Từ khóa: kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững

Summary

In Vietnam, the development of circular economy (CE) is increasingly interested by the Government, with the central goal of "effective management, exploitation and use of natural resources; environmental protection and response to climate change”. This is considered the inevitable trend of the world, which is suitable with Vietnam’s conditions and contribute to economic development in association with environmental protection during the industrialization and mordernization process. The article studies the CE models of some countries in the world, propose policy recommendations for Vietnam to seize the opportunity for accelerating the CE develoment, contributing to economic growth.

Keywords: circular economy, green economy, climate change, sustainable development

ĐẶT VẤN ĐỀ

KTTH được đánh giá là một trong những mô hình kinh tế ưu việt, phù hợp để giải quyết được những vấn đề về môi trường, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững. KTTH là một cách tiếp cận hệ thống cần thiết để chính phủ, địa phương tập trung các nguồn lực, công cụ chính sách nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi.

Tuy vậy, ở Việt Nam, việc thúc đẩy phát triển KTTH đóng góp vào phát triển kinh tế, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên đang gặp phải nhiều thách thức lớn. Bài học của các quốc gia phát triển, sớm hoàn thiện các mô hình KTTH là kênh tham khảo quan trọng trong việc hoạch định chính sách, sớm hiện thực hóa các cam kết về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Việc tham khảo các mô hình của các nước trên thế giới sẽ thúc đẩy KTTH đóng góp mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.

XU HƯỚNG TẤT YẾU CỦA KTTH

Khái niệm KTTH (Circular Economy) được các tác giả Pearce và Turner sử dụng lần đầu năm 1990 (trong cuốn sách “Kinh tế tài nguyên và môi trường”). Từ đó đến nay, đã có nhiều khái niệm khác nhau về KTTH được đưa ra do cách tiếp cận từ các góc độ nghiên cứu và ứng dụng có tính đặc thù riêng. Tuy vậy, định nghĩa được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi là: “KTTH là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó” (Ellen MacArthur Foundation, 2013).

Từ định nghĩa trên có thể thấy, KTTH là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất. Hoạt động này đã được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn.

KTTH đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Tại Việt Nam, việc ứng dụng KTTH gắn với phát triển bền vững, với tăng trưởng xanh đang được quan tâm, đề cập nhiều hơn trong những năm gần đây. Đặc biệt, nội dung về xây dựng KTTH được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

MỘT SỐ MÔ HÌNH KTTH TRÊN THẾ GIỚI

Mô hình KTTH tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc, sau khi nước này đã có sự phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng nhanh chóng trong hai thập kỷ qua, dẫn đến những vấn đề môi trường khó khăn, như: sa mạc hóa, cạn kiệt nước, suy thoái đất, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm... kéo theo những thách thức nghiêm trọng về sức khỏe, xã hội và môi trường do hậu quả của quá trình công nghiệp hóa nặng, đô thị hóa vội vã, thay đổi mô hình tiêu dùng và tăng trưởng dân số. Sau đó, nước này tìm kiếm một mô hình kinh tế ưu việt hơn, hỗ trợ bảo vệ môi trường, xây dựng một cộng đồng thân thiện với môi trường cũng như xã hội tiết kiệm tài nguyên. Năm 1998, KTTH được các học giả đề xuất với Chính phủ Trung Quốc và đã được phê duyệt vào năm 2002.

Năm 2004, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã công bố 8 sáng kiến ​​nhằm hỗ trợ thực hiện KTTH, bao gồm: Khởi động thủ tục pháp lý; Dự án thí điểm; Áp dụng các công cụ kinh tế; Nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D); Tái cơ cấu công nghiệp; Áp dụng các chỉ số hiệu suất; Cơ chế tài chính và Đào tạo, giáo dục.

Luật KTTH của Trung Quốc là luật quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố một mô hình kinh tế khác với mô hình kinh tế tuyến tính chủ đạo (với nguyên liệu thô đầu vào và lãng phí ở đầu tiêu dùng). Ở cấp độ doanh nghiệp, thiết kế sinh thái được kết hợp trong giai đoạn đầu của thiết kế sản phẩm để đảm bảo giảm năng lượng tiêu thụ trong suốt vòng đời sản phẩm. Các nguyên tắc thiết kế sinh thái có thể áp dụng ở cấp độ này bao gồm: thiết kế để tái sử dụng và tái chế; thiết kế để tháo rời; thiết kế để bảo trì; thiết kế để tiết kiệm năng lượng và thiết kế để linh hoạt. Cốt lõi của việc thực hiện KTTH ở cấp độ này là sản xuất sạch hơn. Nó bao gồm việc tái sử dụng tài nguyên và tái chế các sản phẩm phụ để đạt được mục tiêu kép: vừa hiệu quả về kinh tế, vừa bảo vệ môi trường (giảm tiêu thụ vật liệu và tài nguyên, sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải và chất thải).

