FATF KHUYẾN NGHỊ VỀ MINH BẠCH THÔNG TIN CSHHL

FATF là một tổ chức liên chính phủ được thành lập vào năm 1989 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Paris, Pháp nhằm đáp ứng nhu cầu chung của các quốc gia G7 về việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền (PCRT). Trong những năm đầu thành lập, FATF tập trung vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về PCRT và thúc đẩy các quốc gia thành viên thực thi các tiêu chuẩn này, sau đó nhiệm vụ của FATF được mở rộng thêm sang chống tài trợ khủng bố và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các khuyến nghị của FATF đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới chấp nhận và thực thi, góp phần quan trọng vào việc tăng cường an ninh tài chính quốc tế.

Nhiều nghiên cứu và báo cáo của các tổ chức quốc tế nhận định, các công ty bị lạm dụng để che giấu danh tính của tội phạm, che giấu nguồn gốc thực sự hoặc việc sử dụng các nguồn tiền và chuyển tiền thu được từ tội phạm giữa các quốc gia[1]. Nhận thức được rủi ro từ việc lạm dụng các công ty và vấn đề che giấu thông tin CSHHL trong các hoạt động trốn thuế và các tội phạm tài chính khác, nhiều sáng kiến ​​ đã được được thực hiện ở cấp độ quốc tế và khu vực để đảm bảo minh bạch thông tin về CSHHL, theo đó các nước được khuyến khích xây dựng các cơ chế và hệ thống hiệu quả để đảm bảo thông tin CSHHL có sẵn và cho phép các cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận thông tin CSHHL đầy đủ, chính xác và cập nhật. Tăng cường tính minh bạch của pháp nhân từ lâu cũng là một trong các nội dung ưu tiên của FATF, thể hiện ở Khuyến nghị 24 và Khuyến nghị 25[2] năm 2012. Tháng 3/2022, FATF đã ban hành bản sửa đổi Khuyến nghị 24 nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp minh bạch thông tin CSHHL, theo đó, yêu cầu bắt buộc các quốc gia thu thập và lưu giữ thông tin về CSHHL và đảm bảo các cơ quan liên quan có thể tiếp cận thông tin này kịp thời.

MINH BẠCH THÔNG TIN CSHHL THEO KHUYẾN NGHỊ CỦA FATF

Theo FATF, CSHHL được định nghĩa như sau: “CSHHL đề cập tới (các) cá nhân là người sở hữu hoặc kiểm soát cuối cùng đối với một khách hàng và/hoặc là cá nhân mà thay mặt cho người đó, giao dịch đang thực hiện. Khái niệm này cũng bao gồm cả những người thực hiện quyền kiểm soát thực sự cuối cùng đối với một pháp nhân hoặc một thỏa thuận pháp lý”.

Như vậy, thông tin về CSHHL là thông tin liên quan đến cá nhân cuối cùng sở hữu hoặc kiểm soát pháp nhân, trong đó có trường hợp quyền sở hữu được xác lập qua nhiều chuỗi quan hệ sở hữu hoặc qua các hình thức kiểm soát không trực tiếp đối với pháp nhân.

Minh bạch thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính thế giới
Cần triển khai cơ chế thu thập và lưu trữ thông tin CSHHL của doanh nghiệp tại Việt Nam
trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

FATF khuyến nghị các quốc gia thực hiện cách tiếp cận đa hướng để đảm bảo cơ quan có thẩm quyền có thể kịp thời xác định CSHHL của một công ty, gồm có: (i) Cách tiếp cận từ góc độ doanh nghiệp, theo đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ thu thập và lưu giữ thông tin CSHHL đầy đủ, chính xác và cập nhật và cung cấp kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền; (ii) Cách tiếp cận từ góc độ cơ quan, tổ chức ở khu vực công, theo đó, các cơ quan có thẩm quyền được yêu cầu lưu giữ thông tin CSHHL, thông tin không chỉ được lưu giữ bởi một cơ quan duy nhất; (iii) Cách tiếp cận sử dụng các thông tin sẵn có liên quan đến CSHHL, theo đó, các cơ quan quản lý, thị trường chứng khoán hoặc các chủ thể được giao nhiệm vụ PCRT-TTKB theo luật của quốc gia (có thể là ngân hàng, luật sư, kế toán, quỹ tín thác và các công ty cung cấp dịch vụ doanh nghiệp…) phải thu thập và lưu giữ thông tin CSHHL và cung cấp kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền.

