Lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển của Việt Nam: Lý luận và một số khuyến nghị triển khai chu trình chính sách
TS. Nguyễn Thị Thu Huyền
Giảng viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải
Tóm tắt
Cốt lõi của chính sách công nghiệp là các chiến lược chuyên môn hóa hay đa dạng hóa các ngành. Các chính phủ lựa chọn chiến lược nào phụ thuộc vào mục tiêu phát triển của mỗi nền kinh tế. Phân tích mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và chính sách công nghiệp cho thấy, sự phát triển kinh tế thường theo mỗi giai đoạn đều có sự cân nhắc kỹ lưỡng về việc lựa chọn ngành công nghiệp nào phù hợp để đạt được mục tiêu đem lại sự phát triển lan tỏa cho các ngành. Nghiên cứu phân tích các giai đoạn chính sách chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển từ 2007 tới nay của Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất một số khuyến nghị về triển khai chu trình chính sách theo 5 bước, nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển đã ban hành.
Từ khóa: ngành công nghiệp ưu tiên, chu trình chính sách, chuyển đổi số, kỹ năng số, lực lượng lao động, Việt Nam
Summary
The core of industrial policy is the strategies of specialization or diversification of industries. The governments choose which strategy depends on the development goals of each economy. Analyzing the relationship between economic development and industrial policy shows that economic development in each stage requires careful consideration of the selected appropriate industries, to meet the goal of spreading development to other industries. This study analyzes the stages of policies for selecting priority industries for development from 2007 to the present in Vietnam. On that basis, the author proposes some recommendations on implementing the policy cycle in 5 steps to effectively implement the policies for selecting priority industries for development that have been issued.
Keywords: priority industries, policy cycle, digital transformation, digital skills, workforce, Vietnam
GIỚI THIỆU
Bất cứ mô hình tăng trưởng kinh tế nào đều cần được thực thi hóa thông qua các ngành cụ thể tạo nên sự phát triển của nền kinh tế theo từng thời kỳ. Thực tiễn cho thấy, sự phát triển kinh tế theo các giai đoạn đều có gắn với các ngành ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh của quốc gia đó. Các quốc gia cần xây dựng nên các cực tăng trưởng từ các ngành then chốt tạo nên tác động lan tỏa theo hướng công nghiệp hóa với sự dẫn dắt của khoa học và công nghệ.
Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam theo các thời kỳ cũng dựa trên việc lựa chọn các ngành ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các chính sách chưa đạt được hiệu quả kinh tế như mong muốn. Điều này đòi hỏi cần phải rà soát lại từ mô hình tăng trưởng kinh tế theo các quan điểm phát triển phù hợp với thực trạng của Việt Nam cho tới chuẩn hóa các bước triển khai qua thực thi chính sách công hiệu quả. Bài viết đặt ra sự cần thiết về vai trò chủ chốt của Nhà nước trong việc tư duy, hoạch định và triển khai các chính sách lựa chọn ngành ưu tiên tạo nên sự phát triển kinh tế mong muốn của Việt Nam.
VAI TRÒ CỦA LỰA CHỌN NGÀNH ƯU TIÊN ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA MỘT QUỐC GIA
Các giai đoạn phát triển kinh tế gắn liền với sự phát triển của các ngành công nghiệp
Phát triển kinh tế là một quá trình thay đổi về chất của cơ cấu sản xuất cũ. Theo Schumpeter (1934), có mối quan hệ rõ ràng giữa phát triển với sự xuất hiện và lan tỏa của đổi mới sáng tạo, chủ yếu do có đổi mới công nghệ từ một ngành công nghiệp lõi ra toàn bộ nền kinh tế. Sự xuất hiện của các công nghệ, thị trường và phương tiện vận tải mới là sự ra đời của các chức năng sản xuất mới, tạo động cơ dẫn dắt các chu kỳ tăng trưởng mở rộng. Nhìn chung, phát triển kinh tế dựa trên sự thay đổi cấu trúc ngành tạo nên tăng trưởng có thể được chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu tiên: Sự phát triển dựa trên đa dạng hóa cơ cấu sản xuất và chuyển dịch lao động từ các hoạt động nông nghiệp có năng suất thấp sang các hoạt động nông nghiệp có năng suất cao hơn và các ngành công nghiệp có hiệu quả hơn (Prebisch, 1950; Hirschman, 1958; Myrdal, 1956; Nurkse, 1953; Lewis, 1954). Như vậy, phát triển kinh tế là quá trình được thúc đẩy bởi sự tương tác, từ đó đem lại thay đổi cơ cấu các ngành công nghiệp từ những ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển. Khởi đầu từ việc dồn nguồn lực từ những hoạt động có năng suất thấp sang những ngành công nghiệp có năng suất cao hơn. Sự phát triển đạt được qua những kết nối đa dạng giữa các ngành được hình thành và thúc đẩy nâng cao năng suất.
