Kỹ năng lao động của Việt Nam kém rất xa so với nhóm ASEAN-4
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức ngày 26/4/2021.
Bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) chỉ rõ, kỹ năng lao động của Việt Nam kém rất xa so với nhóm ASEAN-4
Chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp
Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện nhất định về hệ thống chính sách lao động, việc làm, tạo khung pháp lý để phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động. Kết quả, giai đoạn vừa qua, thị trường lao động đã có nhiều dịch chuyển tích cực.
Lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh (lao động tự làm, lao động gia đình không được hưởng lương) sang những công việc mang tính ổn định, bền vững và đảm bảo hơn; từ những ngành nghề đơn giản sang những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao; từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM), chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp. Việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sơ cấp và các hình thức đào tạo dưới 3 tháng, chiếm 75,3% năm 2019, cao đẳng và trung cấp chỉ 24,7%.
“Như vậy, chúng ta chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 25% vào năm 2020”, bà Quỳnh cho biết.
Điều đáng nói là trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.
Một điều cần lưu ý trong thị trường lao động của Việt Nam đó là tình trạng già hóa lao động. Bà Quỳnh cho biết, lực lượng lao động tại Việt Nam ngày một già hóa với lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa.
“Tuổi bình quân và trung vị của lực lượng lao động tăng lên. 10 năm tăng khoagnr 3 tuổi, tuổi bình quân là 41 tuổi, tuổi trung vị là 40 tuổi năm 2019), bà Quỳnh dẫn chứng.
Một góc khác của thị trường lao động Việt Nam đó là tình trạng thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 15-45 thường xuyên ở mức cao. Năm 2019 chiếm 6,51%, chiếm 38,7% tổng số người thất nghiệp
Chức năng dịch chuyển lao động theo tín hiệu thị trường chưa rõ ràng. Lao động phân bổ không đều, còn bất hợp lý giữa các vùng: Các vùng đất rộng có tỷ trọng lao động thấp (vùng Trung du miền núi phía Bắc chỉ chiếm 13,87%, Tây Nguyên chiếm 6,25% lực lựng lao động”.
Chính sách phát triển thị trường lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các điểm tối trong bức tranh thị trường lao động Việt Nam, theo bà Quỳnh, là do chính sách phát triển thị trường lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Đó là sự thiếu đồng bộ, triển khai chậm: sắp xếp mạng lưới trường lớp chưa đi cùng với hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp; xác định các ngành nghề trọng điểm nhưng chưa có chính sách gắn kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp; Cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục chưa đi cùng với tự chủ về con người, về chương trình đào tạo; thiếu nguồn lực để thực hiện.
Cơ chế giám sát thực hiện các chương trình, chính sách kém hiệu lực, hiệu quả thấp. Thiếu khung pháp lý, chế tài xử lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN
Từ những năm 1990, Việt Nam đã thể chế hoá nhiều nội dung về việc làm bằng Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Luật Thanh niên, Luật Bình đẳng giới, và nhiều văn bản pháp luật khác
Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 quy định vê chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm: cho vay ưu đãi tự tạo việc làm, đi làm việc tại nước ngoài, (chú trọng đối tượng thanh niên, phụ nữ).
Tuy nhiên, phạm vi bao phủ của các chính sách việc làm còn hạn chế; Chưa có sự gắn kết với các chính sách chuyển dịch cơ cấu ngành.
Dẫn chứng quy định việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất cho phép doanh nghiệp có thể trả bằng tiền mặt và thiếu sự giám sát việc học nghề chuyển đổi nên lao động thường nhận tiền và không học nghề, bà Quỳnh chỉ rõ, một số quy định chưa hợp lý dẫn đến thực thi kém hiệu quả.
Thanh tra, kiểm tra các sai phạm về việc làm còn chưa nghiêm dẫn tới các doanh nghiệp chưa chấp hành các quy định về tuyển dụng, sử dụng lao động, khiến người lao động khó tiếp cận được các chính sách ưu đãi.
Một vấn đề khác được bà Quỳnh lưu ý đến quy định về lương. Mức tiền lương tối thiểu vùng đối với khu vực tư nhân được xác định trên quan hệ 3 bên: Nhà nước, người sử dụng lao động (giới chủ) và người lao động (công đoàn), nhưng mức tiền lương tối thiểu chưa đảm bảo được cuộc sống; cơ chế phân phối tiền lương đổi mới chậm: thực chất mới điều chỉnh tăng lương cơ sở.
