Thông tin trên được ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ tại buổi Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2015: Kiến thức cho cuộc sống do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 13/10, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình thời tiết và thiên tai có diễn biến bất thường, cực đoan. Từ đầu tháng 03 đã xảy ra mưa lũ lớn trái mùa tại miền Trung; rét hại bất thường ở Sa Pa; nắng nóng gay gắt xảy ra trên diện rộng và kéo dài ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ; hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh Nam Trung Bộ; dông lốc lớn tại Hà Nội; mưa lịch sử về cường suất tại Sơn La sau bão số 01 và tại Quảng Ninh vào cuối tháng 07, đầu tháng 08.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường nêu trên đã gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản đối với cộng đồng dân cư, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương ở các tỉnh miền núi, cũng như ảnh hưởng lớn đến kinh tế, an ninh lương thực của quốc gia. Trong 08 tháng đầu năm, thiên tai đã làm 116 người chết và mất tích, 112 người bị thương, 14.827 nhà sập đổ, cuốn trôi và tốc mái, xiêu vẹo, hơn 258.318 ha lúa, hoa màu bị hạn, ngập úng và hư hại, hơn 1.830.180 m3 đất, đá, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Tổng thiệt hại về tài sản khoảng ước tính khoảng 5.500 tỷ đồng.

“Trước diễn biến bất thường của thiên tai, Việt Nam đã triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, thiệt hại do bão, mưa lịch sử và lũ quét gây ra vẫn còn rất lớn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2015 của Liên hợp quốc cho thấy, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác động của thiên tai. Từ những năm 1970, thiên tai đã khiến hơn 500 người chết mỗi năm tại Việt Nam, thiệt hại về kinh tế hơn 1,5% GDP.

Trước thực tế nêu trên, bà Paratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến nghị: “Để phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, chuyển từ ứng phó sang chủ động phòng tránh và tiến tới quản lý rủi ro thiên tai, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực nâng cao tri thức, khả năng chống chịu của người dân đối với thiên tai”.

Bên cạnh đó, việc đổi mới chính sách và cơ chế thích hợp với diễn biến khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng và khó lường, cũng như vai trò tham gia của khu vực tư nhân trong việc thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng.

Thông qua buỗi Lễ, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng khẳng định, biến đổi khí hậu là thách thức rất lớn đối với các quốc gia trong phát triển bền vững. Vì vậy, để giảm nhẹ rủi ro và từng bước thích ứng đòi hỏi mỗi quốc gia cần có sự cam kết và ứng phó ngày càng cao cũng như khẩn trương thực thi các giải pháp tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Sử dụng các tri thức và kinh nghiệm truyền thống, để bổ sung cho kiến thức khoa học trong việc đánh giá rủi ro thiên tai, xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch và chương trình của các cấp, các ngành là rất quan trọng./.