Việc quyết định cách tiếp cận nào là do quốc gia lựa chọn trên cơ sở rủi ro, bối cảnh cụ thể, nhưng cần bao gồm những nội dung sau:

- Các quốc gia phải yêu cầu các doanh nghiệp thu thập và nắm giữ thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về CSHHL của doanh nghiệp mình; hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền ở mức tối đa có thể để xác định CSHHL, bao gồm cả việc cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về thông tin CSHHL của doanh nghiệp.

- Các quốc gia phải yêu cầu thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về CSHHL của pháp nhân do cơ quan có thẩm quyền nắm giữ (ví dụ: cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) hoặc cơ quan đăng ký CSHHL). Lưu ý không chỉ có một cơ quan duy nhất nắm giữ những thông tin này.

- Tất cả các cá nhân, cơ quan chức năng và các tổ chức được đề cập ở trên, và bản thân doanh nghiệp (hoặc người quản lý, những người có liên quan đến việc hoạt động và sự tồn tại của doanh nghiệp), phải duy trì thông tin và hồ sơ trong ít nhất 5 năm sau ngày khi doanh nghiệp bị giải thể hoặc không còn tồn tại.

- Các quốc gia cần có cơ chế đảm bảo rằng, thông tin cơ bản và thông tin về CSHHL là đầy đủ, chính xác và cập nhật, bao gồm: thông tin được cung cấp cho cơ ĐKKD và bất kỳ thông tin sẵn có nào được đề cập trong Khuyến nghị 24, đoạn 7. Thông tin đầy đủ là thông tin đủ để xác định (các) thể nhân là (các) CSHHL, và các phương tiện và cơ chế thông qua đó, họ thực hiện quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát có lợi. Thông tin chính xác là thông tin đã được xác minh để xác nhận tính chính xác thông qua sử dụng các tài liệu, dữ liệu hoặc thông tin đáng tin cậy, có nguồn gốc/được thu thập một cách độc lập. Thông tin cập nhật là thông tin hiện tại và cập nhật nhất có thể, đồng thời được cập nhật trong một khoảng thời gian hợp lý (ví dụ: trong vòng 1 tháng sau bất kỳ thay đổi nào).

Một số thông lệ tốt tại các quốc gia trong việc triển khai thực hiện Khuyến nghị 24 của FATF được ghi nhận như sau:

- Cải cách khung khổ pháp lý: Xây dựng các quy định đáp ứng yêu cầu về CSHHL của FATF trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành về phòng chống tham nhũng, RT-TTKB; hoặc ban hành luật mới cho phép thu thập dữ liệu quan trọng về CSHHL hoặc yêu cầu doanh nghiệp thu thập, lưu giữ và cung cấp thông tin CSHHL cho các cơ quan liên quan. Kinh nghiệm tại một số nước cho thấy, các quốc gia có thể cân nhắc thành lập một nhóm công tác, bao gồm tất cả các cơ quan liên quan và cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm về CSHHL (ví dụ: cơ quan thuế, cơ quan phòng chống tham nhũng, cơ quan chuyên ngành...); xem xét việc chỉ định cơ quan chủ trì, điều phối nhóm công tác liên ngành nhóm về minh bạch thông tin CSHHL. Ngoài ra, cần làm rõ các nội dung sau trong khung khổ pháp lý liên quan đến minh bạch thông tin CSHHL: trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong thu thập, lưu giữ, cung cấp kịp thời thông tin CSHHL; thống nhất một khái niệm duy nhất về CSHHL; xác định rõ phạm vi các pháp nhân chịu sự điều chỉnh của quy định minh bạch thông tin CSHHL; quy định cụ thể cơ quan đầu mối có trách nhiệm và có quyền thu thập, lưu giữ và xác minh thông tin CSHHL.

- Thu thập và công bố dữ liệu về CSHHL: Qua tổng kết thực tiễn tại một số quốc gia, các chuyên gia khuyến nghị một số thông tin về CSHHL cần được thu thập, lưu giữ như sau: Tên chính thức của CSHHL, ngày cấp và số căn cước hoặc hộ chiếu; Số hộ chiếu, ngày cấp và quốc gia cấp đối với cá nhân nước ngoài; Ngày và nơi sinh; Quốc tịch; Nước cư trú; Địa chỉ cư trú; Địa chỉ liên lạc nếu khác với địa chỉ cư trú; Mã số thuế; Hình thức cá nhân nắm giữ quyền SHHL - tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc loại hình kiểm soát khác; Ngày các cá nhân có được quyền kiểm soát đó; Ngày có bất kỳ thay đổi nào về thông tin quyền SHHL; Thông tin chi tiết về người được ủy quyền có trách nhiệm kê khai thông tin về SHHL thay mặt cho pháp nhân...

