Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, một số Ủy ban của Quốc hội và lãnh đạo của một số địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp

Cần lưu ý tới bối cảnh tái cơ cấu

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá báo cáo đã có cách tiếp cận đúng các nhiệm vụ được giao ở Nghị quyết số 27, được chứng minh bởi các số liệu khách quan từ Tổng cục Thống kê.

Theo đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương làm rõ hơn đặc điểm tình hình của nền kinh tế, bối cảnh thế giới để thấy được các thành tựu và cả những tồn tại, khó khăn.

Cụ thể, Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh thế giới biến động rất khó lường về địa chính trị, thương mại và càng ngày càng trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, Nhà nước đang làm nhiệm vụ “kép” trong phát triển kinh tế. Một mặt, phải tạo mô hình tăng trưởng mới, động lực mới nhưng mặt khác phải giải quyết các tích tụ yếu kém của rất nhiều năm trước.

“Giải quyết tích tụ yếu kém của nền kinh tế thực chất là cắt giảm các năng lực đã chết lâm sàng, ví dụ như 12 dự án yếu kém, các ngân hàng yếu kém”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói, đồng thời cho rằng không thể mang nhận định của nhiều năm trước đó để đánh giá, nhìn nhận kết quả phát triển kinh tế-xã hội của 3 năm qua.

Thêm nữa, theo Phó Thủ tướng: “Nhiệm vụ nhiều nhưng dư địa thực hiện lại rất hạn hẹp khi nợ công từ đầu nhiệm kỳ là 64,8%, sát trần nợ công Quốc hội cho phép, tỉ lệ trả nợ công trên thu ngân sách là 27,3% (giới hạn là 25%), nợ xấu ngân hàng thì cao, năng lực tổ chức tín dụng yếu kém, không còn dư địa cho đầu tư pháp triển. Vừa rồi, tăng trưởng của cả nước chủ yếu đến từ việc khai thác các tiềm năng sẵn có chứ không có thêm từ ngân sách, tín dụng”.

“Đây là 3 đặc điểm, tình hình phải làm kỹ thì mới có tiền đề đánh giá được thực trạng, hiệu quả, tồn tại của cơ cấu lại nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Về động lực phát triển cho những năm tới, Phó Thủ tướng cho rằng báo cáo phải đề cập tới phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng chiến lược, chính sách phát triển đô thị với các “đầu tàu” kinh tế; tăng cường thể chế về liên kết vùng; bổ sung chỉ số khung đánh giá kinh tế-xã hội nhất là các chỉ số đánh giá chất lượng tăng trưởng…

Về giải pháp cho cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực đề nghị các bộ, địa phương tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, hoàn thiện khung khổ pháp lý, trong đó, Bộ Tài chính nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh trnah quốc gia theo các Nghị quyết số 19 và 35 của Chính phủ.

Phải phát huy vai trò của nhà nước và cả thị trường

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh chúng ta vừa giải quyết các bất cập, tồn tại cố hữu của nền kinh tế, vừa phải lo phát triển, với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt nhiều kết quả. Điều đó thể hiện chủ trương này đi vào cuộc sống. Đến nay, chất lượng tăng trưởng dần đi vào chiều sâu và tăng lên. Năng suất lao động tăng; bội chi ngân sách giảm dần; nợ công trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại các bất cập, khó khăn, thách thức. Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới; giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh một số mô hình tốt của ngành nông nghiệp thì cơ cấu nội bộ ngành chưa rõ nét, bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, “tái cơ cấu nền kinh tế phải phát huy vai trò của nhà nước và cả thị trường”. Thị trường phải có sức mạnh tự thân, có thể thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế một cách tự nhiên hơn.

“Nhiệm vụ của chúng ta là phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng phát biểu.

Cần lành mạnh hóa và đồng bộ, liên thông giữa các loại thị trường, doanh nghiệp phải thuận lợi trong gia nhập và rút khỏi thị trường. Phải thuận lợi hơn trong mua bán, sáp nhập, giải thể, phá sản.

Thủ tướng cho rằng, vai trò của pháp luật, thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định. Phải làm rõ hơn vai trò định hướng, điều tiết, can thiệp của Nhà nước khi cần thiết; làm rõ hỗ trợ đầu tư chứ không chỉ hỗ trợ đầu vào trong tái cơ cấu và phát triển.

Về động lực để thực hiện tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng khẳng định vai trò thể chế, chính sách, pháp luật, “không có đòn bẩy này thì khó thành công”. Bên cạnh đó là vai trò động lực của kinh tế tư nhân, của hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò động lực của khoa học, công nghệ, nền tảng là giáo dục, đào tạo.

Bên cạnh chỉ đạo đồng bộ hệ thống, không để “tỉnh nào, người nào bị bỏ lại phía sau”, thì phải tập trung cho các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển. Thực hiện quy luật thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong tái cơ cấu. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới cách nghĩ, cách làm

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phải xác định công tác này là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong điều hành. Từ đó, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả hơn để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Đây cũng là yếu tố quyết định đưa nền kinh tế nước ta bước vào quỹ đạo phát triển bền vững, nếu không tái cơ cấu thì sẽ tiếp tục tụt hậu. Thủ tướng cho rằng cần tăng trưởng liên tục cao trong thời gian tới để tăng quy mô nền kinh tế, giải quyết việc làm, có tích lũy cần thiết để phát triển đất nước.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tích cực hơn nữa, giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc phối hợp giữa các bộ, ngành, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, để chủ trương tái cơ cấu đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn.

Nhấn mạnh "nếu không tái cơ cấu thì sẽ tiếp tục tụt hậu", Thủ tướng đã giao việc cho một số bộ ngành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ hoàn thiện khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành xây dựng bộ chỉ tiêu chi tiết giám sát, đánh giá cho từng đề án do bộ, ngành được Chính phủ giao quản lý, tổ chức thực hiện.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản xử lý các vướng mắc liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Bộ Công Thương có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn, đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm, thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế. Xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghiệp hỗ trợ trong năm 2019. Thí điểm hình thành một số cụm ngành công nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh đổi mới nông lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị; phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, đẩy mạnh công nghiệp chế biến.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phát triển thị trường lao động, đánh giá tình trạng thất nghiệp, xử lý vấn đề lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất… Thủ tướng lưu ý, vấn đề lao động sau tuổi 35 là vấn đề lớn, nếu không tái cơ cấu ngành nghề, cũng như đào tạo lao động thì sẽ thất bại trong việc thực hiện nhiệm vụ giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp cho rằng, phát triển theo kiểu cũ thì sẽ không tạo bước đột phá, ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất khi tái cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, cần thu hút vốn đầu tư xã hội, phát triển thị trường vốn./.