Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

Cần phải thực hiện đúng Luật Tiếp công dân

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, việc thực hiện Luật Tiếp công dân là quy định các cấp phải dành thời gian ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tiếp công dân.

Vừa qua, lần đầu tiên, Tổng Thanh tra Chính phủ đã cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp công dân. Hôm đó, đã tiếp, giải quyết 6 vụ việc. Kết quả trong 1 tháng có 1 vụ được giải quyết dứt điểm; 5 vụ còn lại thì 3 vụ đã thành lập đoàn thanh tra, 2 vụ được giao cho UBND TP. Hà Nội trực tiếp kiểm tra, rà soát và giải quyết.

"Chúng tôi đánh giá việc tiếp dân là hiệu quả, vì vậy, thủ trưởng cơ quan nhà nước các cấp, chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện đúng Luật Tiếp công dân", người đứng đầu ngành thanh tra nói.

Thừa nhận rằng, nhiều vụ việc Thanh tra Nhà nước đã ra quyết định, kết luận rất rõ ràng, nhưng tính hiệu lực thì không cao, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy trình có nhiều bước và sau khi ra quyết định, thì cơ quan nhà nước các cấp có trách nhiệm thực hiện quyết định có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, còn một vài địa phương, có một vài vụ việc thực hiện quyết định không nghiêm, chưa đến nơi, đến chốn làm người dân bức xúc.

Bên cạnh đó, trong chừng mực, vẫn có một số vụ việc chưa được chấp hành nghiêm. Đặc biệt, các cơ quan trung ương đã chỉ đạo, thậm chí có vụ việc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, nhưng địa phương thực hiện không kịp thời.

Điều này làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết khiếu nại, tố cao, gây bức xúc cho người dân.

"Vì vậy, các cấp phải tích cực hơn nữa trong thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật để chấm dứt các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan nhà nước cần thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, cấp dưới phải chấp hành cấp trên, địa phương phải chấp hành Trung ương, có như vậy, kỷ cương phép nước mới nghiêm", Tổng thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Cơ quan nhà nước có quyền từ chối quyền khiếu nại của người dân

Trước vụ việc hồ sơ của một người dân đã đeo đuổi 16 năm một vụ kiện, Tổng thanh tra cho biết, có nhiều trường hợp kéo dài tới 30 năm.

Tổng Thanh tra lưu ý, vụ việc 16 năm chưa được thụ lý, giải quyết, thì trước hết cần xem xét trách nhiệm của cấp có thẩm quyền, nếu không thực hiện sẽ coi như có khuyết điểm.

"Nhưng, về phía người dân cũng phải xem đã khiếu kiện có đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước, hay là khiếu nại vượt cấp với hy vọng khiếu nại càng cao giải quyết càng nhanh. Điều này không đúng quy định của pháp luật", ông nhắc nhở.

Ông Tranh cũng nêu rõ, nếu cơ quan nhà nước sai phải nhận khuyết điểm, thụ lý vụ việc và giải quyết đúng thẩm quyền, nếu người dân sai khiếu nại chưa đúng thì khiếu nại đúng quy định của pháp luật.

Ông cũng thông tin thêm, trước những vụ việc đã được giải quyết "đến nơi đến chốn", nhưng người dân vẫn chưa chấp nhận và tiếp tục khiếu kiện, thì theo quy định của Điều 26, Luật Tiếp công dân có quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền từ chối quyền khiếu nại của người dân.

Đồng thời, nếu đơn vị tiếp công dân cấp cơ sở không thực hiện đúng chức năng, thì theo Điều 9, Luật Tiếp công dân quy định, cơ quan đó có thể xử lý bằng hình thức chấn chỉnh, xử lý hành chính, kỷ luật về mặt tổ chức, nếu nặng hơn có thể được xử lý theo quy định của pháp luật./.