Năm 2015, GDP của Nga giảm 3,7%
Năm suy thoái thứ hai liên tiếp
Tình trạng giá dầu và đồng nội tệ liên tiếp rớt giá cùng sức ép từ lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến Nga rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong khi đó, chính phủ Nga vừa muốn vực dậy nền kinh tế đang lao dốc vừa muốn duy trì khoản ngân sách bình ổn làn sóng bất bình xã hội hiện đang ở mức cao nhất kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền điều hành đất nước.
Nước Nga đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng
“Nền kinh tế Nga đang trải qua những điều chỉnh lớn. Nền kinh tế này vẫn đang phụ thuộc nhiều vào dầu lửa”, chiến lược gia Vladimir Miklashevsky thuộc ngân hàng Danske Bank của Phần Lan, nhận định.
“Đồng Rúp yếu và chiến lược thay thế hàng nhập khẩu sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sản xuất trong nước, nhưng sẽ không giúp ích được nhiều. Nga sẽ phải trải qua một chặng đường dài và khó khăn để đi đến sự phục hồi tăng trưởng”, ông Miklashevsky nói.
Nền kinh tế Nga, nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, đang đối mặt với năm suy thoái thứ hai liên tiếp. Đợt sụt giảm chóng mặt vào đầu năm 2016 này của giá dầu đã đẩy tỷ giá đồng Rúp xuống mức thấp chưa từng có.
Hôm thứ Năm tuần trước, gần 86 Rúp mới đổi được 1 USD. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014, cũng là thời điểm giá dầu còn trên mức 100 USD/thùng, tỷ giá đồng Rúp là 35 Rúp đổi 1 USD.
Trong cuộc họp diễn ra vào ngày thứ Sáu tới đây, Ngân hàng Trung ương Nga không có nhiều dư địa để hạ lãi suất phục vụ cho việc kích thích tăng trưởng, bởi lạm phát của nước này hiện cao gấp hơn 3 lần mục tiêu trung hạn. Trong 3 cuộc họp chính sách liên tiếp vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga giữ lãi suất cơ bản đồng Rúp ở mức 11%.
Trong 3 tháng trở lại đây, tỷ giá đồng Rúp so với đồng USD đã giảm hơn 20%, trở thành đồng tiền mất giá mạnh thứ nhì trong số 24 đồng tiền của các thị trường mới nổi được Bloomberg theo dõi, chỉ sau đồng Peso của Argentina.
Người dân đổ xô mua hàng xa xỉ
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và đồng Rúp lao dốc đã thúc đẩy người Nga vay tiền mua sắm điện thoại, đồ điện tử và hàng nhập khẩu xa xỉ để cố vớt vát giá trị của đồng tiền.
Tờ Kommersant dẫn lời các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng Nga cho biết người dân nước này đã đổ xô đi mua sắm các đồ gia dụng, thiết bị điện tử, điện thoại và hàng hiệu bằng thẻ tín dụng do lo ngại đồng Rúp có thể tiếp tục lao dốc, khiến vật giá tăng cao và cuộc sống của họ gặp khó khăn hơn.
Trong tháng 1/2016, Ngân hàng Tín dụng Nhà ở Nga đã cho người dân vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng tới 7 tỷ Rúp (88 triệu USD), còn Ngân hàng Tín dụng Phục hưng cũng cho vay nợ 3 tỷ Rúp (38 triệu USD).
Theo các chuyên gia tài chính, đây là một hiện tượng lạ, bởi tháng một thường là tháng thấp điểm nhất về cho vay tiêu dùng của các ngân hàng Nga. Tổng số tiền họ cho vay trong tháng này tương đương với tháng 11, tháng cao điểm mua sắm của người Nga trước thềm Giáng sinh và năm mới.
Phần lớn người Nga sử dụng thẻ tín dụng ghi nợ này để mua các thiết bị điện tử và xa xỉ phẩm, và các nhà cung cấp những mặt hàng này cũng ghi nhận sự tăng vọt về nhu cầu trong những ngày vừa qua.
