Tóm tắt

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở Việt Nam là tổng thể hoạt động tích cực, chủ động của các chủ thể, trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng. Hiện nay, trước yêu cầu đòi hỏi của tình hình mới, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quân đội trong hoạt động này là một yêu cầu tất yếu. Bài viết tập trung phân tích thực trạng hoạt động của Quân đội trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại, từ đó đưa ra những định hướng giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trên của Quân đội.

Từ khóa: quốc phòng, an ninh, đối ngoại quốc phòng, quân đội

Summary

Combining socio-economic development with defense, security and foreign affairs in Vietnam is the sum of positive and proactive activities of all entities, in which the Vietnam People's Army plays a very important role. Currently, facing the demands of the new situation, improving the quality and efficiency of the Army's operations in this activity is an inevitable requirement. The article focuses on analyzing the current status of the Army's activities in combining socio-economic development with defense, security and foreign affairs, thereby proposing solutions to improve the quality and efficiency of this activities of the Army.

Keywords: defense, security, defense foreign affairs, arm

GIỚI THIỆU

Đối với Việt Nam, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong đó, việc Quân đội tham gia vào các hoạt động nói trên mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quân đội trong các hoạt động trên không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị và tác dụng xã hội sâu sắc.

Vì vậy, khi đánh giá chất lượng, hiệu quả phải được đánh giá một cách toàn diện, thông qua các hình thức hoạt động và lực lượng chủ yếu của Quân đội. Ở đây, có thể kể đến một số hình thức biểu hiện như: (1) Các đoàn kinh tế - quốc phòng triển khai xây dựng khu các khu kinh tế quốc phòng; (2) Các doanh nghiệp quân đội tổ chức sản xuất, kinh doanh; (3) Hệ thống các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; (4) Các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức hoạt động tăng gia sản xuất, đơn vị hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập...

Với những hình thức và mô hình đó, việc Quân đội thực hiện có chất lượng, hiệu quả các hoạt động chính là thể hiện sự thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ: chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, đoàn kết quân dân tốt, tạo sức mạnh to lớn không chỉ đối với quân đội và quốc phòng, mà còn đối với phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy đổi mới và hội nhập thành công.

THỰC TIỄN CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUÂN ĐỘI TRONG KẾT HỢP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VỚI QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỐI NGOẠI Ở NƯỚC TA THỜI GIAN QUA

Những kết quả đạt được

Thứ nhất, Quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; xây dựng và phát triển các Khu kinh tế - quốc phòng, tham gia xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận phòng thủ khu vực vững mạnh trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo.

Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và phát triển Khu kinh tế - quốc phòng, Quân đội đã thành lập và chỉ đạo các Đoàn kinh tế - quốc phòng là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất xây dựng kinh tế, làm công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị địa bàn, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh; giữ gìn, bảo vệ môi trường và sẵn sàng chiến đấu. Đến nay, Bộ Quốc phòng đã và đang triển khai xây dựng gần 30 khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược đặc biệt khó khăn dọc biên giới đất liền, trên biển, hải đảo, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định chính trị, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc tại một số địa bàn chiến lược, tạo nên “bức tường thành” vững chắc khẳng định chủ quyền quốc gia.

Thứ hai, hoạt động của các doanh nghiệp quân đội đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, góp phần củng cố tiềm lực, sức mạnh quốc phòng. Theo đó, Quân đội đã xây dựng, phát triển hệ thống doanh nghiệp, tập trung vào những lĩnh vực thiết yếu, then chốt mà Nhà nước, Quân đội cần nắm giữ. Một số doanh nghiệp quân đội đã tiên phong trong các lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, viễn thông, cảng biển, bay dịch vụ... góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Sự hình thành các doanh nghiệp lớn, như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam… đã góp phần tạo ra thế trận và lực lượng quân sự, quốc phòng trên các địa bàn chiến lược.

Cùng với đó, doanh nghiệp quân đội đã có những đóng góp lớn để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động của thị trường, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế đến nước ta. Việc kết hợp sản xuất quốc phòng với kinh tế được quan tâm, yêu cầu lưỡng dụng trong các dự án đầu tư được chú trọng; các doanh nghiệp quốc phòng đã khai thác tiềm năng để tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế cung cấp các sản phẩm công nghiệp dân sinh phục vụ phát triển kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Việc huy động khoa học và công nghệ và công nghiệp dân sinh phục vụ quốc phòng bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng đã được mở rộng và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực cho việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

Thứ ba, đã tổ chức thực hiện tốt hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần tăng thêm nguồn thu, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần bộ đội ở các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Các đơn vị quân đội đã tận dụng tiềm năng, nguồn lực lao động, đất đai… đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, vật chất và trang bị hậu cần tại chỗ, góp phần giữ vững và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tạo môi trường rèn luyện bộ đội. Nhiều đơn vị đã phát huy thế mạnh để phát triển tăng gia sản xuất, trồng rừng, trồng cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh tại các căn cứ hậu cần, căn cứ hậu phương khu vực phòng thủ. Các đơn vị đứng chân ở địa bàn trọng điểm đã khắc phục khó khăn, có nhiều mô hình tăng gia sản xuất đạt hiệu quả, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc.