Giai đoạn thứ hai: Trong giai đoạn này, biến công nghệ là ngoại sinh, tăng trưởng kinh tế đạt được thông qua gia tăng tích lũy vốn và lực lượng lao động, nhưng chỉ là tạm thời vì quy luật hiệu suất giảm dần. Khi đạt đến trạng thái ổn định và tài nguyên trong một quốc gia được sử dụng hết, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ có thể được tăng lên thông qua đổi mới và cải tiến công nghệ, đó là giai đoạn tiếp theo (Robert Solow, 1987). Trong giai đoạn này, sự phát triển đạt được từ các ngành công nghiệp có thế mạnh về vốn và lao động. Nguồn vốn tích tụ được từ những ngành công nghiệp có thế mạnh đã được chọn ở giai đoạn 1, cộng với lợi thế về lao động của quốc gia sẽ thúc đẩy ngành đó trở thành ngành công nghiệp lõi có sức mạnh về công nghệ vượt trội, để tạo ra sự lan tỏa về đổi mới cho các ngành khác trong nền kinh tế vào giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn thứ ba: Đây là giai đoạn mà sự đổi mới và phổ biến tiến bộ công nghệ là các biến nội sinh dẫn dắt các chu trình lan tỏa trong các ngành liên quan, thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế phát triển (Nelson và Winter, 1982). Ở giai đoạn này, đổi mới thúc đẩy thay đổi cơ cấu tạo ra sự phát triển. Sự đổi mới diễn ra trong bối cảnh thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác có liên quan hoặc mở rộng, tạo ra các ngành mới. Các ngành công nghiệp nhận tác động lan tỏa đổi mới về công nghệ sẽ hình thành nên các cụm liên kết ngành, trở thành lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Các cụm này với đặc điểm riêng về tri thức, công nghệ và các hoạt động sản xuất sẽ tạo ra tác động tới tăng trưởng và sự phát triển.
Tuy nhiên, tăng trưởng và phát triển không phải là quá trình tự động và tự phát. Lịch sử kinh tế thế giới cho thấy, trong các giai đoạn đều cần có vai trò của nhà nước trong thiết kế, thực thi các chính sách công nghiệp giúp nền kinh tế đạt được sự tăng trưởng bền vững (Cimoli, Dosi, Nelson và Stiglitz, 2006; Reinert, 2007).
Lựa chọn ngành ưu tiên phát triển là trọng tâm của chính sách công nghiệp
Việc lựa chọn ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển trong giai đoạn 1 đóng vai trò then chốt cho các giai đoạn phát triển về sau. Chính sách chọn ngành ưu tiên phát triển nằm trong phạm vi điều chỉnh của chính sách công nghiệp.
Các học giả định nghĩa chính sách công nghiệp theo nhiều cách khác nhau, phụ thuộc vào sự can thiệp của nhà nước nhằm hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa. Reich (1982) định nghĩa, chính sách công nghiệp là tập hợp các hành động của chính phủ được thiết kế để hỗ trợ các ngành công nghiệp có tiềm năng xuất khẩu lớn và khả năng tạo việc làm cũng như tiềm năng hỗ trợ trực tiếp việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Pinder (1982) đưa ra một định nghĩa rộng hơn, bao gồm tất cả các chính sách được thiết kế để hỗ trợ công nghiệp, gồm: các ưu đãi về tài chính và tiền tệ cho đầu tư, đầu tư công trực tiếp và các chương trình mua sắm công, khuyến khích đầu tư vào R&D, các chương trình lớn để tạo ra “người chiến thắng” trong các ngành chiến lược và ngoài ra còn có cả các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Johnson (1984) định nghĩa: chính sách công nghiệp là “các hoạt động của chính phủ nhằm mục đích hỗ trợ sự phát triển của một số ngành công nghiệp nhất định trong nền kinh tế quốc dân nhằm duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế”. Landesmann (1992) nhấn mạnh, chính sách công nghiệp là chính sách phân biệt và lựa chọn giữa các ngành, lĩnh vực và tác nhân được thiết kế riêng trong phạm vi một lãnh thổ quốc gia nhất định. Chang (1994) mô tả chính sách công nghiệp là các hành động của chính phủ nhằm hỗ trợ năng lực sản xuất sản phẩm và công nghệ trong các ngành được coi là chiến lược đối với sự phát triển quốc gia. Cách tiếp cận này cho thấy, sự cần thiết phải lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên dựa trên tiềm năng của chúng để thúc đẩy phát triển tổng thể nền kinh tế, vì sự khác biệt về chất giữa các hoạt động kinh tế và không phải tất cả các ngành đều có khả năng như nhau trong tạo ra tăng trưởng.
Kinh tế học tân Schumpeter coi đổi mới công nghệ là cốt lõi của quá trình chuyển đổi và tăng trưởng kinh tế (Fajnzylber, 1983). Trong đó, chính sách công nghiệp được cho là tập hợp các công cụ chủ yếu bao gồm thể chế khuyến khích, quy định và hình thức tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế, thông qua đó, Nhà nước thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động kinh tế cụ thể hoặc các tác nhân kinh tế dựa trên các ưu tiên phát triển của quốc gia.
Như vậy, cốt lõi của chính sách công nghiệp chính là lựa chọn ngành ưu tiên phát triển, nhằm tạo nên hiệu ứng lan tỏa tích cực về công nghệ và đổi mới với nền kinh tế. Tuy nhiên, việc xây dựng năng lực sản xuất và công nghệ để duy trì sự đổi mới trong dài hạn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Các hoạt động công nghiệp và công nghệ không được tạo ra hoặc phổ biến một cách tự phát. Các thể chế và chính sách có vai trò định hình các chu trình phát triển của các ngành, tác động tới hướng và tốc độ của các tiến bộ kỹ thuật và tăng trưởng. Điều này cho thấy, các chính sách chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển có vai trò quan trọng trong sự phát triển và xác định các động lực cho sự chuyển đổi của hệ thống kinh tế - xã hội.