Ở cấp độ trung gian/liên doanh nghiệp, các thiết kế thân thiện với môi trường đảm bảo hiệu quả tài nguyên, tư duy vòng đời và khả năng nâng cấp của sản phẩm được khuyến khích để cải thiện sự cộng sinh công nghiệp. Tương tự như vậy, việc tái sử dụng và tái chế tài nguyên trong các khu công nghiệp (KCN) và cụm ngành là điều cần thiết để thực hiện KTTH. Điều này nhằm đảm bảo sự luân chuyển hiệu quả các nguồn tài nguyên trong khu vực. Ở cấp độ này, KCN sinh thái là mô hình tốt để thực hiện KTTH. Mô hình KCN sinh thái là việc tạo ra các KCN hiệu quả hơn về tài nguyên và chi phí, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN và doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng, tăng tính cạnh tranh và khả năng chống chịu rủi ro. Tại KCN sinh thái, các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ sử dụng chung hạ tầng và dịch vụ, tìm kiếm cơ hội nâng cao hiệu quả môi trường, kinh tế và xã hội thông qua việc hợp tác để tối ưu hóa các yếu tố và quá trình sản xuất. Như vậy, KCN sinh thái là một cộng đồng các doanh nghiệp đóng trên cùng một địa bàn và cùng tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường thông qua các hoạt động cộng tác về quản lý các vấn đề về môi trường và tài nguyên (Vương Thị Minh Hiếu, Bùi Hồng Phương, 2023).

Mô hình tái sử dụng, tái chế và phục hồi (RRR) xe ôtô hết hạn sử dụng tại Nhật Bản, Anh và Liên minh châu Âu (EU)

Theo số liệu được thống kê mới nhất từ Recycling International, năm 2020, châu Âu có 5,4 triệu xe hết hạn sử dụng (ELV)[1]. 5 quốc gia hàng đầu ở châu Âu chiếm tới 70% tổng số ELV của EU là: Pháp, Anh, Italy, Tây Ban Nha và Đức. Ủy ban châu Âu đã ra Chỉ thị ELV đặt ra các mục tiêu tái sử dụng, tái chế và phục hồi (RRR) vào năm 2015 (khi đó Anh chưa rút khỏi EU).

Còn theo Statista (2023), tại Nhật Bản năm 2022, có hơn 2,74 triệu ELV, đây là số lượng ít nhất nếu tính cả giai đoạn 2013-2022 (Hình 1). Nhật Bản cũng sử dụng phương pháp 3R (Giảm - Tái sử dụng - Tái chế) để bước đầu xây dựng mô hình KTTH trong lĩnh vực ô tô. Tại quốc gia này, việc quản lý ELV được tập trung, quản lý và kiểm soát bởi một tổ chức chính phủ là Trung tâm Xúc tiến Tái chế Ô tô Nhật Bản (JARC). Tổ chức này được hỗ trợ bởi nhiều công ty và hiệp hội doanh nghiệp (Hiệp hội Tái chế Ô tô Nhật Bản – JARP và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản - JAMA).

Một số mô hình kinh tế tuần hoàn trên thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào tăng trưởng
Nguồn: Statista, 2023

Phục hồi ELV được định nghĩa là việc sử dụng hiệu quả cuối cùng các bộ phận và vật liệu được nhúng trong ELV. Những chiếc ô tô sắp hết tuổi thọ có thể là nguồn tài nguyên quý giá dưới dạng phụ tùng thay thế hoặc nguyên liệu thô. Để trích xuất các bộ phận và vật liệu có giá trị này từ ELV, ngày nay có nhiều kỹ thuật khác nhau với lộ trình phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng tại chỗ và khả năng sinh lời.

Đầu tiên, các bộ phận có thể được tháo dỡ, tân trang hoặc tái sản xuất. Một số bộ phận được tái sử dụng trong các máy móc thiết bị khác hoặc trong các phương tiện mới. Ngoài ra, vật liệu có thể được tháo dỡ trước khi gửi đến tái chế, cắt nhỏ, phân loại và đốt có hoặc không thu hồi năng lượng. Những phần vật liệu cuối cùng không thể thu hồi, tái chế sẽ được chôn lấp.

