Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 22-28/8
Thượng viện Mỹ sẽ không đưa TPP ra bỏ phiếu trong năm nay
Ngày 25/8 (theo giờ Mỹ), thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell dường như đã đóng cánh cửa để Thượng viện đưa TPP ra bỏ phiếu trong thời gian cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.
Phát biểu tại bang Kentucky, ông McConell nêu rõ: "Thỏa thuận hiện nay (TPP), vốn có một số khiếm khuyết nghiêm trọng, sẽ không được đề cập đến trong năm nay."
Tuy nhiên, ông cho biết thỏa thuận thương mại này sẽ không được phê chuẩn dưới hình thức hiện nay, nhưng có thể thông qua vào năm tới với một số điều chỉnh dưới thời chính quyền mới.
Tổng thống Obama đã cam kể thúc đẩy việc thông qua TPP trước khi ông rời nhiệm sở, với việc gửi dự thảo văn kiện này cho các nghị sỹ hồi đầu tháng. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị mất động lực tại Quốc hội khi trước đó, ông McConnel nói rằng không chắc TPP sẽ được đưa ra bỏ phiếu, trong khi Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng nói rằng thỏa thuận này không có đủ phiếu để thông qua tại Hạ viện.
Nhật Bản quyết định hoãn tăng thuế tiêu dùng đến cuối năm 2019
Ngày 24/8, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua việc lùi thời điểm tăng thuế tiêu dùng từ tháng 4/2017 sang tháng 10/2019.
Nội các cũng quyết định hoãn áp dụng các biện pháp liên quan bao gồm bỏ các mặt hàng thực phẩm ra khỏi danh sách tăng thuế từ mức 8% lên 10%.
Ngoài ra, chính phủ sẽ gia hạn các chương trình miễn thuế như miễn thuế cho vay thế chấp, miễn thuế khi nhận tiền mua nhà từ bố mẹ hoặc ông bà đến cuối năm 2021.
Theo dự luật trên, các biện pháp miễn thuế sẽ được tiến hành song song với việc tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10/2019.
Bất bình đẳng sẽ làm kinh tế Australia thiệt hại 10 tỷ USD
Trung tâm nghiên cứu Chifley thuộc Công đảng đối lập ở Australia ngày 22/8 công bố bản báo cáo về bất bình đẳng kinh tế cho thấy nếu không có hành động giải quyết vấn đề này thì đến năm 2019 nền kinh tế nước này sẽ thiệt hại 13,1 tỷ Đôla Australia (10 tỷ USD) và trong vòng 25 năm tới mức độ thiệt hại sẽ là 3% GDP.
Báo cáo nhấn mạnh điều đó sẽ "quét sạch" thành quả của các cuộc cải cách cạnh tranh quốc gia trong những năm 1990 từng giúp GDP tăng đến 2,5%, và tệ hại hơn sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đem lại (0,1% GDP).
Sự bất bình đẳng đang cản trở sự tăng trưởng vì chi tiêu dùng của các hộ gia đình nhìn chung là giảm. Cuộc chiến chống lại sự bất bình đẳng phải bao gồm tiếp cận tốt hơn đến “chất lượng giáo dục,” các biện pháp khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động nhiều hơn, và “đủ khả năng chi trả cho chăm sóc y tế.”
Trung Quốc lên kế hoạch cải cách trong lĩnh vực tài chính
Trung Quốc hiện đang gặp phải một vấn đề quản lý khá nhức nhối, đó là sự “chồng lấn” giữa trách nhiệm về tài chính của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.
Trước thực trạng trên, Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết trong năm nay sẽ tiến hành các cải cách cần thiết trong lĩnh vực quốc phòng và dịch vụ công, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường.
Theo kế hoạch này, chính quyền trung ương cần tăng chi tiêu công còn các địa phương sẽ được giao trách nhiệm quản lý thêm một số lĩnh vực dịch vụ công nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của địa phương.
Trung Quốc cũng sẽ phân định rõ ràng trách nhiệm chi tiêu giữa các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, bên cạnh đó cũng sẽ cắt giảm các công việc hiện đang chồng chéo giữa các đơn vị này./.
Bình luận