Nước Anh ở thế kỷ 14 đã thiết kế và triển khai các chính sách để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành dệt. Các biện pháp khuyến khích tài chính đã tạo ra tầng lớp doanh nghiệp chế biến len mới. Ngoài ra, còn có các chương trình thu hút các thương nhân và thợ thủ công lành nghề về làm việc tại Anh quốc nhằm bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ này. Nhật Bản cũng đã xây dựng chính sách tập trung năng lực sản xuất và công nghệ vào các ngành thâm dụng công nghệ: khởi đầu là thép, sau đó là thiết bị điện tử, từ đó tạo ra bước chuyển mình cho các các ngành công nghiệp của quốc gia. Hàn Quốc là quốc gia đã thực hiện chiến lược phát triển theo các giai đoạn công nghiệp hóa rất thành công. Các ngành ưu tiên của Hàn Quốc chuyển dần từ ngành có năng lực công nghệ thấp, ngành dệt may sang các ngành có hàm lượng tri thức cao hơn, như: thiết bị điện tử và các ngành tích tụ công nghệ theo hệ thống.
Vai trò của ngành công nghiệp chế tạo với sự phát triển lan tỏa
Theo Kaldor (1966), ở giai đoạn đầu của phát triển kinh tế, tỷ trọng trong tổng thu nhập được tạo ra bởi khu vực công nghiệp tăng theo thời gian và tỷ lệ lao động làm việc trong ngành chế tạo có xu hướng tang lên, từ đó, tăng thu nhập bình quân đầu người. Trong giai đoạn sau, những nỗ lực, đầu tư về công nghệ và đổi mới sẽ có xu hướng tập trung vào chế tạo. Hơn nữa, khu vực chế tạo sẽ tham gia trong các chuỗi sản xuất phức tạp kết nối ngành công nghiệp với khu vực công nghiệp cơ bản và các dịch vụ. Những nỗ lực công nghệ bắt nguồn từ ngành chế tạo sẽ lan tỏa ra tạo sự phát triển cho các hoạt động như R&D trong ngành cơ khí kim loại và hóa học; ngành điện tử và công nghệ sinh học (Freeman và Louca, 2001)... Ngành chế tạo phát triển sẽ giúp thúc đẩy sự đa dạng hóa và tạo điều kiện cho sự gia tăng của nền kinh tế sản xuất (Fajnzylber, 1983).
Trong danh sách các ngành lựa chọn ưu tiên phát triển của các quốc gia bài viết đề cập tới ở trên đều có ngành công nghiệp chế tạo. Đây là ngành được coi là chiến lược của các nước nghèo trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách với các nước công nghiệp hóa (Reinert, 2007). Ngành chế tạo có khả năng đem lại lợi nhuận, giúp đảm bảo cho quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển ở mức cao hơn và bền vững. Điều kiện để thực hiện thành công là cần có độc quyền về nguyên liệu thô cơ bản làm đầu vào cho hoạt động chế tạo đó và tiếp theo, các quốc gia sẽ thu được lợi nhuận từ thương mại quốc tế.
CÁC CHÍNH SÁCH LỰA CHỌN NGÀNH CÔNG NGHIỆP ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM THỜI GIAN QUA
Việt Nam đã có một lịch sử dài về lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển gắn với chiến lược công nghiệp hóa. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X năm 2006 đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế giai đoạn 2006-2010 với mục tiêu tổng quát nhằm tạo được nền tảng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Trước tiên, ngày 23/4/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển, Việt Nam đã đưa ra 7 nhóm ngành ưu tiên phát triển bao gồm: dệt may, da giày, nhựa, chế biến nông - lâm - thủy hải sản, thép, khai thác chế biến bauxit nhôm, hóa chất và 3 ngành công nghiệp mũi nhọn: cơ khí chế tạo, thiết bị điện tử viễn thông và công nghệ thông tin, sản phẩm từ công nghệ mới như Bảng 1.
Bảng 1: Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn
giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020
TT |
Tên ngành | 2007-2010 | 2011-2015 | 2016-2020 | |||
Công nghiệp ưu tiên | Công nghiệp mũi nhọn | Công nghiệp ưu tiên | Công nghiệp mũi nhọn | Công nghiệp ưu tiên | Công nghiệp mũi nhọn | ||
1 | Dệt may | x |
| x |
| x |
|
2 | Da giày | x |
| x |
| x |
|
3 | Nhựa | x |
|
|
|
|
|
4 | Chế biến nông, lâm, thủy hải sản | x |
| x |
| x |
|
5 | Thép | x |
| x |
|
|
|
6 | Khai thác, chế biến bauxits nhôm | x |
| x |
|
|
|
7 | Hóa chất | x |
| x |
| x |
|
8 | Cơ khí chế tạo |
| x |
| x |
| x |
9 | Thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin |
|
x |
|
x |
|
x |
10 | Sản phẩm tử công nghệ mới |
| x |
| x |
| x |
Nguồn: https://chinhphu.vn.
Tiếp theo, ngày 09/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 879/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, tiếp tục đưa ra quy định các nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, bao gồm: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành điện tử viễn thông, ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Trong đó, ưu tiên phát triển ngành chế biến, chế tạo với các nhóm ngành trụ cột, như: nhóm ngành cơ khí và luyện kim; nhóm ngành hóa chất; nhóm ngành chế biến nông, lâm, thủy sản; nhóm ngành dệt may, da giầy. Chiến lược cũng đã đề ra định hướng đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhóm sản phẩm cơ khí, hóa chất, điện tử viễn thông phục vụ sản xuất công nghiệp. Tăng cường phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng. Từng bước phát triển công nghiệp vật liệu mới và công nghiệp môi trường. Tăng cường phát triển các ngành công nghiệp theo hướng kết hợp mô hình liên kết ngang và liên kết dọc. Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên tại các vùng công nghiệp lõi được hình thành từ mỗi vùng kinh tế trọng điểm và các khu kinh tế ven biển; Chuyển dịch các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, công nghiệp sơ chế, công nghiệp hỗ trợ từ các vùng công nghiệp lõi sang các vùng đệm công nghiệp (Bảng 2).