- Về vấn đề kỹ thuật: Cần xem xét việc xây dựng một hệ thống ứng dụng tin học riêng dành cho việc thu thập, lưu giữ thông tin về CSHHL hay tích hợp thông tin này vào hệ thống đã có về thông tin doanh nghiệp. Điều này phụ thuộc vào mức độ phức tạp của hệ thống đăng ký doanh nghiệp hiện có tại mỗi quốc gia, nguồn lực sẵn có cho việc sửa đổi, nâng cấp hệ thống này hoặc phát triển, xây dựng hệ thống mới. Cần đảm bảo dữ liệu luôn được cập nhật và cơ quan được giao thẩm quyền thu thập, lưu giữ và cung cấp thông tin CSHHL có cơ sở pháp lý, các công cụ và nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này./.

Đỗ Thu Hà

Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Asian Development Bank (2022), Benefcial ownership transparency in Asia and the Pacific.

2. FATF (2019), Best Practices on Beneficial Ownership for Legal Persons, FATF, Paris.

3. FATF (2012), International Standards on Combating Money Laundering and the Financing of Terrorism and Proliferation: The FATF Recommendations, Paris: Financial Action Task Force.

4. FATF and Egmont Group (2018), Concealment of Beneficial Ownership.

5. Hà Hồng Hà (2018), Hiểm họa toàn cầu từ công ty ẩn danh, truy cập tại https://nhandan.vn/hiem-hoa-toan-cau-tu-cong-ty-an-danh-post336046.html.

6. Hiếu Minh (2023), Sự cần thiết triển khai cơ chế thu thập và lưu trữ thông tin chủ sở hữu hưởng lợi doanh nghiệp tại Việt Nam, truy cập tại https://kinhtevadubao.vn/su-can-thiet-trien-khai-co-che-thu-thap-va-luu-tru-thong-tin-chu-so-huu-huong-loi-doanh-nghiep-tai-viet-nam-27104.html.

7. OECD (2001), Behind the Corporate Veil: Using Corporate Entities for Illicit Purposes.

8. Willebois, E. et. al. (2011), The Puppet Masters: How the Corrupt Use Legal Structures To Hide Stolen Assets and What To Do About It, World Bank and UNODC.


[1] Theo tài liệu Asian Development Bank (2022). Benefcial ownership transparency in Asia and the Pacific (trang 1): Một tài liệu phân tích của OECD năm 2001 nhận định, gần như mọi tội phạm kinh tế đều liên quan đến việc lạm dụng một doanh nghiệp mà thông tin CSHHL bị che giấu (OECD, 2001). Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2011, khi xem xét 200 vụ tham nhũng lớn trên khắp thế giới từ năm 1980 đến năm 2010, trong hơn 70% các trường hợp này, các công ty ẩn danh đã tham gia vào việc tạo điều kiện cho tham nhũng và che giấu lợi ích, gây thiệt hại 56 tỷ USD trong 3 thập kỷ (Willebois, E. et. Al, 2011); một báo cáo gần đây hơn do FATF và Tập đoàn Egmont xuất bản năm 2018, đã phát hiện ra trong 106 vụ việc được xem xét, các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty vỏ bọc ẩn danh, là yếu tố quan trọng cho phép bọn tội phạm che giấu danh tính và các khoản tiền bất hợp pháp (FATF và Egmont Group, 2018).

[2] Khuyến nghị số 24 về tính minh bạch và CSHHL của các pháp nhân và và Khuyến nghị số 25 về tính minh bạch và CSHHL của các thỏa thuận thuận pháp lý. Khuyến nghị số 24 yêu cầu các quốc gia thành viên phải áp dụng các biện pháp để xác định và đánh giá rủi ro RT-TTKB gắn với các loại hình pháp nhân, thỏa thuận pháp lý khác nhau được thiết lập tại quốc gia đó. Các biện pháp này bao gồm: (i) Xác định các loại hình pháp nhân có nguy cơ cao bị lợi dụng cho mục đích RT-TTKB; (ii) Đánh giá mức độ rủi ro của từng loại hình pháp nhân; (iii) Xây dựng các biện pháp phòng ngừa RT-TTKB phù hợp với mức độ rủi ro của từng loại hình pháp nhân. Khuyến nghị này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của công tác PCRT-TTKB đối với các pháp nhân. Bằng cách xác định và đánh giá rủi ro của từng loại hình pháp nhân, các quốc gia thành viên có thể tập trung nguồn lực vào việc giám sát và kiểm soát các loại hình pháp nhân có nguy cơ cao bị lợi dụng cho mục đích RT-TTKB.