghiệp và dịch vụ tăng lên nhiều hơn đã bù đắp cho sự sụt giảm của ngành nông, lâm hải sản.
Mặc dù tăng trưởng phục hồi, áp lực giá cả vẫn còn giảm một cách đáng kể: sau khi tăng chậm 4,1% trong năm 2014, lạm phát tăng yếu chỉ còn 0,6% trong năm 2015.
Giá cả toàn phần còn nghiêng nhẹ về ngưỡng âm trong tháng 9 và tháng 10 rồi phục hồi nhanh đạt mức tăng 0,3% so với cùng kỳ trong tháng 11 và 0,6% trong tháng 12.
Tình trạng lạm phát giảm diễn ra chủ yếu là do sự sụt giảm giá dầu: trong năm 2015, các thành phần vận chuyển đã giảm ở mức trung bình gần 12% (so với mức tăng 1,6% trong năm 2014).
Trong khi đó, lạm phát thực phẩm cũng tăng chậm lại còn 1,5% (so với mức tăng 4% trong năm 2014) trong khi lạm phát cơ bản đã được kiềm chế ở mức 2,1% so với cùng kỳ (so với mức 4,6% trong năm 2014).
Tình hình lạm phát chỉ tăng nhẹ đã tạo cơ hội cho NHNN giữ mức lãi suất ổn định trong năm 2015 và giữ lãi suất thị trường mở OMO ở mức 5%.
Năm 2016: Tăng trưởng vững chắc ở mức 6-7%
Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016 là 6,7%. Các chuyên gia của HSBC khẳng định, mục tiêu này chắc chắn sẽ đạt được.
Tăng trưởng xuất khẩu đang phục hồi mức hai chữ số phản ảnh ở các khoản đầu tư mới. Trong khi đó, nhu cầu nội địa sẽ vẫn mạnh nhờ vào chi tiêu cá nhân dồi dào do lãi suất vẫn còn thấp hỗ trợ.
Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC lo ngại, chính sách quản lý vĩ mô nhiều khả năng sẽ phức tạp hơn trong năm 2016, khi tăng trưởng tiếp tục mạnh dần dần ảnh hưởng đến áp lực giá.
Khả năng xuất khẩu sẽ quay lại mức tăng trưởng hai chữ số ngay cả khi tăng trưởng toàn cầu vẫn còn mờ nhạt (trong năm 2016, các nhà kinh tế HSBC cho rằng GDP toàn cầu sẽ tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm đạt mức 2,5% so với cùng kỳ).
FDI thực hiện đã tăng kỷ lục 14,5 tỷ USD vào năm 2015, tăng 17,4% so với năm trước. Song, các chuyên gia của HSBC dự báo, con số này sẽ còn tăng thêm trong năm 2016, phản ánh môi trường đầu tư cải thiện nhiều (bao gồm cả việc nới lỏng các hạn chế tiềm năng đầu tư nước ngoài).
Trong tương lai, các khoản đầu tư mới cùng với thị phần các mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng, chẳng hạn như điện tử, giày dép, dệt may và may mặc sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ngay cả khi nhu cầu toàn cầu vẫn còn ẩm ương.
Những thành quả đạt được nhanh chóng của Việt Nam ở mảng điện thoại thông minh là một ví dụ điển hình khi đây là loại sản phẩm hầu như không có trong dữ liệu hải quan trước năm 2011.
Tuy nhiên, trong năm 2015, xuất khẩu công nghệ cao tăng thêm 34% đạt 48 tỷ USD nhờ vào hoạt động đầu tư ổn định của các tập đoàn đa quốc gia. Những tập đoàn này đã bị Việt Nam thu hút nhờ vào tốc độ tăng trưởng vượt bậc, mức tiền lương nhân công thấp và lực lượng lao động lớn và chuyên cần.
Nhu cầu trong nước vẫn mạnh nhờ vào chi tiêu cá nhân tăng do mức lãi suất thấp hỗ trợ. Ngược lại, dựa vào tài chính chặt chẽ của Chính phủ, chúng tôi nhận thấy rất cơ hội ít (nếu có) cho chính sách tài khóa mở rộng.
“Chúng tôi nâng mức dự báo năm 2017 lên thêm 0,1 điểm phần trăm thành 6,8% so với cùng kỳ”, báo cáo của HSBC cho biết thêm.
Với mức tăng trưởng đã chuyển hẳn sang mức 6-7% một cách vững chắc, các chuyên gia HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trở lại trong nửa sau của năm 2016 mặc dù tình trạng không chắc chắn xung quanh triển vọng này còn khá cao do khó khăn trong việc dự báo đường đi của giá dầu.
HSBC dự báo lạm phát sẽ vượt qua mức mục tiêu đề ra 5% của NHNN trong nửa sau năm 2016, đòi hỏi NHNN phải có chính sách thắt chặt
Với việc một số dịch vụ do Nhà nước quản lý dự kiến sẽ tăng, như: học phí, viện phí và giá điện, cùng với những hiệu ứng cơ bản từ việc ổn định giá dầu và lạm phát giá thực phẩm có thể quay lại, HSBC dự báo lạm phát toàn phần sẽ tăng 3% vào cuối nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ và tăng 5,1% vào nửa cuối năm 2016, vượt mức mục tiêu do NHNN đề ra.