Bảng 2: Các nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển của Việt Nam đến năm 2025,
tầm nhìn đến năm 2035
TT | Các ngành công nghiệp ưu tiên | Lĩnh vực công nghiệp ưu tiên đến năm 2025 | Định hướng ưu tiên đến năm 2035 |
1 | Chế tạo, chế biến | (1) Máy móc và thiết bị phục vụ nông nghiệp (2) Đóng tàu (3) Ô tô và phụ tùng cơ khí, (4) Thép chế tạo (5) Hóa dầu (6) Nhựa - cao su kỹ thuật (7) Hóa dược (8) Chế biến nông, lâm, thủy sản, (9) Nguyên, phụ liệu cho ngành may mặc, giày dép phục vụ xuất khẩu | (1) Kim loại màu và vật liệu mới (2) Hóa dược (vắc xin) (3) Quần áo thời trang, giày cao cấp |
2 | Điện tử và viễn thông | (10) Thiết bị thông tin viễn thông, (11) Linh kiện điện tử, (12) Phần mềm công nghiệp | (4) Điện tử y tế |
3 | Năng lượng mới và năng lượng tái tạo | (13) Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình | (5) Năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, địa nhiệt, sóng biển) |
Nguồn: https://vanban.chinhphu.vn.
Ngày 22/3/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đưa ra định hướng lựa chọn ngành phải dựa trên kết quả phân tích khách quan lợi thế của đất nước, đó là ngành phải có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế. Nghị quyết đề ra một số định hướng tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp, trong đó, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí, như: ôtô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế (Bảng 3).
Bảng 3: Các nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển của Việt Nam đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2045
TT | Các ngành công nghiệp ưu tiên | Lĩnh vực công nghiệp ưu tiên đến năm 2030 | Định hướng ưu tiên giai đoạn 2030-2045 |
1 | Công nghệ số | Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử | Ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, thiết bị cao cấp, vật liệu mới |
2 | Công nghiệp năng lượng | Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh |
|
3 | Công nghiệp chế biến, chế tạo | Phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế |
|
4 | Công nghiệp quốc phòng | Công nghiệp quốc phòng, an ninh, kết hợp với công nghiệp dân sinh theo hướng lưỡng dụng |
|
5 | Công nghiệp dệt may, da giày | Ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa |
|
6 | Công nghiệp cơ khí | Ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế | Tự động hóa |
7 | Công nghệ sinh học |
| Thế hệ mới của công nghệ sinh học |
Nguồn: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn
ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH LỰA CHỌN NGÀNH ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN THỜI GIAN QUA
Kể từ văn bản chính sách đầu tiên về lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển được ban hành đến nay đã được 17 năm. Để đánh giá việc thực hiện chính sách lựa chọn ngành ưu tiên phát triển thời gian qua, tại bài viết này, tác giả sử dụng chỉ số LQLĐ và LQGTSX các vùng trong cả nước năm 2021 để tính toán theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Hai chỉ số này giúp đánh giá thực trạng tích tụ công nghiệp của một số ngành sản xuất làm cơ sở cho phân tích hiệu quả chính sách lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển thời gian qua.
Phương pháp đánh giá mức độ tập trung ngành theo vùng/địa phương sẽ được sử dụng để phân tích về chuyển dịch cơ cấu ngành dựa trên lợi thế so sánh đánh giá về khai thác lợi thế vùng.
- Mức độ tập trung về lao động: LQLĐ= (ei/e)/(Ei/E). Trong đó:
+ ei: Số lao động trong ngành i tại khu vực.
+ e: Số lao động trong toàn ngành tại khu vực.
+ Ei: Số lao động trong ngành i toàn quốc.
+ E: Số lao động trong toàn ngành toàn quốc.
+ LQLĐ: Mức độ tương đồng khu vực về lao động.
Nếu LQLĐ > 1, khu vực có mức độ tập trung lao động cao hơn so với bình quân chung của quốc gia, nghĩa là khu vực đó có tiềm năng tập trung và phát triển ngành i; ngược lại LQLĐ<1, khu vực có mức độ tập trung lao động thấp hơn so với bình quân chung của quốc gia, nghĩa là khu vực không có tiềm năng phát triển tập trung và phát triển ngành i.
- Mức độ tập trung về giá trị sản xuất: LQGTSX= (oi/o)/(Oi/O). Trong đó:
+ LQGTSX: Mức độ tương đồng khu vực về giá trị sản xuất.
+ oi: Giá trị sản xuất của ngành i tại khu vực.
+ o: Giá trị sản xuất của toàn ngành tại khu vực.
+ Oi: Giá trị sản xuất của ngành i trên toàn quốc.
+ O: Giá trị sản xuất của toàn ngành trên toàn quốc.
Nếu LQGTSX > 1, khu vực có giá trị sản xuất của ngành i cao hơn so với bình quân chung của quốc gia, nghĩa là ngành i có đóng góp tích cực cho hoạt động nhóm ngành đó của địa phương/vùng; ngược lại, LQGTSX < 1, khu vực có giá trị sản xuất của ngành i thấp hơn so với bình quân chung của quốc gia, nghĩa là ngành công nghiệp i chưa có đóng góp tích cực cho hoạt động công nghiệp của địa phương/vùng.
Kết quả đánh giá cho thấy:
- Xét theo tiêu chí mức độ tập trung về lao động, kết quả tại Bảng 4 cho thấy, lao động chủ yếu tập trung ở hai khu vực là Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Đông Nam Bộ (ĐNB). Hầu hết các ngành đều có chỉ số >1; tuy nhiên, để xét mức độ tập trung vượt trội là tương đương 2 hoặc > 2, thì ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có chế biến thực phẩm; vùng ĐNB có dệt, da, hóa chất, hóa dược, cao su và plastic, máy móc thiết bị, giường tủ bàn ghế; vùng ĐBSH có 3 ngành là: điện tử, thiết bị điện, ô tô và xe máy.