“Điều đáng nói là cơ chế thương lượng, thỏa thuận về tiền lương còn hình thức”, bà Quỳnh nhấn mạnh.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng, BHXH vẫn chưa thật sự gắn kết chặt chẽ hữu cơ với hệ thống các tầng an sinh xã hội (như việc làm, thu nhập, trợ giúp xã hội và các dịch vụ xã hội tối thiểu); Chưa phát triển đa dạng các loại hình BHXH.
Trung tâm dịch vụ việc làm đang “quá sức”
Việc phát triển các định chế trung gian: tư vấn, giới thiệu, cung cấp lao động (trung tâm dịch vụ việc làm công lập, doanh nghiệp tư nhân) đã được lưu ý. Hệ thống thông tin, phân tích thị trường lao động thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm công lập.
Tuy nhiên, bà Quỳnh cũng chỉ rõ, trung tâm dịch vụ việc làm đang “quá sức”. Các trung tâm dịch vụ việc làm công lập thiếu năng động, vẫn mang tính hành chính, phục vụ chủ yếu đối tượng bảo hiểm thất nghiệp trong khu vực chính thức, mà chưa có sự kết nối với các doanh nghiệpcung cấp dịch vụ việc làm tư nhân.
Vị chuyên gia này cũng cho biết một hiện tượng, đó là việc tìm kiếm việc làm hầu hết thông qua người thân, việc tìm kiếm chính thức thông qua các trung tâm tìm kiếm việc làm ít.
Cụ thể là hơn một nửa hoạt động tìm kiếm việc làm thực hiện qua những con đường phi chính thức, như bạn bè, người thân; 2-3% tìm qua trang web.
Nguyên nhân là do hệ thống thông tin về việc làm hiện nay còn nhiều hạn chế. Cơ sở dữ liệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm công lập ít, chủ yếu là về đối tượng bảo hiểm thất nghiệp; Các trung tâm ít khi thực hiện thu thập và cập nhật thông tin về người tìm việc hay việc tìm người. Thông tin từ các công ty tư nhân thường không cho phép tiếp cận mở.
Phát triển thị trường lao động gắn với cơ cấu lại nền kinh tế
Cơ cấu lại nền kinh tế được xác định là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Một trong những nội dung quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam là chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để làm được như vậy, Việt Nam cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng thúc đẩy chuyển dịch tích cực các nguồn lực sản xuất sang các ngành, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh hơn, năng suất lao động cao hơn và đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó có nguồn lực lao động.
Bà Quỳnh đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường lao động, tạo lập các điều kiện cơ bản để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm đồng bộ, linh hoạt, minh bạch, cạnh tranh và hội nhập.
Hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động về quy mô, chất lượng lao động, cơ cấu ngành, nghề.
“Tăng cường vai trò của nhà nước trong việc giám sát, điều tiết cung - cầu lao động; kết nối cung - cầu nhân lực trong cả nước, khu vực và gắn với thị trường lao động quốc tế, khu vực ASEAN”, bà Quỳnh lưu ý.
Một giải pháp cần lưu ý thực hiện đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp
Tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Sửa đổi Luật Việc làm phù hợp với các hình thái việc làm mới, quan hệ lao động mới theo định hướng phát triển và mở rộng qui mô việc làm thỏa đáng, bền vững; giảm qui mô việc làm phi chính thức với các quy định hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, tránh sa thải lao động, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động.
Nâng cao năng lực giám sát, đánh giá thị trường lao động của các cơ quan quản lý nhà nước. Khuyến khích việc chuyển đổi sang hình thức kinh doanh chính thức, tiến đến luật hóa các hoạt động kinh doanh
Tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách.
Đặc biệt lưu ý tới việc phát triển các định chế trung gian, hệ thống thông tin thị trường lao động, bà Quỳnh chỉ rõ cần đổi mới các trung tâm dịch vụ việc làm công lập. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp dịch vụ việc làm tư nhân: tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp lao động thời vụ. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, đầy đủ, kịp thời về cung-cầu lao động, tiếp cận mở.
“Phải xây dựng cơ chế phối hợp, quản lý, chia sẻ, thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động giữa các cơ quan”, bà Quỳnh đề xuất./.
Bình luận