TS. Trần Lê Duy

Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên

ThS. Dương Thu Phương

Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật, Đại học Thái Nguyên

Tóm tắt

Nghiên cứu này tập trung vào việc xây dựng một mô hình phát triển bền vững cho nông dân tại Thái Nguyên bằng việc ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp. Nghiên cứu chỉ ra vai trò quan trọng của mô hình phát triển nông dân số trong bối cảnh chuyển đổi số nông nghiệp. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nhân rộng mô hình ra các địa phương trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc có điều kiện tương tự, từ đó hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp khu vực này đạt kết quả cao.

Từ khóa: nông dân số, chuyển đổi số nông nghiệp, công nghệ số trong văn hóa nông nghiệp

Summary

This study focuses on building a sustainable development model for farmers in Thai Nguyen by using digital technology application in agriculture. Introducing the important role of digital farmer development model in the context of agricultural digital transformation, the authors propose a number of solutions to replicate the model in localities in the Northern Midlands and Mountains region with similar conditions, thereby supporting agricultural digital transformation in the region to achieve high results.

Keywords: digital farmer, digital transformation in agriculture, digital technology in culture of agriculture

GIỚI THIỆU

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh, với diện tích khoảng 100.965 km2, chiếm 28,6% diện tích cả nước với tổng dân số 13.853.190 người, trong đó có khoảng 30 dân tộc đang sinh sống (Thúy Hồng, Mạnh Cường, 2021). Hiện nay, nông nghiệp vùng núi phía Bắc đóng vai trò quan trọng trong kinh tế và sinh kế cho lao động nông thôn nơi đây. Chương trình phát triển nông nghiệp số là hướng đi tất yếu cho ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Việc chuyển đổi nền nông nghiệp thuần túy sang nền nông nghiệp số nhất thiết phải tập trung vào con người. Ở đây, nông dân là lực lượng trực tiếp làm việc tại khu vực nông thôn, do đó, cần thiết có một mô hình tập trung phát triển lực lượng nông dân này.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp xây dựng mô hình và đánh giá

Nhóm tác giả đã tạo ra các mô hình dự đoán và đánh giá sự phát triển của nông dân dựa trên các yếu tố quan trọng được xác định trong quá trình nghiên cứu. Dựa vào phương pháp chọn phần tử điều tra, nhóm tác giả đã tiến hành áp dụng mô hình trên 400 nông dân được lựa chọn ngẫu nhiên có đủ điều kiện trên 4 vùng con thuộc tỉnh Thái Nguyên là: huyện Phú Bình, huyện Phú Lương, Huyện Đại Từ và TP. Thái Nguyên, đảm bảo tính đại diện cho hoạt động tại các vùng, sau đó triển khai các khóa đào tạo và chia sẻ kiến thức với nông dân trong khu vực thử nghiệm. Kết thúc quá trình đào tạo, nhóm tác giả sử dụng các phương pháp đánh giá, phân tích hiệu quả mô hình, từ đó đề xuất mở rộng mô hình ra các khu vực có điều kiện tương tự. Khóa đào tạo được tiến hành trong năm 2 năm 2022-2023.

Phương pháp đánh giá mô hình

Nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp phân tích định lượng và khai thác dữ liệu để xây dựng mô hình nông dân số. Phương pháp này cho phép nhóm tác giả thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, áp dụng các phương pháp thống kê và xử lý dữ liệu để phân tích tương quan và xác định các yếu tố quan trọng.

KẾT QUẢ THỬ NGHIỆM VÀ ĐÁNH GIÁ MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG DÂN SỐ TẠI THÁI NGUYÊN

Kết quả thu thập và phân tích dữ liệu

Khi đánh giá mức độ đạt được mục tiêu "phát triển nông dân số", nhóm tác giả đã thu thập và phân tích để đánh giá hiệu quả của chương trình. Kết quả đánh giá được tổng hợp trên 400 nông dân có đủ điều kiện tham gia vào mô hình mẫu. Thông qua các phương pháp xử lý thống kê đã trình bày ở trên để đưa ra các kết quả của từng yếu tố cấu thành của mô hình.

Kết quả so sánh giữa các đối tượng: Ghi nhận thông tin về thu nhập của nông dân có tham gia và nông dân không tham gia vào chương trình. Thu thập dữ liệu về các nguồn thu nhập từ nông sản, công việc phụ trợ và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến nông nghiệp.

