Lương cán bộ, công chức: Gần ba năm chờ - nay sẽ tăng hay chờ tiếp?
Mới đáp ứng 35,6% nhu cầu chi tối thiểu
Theo báo cáo tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, hiện mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được thực hiện và giữ nguyên từ giữa năm 2013 đến nay (2015) vẫn là 1,15 triệu đồng/tháng.
Trong khi, khối doanh nghiệp vẫn tăng hàng năm và chuẩn bị năm 2016 có thể tăng ở mức Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất là 12,4%. Như vậy, hiện lương cơ sở mới chỉ đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu bình quân 4 vùng của khu vực doanh nghiệp (2,6 triệu đồng/tháng) và tính ra mới đạt 35,6% so với mức chi cho nhu cầu tối thiểu (3,23 triệu đồng/tháng).
Nhìn lại quá trình từ năm 2003 đến 2013, đã có 9 lần điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu chung (nay là lương cơ sở) của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Tương ứng, mức tăng từ 210.000 đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng. Tháng 04/2014, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự kiến điều chỉnh mức lương cơ sở từ năm 2015 đến 2020 tăng bình quân từ 7%-8%/năm. Theo đó, đến năm 2020, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng (tăng thêm 56,5% so với hiện nay). Tuy nhiên, do khả năng ngân sách nhà nước năm 2015 không bố trí đủ nguồn thực hiện phương án nêu trên, Chính phủ đã trình Quốc hội thực hiện điều chỉnh tiền lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước tăng thêm 8% từ ngày 01/01/2015 đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống.
Có thể thấy, đến năm 2015, sau 12 năm thực hiện cải cách tiền lương, đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn.
Tiền lương vẫn là "nỗi lo canh cánh" đối với các cán bộ công chức nhà nước
Hoãn tăng lương cơ sở năm thứ tư?
Có thể thấy, việc tăng lương cơ sở là điều mong chờ nhất của cán bộ, công chức hiện nay. Tuy nhiên, trong Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại phiên họp cho ý kiến về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện ngân sách năm 2015, kế hoạch năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại không hề đề cập kế hoạch điều chỉnh lương cơ sở theo lộ trình.
Lý do được Bộ trưởng Dũng đưa ra là khó khăn trong cân đối ngân sách nhà nước. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng (tăng 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so ước thực hiện năm 2014). Tuy nhiên, theo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, tăng thu ngân sách nhà nước chủ yếu từ ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn ngân sách trung ương vẫn hụt thu 31.300 tỷ đồng (vì giá dầu thô giảm sâu).
Để bù hụt thu ngân sách trung ương, Chính phủ đề nghị phương án sử dụng một phần tiền bán bớt cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp (khoảng 10.000 tỷ đồng). Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương không gây áp lực cho ngân sách trung ương về vấn đề tiền lương. Theo đó, các địa phương cần thắt 5% chi thường xuyên để đảm bảo việc chi lương của địa bàn mình.
Điều này có nghĩa việc tăng lương cơ sở theo lộ trình có thể tiếp tục hoãn lại trong năm 2016, sau 3 năm liên tiếp không tăng.
Tuy nhiên, chia sẻ về quan điểm ngân sách không có tiền để tăng lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Bộ Tài chính không nên nói “cứng” là không tăng lương mà cần phải tính toán thêm có cách nào đó hay không? Xem thu và chi của chúng ta hiện nay có cân đối hay không?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: lương tối thiểu của khối doanh nghiệp hiện đã cao hơn gấp 2 lần lương cơ sở mà 3 năm nay mức lương với khu vực công vẫn chưa thay đổi. Nếu năm 2016 vẫn không đặt vấn đề tăng lương cho cán bộ, công chức có hệ số từ 2,34 trở lên, tức năm thứ tư liên tiếp không tăng lương cơ sở, trong khi bản thân mức lương này đang quá thấp (mới đạt 1,15 triệu đồng/tháng) thì Chính phủ cần cân nhắc kỹ, vì mức sống tối thiểu của người lao động hiện được đánh giá là chưa đạt được.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng khẳng định “Đã đưa ra lộ trình tăng lương thì cần phải sắp xếp thu - chi ngân sách để tăng cho hợp lý đảm bảo ổn định đời sống nhân dân và an sinh xã hội”.
Ngoài ra, nhiều ý kiến của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Dân tộc Quốc hội cũng đồng tình quan điểm cần thiết tăng lương cơ sở, nhưng hiện khu vực hành chính hoạt động kém hiệu quả, cồng kềnh, năng suất lao động thấp, tăng lương cơ sở năm tới cần cân nhắc để phù hợp, đúng đối tượng, nhằm đảm bảo kích thích tăng trưởng, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách trung và dài hạn để trả nợ quốc gia theo kết hoạch từ năm 2015-2020.
Việc kinh tế đất nước khó khăn, thu chi ngân sách eo hẹp người dân cũng đã rất chia sẻ với Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế lương cơ sở đã bị kìm giữ 3 năm không tăng như lộ trình điều chỉnh đã đặt ra, trong khi nhu cầu sống ngày càng tăng đã khiến cán bộ, viên chức đã phải tìm nhiều cách để tăng thu nhập. Trong bối cảnh đất nước muốn tăng năng suất, chất lượng lao động để hội nhập thì vấn đề bảo đảm mức lương là việc đầu tiên cần xem xét./.
Bình luận