Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học tại Việt Nam
Hệ sinh thái khởi nghiệp được hiểu là "tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa các chủ thể khởi nghiệp (đã tồn tại hoặc tiềm năng), các tổ chức khởi nghiệp (công ty, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, hệ thống ngân hàng), các cơ quan liên quan (trường đại học, các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư công) và tiến trình khởi nghiệp (tỷ lệ thành lập doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng tốt, số lượng các nhà khởi nghiệp, tinh thần bán hàng và tham vọng kinh doanh) tác động trực tiếp đến môi trường khởi nghiệp tại địa phương". Mỗi ngành dọc có một hệ sinh thái khởi nghiệp tương ứng riêng, giữa các hệ sinh thái khởi nghiệp có phần giao nhau. Sức mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp tùy thuộc vào sự gắn kết chặt chẽ của các thành phần bên trong hệ sinh thái khởi nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2019).
ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRONG HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP
Để làm rõ vai trò của các trường đại học tại Việt Nam trong hệ sinh thái khởi nghiệp và những mối liên hệ của trường đại học với các chủ thể khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp điều tra bảng hỏi kết hợp phỏng vấn trực tiếp. Đối tượng điều tra gồm 2 nhóm đối tượng là những thành phần quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đó là các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhóm 1 gồm 22 trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (TTKNĐMST) trên toàn quốc dựa theo danh sách của Đề án 1665 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhóm 2 gồm 100 doanh nghiệp tham gia trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Phạm vi điều tra ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam.
Thời gian tiến hành nghiên cứu từ tháng 9/2020 đến tháng 01/2021. Số phiếu phát ra là 122 phiếu, số phiếu thu về là 122 phiếu, số phiếu hợp là là 122 phiếu. Nội dung phiếu hỏi và các câu phỏng vấn tập trung làm rõ vai trò của các trường đại học trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, có 3 mẫu phiếu khác nhau dành cho 3 đối tượng nghiên cứu. Sau khi lấy phiếu điều tra, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích thống kê để có được kết quả tổng hợp. Kết quả khảo sát như sau:
Đối với các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Để làm rõ vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp, nhóm nghiên cứu chia các TTKNĐMST thành 2 loại: do trường đại học thành lập và do doanh nghiệp hoặc tổ chức xã hội thành lập.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát phỏng vấn 14 TTKNĐMST do trường đại học thành lập. Cụ thể có 4 trung tâm ở Hà Nội; 4 trung tâm ở Đà Nẵng và Huế; 6 trung tâm ở TP. Hồ Chí Minh. Về các TTKNĐMST do doanh nghiệp hoặc các tổ chức xã hội thành lập, nhóm nghiên cứu đi khảo sát 8 trung tâm. Trong đó, có 3 trung tâm ở TP. Hồ Chí Minh, 3 trung tâm ở Đà Nẵng và 2 trung tâm ở Hà Nội.
|
Kết quả khảo sát cho thấy, những TTKNĐMST do trường đại học thành lập thì vai trò của trường đại học thể hiện rõ ràng hơn trong việc hỗ trợ về cơ sở vật chất, nguồn lực… (trên 70% có nhận được sự hỗ trợ), tuy nhiên sự hỗ trợ để hình thành các ý tưởng, nuôi dưỡng các ý tưởng còn chưa tốt (tỷ lệ nhận được hỗ trợ dưới 50%). Sự hỗ trợ của trường đại học dành cho các TTKNĐMST do doanh nghiệp hoặc các tổ chức xã hội thành lập còn ít, chỉ có 50% số TTKNĐMST trả lời là có hợp tác tốt. Tuy vậy, phần lớn các TTKNĐMST đều đánh giá việc hỗ trợ để hình thành và nuôi dưỡng các ý tưởng khởi nghiệp của trường đại học là rất cần thiết.
Về lý do cần thiết phải hợp tác với trường đại học, phía các TTKNĐMST đưa ra là:
- Trường đại học là nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
- Trường đại học có nhiều tài năng, là nguồn chất xám nên hợp tác với trường đại học giúp các chủ thể khác trong hệ sinh thái có cơ hội tiếp cận với nguồn chất xám đó.
- Trường đại học có cơ sở vật chất nghiên cứu như phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu nên sẽ giúp cho các dự án khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp có nơi thực hành ý tưởng.
- Mối quan hệ với trường đại học mang tính nền tảng, bắt buộc cho hệ sinh thái.
- Thông qua các trường đại học để tìm các hạt giống tiềm năng, nguồn đầu vào tốt cho các vườn ươm.
- Cơ chế chủ trương của trường đại học đóng vai trò sống còn đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
- Có mạng lưới kết nối với sinh viên, giảng viên và cựu sinh viên.
- Do các doanh nghiệp khởi nghiệp còn non trẻ cả về kinh nghiệm, kiến thức và vốn, nên rất cần sự đồng hành của trường đại học.
- Các trường đại học là nguồn cung các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo từ sinh viên.
Đối với doanh nghiệp tham gia trong hệ sinh thái khởi nghiệp
Nhóm nghiên cứu đã gửi phiếu khảo sát tới các doanh nghiệp và thu lại 100 phiếu từ 100 doanh nghiệp ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trên 70% số doanh nghiệp được hỏi đã trả lời, sự hỗ trợ của trường đại học đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực, như: công nghệ, quản lý kinh doanh là cần thiết hoặc rất cần thiết, sự cần thiết hỗ trợ về vốn có tỷ lệ thấp hơn chỉ là 67%.
Về lý do cần thiết phải hợp tác với trường đại học, các doanh nghiệp đưa ra như sau:
- Hợp tác nghiên cứu toàn diện các sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp.