Bảng 1. Thống kê thu nhập của nông dân sau áp dụng mô hình

Đơn vị: Đồng

STT

Nguồn thu nhập

Tổng giá trị đối tượng không tham gia mô hình

Tổng giá trị đối tượng không tham gia mô hình

Chênh lệch

Tỷ lệ (%)

1

Thu từ trồng trọt

25.844.000

29.644.000

3.800.000

14,70

2

Thu từ chăn nuôi

28.497.000

33.056.000

4.559.000

16,00

3

Thu từ dịch vụ

8.650.000

10.345.000

1.695.000

19,60

4

Thu từ hoạt động khai thác

1.213.000

805.000

(408.000)

-33,64

5

Thu từ hợp đồng lao động

6.207.000

8.216.000

2.009.000

32,37

6

Thu từ hoạt động khác

1.252.000

1.152.000

(100.000)

-7,99

Tổng giá trị

71.663.000

83.218.000

11.555.000

16,12

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra

Bảng 1 cho thấy, các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ của nhóm đối tượng tham gia vào mô hình phát triển nông dân số đều có thu nhập vượt hơn so với nhóm đối tượng không tham gia từ 14,7% đến 19,6%; Thu nhập từ lao động theo hợp đồng cũng vượt trội 32,37%; thu nhập từ hoạt động khai tác giảm.

Kết quả đánh giá bằng thang đo Likert

Bảng 2: Kết quả khảo sát mô hình phát triển nông dân số

STT

Yếu tố đánh giá

Trung bình

Ý nghĩa

1

Anh chị có tin rằng chất lượng sản phẩm trồng trọt được tăng lên sau khi tham gia mô hình phát triển nông dân số

3,76

Đồng ý

2

Anh chị có tin rằng chất lượng sản phẩm chăn nuôi được tăng lên sau khi tham gia mô hình phát triển nông dân số

3,81

Đồng ý

3

Anh chị có tin rằng khả năng kết nối thị trường được nâng lên sau khi tham gia mô hình phát triển nông dân số

3,82

Đồng ý

4

Anh chị có tin rằng tác động của nông dân đến môi trường có chiều hướng tích cực hơn sau khi tham gia mô hình phát triển nông dân số

3,37

Đồng ý

5

Anh chị có tin rằng các vấn đề tác động xã hội là tích cực hơn sau khi tham gia mô hình phát triển nông dân số

3,69

Đồng ý

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra

Bảng 2 cho thấy, phần lớn các đối tượng tham gia vào mô hình đều đánh giá rất cao về hiệu quả đạt được sau khi tham gia vào mô hình phat triển nông dân số. Điểm trung bình mô hình đánh giá theo thang đo đạt 3,69, ở mức đồng ý.

Kết quả phân tích mô hình trong số Entropy

Bảng 3: So sánh tổng vốn sinh kế của 6 hình thức vốn của đối tượng nông dân nghiên cứu tham gia và không tham gia vào mô hình nông dân số

Phát triển mô hình nông dân số, cơ sở cho chuyển đổi số nông nghiệp tại khu vực Trung du miền núi phía Bắc
Nguồn. Kết quả tính toán của nhóm tác giả

Đánh giá tổng thế những ảnh hưởng của việc tham gia mô hình tới hiệu quả sử dụng 6 hình thức vốn tại Bảng 3 cho thấy, có sự khác biệt giữa nhóm đối tượng tham gia mô hình và không tham gia vào mô hình và có xu hướng đem lại hiệu quả sử dụng vốn nông dân hiệu quả hơn. Các loại vốn: Vật chất, Nhân lực, Kiến thức và kỹ năng, Xã hội, Thời gian đều cho thấy có hiệu quả hơn khi tham gia vào mô hình. Riêng vốn tài chính không có đủ cơ sở thống kê để kết luận.

Đánh giá khả năng nhân rộng mô hình trong vùng Trung du miền núi phía bắc Việt Nam

Kết quả sau 2 năm (2022-2023) triển khai mô hình mẫu cho nông dân khu vực tỉnh Thái Nguyên đã đem lại những tiến bộ rõ rệt. Thu nhập nhóm nông dân tham gia vào mô hình cao hơn so với nhóm không tham gia vào mô hình. Khi kết thúc chương trình, việc đánh giá tác động đến môi trường và xã hội khu vực nông thôn sẽ quyết định khả năng chấp nhận của người dân đối với mô hình và sự sẵn sàng tham gia vào các mô hình phát triển số tiếp theo. Kết quả khảo sát cũng đã cho thấy, đánh giá tác động tích cực đạt trên 3,5 điểm thang đó Likert, điều này cũng chứng tỏ sự đồng ý của nông dân tham gia mô hình là rất cao, vượt kỳ vọng của mô hình mục tiêu ban đầu đã đặt ra.