Thứ tư, hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế về kinh tế quốc phòng đã thúc đẩy tích cực cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Một số đơn vị, doanh nghiệp đã thể hiện khả năng, bản lĩnh trong hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế, sản xuất, kinh doanh và đầu tư phù hợp, phát huy được tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác khảo sát thị trường, tìm hiểu đối tác đầu tư; làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ đủ năng lực và kiến thức chuyên ngành, hiểu biết về luật pháp quốc tế. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp quân đội mới được triển khai gần 20 năm, nhưng đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn, thời gian triển khai nhanh và hiệu quả đầu tư cao.

Quá trình triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp quân đội đã gắn kết chặt chẽ mục tiêu hiệu quả kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh; thực hiện trách nhiệm xã hội đối với nhà nước, chính quyền sở tại và nhân dân tại địa bàn dự án. Thông qua việc đóng góp, tài trợ hoặc trực tiếp tham gia các chương trình, hoạt động nhân đạo, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai… góp phần xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền và nhân dân nước tiếp nhận đầu tư; nâng cao hình ảnh, uy tín của Nhà nước, Quân đội và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; thúc đẩy quan hệ về kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao và đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận đầu tư; xây dựng thế trận phòng thủ toàn dân, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Một số hạn chế, thách thức đặt ra

Một là, nhận thức về nhiệm vụ của Quân đội trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương có lúc, có nơi chưa đầy đủ, sâu sắc. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế còn thiếu quyết liệt; nhiều chủ trương, chính sách chưa được cụ thể hóa; quá trình thực hiện còn khép kín, thiếu sự phối hợp, triển khai đồng bộ.

Hai là, các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng chưa tạo được đột phá, nhất là trong nghiên cứu, chế tạo vũ khí công nghệ cao, sản phẩm lưỡng dụng; chưa tạo được thương hiệu sản phẩm quốc phòng để hướng tới mục tiêu xuất khẩu; cơ chế huy động tiềm lực khoa học công nghệ, công nghiệp, kinh tế dân sinh huy động cho phát triển công nghiệp quốc phòng còn hạn chế. Tiến độ xây dựng các Khu kinh tế - quốc phòng chậm so với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng dự án còn khó khăn.

Ba là, cơ cấu doanh nghiệp quân đội chưa hợp lý, có thời điểm phát triển nóng về số lượng, dàn trải trong nhiều ngành, lĩnh vực; một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; cá biệt đã xuất hiện vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Quân đội. Quá trình sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp quân đội còn chậm, nhất là cổ phần hóa và thoái vốn. Nhiều tiềm năng, thế mạnh của Quân đội chưa được khai thác hết, gây lãng phí nguồn lực. Nhiều ngành kinh tế mà Quân đội có thế mạnh chưa được quan tâm đầu tư phát triển, nhất là kinh tế biển.

Bốn là, đổi mới phương thức hoạt động của các đơn vị hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập (bệnh viện, nhà trường, nhà khách, đoàn an dưỡng...) để phù hợp với đặc thù của Quân đội còn lúng túng, chưa quyết liệt. Trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quản lý kinh tế của đội ngũ cán bộ một số đơn vị, doanh nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng nguồn lao động, năng suất lao động nhìn chung còn thấp. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế và chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống cơ quan quản lý, tham mưu điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế còn hạn chế.

Năm là, hoạt động kinh tế đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế mới chỉ được triển khai ở một số đơn vị, doanh nghiệp; hiệu quả đầu tư của một số dự án liên doanh, đầu tư ra nước ngoài còn thấp; doanh nghiệp chấp hành chưa nghiêm quy định pháp luật của Nhà nước và của nước tiếp nhận đầu tư, làm phát sinh những vấn đề phức tạp phải xử lý.

MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG

Trong bối cảnh mới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh chính trị thế giới và khu vực, đặc biệt thực hiện chủ trương Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn năm 2021-2030 chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, tác động đến sức mạnh chiến đấu của quân đội gắn với nhiệm vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quân đội trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong bối cảnh mới, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện nhiệm vụ Quân đội trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Thường xuyên quán triệt trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị có nhận thức sâu sắc về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lựa chọn nội dung, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ Quân đội trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại vào chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh phù hợp với từng đối tượng. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, trực tiếp là các đơn vị Quân đội; chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ trì trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Quân đội trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của Quân đội trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, các địa phương, bổ sung, hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống văn bản liên quan đến hoạt động của Quân đội trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Có cơ chế chính sách cụ thể ưu tiên huy động nguồn lực, sử dụng đất đai, phân bổ và sử dụng nguồn vốn để Quân đội tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn xung yếu, các vùng biển, đảo, vành đai biên giới, các Khu kinh tế - quốc phòng. Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; kịp thời động viên, khen thưởng xứng đáng những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong hoạt động của Quân đội kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; thường xuyên làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật, bảo vệ an ninh, an toàn; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả xây dựng các Khu kinh tế - quốc phòng gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Tập trung đầu tư và nâng cao hiệu quả xây dựng các Khu kinh tế - quốc phòng trọng điểm trên các địa bàn chiến lược vùng biển, đảo, vành đai biên giới, địa bàn xung yếu. Xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng bảo đảm phù hợp với quy hoạch, gắn với thế trận quốc phòng, an ninh khu vực phòng thủ, các khu căn cứ hậu cần kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược. Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Đoàn kinh tế - quốc phòng. Tổ chức lực lượng Đoàn kinh tế - quốc phòng tinh, gọn, mạnh, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao, trở thành lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn..., tham gia xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chiến đấu khi có tình huống. Xây dựng cơ chế phối hợp với các địa phương trong quản lý, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy nguồn lực của địa phương và các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các Khu kinh tế - quốc phòng; hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, ưu đãi cho các doanh nghiệp quân đội thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, tạo thế chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thứ tư, sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội, tập trung phát triển các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định, bền vững, hiệu quả, có sức cạnh tranh, sản xuất các sản phẩm quốc phòng chất lượng cao, hiện đại, lưỡng dụng. Sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp quân đội gắn với Đề án điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội và định hướng phát triển doanh nghiệp nhà nước. Cơ cấu lại các doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung vào những ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng. Duy trì, phát triển các doanh nghiệp thực sự có năng lực về công nghệ và quản trị, phát triển kinh doanh ổn định, lâu dài, hiệu quả, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; các doanh nghiệp quân đội trực tiếp sản xuất các sản phẩm quốc phòng, trang bị hậu cần kỹ thuật, các lĩnh vực thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ cao, sân bay, cảng biển, hậu cần nghề cá, bay dịch vụ... Đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực và hiệu quả của doanh nghiệp quân đội trên nền tảng công nghệ hiện đại, đổi mới, sáng tạo, quản trị theo quy định của Chính phủ; tập trung củng cố phát triển một số tập đoàn, Tổng công ty quân đội có quy mô phù hợp, hoạt động có hiệu quả, có khả năng phục vụ quân sự quốc phòng cao, cạnh tranh khu vực và quốc tế để nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng.

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Kết hợp chặt chẽ hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao và đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận đầu tư. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thương mại quân sự, xúc tiến, giới thiệu quảng bá vũ khí trang bị kỹ thuật, sản phẩm công nghiệp quốc phòng tự nghiên cứu, chế tạo trong nước, thông qua hội chợ triển lãm, triển lãm không gian mạng và các đợt triển lãm vũ khí trang bị kỹ thuật uy tín trên thế giới. Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng, chú trọng chất lượng và xây dựng thương hiệu vũ khí của Việt Nam; giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế đối với doanh nghiệp quốc phòng, tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ quốc phòng nhất là công nghệ cao, công nghệ mới, tiến tới làm chủ công nghệ trong một số lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thiết yếu phục vụ cho Quân đội./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2024), Tài liệu học tập các văn kiện Hội nghị lần thứ Tám, BCHTW Đảng khoá XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

4. Vũ Hải Sản (2023), Quân đội tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trong tình hình mới, truy cập từ http://m.tapchiqptd.vn/vi/ky-niem-79-nam-ngay-thanh-lap-qdnd-viet-nam-34-nam-ngay-hoi-qptd-22-12/quan-doi-tich-cuc-tham-gia-lao-dong-san-xuat-xay-dung-kinh-te-ket-hop-voi-quoc-phong-trong-21190.html.

Thượng tá, TS Trịnh Xuân Việt

Khoa Kinh tế chính trị học Mác – Lênin - Học viện Chính trị

Ngày nhận bài: 22/3/2024; Ngày phản biện: 25/3/2024; Ngày duyệt đăng: 9/4/2024