Bảng 4: Chỉ số LQLĐ của các vùng trên cả nước năm 2021
Ngành
| ĐBSH | TD MNPB | BTB và DHMT | Tây Nguyên | ĐNB | ĐBSCL |
---|---|---|---|---|---|---|
Sản xuất, chế biến thực phẩm | 1,13 | 0,11 | 0,69 | 0,16 | 0,77 | 2,31 |
Sản xuất đồ uống | 0,29 | 1,31 | 1,12 | 0,59 | 1,36 | 1,33 |
Dệt | 1,08 | 0,33 | 0,48 | 0,36 | 2,08 | 1,03 |
Sản xuất trang phục | 1,57 | 0,63 | 0,83 | 0,16 | 1,42 | 0,60 |
Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan | 0,65 | 0,11 | 0,52 | 0,01 | 2,89 | 0,94 |
Chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre… | 1,33 | 1,50 | 1,05 | 0,16 | 0,59 | 0,97 |
Sản xuất óaá chất và sản phẩm hoá chất | 0,85 | 0,73 | 0,41 | 0,40 | 2,28 | 0,91 |
Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu | 1,42 | 0,29 | 0,68 | 0,08 | 1,87 | 0,73 |
Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic | 1,37 | 0,94 | 0,27 | 0,06 | 1,92 | 0,79 |
Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác | 1,39 | 0,26 | 0,15 | 3,83 | 1,59 | 0,23 |
Sản xuất kim loại | 1,52 | 0,90 | 1,23 | 0,21 | 1,06 | 0,40 |
Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, quang học | 1,85 | 2,09 | 0,33 | 0,13 | 1,17 | 0,17 |
Sản xuất thiết bị điện | 2,36 | 0,15 | 0,12 | 0,00 | 1,72 | 0,48 |
Sản xuất máy móc, thiết bị… | 1,74 | 0,27 | 0,24 | 0,01 | 2,30 | 0,42 |
Sản xuất ô tô và xe có động cơ khác | 2,30 | 0,37 | 0,46 | 0,00 | 1,72 | 0,02 |
Sản xuất giường, tủ, bàn ghế | 1,59 | 0,55 | 0,53 | 0,23 | 1,99 | 0,34 |
Nguồn: Tính toán của tác giả theo số liệu năm 2021 của Tổng cục Thống kê
- Xét theo tiêu chí mức độ tập trung về giá trị sản xuất, kết quả tại Bảng 5 cho thấy, chỉ số xét mức độ tập trung vượt trội là tương đương 2 hoặc > 2, thì ở vùng ĐBSCL có chế biến thực phẩm; vùng ĐNB có da, sản xuất trang phục, hóa chất, giường tủ và bàn ghế; vùng ĐBSH có điện tử, ô tô; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (BTB & DHMT) có chế biến gỗ.
Bảng 5: Chỉ số LQGTSX của các vùng trên cả nước năm 2021
Ngành | ĐBSH | TD MNPB | BTB & DHMT | Tây Nguyên | ĐNB | ĐBSCL |
---|---|---|---|---|---|---|
Sản xuất, chế biến thực phẩm | 0,46 | 0,20 | 0,15 | 0,59 | 1,32 | 2,76 |
Sản xuất đồ uống | 0,59 | 0,16 | 1,62 | 0,91 | 1,49 | 1,09 |
Dệt | 0,68 | 0,10 | 0,46 | 0,26 | 2,09 | 0,72 |
Sản xuất trang phục | 1,15 | 0,68 | 1,22 | 0,15 | 1,98 | 0,65 |
Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan | 0,43 | 0,05 | 0,55 | 0,01 | 2,25 | 1,28 |
Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa… | 0,76 | 1,18 | 1,94 | 0,41 | 1,12 | 0,37 |
Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất | 0,57 | 0,64 | 1,10 | 0,24 | 1,69 | 0,90 |
Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu | 0,81 | 0,09 | 0,77 | 0,02 | 1,58 | 1,41 |
Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic | 1,02 | 0,52 | 0,33 | 0,07 | 1,63 | 0,73 |
Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác | 1,26 | 0,74 | 1,70 | 0,33 | 0,69 | 0,66 |
Sản xuất kim loại | 0,92 | 0,69 | 1,63 | 0,41 | 0,97 | 1,05 |
Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính vàs ản phẩm quang học | 1,76 | 3,06 | 0,02 | 0,00 | 0,28 | 0,01 |
Sản xuất thiết bị điện | 1,28 | 1,30 | 0,10 | 0,00 | 1,28 | 0,38 |
Sản xuất máy móc, thiết bị | 1,62 | 0,08 | 0,58 | 0,20 | 1,13 | 0,30 |
Sản xuất ô tô, xe có động cơ | 1,86 | 0,19 | 0,28 | 0,00 | 0,64 | 0,14 |
Sản xuất giường, tủ, bàn ghế | 0,59 | 0,15 | 0,85 | 0,27 | 2,20 | 0,25 |
Nguồn: Tính toán của tác giả theo số liệu năm 2021 của Tổng cục Thống kê
Một số nhận định
Một số kết quả đạt được
Các ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển có mức độ tích tụ công nghiệp nổi trội. Kết quả của cả 2 chỉ số LQLĐ và LQGTSX các vùng trong cả nước cho thấy, sự tập trung lao động và quy mô sản xuất vào các ngành có lợi thế cạnh tranh tự nhiên của vùng đó là chính. Ngành chế biến thực phẩm tập trung ở vùng ĐBSH và ĐBSCL, chế biến đồ uống có lợi thế ở các vùng, trừ Tây Nguyên và ĐBSH; Ngành dệt may tập trung ở khu vực ĐBSH và Đông Nam Bộ, nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; Ngành chế biến đồ gỗ tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc; Vùng duyên hải miền Trung có lợi thế về sản xuất, chế biến các sản phẩm kim loại. Ngành điện tử, thiết bị điện, dược phẩm và nhiều ngành khác tập trung chủ yếu ở ĐBSH và Đông Nam Bộ.
