Singapore siết chặt chính sách tiền tệ

Ngày 13/4, Singapore đã quyết định siết chặt chính sách tiền tệ lần đầu tiên trong 6 năm qua, với dự báo kinh tế nước này tăng trưởng ổn định trong năm 2018 song cảnh báo nguy cơ căng thẳng thương mại toàn cầu.

Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS - tức ngân hàng trung ương) thông báo sẽ cho phép tỷ giá đồng nội tệ SGD tăng nhẹ sau khi duy trì chính sách 0% trước đó.

Lần gần đây nhất MAS siết chặt chính sách tiền tệ là vào tháng 4/2012 sau khi các nguy cơ từ khủng hoảng nợ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm nhẹ và lòng tin của doanh nghiệp Mỹ được cải thiện.

Là nền kinh tế nhỏ và phải nhập khẩu phần lớn hàng hóa để đáp ứng nhu cầu, Singapore sử dụng chính sách tiền tệ thay vì lãi suất làm công cụ để điều chỉnh nền kinh tế.

BoK dự báo nền kinh tế của Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 3%

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) vừa đưa ra dự báo nền kinh tế nước này ước đạt tốc độ tăng trưởng 3% trong năm nay, cho dù tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động.

BoK không thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế đưa ra hồi tháng Một vừa qua, đồng thời cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 ở mức 2,9%.

Trước đó, Bộ Tài chính Hàn Quốc trong một báo cáo mới công bố nhận định nền kinh tế Hàn Quốc đang duy trì đà hồi phục nhờ hoạt động xuất khẩu, chi tiêu và đầu tư của khu vực tư nhân tăng. Tuy nhiên, những nhân tố như thị trường việc làm kém sôi động hơn, lãi suất của Mỹ tăng và các vấn đề thương mại hiện nay có thể gây áp lực lên nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.

Phần Lan "bật đèn xanh" cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Ngày 12/4, Phần Lan đã thông qua lần cuối cho phép dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga tới Đức chạy dưới đáy biển Baltic.

Thông báo từ Cơ quan Hành chính Khu vực miền Nam Phần Lan cho biết cơ quan này đã cấp giấy phép cần thiết cho việc xây dựng đường ống khí ga Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và Đức trong Vùng đặc quyền kinh tế của nước này theo Luật Biển Phần Lan.

Hiện dự án này còn cần được Nga, Thụy Điển và Đan Mạch thông qua. Nếu được thông qua, việc xây dựng đường ống sẽ được bắt đầu sớm nhất là trong năm nay.

OPEC: Tình trạng dư thừa dầu mỏ trên toàn cầu đang mất dần

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 12/4 nhận định tình trạng dư thừa dầu mỏ trên toàn cầu đang dần "bay hơi" trước nhu cầu tiêu thụ năng lượng gia tăng và thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài khối này.

Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho biết dự trữ dầu thô trong tháng Hai tại các nền kinh tế phát triển giảm 17,4 triệu thùng xuống 2,854 tỷ thùng, trái ngược so với mức tăng trong tháng Một.

Tổng Thư ký OPEC ông Mohammad Barkindo cho biết, OPEC đã thực hiện hơn 150% cam kết cắt giảm sản lượng và nguồn dầu dư thừa đã giảm mạnh kể từ đầu năm 2017, từ 400 triệu thùng xuống mức chỉ còn cao hơn 43 triệu thùng so với con số bình quân của 5 năm qua.

OPEC nhận định triển vọng lạc quan của kinh tế toàn cầu 2018, doanh số bán xe gia tăng trong những tháng gần đây, lượng tiêu thụ sản phẩm của Mỹ ở mức cao hơn trong tháng Một và sự thắt chặt ở các thị trường sản xuất trên toàn cầu sẽ là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các chế phẩm dầu mỏ.

IMF cảnh báo bảo hộ thương mại đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Trong bối cảnh gia tăng những quan ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, ngày 10/4, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã cảnh báo chính phủ các nước cần ngăn chặn các chính sách bảo hộ thương mại làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong bài phát biểu tại Hong Kong trước thềm cuộc họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra vào tuần tới, Tổng Giám đốc Lagarde nhận định nền kinh tế thế giới đang ghi nhận những tiến bộ tích cực và thể chế tài chính này vẫn duy trì đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế. Bà cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thương mại tự do khi "tạo ra hàng triệu việc làm mới với mức lương cao hơn".

Trước những lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác trên thế giới sau khi Mỹ áp đặt mức thuế mới đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu và tuyên bố tăng thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bà Lagarde cho rằng việc xem thâm hụt thương mại là một dấu hiệu của hoạt động thương mại bất bình đẳng là một sai lầm. Bà hối thúc chính phủ các nước "cần tránh xa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức", nhấn mạnh hệ thống thương mại đa phương đã khiến thế giới thay đổi hoàn toàn khi giúp giảm một nửa tỷ lệ dân số toàn cầu sống trong nghèo đói./.