- Có thể tiếp cận các kết quả nghiên cứu khoa học để hoàn thiện mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
- Vì nó mang tính bảo trợ cho các sản phẩm của doanh nghiệp.
- Có thể sử dụng thương hiệu trường đại học.
- Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Được hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ trong giai đoạn khởi nghiệp.
- Được trang bị các trang thiết bị cần thiết phục vụ nghiên cứu và cải thiện sản phẩm.
- Có cơ hội được tiếp cận các công nghệ mới trong hoạt động nghiên cứu sản phẩm.
- Nguồn lực của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn đầu còn nhiều hạn chế nên cần thiết phải hợp tác với trường đại học.
- Tiếp cận được những kiến thức mới.
- Kết hợp để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo cơ hội cho sinh viên tìm hiểu tiếp xúc với doanh nghiệp.
- Hỗ trợ các vấn đề về đào tạo.
- Hỗ trợ sáng tạo trong phát triển doanh nghiệp và quản lý nguồn nhân lực.
Một số kết quả khác
Bảng: Khảo sát về sự hợp tác giữa trường đại học với TTKNĐMST
TTKNĐMST do trường đại học thành lập (%) | TTKNĐMST không do trường đại học thành lập (%) | |
Có nhiều hợp tác với các trường đại học | 70 | 60 |
Hợp tác tốt với trường đại học trong lĩnh vực công nghệ | 64,3 | 50 |
Hợp tác với trường đại học trong các lĩnh vực công nghệ và quản lý là cần thiết hoặc rất cần thiết | 90 | 70 |
Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả
Kết quả khảo sát (Bảng) cho thấy, hầu hết các TTKNĐMST do trường đại học thành lập hay không do trường đại học thành lập đều có mối liên hệ rất mật thiết với các trường đại học, nhất là những trung tâm do các trường đại học thành lập. Đồng thời, lĩnh vực được các trung tâm ưu tiên hợp tác là công nghệ.
Về sự kỳ vọng của các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho trường đại học. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi hợp tác một số hoạt động chính được triển khai như sau: Nghiên cứu khoa học, đề xuất giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Huy động, khai thác nguồn lực phục vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tìm kiếm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tìm kiếm, hỗ trợ tiếp cận với các nguồn tài chính hỗ trợ dự án khởi nghiệp; Đào tạo kiến thức, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập, kết nối hoạt động tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước với cộng đồng quốc tế; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, trường đại học cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, có cơ chế phù hợp để huy động các thầy cô giảng viên thành mentor cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên. |
Thông qua nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã xác định được rằng, các chủ thể trong hệ sinh thái đều nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết phải có những hợp tác sâu rộng với các trường đại học. Để phát huy tốt nhất vai trò của mình trong hệ sinh thái, các trường đại học cần không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, cần có những sự kết nối chặt chẽ, hiệu quả với các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính và các tổ chức hỗ trợ, đồng thời cũng cần phải có cơ chế phù hợp để khai thác tối đa nguồn lực chất xám của cả giảng viên và sinh viên nhằm cho ra đời những sản phẩm đổi mới sáng tạo phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, sự quan tâm của toàn xã hội dành cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chắc chắn các trường đại học sẽ có những bước phát triển thích hợp để đóng vai trò là yếu tố nền tảng quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu có một số đề xuất để đẩy mạnh vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp như sau:
Một là, để trường đại học có thể phát huy được vai trò trong hệ sinh thái khởi nghiệp, trường đại học phải thực hiện đúng chức năng là: Đào tạo và phát triển nhân tài, nguồn nhân lực bao gồm cả doanh nhân khởi nghiệp, các nhà quản lý và các nhà chuyên môn. Đây là nhiệm vụ chính của trường đại học; Cung cấp điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng, phòng thí nghiệm cho các doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp; Cung cấp công nghệ để các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng nhanh.
Hai là, trường đại học cần phải cập nhật chương trình giảng dạy để đưa nội dung kiến thức khởi nghiệp thành môn học chính thức trong chương trình đào tạo. Những quốc gia khởi nghiệp thành công, như: Mỹ, Đức, Israel, Singapore… đều có một điểm chung đó là môn học khởi nghiệp được đưa vào giảng dạy rất sớm trong các nhà trường, thậm chí là từ bậc phổ thông (ITP, 2018).
Ba là, trường đại học cần xây dựng một mạng lưới liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để có thể tìm được các nguồn hỗ trợ, đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, đồng thời cũng là đối tác chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ từ trong vườn ươm vào thực tế sản xuất.
Bốn là, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, trường đại học cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, có cơ chế phù hợp để huy động các thầy cô giảng viên thành mentor cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Thực tế cho thấy, vì không có cơ chế phù hợp nên các thầy cô cũng không mặn mà với việc cùng sinh viên theo đuổi các dự án khởi nghiệp cho đến khi thành công./.
Tài liệu tham khảo
1. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”
2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2019). Đề án “Phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia”
3. Đinh Văn Toàn (2016). Hợp tác đại học - doanh nghiệp trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, tập 32, số 4, 69-80
4. Nguyễn Thu Thủy và Cao Thị Minh Hảo (2017). Hệ sinh thái khởi nghiệp – một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam – phần 1, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 95/2017, 23-37
5. Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ITP) (2018). Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong lòng đại học, truy cập từ https://itp.vn/vi/tin-tuc/khoi-nghiep/1496-xay-dung-he-sinh-thai-khoi-nghiep-trong-long-dai-hoc.html
TS. Nguyễn Thị Thanh An
TS. Đinh Thị Ngọc Quỳnh
Trường Đại học Ngoại thương
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 8, tháng 3/2021)
Bình luận