Các chuyên gia của HSBC nhìn nhận, ngay cả khi tăng trưởng tín dụng được giám sát ở mức thấp hơn mục tiêu đề ra và lạm phát cơ bản được kiềm chế (do giá cả hàng hóa có mức lạm phát chậm hơn), thì NHNN nên thận trọng để bắt đầu thực hiện việc thắt chặt dần dần trong nửa cuối năm nay để giảm thiểu rủi ro của những vấn đề nóng bỏng khác.
Điều này đặc biệt đúng trong việc xem xét những mất cân đối bên ngoài của Việt Nam mà dự báo trong năm nay sẽ còn mở rộng.
Trong quá khứ, Việt Nam đã chủ trương áp dụng chính sách ủng hộ tăng trưởng mà kết quả là bùng nổ tín dụng và một nền kinh tế quá nóng. Hậu quả quả là Việt Nam đã đi đến tình trạng bất ổn tiền tệ và đòi hỏi chính sách thắt chặt mạnh để xoay chuyển tình thế.
Chính vì vậy, các chuyên gia của HSBC kỳ vọng, NHNN sẽ chuyển sang phương thức thắt chặt trong năm nay, áp dụng mức tăng đầu tiên 50 điểm trong quý III/2016.
“Trong bối cảnh chúng ta vẫn chưa đi đến nửa đường trong cuộc cải cách lĩnh vực tài chính và các bảng cân đối tài chính của ngân hàng vẫn còn yếu, chúng tôi thật sự lo ngại nếu tăng trưởng tín dụng bắt đầu ở mức cao 20%”, báo cáo viết.
Tiền Việt vẫn chịu nhiều áp lực
Đồng hành cùng với việc thâm hụt thương mại mở rộng là áp lực ngày càng tăng lên tiền đồng và dự trữ ngoại tệ. Hiện cặp tỷ giá USD/VND đang được giao dịch ở ngưỡng cao của biên độ cho phép do NHNN đề ra kể từ đầu năm 2015.
Đồng RMB ngày càng yếu thêm được niêm yết ở Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc ngày 11/8/2015 đã làm tăng áp lực lên tiền Đồng.
Tuy nhiên, những mối lo ngại về năng lực cạnh tranh chỉ là một phần của câu chuyện. Tiền Đồng yếu cũng chỉ thể hiện mức độ ưa thích hàng nhập khẩu, đồng hành với sự hồi phục nhu cầu trong nước.
NHNN đã tuyên bố cơ chế điều chỉnh mới đối với tiền Đồng, mở đường cho sự biến động hai chiều lớn hơn đối với tiền tệ
Trong quý IV/2015, NHNN đã không thể thực hiện lời hứa kiềm chế không hạ giá tiền đồng thêm nữa với mong muốn duy trì đồng tiền ổn định trong giai đoạn chuyển giao lãnh đạo quan trọng vào tháng Giêng 2016.
Tuy nhiên, khi nguồn dự trữ của NHNN ngày càng mỏng (tính theo giá trị nhập khẩu đã giảm còn 2,1 tháng vào quý III/2015), NHNN có thể sẽ giảm dần can thiệp và cho phép tiền đồng giảm giá thêm nữa trong những tháng tới.
Trên thực tế, chỉ trong ngày 04/01/2016 vừa qua, NHNN đã giới thiệu một cơ chế điều chỉnh mới cho phép thiết lập tỷ giá tham chiếu USD/VND dựa trên thị trường.
Thời điểm để cải cách đã điểm
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 sắp tới dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 21 đến ngày 28/1/2016 sẽ là minh chứng quan trọng đối với triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam.
Trong số các nhiệm vụ đề ra của Đại hội Đảng, hai nhiệm vụ được xem là quan trọng nhất trong việc điều hành quản lý kinh tế của Việt Nam là: 1) việc bầu ra Ban chấp hành Trung ương Đảng mới và đội ngũ lãnh đạo quốc gia, và 2) thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội mới (SEDP) trong năm và mười năm tiếp theo (2016-2025).
Lạc quan về tiềm năng của Việt Nam và triển vọng ngắn hạn cho nền kinh tế, song các chuyên gia của HSBC cho rằng, nhiều vấn đề và trở ngại tiềm năng vẫn còn tồn tại nếu tăng trưởng được duy trì trong thời gian dài.
Tư nhân hóa nhanh của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là cần thiết để đạt được tính trách nhiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Trong khi đó, mối quan hệ gần gũi của ngành với ngân hàng có thể cần phải được nới lỏng.
“Cải cách khu vực tài chính phải được đào sâu thêm nữa và việc quản trị cần được củng cố để cải thiện việc phân bổ tín dụng; nếu không thì vẫn còn nguy cơ tăng trưởng nhanh hơn sẽ kích hoạt một chu kỳ bùng nổ và phá sản trong tương lai”, các chuyên gia của HSBC quan ngại./
Bình luận