Kết quả đánh giá mô hình trọng số Entropy cũng cho thấy, nhóm nông dân tham gia vào mô hình phát triển nông dân số có khả năng sử dụng vốn nông dân hiệu quả hơn, đặc biệt là vốn thời gian (CAPt), vốn kiến thức và kỹ năng (CAPk) và vốn xã hội (CAPs). Đây là một trong những hiệu quả rõ ràng cho việc vận dụng các kiến thức, kỹ năng của mô hình phát triển nông dân số đem lai thông qua hoạt động đào tạo, thực hành của nhóm tác giả.

Với những kết quả trên cho thấy, Thái Nguyên là một tỉnh có nhiều đặc trưng của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Sau khi áp dụng mô hình đã đem lại kết quả tích cực và có giá trị lan tỏa cao. Do đó, việc nhân rộng mô hình ra toàn bộ các tỉnh thuộc khu vực Trung du miền núi phía Bắc Việt Nam sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp cho nông dân từ mục tiêu kinh tế đến văn hóa xã hội trong khu vực.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Nhằm nhân rộng mô hình ra các khu vực có điều kiện tương tự, từ đó hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp khu vực Trung du miền núi phía Bắc đạt kết quả cao, theo nhóm tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phát triển hạ tầng công nghệ và viễn thông

- Xây dựng hạ tầng viễn thông: Cải thiện và mở rộng hệ thống mạng viễn thông, đảm bảo kết nối internet ổn định và rộng khắp đến các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.

- Triển khai công nghệ thông tin (CNTT): Cung cấp các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh và các thiết bị IoT (Internet of Things) cho nông dân để họ có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ trong canh tác và quản lý nông nghiệp.

Thứ hai, đào tạo và nâng cao kiến thức cho nông dân

- Chương trình đào tạo kỹ năng số: Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng cơ bản sử dụng máy tính và thiết bị di động, khai thác thông tin từ internet, và sử dụng các phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp và kinh doanh.

- Hướng dẫn áp dụng công nghệ: Cung cấp các buổi tập huấn về việc sử dụng các công cụ, như: phần mềm lập kế hoạch, quản lý bán hàng, và các thiết bị canh tác tự động.

Thứ ba, hỗ trợ chính sách và nguồn vốn

- Chính sách hỗ trợ tài chính: Tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ tài chính từ các quỹ phát triển nông nghiệp, và các chương trình hỗ trợ của Chính phủ để nông dân có thể đầu tư vào công nghệ mới.

- Chính sách ưu đãi thuế: Áp dụng các chính sách miễn giảm thuế cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thứ tư, phát triển thị trường và chuỗi cung ứng

- Thúc đẩy thương mại điện tử: Hỗ trợ nông dân tham gia các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, nâng cao khả năng tiếp cận khách hàng và bán sản phẩm trực tiếp mà không qua trung gian.

- Kết nối thị trường: Xây dựng các kênh thông tin liên lạc giữa nông dân và các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng nông sản.

Thứ năm, ứng dụng công nghệ vào sản xuất

- Sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS): Áp dụng GIS để quản lý đất đai, phân tích và dự báo mùa vụ, cải thiện quy trình canh tác.

- Áp dụng công nghệ tự động hóa: Sử dụng máy móc, thiết bị tự động và cảm biến để theo dõi, kiểm soát quá trình sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác và chia sẻ kiến thức

- Xây dựng cộng đồng nông dân số: Tạo ra các cộng đồng trực tuyến cho nông dân để họ có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và cập nhật kiến thức mới về công nghệ và kỹ thuật canh tác.

- Hợp tác quốc tế: Kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia quốc tế để học hỏi và áp dụng các mô hình nông nghiệp tiên tiến từ các quốc gia khác.

Thứ bảy, nâng cao nhận thức về nông nghiệp số. Tổ chức các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích của nông nghiệp số và khuyến khích họ áp dụng công nghệ vào sản xuất./.

Tài liệu tham khảo

1. Thúy Hồng – Mạnh Cường (2021), Nhìn lại bức tranh kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Nhiều tiềm năng nhưng vẫn là “lõi nghèo” (Bài 1), truy cập từ https://baodantoc.vn/nhin-lai-buc-tranh-kinh-te-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-nhieu-tiem-nang-nhung-van-la-loi-ngheo-bai-1-1620717928803.htm.

2. Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2023.

3. Trần Chí Thiện (2013), Giáo trình Nguyên lý thống kê, Nxb Thống kê.

Ngày nhận bài: 28/3/2024; Ngày phản biện: 15/5/2024; Ngày duyệt đăng: 29/5/2024