Các chuyên gia công nghiệp cho hay nhu cầu vay nợ tăng cao nhất ở những người muốn mua tivi, tủ lạnh, điện thoại, những thiết bị điện tử nhập khẩu sẽ tăng giá rất mạnh khi đồng Rúp bị suy yếu. Một số nhà bán lẻ đã quyết định tăng giá 30-40%, và trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn ra các đợt tăng giá cũng như nhu cầu mua sắm của người dân, Yevgeny Lapin, quan chức cao cấp tại Ngân hàng Tín dụng Phục hưng cho hay.
Các cửa hàng phân phối của Apple ở thủ đô Moscow cho hay họ đã gần như hết sạch điện thoại iPhone 6 khi rất đông khách hàng kéo đến mua sản phẩm này vì lo ngại giá sẽ tăng sau khi đồng Rúp giảm giá trị.
"Trong hai ngày qua, việc đồng Rúp giảm giá đã góp phần đáng kể tăng doanh số cho chúng tôi, và chúng tôi sắp hết mẫu điện thoại iPhone 6 vì nhu cầu tăng quá mạnh", Maria Zaikina, phát ngôn viên chuỗi phân phối Svyaznoy lớn thứ hai ở Nga, cho biết.
Hồi đầu năm ngoái, người ta cũng chứng kiến hiện tượng tương tự. Khi đồng Rúp lao đao, kinh tế Nga suy thoái vì giá dầu và các lệnh cấm vận, rất nhiều người dân đã phải rút hết những khoản tiết kiệm đang ngày một hao mòn của mình để mua sắm đồ điện tử và các món hàng đắt tiền khác, với hy vọng sẽ vớt vát lại được phần nào giá trị thực của "mồ hôi công sức" mà họ bỏ ra.
Chính phủ bơm tiền để đối phó khủng hoảng
Reuters dẫn lời hai quan chức cấp cao Nga giấu tên cho hay, bản kế hoạch chống khủng hoảng đã được soạn thảo và đưa ra số tiền 135 tỷ Rúp để cứu vãn nhiều lĩnh vực trong ngành kinh tế. Số tiền này được rút ra từ ngân sách chưa chi hồi năm 2015.
Trong đó, ngành công nghiệp đường sắt, máy móc nông nghiệp, sản xuất hàng hóa tiêu dùng và xây dựng sẽ được nhận tiền trợ cấp từ chính phủ. Ngoài ra, ngành sản xuất ô tô của Nga hứa hẹn sẽ nhận được 50 tỷ Rúp trong tổng số 135 tỷ Rúp mà chính phủ dự định chi.
Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao Nga, Bộ Tài chính nước này, cơ quan kiển soát quỹ chống khủng hoảng, đã từ chối chi số tiền trên. Do đó, quyết định cuối cùng về việc những ngành công nghiệp nào được nhận trợ cấp và với số tiền bao nhiêu vẫn chưa được đưa ra.
Trong khi đó, nhiều ngành công nghiệp của Nga đang phải chật vật tìm cách vay nợ ngân hàng do các ngân hàng nước này không thể tiếp cận với hệ thống tài chính phương Tây sau khi lệnh trừng phạt được áp dụng trước cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Thậm chí, nhiều nguồn tin cho rằng trong trường hợp cần thiết, gói chống khủng hoảng sẽ còn được tăng thêm nhờ huy động số tiền trị giá 340 tỷ Rúp từ khoản chi trả lương hưu. Song, khả năng này là rất thấp.
Một số cố vấn kinh tế của Tổng thống Putin cũng cho hay, nhà lãnh đạo Nga muốn duy trì các khoản ngân sách cho dù tăng trưởng kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khôi phục. Bởi theo dự báo, kinh tế Nga sẽ còn sụt giảm 1% trong năm nay so với mức 3,9% hồi năm 2015.
Còn theo một quan chức Nga, số tiền 340 tỷ Rúp có thể được dùng để trấn an dư luận bằng cách thúc đẩy việc làm và bù giá thuốc y tế gia tăng. Trước đó, Reuters đưa tin khoản tiền 340 tỷ Rúp có thể được huy động ngay cuối năm nay để tăng lương hưu.
Hồi năm 2015, Nga còn được cho đã chuẩn bị chi 2,3 nghìn tỷ Rúp cho các biện pháp chống khủng hoảng kinh tế./.
Bình luận