Tại EU và Nhật Bản, các bộ phận được tháo dỡ để tái sử dụng hoặc tái chế đều không được quản lý và chủ yếu được vận hành theo cơ chế thị trường. Việc tháo dỡ cho phép thu hồi tới 40% tổng trọng lượng ELV để tái sử dụng làm phụ tùng thay thế và tái chế các thành phần nhựa và kim loại lớn. Một số chất lỏng và các bộ phận từ giai đoạn khử ô nhiễm cũng có thể được tái sử dụng, ví dụ như nhiên liệu. Các bộ phận khác, như: động cơ, pin và linh kiện điện tử, có khả năng tái sử dụng tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sửa chữa của chúng. Các linh kiện điện, điện tử không thể tái sử dụng vẫn bị tháo dỡ do hàm lượng độc hại (được quy định bởi Chỉ thị WEEE). Trong một số trường hợp, các vật liệu có giá trị cao như dây đồng, bạch kim từ bộ chuyển đổi xúc tác cũng được thu gom trước khi băm nhỏ (Hình 2).

Hình 2: Quy trình tái chế ô tô đã qua sử dụng tại Nhật Bản

Một số mô hình kinh tế tuần hoàn trên thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào tăng trưởng
Nguồn: Trung tâm xúc tiến tái chế ô tô Nhật Bản (JARC)

Sau khi các thành phần có giá trị đã được loại bỏ, phần còn lại của ELV sẽ được cắt nhỏ. Với tới 90% trọng lượng ELV được cắt nhỏ, việc phân loại sau máy hủy là một quá trình quan trọng để tái chế và thu hồi vật liệu. Sau quá trình băm nhỏ, vật liệu dày đặc được tách ra. Việc tách từ được sử dụng để loại bỏ phần sắt; các vật liệu kim loại màu, như: nhôm và đồng được thu thập ở giai đoạn sau bằng cách sử dụng phương pháp phân tách bằng dòng điện xoáy. Trong một số trường hợp hiếm gặp (chủ yếu ở Nhật Bản), một số phần được phân loại thủ công hơn nữa để tối đa hóa việc tái chế vật liệu. Các phần còn lại sau đó sẽ được thu hồi năng lượng và chôn lấp. Trong khi việc thu hồi năng lượng được thực hiện một cách có hệ thống ở Nhật Bản, thì châu Âu lại thường áp dụng biện pháp chôn lấp trực tiếp, vì việc tái chế nhìn chung không mang lại lợi nhuận.

Ở châu Âu, ELV phải được nhận tại cơ sở xử lý được ủy quyền (ATF), nơi được cấp phép. Ví dụ tại Anh, ATF phải cấp cho chủ sở hữu cuối cùng một chứng nhận chứng minh rằng chiếc xe đã được thu thập tại ATF và cho phép hủy đăng ký chiếc xe khỏi cơ sở dữ liệu của Cơ quan cấp giấy phép lái xe và phương tiện (DVLA). Hệ thống này được thực thi trên toàn EU kể từ năm 2002 để đảm bảo giám sát ELV tốt hơn. Khi xe được nhận tại ATF, xe phải được hủy đăng ký. Sau đó, ELV phải được khử ô nhiễm trước khi thực hiện bất kỳ biện pháp xử lý nào khác. Ở châu Âu, việc thu gom các thành phần có chứa chất độc hại và tất cả các chất lỏng, được gọi là khử ô nhiễm, được quản lý. Các bộ phận khác không được quản lý, nên chỉ được xử lý dựa trên tính hợp lý về mặt kinh tế.

Tại Nhật Bản, cũng giống như ở EU, việc khử ô nhiễm cũng được tiến hành, nhưng thêm việc kiểm soát tháo dỡ, xử lý túi khí, fluorocarbon và thu hồi năng lượng. Việc xử lý các bộ phận này được hỗ trợ tài chính bằng phí tái chế thu từ người tiêu dùng.

MỘT SỐ GỢI Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM THÚC ĐẨY KTTH Ở VIỆT NAM

Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng cũng đặt nhiệm vụ trong thời gian tới là phải “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng nhấn mạnh: "Khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu tư của quá trình sản xuất". Để thực hiện chủ trương trên, ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi KTTH của nước ta đang có những hạn chế về thể chế, hạ tầng, khoa học và công nghệ, nhận thức đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp mới, hiệu quả hơn nữa. Từ kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia trên thế giới, để thúc đẩy mô hình kinh tế này ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo và hoàn thiện về thể chế, quy chuẩn, quy định để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển KTTH ở Việt Nam.

