Minh bạch hóa để bảo vệ quyền lợi cho lao động xuất khẩu
Doanh nghiệp vi phạm trong hợp đồng lao động
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam đưa được hơn 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Riêng trong 10 tháng năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 106.127 lao động, đạt 101,07% kế hoạch năm 2017 và bằng 107,84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, hoạt động xuất khẩu lao động những năm gần đây đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo cũng như tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, thủ tục rườm rà, thiếu minh bạch, cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn tồn tại là những những hạn chế làm giảm hiệu quả của hoạt động này.
Mặc dù hoạt động xuất khẩu lao động đã có những bước tiến đáng kể song Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Doãn Mậu Diệp cũng thừa nhận công tác này còn nhiều hạn chế, trong đó phải kể đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tuy đông, nhưng không mạnh.
Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Đến nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép cho tổng số 345 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động; song cũng thu hồi giấy phép của rất nhiều doanh nghiệp do vi phạm các quy định của Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngày 06/11/2017 vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước, đã công bố danh sách 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị thu hồi giấy phép hoạt động. Các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động phần lớn là doanh nghiệp đang hoạt động ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động chủ yếu do vi phạm các quy định trong Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như: không làm thủ tục đổi giấy phép; doanh nghiệp không trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp giấy phép không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài; cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định; không thực hiện phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài…
Vẫn còn tồn tại “giấy phép con”
Bên cạnh vấn đề vướng mắc từ phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh vấn đề giấy phép con khi đến địa phương gây khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Ngày 08/03/2017, tại Hội nghị "nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng", ông Nguyễn Văn Minh, chủ doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở Thanh Hóa, bức xúc đề cập đến tình trạng giấy phép con và những quy định "bất thành văn".
Theo ông, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài bởi tình trạng giấy phép con. Hợp đồng của công ty được Bộ cho phép tuyển dụng, tỉnh cũng đồng ý để doanh nghiệp tiếp xúc người lao động nhưng cứ tới huyện là mắc. Có nơi ròng rã 3 tháng trời, người của ông Minh không xuống nổi xã để tiếp xúc với lao động, vì huyện không cho, bắt phải chờ duyệt theo quy trình xin giấy xuống từng thôn, xã.
Nằm chờ giấy phép của huyện, doanh nghiệp tranh thủ cho người xuống địa bàn tìm hiểu xem người dân muốn đi xuất khẩu lao động hay không, có những hộ dân khó khăn nợ vài triệu đồng mà 5 năm chưa trả được, tuy nhiên huyện không cho người của doanh nghiệp vào, thậm chí công an huyện bắt nhốt. Doanh nghiệp tố với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa thì Sở kêu không chỉ đạo được, phải tìm đến Tỉnh.
Ông Minh bức xúc nói."Điều này là luật bất thành văn rồi. Nếu Bộ trưởng hỏi 282 doanh nghiệp họp ở đây có hay không, tôi dám chắc giơ tay hết. Chúng tôi xin công văn, tỉnh đồng ý nhưng huyện không cho gặp, đúng kiểu trên rải thảm, dưới rải đinh. Có chủ tịch huyện còn nói với tôi rằng nhiều năm nay không có xuất khẩu lao động cũng không chết ai".
Ông Minh cho rằng nguyên nhân các huyện gây khó cho doanh nghiệp một phần do tư duy cứng nhắc, chưa đặt cao lợi ích của người dân. Có những huyện dùng chiêu trò này để hạn chế doanh nghiệp Trung ương hoặc từ tỉnh khác tới, để cho doanh nghiệp "sân sau" của mình hoạt động.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, cần nhìn nhận ở cả hai phía, với địa phương là vấn đề quản trị lao động còn hạn chế, phía doanh nghiệp là chưa xây dựng được thương hiệu, năng lực yếu kém dẫn đến nhiều sai phạm.
Cần sự quyết liệt từ chính quyền
Các doanh nghiệp muốn phát triển thị trường thì cần nâng cao năng lực quản trị cũng như xây dựng uy tín, thương hiệu với người lao động. Ttheo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, doanh nghiệp phải hết sức công khai, minh bạch về hợp đồng lao động như: địa điểm, thời gian làm việc, tiền lương và các loại phí cần thu.
Ông Lợi nói: “Chúng ta có nhiều doanh nghiệp tốt nhưng cũng có những doanh nghiệp “quân tử không nhất ngôn”, lúc tư vấn bảo chi phí chỉ hết 30 triệu đồng nhưng dần dần cứ thu thêm thì người dân bức bách là rõ ràng”.
“Tôi đi rất nhiều địa phương thấy người dân quá khổ, đã nghèo phải vay tiền đi xuất khẩu mà bị đuổi về. Những cái này doanh nghiệp phải giúp người lao động. Quan trọng nhất là phải tư vấn, đào tạo ngoại ngữ cho đủ độ. Chúng tôi đi sang kiểm tra tại Hàn Quốc, Nhật Bản thấy, các chủ doanh nghiệp đều nói lao động Việt Nam không đề xuất do không biết tiếng, nếu như nâng thêm 5% tiền lương cũng là vấn đề chấp nhận được nếu yêu cầu”, ông Lợi khẳng định.
Từ thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp dịch vụ không chỉ cần đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mà còn cần tập huấn cho người lao động cả văn hóa, phong tục tập quán để hòa nhập với môi trường nước sở tại, vì người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước.
Ông Lợi cho rằng: “Xuất khẩu lao động là cần thiết để phát triển kinh tế nhưng không phải bằng mọi giá, vì điều này không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn cả về mặt văn hóa, xã hội".
Về vấn đề giầy phép con của địa phương, trước phản ánh của doanh nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết: "Nếu huyện nào yêu cầu như vậy thì cứ gọi điện cho tôi. Tôi sẽ có ý kiến với lãnh đạo tỉnh để xử lý".
Theo ông, thời gian tới Bộ sẽ kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà hoặc “giấy phép con” theo 2 hướng. Nếu thủ tục từ phía đối tác nước ngoài thì sẽ đàm phán lại; nếu xuất phát từ phía các ngành, Bộ sẽ tích hợp quy định còn nằm rải rác ở nhiều văn bản vào thành thông tư, nhằm giúp doanh nghiệp và người lao động dễ theo dõi. Người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét 2 đề án về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đề án về đưa lao động có trình độ cao đi xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, phải cố gắng cải cách thủ tục hành chính làm sao cơ chế thật thông thoáng và cụ thể, vì hiện nay có quá nhiều văn bản, thông tư gây khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt, chính quyền phải coi xuất khẩu lao động như một giải pháp để tăng trưởng kinh tế, song không đánh đổi kinh tế để gây tổn hại cho người lao động./.
Bình luận