Như vậy, xét về danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển của Chính phủ trong thời gian qua về cơ bản đã đạt được kết quả tốt. Chỉ có ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo chưa xuất hiện trong danh mục điều tra của Tổng cục Thống kê. Có lẽ quy mô ngành vẫn còn nhỏ chưa đạt được số quan sát cần thiết để lấy số liệu điều tra.
Đóng góp vào tăng trưởng GDP của công nghiệp chế biến, chế tạo liên tục tăng. Từ năm 2015, tỷ trọng GDP của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 14,6% lên 16,2% năm 2016; 17,4% năm 2017 và năm 2018 đạt 18,3%. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 tăng khoảng 9,5%; đóng góp tới hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, nhóm ngành khai khoáng giảm từ 8,8% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống 7,6% năm 2016; 6,6% năm 2017 và 6% cho năm 2018 [9].
Một số hạn chế cần khắc phục
Các ngành có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng vẫn chỉ ở khâu thấp trong chuỗi giá trị
Trong số các ngành ưu tiên theo xác định của Chính phủ, các ngành công nghiệp ưu tiên có tốc độ tăng trưởng khá cao là dệt may, da - giày, thép, điện tử; tuy nhiên, các ngành công nghiệp này chỉ thực sự tham gia được ở một vài khâu có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất trong khi nguồn lực nhà nước hỗ trợ các ngành này thông qua ưu đãi về thuế là khá lớn. Bên cạnh đó, còn nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển khác đã không đạt mục tiêu đề ra [9].
Mức độ liên kết, hợp tác giữa các ngành công nghiệp còn hạn chế
Các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành có mức độ hợp tác còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước còn chậm, nên chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Chưa có sự tham gia mạnh của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu [9].
Hạn chế trong thiết kế chính sách công nghiệp ưu tiên phát triển
Việt Nam đã có 3 văn bản chính sách về các ngành công nghiệp ưu tiên. Các văn bản này đã nêu ra được những ngành công nghiệp cần chú trọng, tuy nhiên, các ngành lựa chọn chưa đặt trong mối quan hệ dọc, ngang, lan tỏa ra các ngành khác trong nền kinh tế nhằm tạo ra sự phát triển theo từng giai đoạn trong phần lý thuyết đã nêu.
Hạn chế từ khâu đánh giá, kiểm tra mức độ thực thi chính sách
Trong thực tế triển khai, các kết quả cho thấy, các chính sách công nghiệp ưu tiên chưa đạt được các mục tiêu kỳ vọng. Nguyên nhân của việc này một phần đến từ việc thiếu khâu thực hiện đánh giá, kiểm tra mức độ thực thi chính sách công ở Việt Nam nói chung [13]. Mỗi giai đoạn cần đánh giá xem ngành công nghiệp cốt lõi đã đạt được mức độ phát triển cần thiết chưa. Các ngành có tạo ra sự phát triển lan tỏa như mong muốn hay không. Cần có các con số, chỉ tiêu, công cụ phân tích và các nguồn lực, chế tài thực hiện nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.
Còn nhiều hạn chế khác nữa, nhưng trong phạm vi bài viết này chỉ nêu một số vấn đề chính liên quan đến hàm ý về chu trình chính sách công trong quản lý mục tiêu. Thực trạng trên đặt ra nhu cầu cần có chiến lược tổng thể cho ngành công nghiệp ưu tiên trong tổng thể chiến lược công nghiệp nói chung. Đó sẽ là cơ sở để xây dựng các chính sách chọn ngành theo các chu kỳ, giai đoạn để triển khai theo chiến lược tổng thể đó. Các chính sách chọn ngành cần được dành nguồn lực để đảm bảo sự thực thi hiệu quả, đúng hạn. Các mục tiêu đề ra cần kiên trì, kiên quyết thực hiện bằng được nhằm đem lại lợi ích chung cho sự phát triển của xã hội. Muốn vậy, mỗi chính sách cần nghiên cứu có các công cụ phân tích, hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể cho mỗi thời kỳ.
KHUYẾN NGHỊ TRIỂN KHAI CHU TRÌNH CHÍNH SÁCH CHỌN NGÀNH CÔNG NGHIỆP ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM
Tuân thủ chu trình chính sách 5 giai đoạn
Mỗi quốc gia đều sở hữu những nguồn lực hữu hạn trong phát triển kinh tế, vì vậy, việc lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển sẽ giúp các quốc gia hình thành lợi thế cạnh tranh riêng của mình. Việc này cần phải được tiến hành dựa trên đánh giá, phân tích kỹ lưỡng về lợi thế tự nhiên, lao động và khả năng tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ phát triển. Bản chất của việc lựa chọn ngành nào phụ thuộc vào chiến lược, định hướng mô hình tăng trưởng của nền kinh tế, để tạo ra các giai đoạn tăng trưởng và phát triển. Việc xây dựng lợi thế cạnh tranh quốc gia để có thể đem lại sự thịnh vượng dựa vào mô hình sản xuất công nghiệp để xuất khẩu hay xây dựng các cụm liên kết ngành, tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế cần được cân nhắc rõ ràng.