Thứ hai, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền KTTH. Theo đó, cần sớm ban hành Luật KTTH như Trung Quốc. Trong đó, cần luật hóa các quy định về kinh tế thị trường theo mô hình mà một số nước đã áp dụng từ sớm. Trong Luật cần cụ thể trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường...

Thứ ba, từng bước quy định tỷ lệ tái chế tối thiểu với một số loại mặt hàng quan trọng, giống như châu Âu quy định tối thiểu 85% khối lượng ELV phải được tái chế và tối đa 5% có thể được chôn lấp (mục tiêu thu hồi 95%). Song song với đó, cần xây dựng lộ trình triển khai để cộng đồng doanh nghiệp, người dân có thời gian chuyển đổi, chuẩn bị. Để làm được điều này, Chính phủ cần cho nghiên cứu trong việc phát triển công nghệ tái chế, sửa chữa, tái sử dụng. Việc sử dụng công nghệ và lao động có tay nghề cao sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả xử lý máy móc, xe cộ, hàng hóa đã qua sử dụng.

Thứ tư, tiến tới xây dựng và phát triển các thị trường mới về nguyên vật liệu tái chế, vật dụng tái sử dụng, linh kiện và phụ tùng đã sử dụng. Khuyến khích thu hút đầu tư từ các quốc gia phát triển, công nghệ tiên tiến giúp thúc đẩy KTTH.

Thứ năm, hỗ trợ vốn, mặt bằng, công nghệ, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp tái chế, tái sử dụng, tái sửa chữa các sản phẩm đã qua sử dụng. Từ đây, có các chính sách ưu tiên về đầu tư, chuyển đổi công nghệ.

Thứ sáu, hình thành, vận hành cơ quan điều phối, xây dựng nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ cơ chế, chính sách, bài học kinh nghiệm về áp dụng KTTH. Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức khoa học và công nghệ, hiệp hội nghề nghiệp tham gia vào tư vấn, đánh giá thực hiện KTTH.

Ngoài ra, cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển KTTH, thu hút các chuyên gia giỏi có trình độ, kỹ thuật để thực hiện mô hình kinh tế mới này./.

ThS. Nguyễn Hiếu Công - Tạp chí điện tử Tri Thức Trực tuyến

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 25, tháng 9 năm 2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ellen MacArthur Foundation (2013), Towards the circular economy Vol. 1: an economic and business rationale for an accelerated transition, retrieved from https://ellenmacarthurfoundation.org/towards-the-circular-economy-vol-1-an-economic-and-business-rationale-for-an.

2. Japan Automobile Recycling Promotion Center (2013), JARC Book [JARC Data Book].

3. Kohmei Halada (2020), Activities of Circular Economy in Japan - Towards Global Multi-Value Circulation, retrieved from https://www.jstage.jst.go.jp/article/ijat/14/6/14_867/_pdf/-char/ja?fbclid=IwAR2T-lP3nmgA0J8QaxB8fFF0CExrHB-OFI5Bq5V6CcHrlyCqVeUy3Adphis.

4. Mélanie Despeissea, Yusuke Kishitab, Masaru Nakanoc, Michael Barwood (2015), Towards a circular economy for end-of-life vehicles: A comparative study UK – Japan

5. Nguyễn Đình Đáp (2021), KTTH: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, truy cập từ https://tapchinganhang.gov.vn/kinh-te-tuan-hoan-nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien.htm.

6. Olabode Emmanuel Ogunmakinde (2019), A Review of Circular Economy Development Models in China, Germany and Japan, retrieved from https://www.mdpi.com/2313-4321/4/3/27?fbclid=IwAR23_vjcajxB5ypo7zuaTX-kIs8qIjaTxz7BKDCfcHUH-2F-ZGTpV-Bsuh8.

7. Pearce, D. W., and Turner, R. K. (1990), Economics of Natural Resources and the Environment, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.

8. Statista (2023), Number of end of life vehicles (ELVs) in Japan from fiscal year 2013 to 2022, retrieved from https://www..com/statistics/1192938/japan-end-of-life-vehicles-number/#:~:text=In%20the%20fiscal%20year%202022,life%20vehicles%27%20(ELVs)

9. Vương Thị Minh Hiếu, Bùi Hồng Phương (2023), Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Xu hướng tất yếu hướng tới phát triển bền vững, truy cập từhttps://kinhtevadubao.vn/phat-trien-khu-cong-nghiep-sinh-thai-xu-huong-tat-yeu-huong-toi-phat-trien-ben-vung-25729.html


[1] EU end-of-life vehicles down 10.5% • Recycling International