Dù lựa chọn mô hình nào thì việc lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trở thành ngành công nghiệp lõi ở giai đoạn 1 là vô cùng quan trọng. Ngành được lựa chọn phải phù hợp với chiến lược và cần phải đánh giá được hiệu quả theo các mục tiêu đã đề ra. Nếu không đảm bảo được các mục tiêu, hiệu quả mong muốn, thì sẽ phải chuyển sang chiến lược mới gây lãng phí nguồn lực và làm chậm tiến độ phát triển của đất nước. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đề xuất việc triển khai chu trình chính sách 5 giai đoạn với các chính sách lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển đã ban hành như Hình.
Hình: Chu trình chính sách công
Nguồn: Sabatier, P (2007)
Thực tiễn cho thấy, các chính sách công ở Việt Nam vẫn chưa được thực thi theo đúng chu trình 5 giai đoạn [13]. Các khâu trong chu trình từ bước phát hiện vấn đề cho tới đánh giá chính sách cần phải được thực hiện tuần tự, chỉn chu, với hệ thống luật pháp và các bên hữu quan, nhằm đảm bảo chu trình được thực hiện thành công. Việc này giúp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tránh lãng phí nguồn lực do thất bại chính sách.
Đánh giá khách quan trong lựa chọn ngành ưu tiên phát triển
Những ngành được lựa chọn cần phải gắn với năng lực cạnh tranh quốc gia. Những trụ cột lợi thế cạnh tranh của Việt Nam cần dựa trên việc phân tích các chuỗi giá trị mà doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia. Đây sẽ là những đầu tàu kinh tế trong phát triển công nghiệp Việt Nam.
Để làm được việc này, cần thiết phải đánh giá sự tích tụ công nghiệp ở các vùng, miền trong thời gian qua, cũng như lợi thế cạnh tranh chính của Việt Nam trong vòng 20-30 năm tới trên trường quốc tế là gì cũng cần được xác định. Đây sẽ là chiến lược tổng thể cho phát triển nền kinh tế. Vì vậy, cần tính toán kỹ trong lựa chọn những ngành làm trụ cột kinh tế chính cho quốc gia; để xây dựng nền tảng cho những ngành này, thì cần có những ngành nào làm hỗ trợ. Đồng thời, cũng cần trả lời câu hỏi: Việc phát triển ngành chính nên dựa vào thế mạnh công nghiệp quốc gia hay có sự chuyển giao từ nước ngoài…
Về cơ bản, ngành được lựa chọn phát triển nên dựa trên lợi thế tự nhiên của Việt Nam để có thể phát triển thành quy mô lớn. Việc này sẽ giúp xây dựng thương hiệu, hình ảnh sản phẩm Việt Nam, gia tăng năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Ngành được lựa chọn sẽ phải được phân tích, đánh giá lợi thế, chiến lược phát triển cụ thể. Từ đó, có đề xuất vai trò của Nhà nước để kịp thời có những hỗ trợ phù hợp. Chính sách hỗ trợ đi theo hướng lựa chọn ngành để tập trung nguồn lực hỗ trợ, không dàn trải trong bối cảnh nguồn lực Việt Nam có hạn.
Trong số ngành được lựa chọn, có thể sẽ có những ngành của riêng Việt Nam, nhưng cũng có thể có cả những ngành mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia một phần trong chuỗi giá trị đó. Mỗi ngành đều mang trong mình những sứ mệnh riêng với nền kinh tế. Một số ngành có thể là công cụ để cải thiện “lợi thế quốc gia” của một số ngành hoặc chuỗi giá trị nhất định; một số ngành có khả năng xây dựng hay cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao hiệu quả kinh tế và sự phát triển của một số lĩnh vực nào đó. Có thể nói, đây sẽ là những chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để xây dựng những lợi thế cạnh tranh riêng cho nền kinh tế Việt Nam. Mỗi ngành công nghiệp được lựa chọn cần có chính sách phát triển riêng. Theo đó, tùy theo đặc điểm, tính chất của mỗi ngành thì Nhà nước sẽ hình thành các chính sách hỗ trợ khác nhau.
Thực hiện triển khai chính sách hiệu quả
Chính sách lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phát triển là trọng tâm của chinh sách công nghiệp, nên Chính phủ cần dành nguồn lực tối đa cho việc triển khai chính sách này. Những ngành được ưu tiên lựa chọn cần có những chính sách riêng nhằm hỗ trợ phát triển, như: xây dựng nguồn nhân lực chuyên môn hóa, cơ sở hạ tầng hiện đại, khoa học và công nghệ phù hợp. Cần có các chính sách dành nguồn lực xây dựng hệ thống đổi mới dựa trên khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành được chọn để đảm bảo sự thành công. Hệ thống chính sách liên quan đến ngành được lựa chọn cần đa dạng và phải đồng bộ mới triển khai được. Các văn bản chưa ủng hộ hoặc ngược lại với việc phát triển ngành cần được điều chỉnh, sửa đổi nhằm thể hiện sự nhất quán trong thực hiện triển khai.
Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả tác động của các ngành được lựa chọn tới mục tiêu phát triển kinh tế
Các chính sách lựa chọn cần có cơ sở lựa chọn khoa học để nêu rõ lý do tại sao lựa chọn ngành đó. Cần xây dựng lộ trình rõ ràng phát triển công nghiệp của đất nước, với định hướng cụ thể theo từng thời kỳ làm cơ sở cho việc chọn ngành. Việc lựa chọn ngành phát triển theo 3 giai đoạn của sự phát triển cần có sự phân tích, đánh giá xem đã lựa chọn đúng ngành cần chuyển đổi chưa. Ví dụ, ở giai đoạn 1, việc chuyển đổi cơ cấu các ngành nông nghiệp sang các ngành công nghiệp có năng suất cao hơn đã thực hiện được chưa. Tương tự, giai đoạn 2, yếu tố công nghệ của những ngành lựa chọn là những ngành nào để đem lại 3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bao gồm: công nghệ, tích lũy vốn và lực lượng lao động theo mô hình tăng trưởng của Robert Solow. Giai đoạn 3 là giai đoạn công nghệ tạo ra tác động lan tỏa tăng trưởng cho toàn bộ nền kinh tế và vai trò của ngành công nghiệp chế tạo được đề cao. Do đó, cần phải xây dựng những tiêu chí cụ thể, minh bạch, rõ ràng, giúp rà soát, đánh giá được phạm vi tác động của các ngành lựa chọn đến các mục tiêu phát triển được đề ra trong từng thời kỳ trước khi lựa chọn ngành chính thức.
Triển khai đánh giá hiệu quả chính sách định kỳ
Các tiêu chí đánh giá hiệu quả chính sách lựa chọn ngành ưu tiên phát triển cần dựa trên trọng tâm là việc hình thành các nền tảng cho sự phát triển lan tỏa cho nền kinh tế. Mỗi giai đoạn chính sách đều cần có mục tiêu thể hiện bằng các con số cụ thể để triển khai đánh giá sau mỗi thời kỳ. Trong Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg, ngày 23/4/2007 không có phần mục tiêu chính sách, nhưng tới Quyết định số 879/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 09/6/2014 thì đã có mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của từng ngành rất rõ ràng. Đây sẽ là căn cứ để Chính phủ thực hiện đánh giá hiệu quả của các chính sách đã ban hành.
Việc phân tích tác động lan tỏa của các ngành được lựa chọn đến các ngành khác trong nền kinh tế có thể sử dụng bảng cân đối liên ngành để nhìn thấy được các liên kết dọc và ngang được tạo ra. Việc đánh giá hiệu quả chính sách công nên tiếp cận theo cách phân tích hiệu quả - chi phí trong mối quan hệ tương quan giữa hiệu quả đầu tư công với đầu tư xã hội, lượng chi phí bỏ ra và hiệu quả đạt được. Một số chỉ tiêu, chỉ số nên sử dụng đánh giá từng ngành, bao gồm: Chỉ số RCA; tỷ lệ giá trị gia tăng/tổng sản phẩm sản xuất; năng suất lao động; tăng trưởng năng suất lao động; tỷ trọng đóng góp của khu vực nội địa; tỷ lệ tạo việc làm trong tổng việc làm của ngành chế biến, chế tạo; thu nhập của người lao động; tỷ lệ lao động làm việc có bảo hiểm; tỷ lệ lao động có hợp đồng lao động; tiêu dùng năng lượng; phát thải CO2…/.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chang, H-J (1994), The Political Economy of Industrial Policy, Macmillan Press.
2. Cimoli, Dosi, Nelson, and Stiglitz (2006), Institution and policies shaping industrial development: An introductory note, LEM (Laboratory of Economics and Management), Working Paper Series.
3. Fajnzylber (1983), Theory and practice of industrial policy: Evidence from the Latin America experience, Serie Desarrollo productive, 187.
4. Freeman, C and F. Louca (2001), As time goes by, from the Industrial Revolutions to the Information Revolution, Oxford University Press.
5. Hirschman (1958), The Strategy of economic development, Yale University Press.
6. Johnson (1984), The Industrial Policy Debate, San Francisco Institute for Contemporary Studies.
7. Kaldor, N (1966), Causes of the Slow Rate of Growth of the United Kingdom, Cambridge University Press.
8. Landesmann. M (1992), Industrial policies and social corporatism, Social Corporatism, Oxford Clarendon Press.
9. Lê Anh Tú (2023), Giải pháp chuyển đổi ngành công nghiệp Việt Nam theo hướng công nghệ tiên tiến và có giá trị gia tăng cao, truy cập từ https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/giai-phap-chuyen-doi-nganh-cong-nghiep-viet-nam-theo-huong-cong-nghe-tien-tien-va-co-gia-tri-gia-tang-cao-5507.4050.html.
10. Lewis, W.A (1954), Economic development with unlimited supplies of labor, Manchester School of Economic and Social Studies, 22.
11. Myrdal (1956), The Political Element in the Development of Economic Theory, Harvard University Press.
12. Nelso. R and Winter. S (1982), An Evolutionary Theory of Economic Growth, Havard University Press.
13. Nguyễn Đăng Thành (2012), Đánh giá chính sách công ở Việt Nam: vấn đề và giải pháp, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/19245/danh-gia-chinh-sach-cong-o-viet-nam--van-de-va-giai-phap.aspx.
14. Nurkse, R. (1953), Problem of Capital Formation in Underdeveloped Countries, Oxford University Press, Nueva York.
15. Pinder, J. (1982), Cause and kinds of industrial policy, National Industrial Strategies and the World Economy, Croom Helm, London.
16. Prebisch (1950), The Economic Development of Latin America and its Principal Problems, United Nations, New York.
17. Reich (1982), Making Industrial Policy, Foreign Affairs, 60(4).
18. Reinert (2007), How rich countries got rich and why poor stay poor, Constable London.
19. Robert Solow (1987), Growth Theory and After, SBN: 019501295X, Oxford University Press, USA
20. Sabatier, P. (2007), Theories of the Policy process, Westview Press.
21. Schumpeter, J.A (1934), The Theory of Economic Development, Cambridge, Havard University Press.
Ngày nhận bài: 03/7/2024; Ngày phản biện: 25/7/2024; Ngày duyệt đăng: 09/8/2024 |
Bình luận